TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nghệ thuật hát bội
 
Xuân Nhâm Thìn

NGHỆ THUẬT HÁT BỘI

 

     Lần đến Trung Hoa, tôi được thưởng thức nghệ sĩ trình diễn Beijing Opera trên sân khấu ở Bắc Kinh thật điêu luyện, khiến cho tôi liên tưởng đến nghệ thuật Hát Bội của mình. Hát Bội là một nghệ thuật sân khấu trình diễn cao với nhiều nét đẹp cổ xưa nhưng ngày nay gần như bị mai một. Nghệ thuật vẽ mặt của Hát Bội mang một nét rất đặc biệt khéo léo dùng những đường nét riêng biệt khác nhau của màu sắc để nói lên trạng thái, vai trò của nhân vật là biểu tượng căn bản tuyệt vời cho nghệ thuật Hát Bội.
     Hát Bội du nhập đến Việt Nam từ thế kỷ thứ 13 từ Trung Hoa, khi ấy là triều đại nhà Thanh, nên trang phục, tuồng tích, cách diễn tương tự như “Bắc Kinh Kịch Nghệ”. Hát Bội còn gọi là Hát Bộ. “Bộ” đây là “Điệu Bộ” theo khuôn phép. Có người cho rằng “Bội” nghĩa là ý chính khi dựng lớp nhập vai nhơn lên “Gấp Bội” theo từng nhân vật.
     Nghệ thuật vẽ mặt của Hát Bội là một tinh tuý xuất phát từ Kinh Kịch của Trung Hoa từ xa xưa thuở thời nhà Tùy đến nhà Đường. Lúc đó trong các buổi tế lễ người ta hay dùng những mặc nạ trông rất dữ tợn để xua đuổi ma quỷ vì có sự tin tưởng rằng loài quỷ dữ chỉ sợ những gì hung tợn hơn chúng. Mãi cho đến đời nhà Minh, nghệ thuật sân khấu dần dà biến đổi theo thời gian nên phong cách nghệ sĩ phát triễn và cải thiện khiến nó trở thành những quy ước chặc chẽ hơn. Qua thời nhà Thanh thì nghệ thuật hoá trang cho các vai trò của nghệ nhân được hoàn chỉnh thật trang trọng.
     Hình thức trang điểm, cách vẽ, pha màu, đường nét đậm nhạt cho nghệ nhân từng vai diễn đòi hỏi tài nghệ chuyên môn nên cần phải dầy kinh nghiệm. Màu sắc và cách trang điểm nói lên tánh tình, nhân sinh quan, đạo đức của nhân vật. Sắc mặt đỏ biểu hiệu cho sự can đảm, tận tuỵ, ngay thẳng. Đen tượng trưng cho người hung tợn, mạnh mẽ. Vàng là tham vọng, mạnh mẽ, trầm tính. Xanh là trung thành, mạnh mẽ, sắc sảo. Trắng thiên về độc ác, lừa lọc, đa nghi, xảo trá. Tím thì trầm tĩnh, liêm chính. Còn màu bạc hay vàng anh thì biểu tượng cho thần linh và thượng đế. Do những quy định về màu sắc mà người xem biết mình đang đối diện với những nhân vật nào trên sân khấu. Kẻ trung, người nịnh, ai minh chánh, kẻ gian tà đều hiện rõ dưới ánh đèn sân khấu.
     Sân khấu Hát Bội mang đầy vẻ ước lệ, dầy dặn nghệ thuật, giọng hát phải chuẩn mực, trầm bổng, hùng hồn, hay bi ai hàm xúc. Thuở xưa chưa phát minh ra điện, không có hệ thống máy phát đại âm thanh mà sân khấu Hát Bội là những nơi công cộng như chợ búa, miểu, đình… thật ồn ào, cho nên nghệ sĩ phải vận dụng hơi bụng phát âm ngân dài để lôi cuốn sự chú ý của người xem. Y trang sặc sỡ đối chọi để bắt mắt mọi người với nghệ thuật trang điểm thật lộng lẫy độc đáo của từng nhân vật. Động tác diễn xuất với quy ước sân khấu được bố trí bằng khuôn thước chuẩn mực. Tuồng tích phóng tác theo kinh điễn giáo dục lối Trung Hoa trích từ các pho truyện như Ngũ Hổ Bình Tây, Tam Quốc Chí… nói lên trung, hiếu, tiết, nghĩa, luân lý, đạo đức trong đời sống.
     Nghệ thuật sân khấu Hát Bội đòi hỏi kiến thức lãnh hội của người xem lẫn người diễn. Sân khấu Hát Bội có 2 cửa buồng, cửa đi ra là cửa buồng sanh và cửa đi vào là cửa buồng tử. Diễn viên khi ra sân khấu phải ra ở cửa buồng sanh, người thủ vai trung thần khi chiến thắng trở về phải đi vào cửa buồng sanh. Cửa buồng tử được sử dụng cho tất cả mọi người để đi trở vào và cũng dành cho người đi đánh giặc chết chạy vào. Các buồng sanh, tử được chia làm 4 góc, 2 góc thượng và 2 góc hạ. Khi diễn viên đi một vòng tròn trên sân khấu, khán giả phải tưởng tượng người đó vừa qua sông. Khi nghe hát câu chim kêu, vượn hú, cá lội, chiếc cầu… miêu tả cảnh vật thì người xem phải tưởng đến các cảnh vật có mưa bay, giông tố, liễu rũ…
     Khó nhất của Hát Bội là không được duy trì vì hiện nay không có giới thưởng ngoạn. Tuy là một tinh túy văn hoá dân tộc nhưng Hát Bội bây giờ không còn hợp thời nữa. Bởi vì điệu hát quá khác xa với những điệu hát đang thịnh hành. Điệu hát Nam xuân, Nam ai, Xuân nữ, Khách, Tấu mã, Bạch, Xướng… theo điệu kèn, tiếng trống, nhịp mõ, đờn xưa… trở nên lạc lõng xa lạ đối với người đương thời.
 
Trần V Diên CT 70-73 ngày 21/12/2011
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855274 visitors (2218114 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free