TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tâm Sự Cây Chổi Cùn
 
Len mang ngay 2/9/2009





Nước Ngoài, Ngày… Tháng… Năm…
 
Thưa Ba Má,
 
   Đầu thư con xin kính chúc Bà Ngoại và Ba Má luôn có được sức khỏe dồi dào. Con cũng gởi lời đến thăm hai đứa em Rơm cùng Sậy cũng được vui mạnh. Đã lâu không viết thư, cho dầu lúc nào con cũng nhớ đến Ba Má, nhớ đến Ngoại và hai em. Đêm nay con dành chút thời giờ riêng, viết lên đôi hàng gởi về san sẻ nỗi lòng tâm sự của con cùng Ba Má.
   Con nhớ lại ngày hôm đó, vào khoảng thời gian của hơn hai năm trước, chị Nhựa đã từ thành phố trở về thăm lại gia đình của chị. Cả làng mọi người đều ra đứng ngắm nhìn chị ngẩn ngơ. Có người khen chị đẹp, nhưng cũng có người thì chê chị lòe loẹt và khoe khoang. Mái tóc đen và dài khi trước của chị đã được cắt ngắn gọn, thẳng hàng theo kiểu thành phố với màu vàng óng ả của từng sợi to cứng trông rất rắn chắc, con nhìn thấy mà ngưỡng mộ chị thật nhiều. Má cũng nhn ra được lòng con, Má cười và nói:
   “Con gái người ta tóc tai gọn gàng như thế kia; còn con gái cưng của má thì bím tóc đã to lại dài nữa. Bông Cỏ của Má, lại đây để Má chải lại mái tóc cho con nè!”
   Má chải tóc cho con, rồi thắt lại những sợi tóc dài mịn màng hãy còn thơm mùi cỏ dại thành từng bín gọn gàng. Má kêu con hãy nhìn vào gương, rồi Má nói:
   “Chổi Bông Cỏ của má bây giờ nhìn cũng đẹp ra đó chớ bộ! Con gái của Má năm nay đã mười bảy tuổi rồi đó biết chưa!”
   Má nhìn con rất hãnh diện, con e lệ lén trông gương. Má nói đúng thiệt đó! Con gái của Má trông ra cũng rất xinh xắn, cho dầu nhìn thì hơi quê mùa mộc mạc.
 
