Lên mạng ngày 17/12/2010
Kỷ Niệm Chuyến Du Sát Rạch Giá 1966
Học ở trường trung học nông lâm súc Cần Thơ ngoài việc thực tập trong trường, vùng ven trường, hàng năm chúng tôi còn được nhà trường cho đi du sát ở các tỉnh. Hè năm 1966 sau khi học xong năm đệ nhị trường tổ chức cho lớp chúng tôi đi du sát Rạch Giá .
Biết tôi có thân nhân ở Rạch Giá nên thầy Lê Quan Hồng xử lý thường vụ hiệu trưởng (tạm thay thầy hiệu trưởng Trần Hiệp Nam vừa chuyển đi nhưng Nha Học Vụ Nông Lâm Súc chưa cử người thay thế) giao cho tôi đi trước để lo chỗ ăn chỗ ở và chỗ du sát cho đoàn.
Đi một mình cũng ngại, tôi xin cho anh Phạm Lục Hòa học lớp đệ tứ cùng đi chung để hỗ trợ nhau (chúng tôi quen nhau được gần một năm vì tôi là tổ trưởng của nhóm IVS, International Voluntery Service, còn anh Hòa là tổ viên).
Thầy gọi chúng tôi đến trao cho chúng tôi một số tiền, giấy giới thiệu liên hệ tòa hành chánh tỉnh Kiên Giang và dặn dò một số công việc .
Sáng sớm chúng tôi đến Bến Xe Mới để mua vé về Rạch Giá nhưng xe đã hết chỗ nên đành đứng ở phía sau (Chiếc xe có khoảng hai mươi chỗ ngồi, phía sau tài xế có khoảng 2 tới 3 băng liền. Băng là khung sắt đan kết bằng những sợi ny lông ngang dọc. Phía sau có 2 cánh cửa sắt cao khoảng 5 tới 6 tấc có 2 băng xuôi khung sắt mặt băng lót nệm cứng).
Khi xe qua cua quẹo lộ tẻ Rạch Giá, vừa qua khỏi cầu zero xe đụng phải chiếc xe du lịch hướng Rạch Giá qua cả 2 chiếc kính bị bể nát, trên hai xe đều có người bị thương. Tôi và anh Hòa vì đứng phía sau nên chẳng bị gì, chỉ trầy xước sơ nên đón xe khác đi tiếp.
Gần trưa xe đến Rạch Giá, vừa qua cổng Tam Quan chúng tôi kêu xe ghé ngả tư Tin Lành (thời điểm này xe ít và không bị phạt nên ghé thoải mái tại các điểm trong tỉnh lỵ), tôi và Hòa đến nghỉ nhà cậu ruột của tôi ở cuối đường Chi Lăng khu nhà máy cháy.
Đầu buổi làm việc chiều theo sự chỉ dẫn của người thân, chúng tôi lội bộ ra đường Nguyễn Trung Trực đến cây cầu đúc đi thẳng, qua một cầu nữa rồi rẻ trái đến tòa hành chánh tỉnh Kiên Giang .
Vào tòa hành chánh Tỉnh chúng tôi được một viên chức tiếp đón rất niềm nở. Ông giới thiệu chúng tôi chỗ ăn, ở và những nơi cần đến .
Chỗ ăn là quán cơm xã hội Gió Ngàn Phương gần cầu đúc phía đầu đường Nguyễn Trung Trực còn chỗ ở là chùa Tam Bảo cách khoảng 200 mét gần ngả tư Tin Lành (trước 1975 các tỉnh lỵ đều có quán cơm xã hội do chính phủ cấp cơ sở và tài trợ kinh phí; thực khách tự phục vụ, cơm thì miễn phí, chỉ trả thức ăn theo ý thích với giá thật rẻ).
Đến Gió Ngàn Phương chúng tôi gặp cô Hai Nhạn tuổi độ trung niên, dáng người mập mạp, cao và khuôn mặt rất phúc hậu. Cô đồng ý nấu ăn cho đoàn trong 2 ngày với giá nhẹ nhàng. Xong vào chùa Tam Bảo, các sư cô ở đây rất ân cần với sự nhiệt tình cho tạm trú miễn phí.
Chúng tôi ra bưu điện để điện thoại báo cáo về Trường. Xong tôi đưa Hòa ra bến xe về lại Cần Thơ để hướng dẫn đoàn qua Rạch Giá, còn tôi ở lại đây chờ.
Hôm sau tôi đến quán Gió Ngàn Phương cô Hai Nhạn gợi ý sẽ cho đoàn ăn món ghẹ xào cà chua và dưa leo (vào lúc này ghẹ rất rẻ một con ghẹ lớn luộc rao bán theo xe chỉ tương đương giá 1 trứng vịt lộn, còn dân ở xứ biển này khi muốn ăn mua về luột ăn, có khi ăn nhiều đến say máu ngà chứ không biết chế biến gì khác). Nghe qua ý kiến của cô vừa trình bày rất hợp lý nên tôi đồng thuận ngay.
Khoảng 3 giờ chiều thì đoàn đến trên chiếc xe buýt màu
Vàng cam của Trường. Tất cả khoảng 40 người gần đủ cả 2 lớp canh nông và mục súc và một số bạn ở lớp dưới. Trưởng đoàn là thầy Nguyễn Văn Thước quen thuộc có vị hôn thê của thầy cùng đi. Sau khi các bạn xuống xe xong, bác tài xế lái xe quay về Cần Thơ.
