Lên mạng ngày 4/2/2010
DUYÊN NỢ VỚI LÚA THẦN NÔNG
Trần Cẩm Tuyến
Qua Nội San Nông Nghiệp các kỳ trước, quý bạn có dịp đọc một số bài đề cập đến Cách Mạng Xanh với lúa Thần Nông thực hiện tại Miền Nam Việt Nam trước 1975. Quý vị viết bài là các giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, chuyên viên nồng cốt, có thẩm quyền của Bộ Nông Nghiệp, chú tâm nghiên cứu các dự án cần thiết để phát triển trồng lúa Cải Thiện, tăng năng xuất lúa tại Việt Nam. Các dự án này được mô tả từ “Thượng Tầng Cơ Sở”, khi có sự tham luận, can thiệp giữa các thẩm quyền VN và Mỹ để giống lúa IR8 từ viện IRRI được du nhập vào VN. Sau đó được giáo sư Tôn Thất Trình, nguyên Tổng Trưởng Bộ Nông Nghiệp đặt tên là lúa Thần Nông.
Các bài viết trên đã nhắc nhớ cho tôi một khoản thời gian với nhiều kỷ niệm thích thú khi được tham gia một phần nhỏ vào chương trình phát triển trồng lúa Thần Nông tại Miền Nam nước Việt qua các giai đoạn học trồng lúa, phổ biến kỹ thuật trồng lúa Thần Nông từ “Hạ Tầng Cơ Sở”.
Tôi xin kể lại vài kỷ niệm vui trong phạm vi Hạ Tầng Cơ Sở khi tôi bắt đầu có duyên nợ với cây lúa.
Thuở ban đầu, khi tôi chưa biết yêu … lúa. Lúc đó chỉ có lúa địa phương cao dàn, lúa xạ, lúa nổi, lúa rẫy … năng xuất rất thấp, cày cấy gian lao khó nhọc …! Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa …! Vừa lao động cực khổ, vừa phải :
Trông Trời, trông Đất, trông Mây,
Trông Mưa, trông Gió, trông ngày, trông đêm …!
Nếu mưa không thuận, gió không hòa, gặp hạn hán hay bão lụt thì mất mùa, đói khổ. Trồng lúa không có gì hấp dẫn. Nhưng người nông dân VN rất cần cù, kiên nhẫn. Mất mùa, đói khổ vẫn không sờn lòng. Sau cơn mưa bão trời lại sáng, nhờ đó những năm được mùa đã tạo cho quê hương phong cảnh xinh đẹp qua những cánh đồng xanh tươi, những ruộng lúa vàng thơm ngát. Hoạt cảnh những đêm trăng giã gạo vang vọng câu hò tiếng hát mộc mạc trữ tình của gái trai trong làng, và điểm then chốt là những bát cơm hàng ngày. Từ cơm nhà nghèo, gạo xô ăn với rau mắm, đến cơm nhà giàu, gạo Nàng Hương chợ Đào, gạo Gie An Cựu … ăn với nem Công, chả Phượng, với tôm rằn lột vỏ, bỏ đuôi … hay gì gì đi nữa thì cơm gạo vẫn là “nền tảng” trong đời sống của người VN. Vì vậy, dù cho xã hội đề cao Nhất Sĩ, Nhì Nông, nhưng hết gạo chạy rông thì cũng Nhất Nông, Nhì Sĩ.
Vậy mà, khi vào học Canh Nông, tôi rất thờ ơ với lúa. Rồi đến khi đi tập sự Canh Nông, lội ruộng tại Trà Vinh bị đỉa đeo, tôi càng ghét lúa hơn. Rồi vì “ghét của nào trời trao của ấy”. Tháng 4 năm 1968, đang làm Khuyến Nông tại Huế, tôi được lệnh về Sàigòn dự khóa tu nghiệp trồng lúa Cải Thiện. Đây là khóa huấn luyện đầu tiên dành cho nhân viên Khuyến Nông, Canh Nông tại các tỉnh trên toàn quốc. Khóa học do KS Trần Đăng Hồng dạy lý thuyết tại Sàigòn và thực hành tại Trại Lúa ở Cù Lao Phố, Biên Hòa.