   Vài ngày hôm sau, Bác Hai Mối ở ngoài phố đến nhà thăm Ba rồi bàn tính chuyện gì đó. Con chỉ thấy Ba ngồi yên lặng lắng nghe với nhiều nét suy nghĩ trên gương mặt. Ba hỏi: 
   “Anh Hai nói chuyện đó là thiệt hả?”
   “Tôi có nói dối với ai bao giờ đâu! Chú nhìn thấy nhà của con Nhựa bên kia thì cũng biết rồi đó. Không chừng vài năm sau, thì nhà cửa của chú có thể còn ngon hơn hẳn những căn nhà chung quanh đây của người ta nữa là khác!”
   Bác Hai Mối đã ra về, trong khi đó thì Ba vẫn còn nhiều nét trầm tư đi vào phòng tìm Má tâm sự. Lần đầu tiên con nghe Má đã lớn tiếng cãi lại với Ba; Má bật tiếng khóc to rồi Ba cũng bỏ đi ra ngoài. Bà Ngoại chạy đến hỏi, Má lắc đầu không nói một lời, để rồi Ngoại cũng phải lặng lẽ bước xa. Tuy không biết chuyện gì đang xẩy ra, nhưng con nghe và thấy nên cũng đoán biết được là chuyện đó có liên quan đến con.
   Những ngày hôm sau Má không còn khóc nữa. Mà hình như là lúc nào Má cũng muốn ôm chặc con vào lòng nhiều hơn và lâu hơn trước. Trong vòng tay âu yếm đó, con nghe được tiếng nhịp tim đập thật buồn bã của Má khác hẳn với những lúc trước. Ba vẫn yên lặng và phân vân thật nhiều; Bà Ngoại cũng yên lặng và ít nói hơn trước. Ngoại vẫn thường ngồi ru em Sậy đang ngủ trên cái võng đu đưa nơi đó mà hò ơ những câu ca dao, nhưng sao con lại nghe được âm điệu thật là buồn não nuột.
   Buổi sáng, chị Nhựa đã cùng Bác Hai Mối đến nhà mình thật sớm. Chị Nhựa trông thật đẹp hơn trước nhiều, và hình như là chị đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Ba biểu con đi vào trong phòng thay quần áo mới để cùng chị Nhựa đi ra thành phố. Con rất ngạc nhiên cho dầu lúc đó cũng rất vui mừng trong lòng thật nhiều. Nơi cái xóm nhà quê nghèo nàn nầy, những đứa cùng trang lứa với con, đứa nào cũng đều mơ ước sẽ có dịp ra thành phố để nhìn thấy được cái ánh sáng muôn vạn màu sắc lộng lẫy nơi đó. Con không dám cãi lại lời Ba, nhưng cũng không dám hỏi thêm câu nào. Con gái ở nông thôn, quê mùa chất phác thì đứa nào cũng phải như vậy; nếu không thì hàng xóm sẽ chê cười nói là con gái mà cãi lại với cha mẹ là con gái hư. Má cũng không nói cho con biết chuyện gì sẽ xảy ra, mà chỉ lặng lẽ đứng chải lại mái tóc rồi quàng thêm mảnh vải vào vai cho con, Má khóc và nói từng lời như đứt đoạn:
   “Chổi Bông Cỏ của Má ơi!…Con ơi!...Xa nhà…con rán…coi chừng sức khỏe…Má xin lỗi con…vì đã…không lo được gì cho con.”
   Má lau nhanh giọt nước mắt, đưa con ra ngoài rồi quay vào trốn lại trong phòng. Má đã không chịu ra nhìn con lần cuối. Con trông thấy Ngoại cũng đang tựa mình bên cánh cửa mà chùi nước mắt; hình như là Ngoại cũng đang khóc. Chuyện gì xẩy ra hả Ngoại? Con đi ra ngoài thành phố…chỉ vài hôm thì sẽ về nhà mà! Em Chổi Rơm khờ khạo của con đứng ngơ ngác nhìn mà cũng không biết chuyện gì. Còn Bông Sậy thì hãy chưa thức. Bỗng dưng con cảm thấy sợ hải trong lòng, cố bập bẹ đôi lời rồi gào khóc với Ba:
   “Ba ơi!... Con không muốn ra thành phố nữa đâu… Con muốn ở lại nhà với Ba, với Má. Con sẽ giúp Má công việc ngoài vườn cho Má đở mệt. Con sẽ đấm bóp vào lưng Ba mỗi đêm cho Ba hết nhức lưng… Ngoại ơi! Ngoại nói với Ba dùm cho con đi, Ngoại ơi! Má ơi! Má ra cản Ba lại dùm cho con đi Má ơi!… Ba ơi! Con van Ba! Con lạy Ba mà…”
   Con chợt trông thấy hàng nước mắt của Ba chảy dài trên đôi má. Ba đã khóc? Đúng rồi! Ba của con lại thật sự đã khóc, nhưng mà sao Ba vẫn không nói với con một lời nào. Chị Nhựa đi tới một bên quàng tay vào vai con an ủi; Bác Hai Mối cũng đến nắm tay con dẫn dụ ra xe. Từ hôm đó con không được trở về thăm gia đình nữa.