Tôi hướng dẫn đoàn vào chùa Tam Bảo, các ni sư đã chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi ở hậu điện. Các bạn nam được chỉ định trãi chiếu nghỉ dưới đất, ưu tiên cho các bạn nữ là sạp gỗ phía bên trong. Khu nhà tắm cho bạn nam ở gần giếng phía sân sau chùa. Còn các bạn nữ thì có phòng dành riêng khi tắm mỗi người tự xách nước vào.
Đến chiều chúng tôi vào quán Gió Ngàn Phương thưởng thức bửa cơm no nê với các món hải sản thật ngon lành.
Bình minh đến sau khi bữa ăn sáng tự túc, tôi hướng dẫn đoàn đi ngược về hướng Rạch Sỏi qua cổng Tam Quan rẻ phải tiến về phía Vườn Dừa, những cây dừa ken dày, gió biển mát mẻ, phía ngoài biển phong cảnh rất đẹp phía nam là dãi đất liền của Miệt Thứ, chính giữa là các đảo. Nhưng ở đây là biển bùn, các chủ vườn giải thích mỗi năm biển bồi ra ngoài từ 10 đến 20 mét. Các chủ vườn có phục vụ tại chỗ, móc dừa xuống bán. Ngồi nghỉ mát xong chúng tôi lội ngược ra đường Nguyễn Trung Trực hướng về phía chợ Rạch Sỏi lội hơn một cây số nữa đến khu lưu niệm mộ Hội Đồng Suông. Đây là khu mộ xưa của gia đình giàu có, bên trong có đường hầm trang trí nhiều hình được kết từ sành sứ rất đẹp, mỗi một cảnh diễn tả lại một chuyện xưa tích cũ. Rời Khu mộ chúng tôi lội ngược về Rạch Giá đến gần cổng Tam Quan rẻ phải xuống bờ sông đến thăm chùa Láng Cát một ngôi chùa Khmer cổ. Bên trong có nhiều tượng phật, bên ngoài là vườn cây cổ thụ mát mẻ.
Buổi trưa về ăn uống và nghỉ ngơi.
Khoảng 3 giờ chiều đoàn tiếp tục đi về phía chợ, qua khỏi tòa hành chánh tỉnh đến thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực vị anh hùng chống Pháp, nơi đây là pháp trường thực dân Pháp xử tử hình người anh hùng ái quốc này. Chúng tôi đi tiếp ra cuối đường là con đường dọc theo bãi biển, nhìn ra biển là Hòn Tre rất đẹp trông như con rùa đang bơi ngoài biển nên nhân dân còn gọi là hòn Rùa. Cặp theo đường ven biển về bên phải (bên trái là cửa biển) là sân vận động rồi đến trường trung học Nguyễn Trung Trực. Chúng tôi đi qua khỏi trường thăm đoạn đê biển được xây lên để chống xói mòn và chống ngập nước cho khu dân cư lao động thấp trủng bên trong khi thủy triều dâng.
Buổi sáng ngày cuối của chuyến du sát chúng tôi được tự do để đi mua sắm, hơn 10 giờ tập trung ăn buổi cơm cuối ở quán Gió Ngàn Phương. Trong 2 ngày ở đây chúng tôi được ăn uống ngon lành với những món hải sản thật khoái khẩu, cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại chúng tôi hãy còn nhớ ơn cô Hai Nhạn vô cùng. Gần 1 giờ chiều xe trường đến, chúng tôi từ giả các ni sư chùa Tam Bảo ra về. Hai đêm ở đây chúng tôi ngủ rất ngon có lẻ nhờ cảnh chùa thanh tịnh và phần vì thể dục lành mạnh là cuốc bộ liên tục.
Lúc xe đến, trên xe có thêm hai vị giáo sư nữa. Dọc đường xe lại ghé trạm thủy nông Tân Hiệp để chúng tôi quan sát khối máy bơm thật lớn bơm nước vào cánh đồng Tân Hiệp bao la bát ngát tận chân trời.
Chiều tối xe về đến trường mọi người đều reo vui cho một chuyến du sát thật vui vẻ và rất thú vị. Nhưng có lẽ người vui nhất là tôi vì mới mười mấy tuổi đầu được Trường giao cho nhiệm vụ rồi tôi thi hành tốt đẹp đầy ấn tượng.
Mùa Xuân 2010, tôi về thăm Rạch Giá, đã thay da đổi thịt nhiều. Quán cơm xã hội Gió Ngàn Phương biến thành nhà hàng Hải Âu sang trọng, Vườn Dừa nay là một đoạn đâu đó của công viên Lạc Hồng trong khu lấn biển rộng lớn, sân vận động đổi tên là bến tàu cao tốc Rạch Giá - Phú Quốc.
Thời gian trôi quá nhanh!
Vật đổi sao dời,
Bãi biển hóa cồn dâu!
Nhưng với tôi tình thầy trò, tình bạn Nông Lâm Súc vẫn mãi mãi tốt đẹp và cao quý!
Huỳnh Thiện Chánh 63-67(MS) mùa xuân 2010