Được biết KS Hồng đã trồng thí nghiệm lúa Thần Nông từ 1966, có kết quả tốt, được USAID vùng cho máy bay chở nông dân từ các tỉnh lân cận đến quan sát. Ngày lễ Nông Dân 26-3-68 được đề cử hướng dẫn T.T. Thiệu cấy lúa Thần Nông để phát động nông dân trồng lúa T.N. Phóng ảnh KS Hồng cấy lúa với T.T. Thiệu được phổ biến khắp nơi. Từ trang bìa Tờ Ruộng Vàng của sở Thông Tin Quảng Bá Nông Nghiệp, đến các tấm vé số Kiến Thiết Quốc Gia … và trong nhà của KS Hồng đương nhiên có lưu trữ tấm hình đó … cho đến ngày 30-4-75, trong lúc KS Hồng đang du học tại Anh Quốc, gia đình ở VN sợ liên lụy đã đốt sạch các “chứng tích tội ác của Mỹ Ngụy” ! KS Hồng nay là tiến sĩ, tiếc vô cùng tấm ảnh kỷ niệm dành cho con cháu mai sau. Có điều T. Sĩ Hồng cần biết là nếu hồi 75 mà KS Hồng còn ở VN thì với tấm hình quý giá đó, chắc Ksư sẽ được cộng sản mời đi học tập dài hạn, cực khổ hơn trồng lúa và chắc chắn là khó hơn học lấy bằng tiến sĩ nhiều !
Xin trở lại chuyện khóa huấn luyện trồng lúa Cải Thiện. Chương trình huấn luyện được chuẩn bị rất chu đáo, nhất là phần thực tập tại trại lúa Biên Hòa. Khóa học chỉ 12 ngày; từ 9 đến 20 tháng 4 năm 1968, mà học viên được thực tập qua hết các giai đoạn cần thiết từ gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, rải phân, phun thuốc sát trùng, quan sát sâu bệnh và các giai đoạn tăng trưởng của lúa … và có sẵn lúa đã chín để gặt, đập. Chu kỳ sinh trưởng của lúa TN8 là 120 ngày.
Nhờ có hiện trường xếp đặt khoa học, giảng viên hướng dẫn rành mạch lôi cuốn, học viên mạnh dạn dấn thân lội bùn, nhổ mạ, cấy lúa thẳng hàng, làm cỏ, bắt sâu … thầy trò cùng xông xáo lao động trong bầu không khí thân mật vui vẻ. Lúa Thần Nông trở nên quyến rũ, hấp dẫn. Khóa học rất thành công, kết thúc trong tinh thần tin tưởng, phấn khởi. Thế là “Rồi từ đó tôi yêu … lúa” !
Trở về địa phương với dự án mới trong niềm tin vững vàng. Chọn các nông dân xuất sắc trong công tác Khuyến Nông, nhiệt tình tham gia trồng lúa TN. Ngay vụ trình diễn đầu tiên, lúa TN8 tăng trưởng tốt đẹp, nông dân vui mừng phấn khởi. Gần đến ngày thu gặt, một trận lụt khá lớn tràn ngập ruộng vườn, làng xóm … , cộng sự viên âu sầu, lo lắng ! Nước rút, lúa địa phương ngã rạp, hư hại, còn trơ lại đám lúa TN8 vẫn đứng vững nhờ thấp giàn và thân chắc. Chứng minh thêm một ưu điểm của lúa Cải Thiện.
Lợi dụng cơ hội, tôi thảo kế hoạch tuyên truyền. Một mặt định ngày triệu tập nông dân trong làng và các làng phụ cận đến điểm trình diễn để mắt thấy, tai nghe về những ưu điểm của lúa Thần Nông. Mặt khác, gửi báo cáo cho Tỉnh. Tỉnh Trưởng đọc báo cáo thấy “chuyện lạ” bèn chỉ thị : sẽ đến dự buổi tập họp. Quyết định này làm cho phần hành An Ninh của Tỉnh lo lắng ! Họ phiền trách : Cái cô Nông Nghiệp này “điếc không sợ súng” ! Bày đặt chuyện rắc rối ! Thế là họ phải khẩn báo cho Quận địa phương. Quận phải cho lính đi tảo thanh quanh vùng để bảo vệ an ninh. Ngày hôm đó, ô. Tỉnh Trưởng cùng với cố vấn quân sự Mỹ đến địa điểm này bằng trực thăng. Dân làng đứng bao quanh ruộng lúa TN. Quan và dân có dịp chuyện trò và rất hài lòng tin tưởng vào tương lai phát triển lúa Thần Nông tại địa phương. Sau đó, thừa thắng xông lên, tôi xin Tỉnh biệt phái cho một chiếc xe Dodge nhà binh có loa phát thanh để Ty Nông Nghiệp phát động chương trình cho vay trồng lúa TN tại các Quận, Xã. Chiếc xe Dodge được trang hoàng những bó lúa TN8 trĩu hạt, cùng với 2 băng vải lớn vận động nông dân trồng lúa Thần Nông được kết hai bên thành xe. Loa phát thành ngoài phần cổ động trồng lúa còn đệm nhạc vui Đồng Quê, nào là Khúc Ca Ngày Mùa, Giã Gạo Đêm Trăng, Gánh Lúa ... Đoàn “Cải lương” lúa Cải Thiện đến địa phương nào cũng được bà con nông dân đến ủng hộ đông đảo. Nhờ có phương tiện nhất là xăng nhớt của Tỉnh cung cấp dư dả, chúng tôi đi khắp các quận xã xa xôi, đường dài khá mệt nhưng kết thúc thành công nên rất vui.