   Thành phố phồn hoa lúc nào cũng tưng bừng náo nhiệt. Đèn cháy sáng cả ngày lẫn đêm trông thật khác hẳn với nơi quê nhà của mình, chỉ sống nhờ ánh sáng của trăng với sao vào đêm để soi đường dẫn lối. Nơi đây người ta tấp nập qua lại lúc nào cũng thật là đông đúc. Cùng chung trong một chuyến ra thành phố đó, con đã gặp được chị Chiếu Lát, Chiếu Bông con của thiếm Bảy Đan ở làng trên; Chị Nồi Đất con của chú Tư Sét ở xóm dưới… cho nên con cũng đã đở buồn, và không còn khóc nhiều nữa. Cũng nhờ các chị giãi thích nên con mới hiểu. Bởi vì hoàn cảnh sinh hoạt khó khăn của gia đình, Ba Má đã đành phải dứt tình mà bán gã con cho người nước ngoài. Con đã hiểu cho nên sẽ không bao giờ dám phiền trách gì nữa cả, mà chỉ hy vọng bây giờ Ba Má đã quét sạch được đám bụi nghèo đang bám chặt trên sân nhà.
   Hôm đó, có một số khách lạ đi vào nhìn tụi con. Con nhìn thấy một ông khách trạc tuổi với Ba đi đến gần. Ông ta đưa tay lên rờ trên mái tóc thắt bín của con, bổng nắm chặt rồi nhấc con lên cao, xoay quanh nhìn quẫn vào thân hình của con. Bà chủ chợt đi đến nói với ông một tràng tiếng gì đó con không biết. Bà chủ có vẻ lớn tuổi hơn ông chủ nhiều lắm. Ông chủ chỉ nhỏ nhẹ trả lời với bà bằng một nụ cười rất nham nhở. Lời qua tiếng lại với nhau một hồi, thì cả hai sau đó đã đồng ý mua con mang về nhà làm con ở.
   Từ giã chị em quanh đây thì con cũng buồn lắm. Nhưng mà… được người ta mua về nhà thì cũng tạm vui với lòng; vì ít ra là con cũng đã làm toại nguyện được ý mong muốn của Ba Má. Cho dầu ông chủ của con đã lớn tuổi, nhưng ông cũng chỉ biết thương yêu con một cách lén lút. Mỗi ngày ông chỉ sai con quét dọn trong nhà cho sạch bụi, rồi đặt để con nghỉ một bên góc phòng trong nhà. Tuy rằng nhà họ có lót gạch đi mát lạnh bàn chân, nhưng con vẫn cảm thấy cái nền đất của nhà mình còn mát dịu dàng hơn trên những bước chân nhảy đùa của tụi con thuở nào. Một bửa trưa nọ, đứa con mắc bệnh tâm thần của bà chủ đi vào, nhìn thấy con đang ở nhà một mình thì bắt lấy làm chổi chở hắn bay; như Phù Thủy với cây Chổi Thần trong truyện Công Chúa Bạch Tuyết. Con không biết phải làm thế nào cho vừa ý thì hắn lại nổi lên cơn giận dữ. Hắn nắm chắt lấy đầu rồi bức tóc con đứt ra từng nhóm nhỏ văng khắp nền nhà. Khiếp đảm quá Ba Má ơi! Hắn điên cuồng đã suýt làm con sắp ngất đi vì sợ hãi. Mai mắn thay, ông chủ chợt bước vào trông thấy được thì vội cứu con thoát ra khỏi tay của hắn. Người điên bực tức la hét vang lên cả nhà, làm cho bà chủ cũng phải chạy vào binh vực cho hắn. Bà mắng chửi ông chủ gì đó, rồi xông vào giành giựt con ra khỏi tay của ông. Bà mắng nhiếc con thậm tệ rồi ném con ra ngoài sân. Đau đớn, nhục nhã và tủi phận quá khiến con đã muốn chết đi, nhưng rồi nghĩ đến Ba Má và hai em cho nên con lại phải cố đứng lên để mà sống.
   Từ hôm đó trở đi, con không còn được phép vào bên trong gian chính của căn nhà ấy nữa. Mỗi đêm phải ra nằm ngủ chung với con Váng già đã rụng lông trong căn nhà lá nhỏ bên cái chái không có đủ cửa che ấm, khiến con phải lạnh run rẩy cả người. Nơi đây là chỗ cất giử nông cụ của gia đình ông chủ. Mỗi sáng, đứa con rể của ông đến lấy dụng cụ ra ngoài đồng cho đến chiều tối mới về hoàn trả lại. Ông ta sai con đi quét sạch những bụi bặm  
trên những nông cụ đó trước khi về nhà riêng của mình, sau khi để lại nơi đây một chút cơm nguội lạnh dư thừa, với đống xương vụn của bửa ăn trưa ngày hôm đó. Nhìn con Váng nhà nầy con bổng dưng nhớ đến con Dện của nhà mình. Tuy là nhà của mình có nghèo khổ đến độ nào, Ba cũng thương quí Dện mà luôn cho nó một chén cơm trắng, chan vào đó chút nước thịt kho, cùng vài cái đuôi cá dư trong buổi cơm chiều chung với gia đình. Ba nói với nó:
   “Dện à! Mầy cũng là một thành phần trong gia đình, thành thử ra tao có cái gì ăn được thì cũng sẽ chia cho mầy ăn. Nhưng mà… Dện mầy thì phải biết coi sóc lại nhà cửa dùm cho tao, không để cho đám chuột lắt đó vào trộm lúa của nhà, biết chưa?”
   Dện nghe lời dạy của Ba cho nên nó rất trung thành. Con cũng biết nếu làm được như vậy thì Ba sẽ vui trong lòng, và con cũng sẽ được Ba thương nhiều thêm; cho nên đã nhiều lần Ngoại và con cùng nhau rượt đuổi những con chuột lắt đó chạy bạt mạng ra khỏi cái bồ lúa trong nhà mà Ba không biết.
   Một đêm nọ, bên ngoài trời mưa rất to; con Váng nhà họ lại ăn nhằm phải thức ăn như thế nào mà đi bậy ngay trong nhà. Sáng dậy, đứa con rể của ông chủ đi đến, đạp phải thì lên tiếng mắng chửi Váng thậm tệ, lại còn hăm dọa sẽ giết nó làm thịt. Sau đó vẫn chưa hả giận, ông ta còn biểu con phải đánh Váng cho thật mạnh tay. Con rất đau lòng xót thương cho thân phận con chó già nầy. Mỗi ngày, chỉ trông chờ được miếng cơm thừa đầy xương của chủ bố thí mà phải làm bao nhiêu chuyện. Rồi còn phải bị hành hạ đánh đập nữa. Sau đó ông ta kêu con đi hốt phân của Váng, con nghe lời làm theo nhưng lại bị dính dơ vào mình. Ông ta nhấc con lên nhìn rồi lẩm bẩm chửi thề gì đó trong miệng, con không hiểu, xong ông lại đưa chân dơ với chiếc giày đã dính phân mà chà đạp mạnh lên đầu tóc con. Đau đớn quá, con đã ngất đi mà không biết việc gì xảy ra nữa. Chỉ biết là sau đó thì mình lại bị vứt ra phía sau nhà từ buổi sáng ngày hôm ấy.
   Phía sau nhà nầy, lần đầu tiên con nhìn thấy được thế giới bên ngoài. Con nhìn thấy được mảnh vườn nho nhỏ của một gia đình láng giềng khác ở bên cạnh. Con đã thấy được chị Nhựa đang nằm nghỉ kế bên một thùng rác đựng đầy lá khô gần đấy. Đầu tóc của chị thì lại dầy những ổ nhện bám và trông chị thật xác xơ. Lần đầu tiên chị Nhựa đã tâm sự với con. Bởi vì chị quá cứng cõi cho nên
bọn họ đã không cho chị vào trong nhà từ ngay ngày ban đầu. Mỗi ngày từ sáng cho đến tối, chị Nhựa phải quần quật với công việc chung quanh vườn. Ngày phơi với nắng, đêm về nằm phơi với sương bên ngoài. Chị nói là đã trãi qua rất nhiều nỗi bụi bặm trong cuộc đời… cũng giống như thân phận nầy của con. Nhờ chị mà bây giờ con mới rõ chuyện bên ngoài. Tất cả cũng vì đồng tiền mà ai cũng phải gánh chịu vào thân ít nhiều nỗi đắng cay. Đồng ruộng với vườn cây chung quanh đây cũng giống như nơi quê nhà có khác hơn gì đâu. Nếu có khác chăng, thì cây Chổi Bông Cỏ nầy của Ba Má đã hơn được cây Chổi Nhựa của nhà bên kia, là còn có được một mảnh nhà lá nho nhỏ để nó che mưa chống nắng…
   Buổi tối nơi đây, dưới ánh trăng con nắn gọt đôi dòng thư nầy gởi về cho Ba Má. Con chỉ muốn nói với Ba Má là lúc nào con cũng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của song thân. Ngày hôm nay con vẫn hảnh diện là cây Chổi Bông Cỏ của Ba Má. Cho dầu là có cực khổ đến thế nào đi nữa, con của Ba Má cũng sẽ cố gắng để sống trong một niềm hy vọng mới.
    Đêm đã khuya, nhìn lên ánh trăng và sao sáng trên bầu trời, con chợt nhớ lời ru thì thầm của Ngoại lúc con khóc. Ba Má ơi! Xin hãy để con hát ru lời thì thầm nầy cho Ba Má được yên lành trong giấc ngủ đêm nay.
   “Ầu ơ! Má ơi đừng gã con xa. Chim kêu vượn hú, a…à! Ầu ơ!, Chim kêu…vượn hú…(con)… biết nhà Má đâu?”
Con gái của Ba Má,
Chổi Bông Cỏ,
Lời tâm sự
    Sau khi đọc được bản tin “…51 cô gái đang trình diễn cho 5 người đàn ông nước ngoài xem mặt thì bị lực lượng cảnh sát ập vào bắt giữ vào sáng ngày 7 Tháng Bảy 2009…Hầu hết các cô gái bị bắt giữ đều có tuổi đời từ 18-30, có quê quán tại các tỉnh Ðồng Bằng Sông Cửu Long như: An Giang, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ...” Rồi trông thấy được những hình ảnh đó…tôi cảm nhận ra chữ buồn đang ở trong lòng nên viết thay đôi dòng cho Tâm Sự Cây Chổi Cùn nầy.
 
 
Viết tại California, tháng 7 năm 2009
 
LTL, NLSCT 69-74
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780412 visitors (2069823 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free