Tháng 5-69 tôi được cử đi tu nghiệp khóa trồng lúa tại viện IRRI, Phi Luật Tân 6 tháng. Khóa này gồm 35 học viên từ 14 nước tham dự, đặc biệt chỉ có mình tôi là phụ nữ ! Về lại VN, tôi được bổ xung vào Ban Giảng Huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện sản xuất lúa tại Sàigòn.
Sau một thời gian ngắn, tôi tình nguyện về trại lúa Hiệp Hòa, nơi tôi khởi đầu duyên nợ với lúa TN. Thuở đó, nơi đây về đêm không được an ninh lắm nên cả Nông Xã Cải Thiện và Trại Lúa đều không có ai thường xuyên trực tiếp phụ trách. Tình nguyện về đây, tôi ỷ y mình là phụ nữ, và cũng thuộc loại “điếc không sợ súng”, và thời gian công tác tại trại lúa là lúc tôi cảm thấy thích thú, thoải mái nhất. Tôi được sống trong khung cảnh thôn quê, êm đềm tĩnh mịch. Mỗi sáng sớm thong thả đạp xe từ Nông Xã ra trại lúa mất chừng 10 – 15 phút. Làm đủ mọi công tác cần thiết. Trưa đạp xe về ăn cơm, nghỉ ngơi rồi trở ra trại làm việc đến chiều mát, cùng về với nhân công. Tôi không phải bận tâm về nấu nướng, vì được mẹ tôi “biệt phái” một chị giúp việc từ Huế vô để săn sóc cơm nước.
Sự thường xuyên có mặt tại trại, giúp việc chuẩn bị cho các khóa huấn luyện thực tập được dễ dàng và hữu hiệu hơn, có sự liên hệ chặt chẽ hơn với các cơ quan bạn như Viện Khảo Cứu, Sở Bảo Vệ Mùa Màng … giúp phương tiện, hợp tác lập điểm thí nghiệm quan sát : giống lúa, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ, phân bón … và tôi cũng có cơ hội học hỏi thêm.
Điểm đáng kể là khoảng một năm sau, trại lúa sản xuất dư lúa để trả thế tiền thuê đất mà từ trước trung ương phải trả bằng tiền. Đó là nhờ đã canh tác tối đa khu sản xuất, và có kiểm soát lúa xuất nhập kho phân minh nên không bị thất thoát.
Ngoài những niềm vui qua các kết quả trong công tác, tôi còn có được những kỷ niệm vui thích phụ thuộc chỉ có được ở trại lúa Hiệp Hòa mà thôi. Ví dụ : sau vụ gặt đầu tiên 2 giống lúa TN 20 – 22, tôi tổ chức một buổi thử cơm TN tại trại, mời các nhân viên Trung tâm lúa Sàigòn về tham dự, hình như có k.sư Nhơn, cô Tố Nga, các ông Đức, Lương Châu, Phương … cùng với tôi và các nhân công của trại. Buổi tiệc gồm có 2 nồi cơm TN 20 và TN 22, một soong cá linh kho, bầu non tươi (của ông Năm già trồng bên gò ruộng) luộc chấm với hột dzịch (vịt) dầm nước mắm ớt. Gạo TN 20 – 22 hạt nhỏ, mềm cơm ăn với bầu luộc, cá kho bình dân giản dị sao mà đậm đà ngon miệng quá ! Ai cũng khen ngon, không biết do gạo mới ngon cơm hay nhờ cá với bầu … bây giờ nhắc lại cũng còn thấy ngon !
Một lần khác, nhân dịp tất niên, tôi đề nghị Trưởng Trung Tâm Lúa là k.sư N. Đ. Giang mời khách Nha Canh Nông, Khuyến Nông và các phối hợp viên USAID cùng toàn thể nhân viên Trung Tâm Lúa về Trại Hiệp Hòa ăn tiệc tất niên với món gà đốt rơm. Anh Giang nghe tôi quảng cáo sẽ đốt gà chin trong 5 phút thì bán tín bán nghi, nhưng nể mất lòng, cũng mời đủ mặt quan khách, và khi đến trại thì anh nói riêng để trấn an là có mua phòng hờ 3 con vịt quay chợ Cũ ! Tôi cũng hơi lo nhưng nhất quyết thực hiện món đốt gà đặc biệt mà tôi ghi khắc trong trí nhân dịp đi thực tập về Côn Trùng Học với thầy Nguyễn Văn Đàm tại Tây Ninh từ hơn 10 năm trước, do một nông dân khoản đãi, nay mới có cơ hội thử nghiệm. Nguyên tắc đốt gà rất giản dị, nhưng điều kiện cần thiết là lượng rơm bao phủ thùng đốt trong 5 phút khá nhiều, và địa điểm phải trống trải, xa cây cối, nhà tranh, để hơi nóng và tàn lửa rơm không gây thiệt hại. Gà nguyên con ướp gia vị, kẹp vào một cọc tre ngắn, cắm đứng vào đất, dùng thùng thiếc (loại thùng dầu lửa 20 lít thời đó) úp kín gà, miệng thùng giáp sát đất thật kín là bí quyết để giữ hơi nóng tối đa. Nhờ có Thần Nông phù hộ, kết quả rất tốt đẹp. Đúng 5 phút, gà chín vàng, thơm ngon ! Tôi mừng quá ! Quan khách ngạc nhiên, thích thú ! Vậy là buổi tiệc linh đình, có 3 con gà đốt rơm nóng hổi của trại lúa và 3 con vịt quay nguội béo bở của chợ Cũ. Vui quá chừng !
Từ đó, thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần, tôi có bà con, bạn bè từ Sàigòn đem gà ướp gia vị sẵn về Trại Lúa đốt rơm, ăn “Picnic” vui chơi thoải mái.
Khoảng 2 năm, sinh hoạt Trại Lúa càng ổn định, “thóc lúa đầy bồ”, bên Nông Xã Cải Thiện thấy tôi An Cư Lạc Nghiệp nên cũng có Quản Đốc về lãnh nhiệm sở. Rồi tình hình nhân sự ở Trung Tâm Lúa Sàigòn đổi khác, nhận biết thời thế, tôi tình nguyện nhường chỗ cho một kỹ sư trẻ cần có một nhiệm sở để được miễn dịch.
Về lại Sàigòn, ngoài phần phụ giảng các khóa huấn luyện, tôi lãnh thêm công tác theo dõi các điểm Trình Diễn Lúa TN trên toàn quốc. Được dịp đi thăm viếng các tỉnh khắp 4 vùng chiến thuật là điều rất hợp với sở thích phiêu bạt giang hồ, tôi càng vui thích hơn. Những chuyến công tác về địa phương rất vui, chẳng khác gì đi du lịch về miền quê, vừa gặp được nhiều bạn cũ, quen thêm bạn mới trong gia đình Nông Nghiệp, được quan sát, giải quyết và học hỏi thêm nhiều điều hữu ích. Nhớ nhất là những chuyến công tác đặc biệt về các vùng kém an ninh, phải đi máy bay quân sự đến các Ty Nông Nghiệp Pleiku, Kontum … trồng lúa Rẫy. Có Ty chưa bao giờ thấy mặt nhân viên Trung Ương nên được tiếp đón rất thân tình. Trưởng Ty Kontum dặn lần sau lên công tác nhớ cho biết sớm, bạn sẽ cho voi chở đi thăm lúa Rẫy trong các Buôn xa … nghe hấp dẫn quá ! Phải chi mấy “Ông Kẹ” đừng vô quấy nhiễu, xâm chiếm Miền Nam thì thế nào tôi cũng có dịp “cỡi voi xem lúa” để khoe với bạn bè, bà con, con cháu !
Một chuyến công tác rất gần ngày mất nước, ông Cố Vấn quân sự Canh Nông Mỹ tỉnh Bình Long, rủ Trung Tâm Lúa đi viếng điểm trình diễn Lúa TN bằng trực thăng vì đường bộ bị gián đoạn. Chúng tôi gồm ông Cố Vấn Mỹ, k.sư P.H.Trinh và tôi đi trực thăng bay cao để tránh đạn, đến địa điểm thì hạ thẳng, chúng tôi phải xuống thật nhanh, chạy lom khom vì cánh quạt gió rất mạnh, không tắt để máy bay bốc lên thẳng ngay. Họ hẹn chiều đúng 4 giờ phải chờ sẵn, máy bay đến chấm đất là phải lên thẳng ngay chớ không chờ vì sợ địch bắn. Lần đó ngoài công tác quan sát lúa do Ty NN hướng dẫn, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang tàn của một thành phố nhỏ đang bị địch đe dọa, dân tình hoang mang, giao động, buồn thảm … !
Rồi tháng 4 đen ập đến, Cách Mạng Xanh bị luồng khí độc Cách Mạng Đỏ áp đảo. Duyên nợ Lúa Thần Nông bị cắt đứt từ đây !
Bao nhiêu năm lang thang xứ người, có đi ngang qua ruộng lúa vùng Sacramento, Ca, có tình nguyện sang Phi Châu trồng lúa Cải Thiện. Nhưng sao chẳng thấy nơi nào có đồng ruộng thân thương xinh đẹp như ở quê nhà. Tìm đâu ra những cánh đồng tươi mát thấp thoáng sau lũy tre xanh ! Tất cả chỉ còn là giấc mộng của ngày xa xưa !
Ôn lại chuyện ngày xưa, bỗng thấy một trùng hợp ngẫu nhiên liên quan đến Duyên Nợ Thần Nông thuở nào :
Trong bài “Cách Mạng Xanh … “ của T.S. Trần Văn Đạt, số 2/2006 Nội San Nông Nghiệp, trang 39 có đoạn kể sơ lược : “Ngày 8 – 2 – 66, một phái đoàn do Bộ Trưởng Nông Nhgiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam quan sát tình hình Nông Nghiệp, và chỉ thị cho USAID Sàigòn liên lạc với Viện Lúa Gạo IRRI, đem giống lúa IR8 vào trồng tại Việt Nam. Đây là khởi sự “Thuở ban đầu của Lúa Thần Nông” do Bộ Trưởng Nông Nghiệp Mỹ mở màn”. Trong chuyến công du này ông Bộ Trưởng Freeman được ông Bộ Trưởng Nông Nghiệp Việt Nam Lâm Văn Trí, cùng USAID hướng dẫn ra Huế quan sát một điểm Trình Diễn Khuyến Nông trồng Hoa Màu Phụ và nuôi heo Cải Thiện được cấp phân bón và ciment viện trợ, do tôi phụ trách. Tháp tùng phái đoàn còn có Giám Đốc Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp, Thái Công Tụng và Chách Sự Vụ sở Liên Lạc Quốc Tế, Cao Quản. Sau đó, tôi nhận được một phóng ảnh lớn có hình Bộ Trưởng Freeman chống cuốc, đứng nghe tôi trình bầy tại Điểm Trình Diễn. Dưới bức ảnh có hàng thủ bút, đại ý : Cô là phụ nữ duy nhất trong ngành Nông Nghiệp mà tôi được gặp tại Việt Nam. Chúc cô thành công. Bút ký : Orville Freeman.
Ngẫu nhiên mà một nhân viên Hạ Tầng cơ sở, chưa biết trồng lúa được gặp Thượng Cấp, Thượng Tầng cơ sở “Mở Màn” cho lúa IR vào Việt Nam, trở thành lúa Thần Nông, kéo tôi vào cuộc chiến Cách Mạng Xanh, cho đến ngày Cách Mạng Đỏ đốt cháy quê hương Việt Nam, đốt cháy Duyên Nợ Thần Nông của tôi !!
Vào một ngày cuối tháng tư đen, ông Thomas Brackney, chuyên viên lúa gạo của USAID Sàigòn (nhân vật T.S. Đạt có nhắc đến trong bài “Cách Mạng Xanh …”, trang 40), đã đến sở từ giã tôi và ngỏ ý nếu muốn di tản thì ông sẽ giúp. Tôi cám ơn và từ chối, viện lẽ còn mẹ già, và có gia đình 2 em còn kẹt ngoài Trung. Chia tay với Tom Brackney, người bạn Mỹ đã từng cùng nhau lội ruộng quan sát sâu bệnh lúa …! Ngẫu nhiên Tom Brackney tượng trưng cho nhân vật đại diện USAID Sàigòn “Hạ Màn”, chấm dứt Duyên Nợ với Lúa Thần Nông tại Việt Nam. Thật đáng buồn, đáng tiếc vô cùng !!
Portland, tháng 4 – 2008