TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Chị Sáu đưa đò
 
Lên ngày 20/7/2011

CHỊ SÁU ĐƯA ĐÒ
Nguyễn Thị Kim-Thu


Trước đây vài năm, tôi về Việt Nam thăm gia đình. Tôi đi một mình vì chồng tôi lúc đó bận việc. Cũng như mọi chuyến, tôi rũ các em gái tôi ở Sài Gòn cùng về Cần Thơ. Để đi thăm mồ mả cha mẹ và ông bà chúng tôi thường đi ghe, tiện lợi, mát mẻ và ít nguy hiểm hơn xe Honda ôm. Vã lại tôi cũng thích đi ghe hơn.
Khi đến bến đò Cái Răng, em tôi chạy đi tìm đò để mướn. Ít phút sau, một chiếc ghe chở em tôi đến cặp bến. Đó là một chiếc ghe đò khá lớn, đẹp, có mui che nắng, có hàng ghế gỗ sạch sẽ tươm tất, và có phao nỗi dành cho du khách. Chủ nhân đưa đò là một chị lớn tuổi. Chị nhìn tôi cười cười, không nói gì.
Chị Hai có nhớ ai đây không? Em tôi nói với tôi. Tôi nhìn lại chị, thấy vẽ quen quen, nhưng chưa biết là ai. Nhưng khi nhìn lại khuôn mặt chị, nhờ cái sống mũi bẹp thì tôi bật nói:
Có phải Chị Sáu Đưa Đò không?
Chị cứ tưởng là em quên chị rồi chớ. Mà cũng trên 40 năm rồi, em có quên chị cũng không trách. Riêng chị thì lúc nào cũng nhớ đến các em. Ba đứa em đi chung ngoài đường là chị biết các em là con Bác Hai liền, Thu có má lún đồng tiền, Thu Hồng có mụt ruồi son trên tráng, còn Ngọc Trầm thì tóc dài nâu. Làm sao lầm được.
Tôi ôm lấy chị, mừng rở. Tôi quen biết chị từ hồi còn tiểu học, vì tôi là khách đi đò của chị, mỗi khi đi chợ Cái Răng. Ông Hai Móm Lái Đò (trong chuyện Ông Lái Đò) khi về già, nhường chiếc đò lại Chị Sáu khi chị ở tuổi “mười bảy bẻ gảy sừng trâu”. Chị là gái miệt vườn, cao ráo, khỏe mạnh, khá đẹp và có duyên, chỉ có sóng mũi hơi bẹp. Thời đó chị tâm sự với tôi sở dĩ sóng mũi bẹp vì khi sanh ra bị nhau quàng ngang mũi. Chị ăn nói rất có duyên, hiếu khách, giúp đở mọi người và tính tình ngay thẳng, bộc trực. Chị cũng có giọng hò rất hay. Hàng ngày tiếp xúc với hàng trăm người, ở mọi lứa tuổi, nhiều vùng, nên chị, cũng như Ông Hai Móm, thông suốt những tin tức trong địa phương. Muốn biết chuyện gì, ai sống, ai chết, chuyện đánh ghen đầu trên xóm dưới, v.v. cứ hỏi chị. Chúng tôi gán chị là “đài radio Cái Răng”. Chị em tôi rất thân với chị, chị thường hỏi chuyện học hành, vì chị nói là nhà nghèo nên chỉ học xong tiểu học là phải tìm kế sinh nhai giúp gia đình. Chị ước ao là các con của chị được học  như chị em tôi khi biết chúng tôi vào trung học, rồi đại học. Mỗi khi nhà tôi có giỗ quảy thì chị là người theo giúp chúng tôi mua sắm, mang xuống ghe và chở đến tận nhà.
Ngoài việc đưa đò đến Chợ Cái Răng, chị còn làm nghề tổ chức đưa rước dâu cho các lể cưới trong vườn. Ở vùng sông rạch, không có đường sá thuận tiện thì ghe thuyền là phương tiện đưa rước dâu. Chỉ cần thông báo cho chị biết ngày giờ lể cưới hỏi, số người cùng đi đưa rước dâu, là chị tổ chức rất chu đáo. Mọi người tìm đến chị, bởi vì chị là người có kinh nghiệm tổ chức, quen biết tất cả ghe thuyền trong vùng để mướn. Số ghe phải là số chẳng, ngoài việc trang hoàng đẹp, ghe thuyền phải thật an toàn. Trước ngày cưới, chị đi kiểm soát lại tất cả các ghe, mái chèo phải chắc chắn không nức gảy, cột chèo vững chắc và dây cột phải mới. Chị rà soát xem ghe có bị rỉ nước vào không. Và chính ghe chị là nơi cô dâu hay chú rễ ngồi, vì ghe chị được trang hoàng đẹp nhất và an toàn nhất. Vì rành vùng sông rạch, chị hoạch định lộ trình, và dựa trên các con nước chảy xuôi hay ngược, chị phải tính làm sao đoàn ghe đám cưới phải đến đúng giờ, không được trể. Ở vùng quê tôi, ai ai cũng dị đoan lo sợ mái chèo gảy đôi, cột chèo bị đứt giây, hay ghe bị chìm khi đi đưa rước dâu, vì đó là điềm xấu vợ chồng đỗ gảy sau này.
 Chị thường hay nói với chị em tôi là khi nào có chồng chị sẽ tổ chức đoàn ghe cưới cho chúng tôi thật chu đáo. Ngày đám cưới của tôi, chị đứng ra giúp việc mua sắm, chở hàng về nhà tôi, nhưng không có việc đưa dâu bằng ghe. Sau đó một vài tuần, chị thắc mắc hỏi em gái tôi, chứ chồng của Thu ở đâu mà không có đưa dâu bằng ghe. Em tôi trả lời là ở tận Nha Trang. Chị mới hỏi “Chớ Nha Trang ở đâu vậy”. Em tôi dí dỏm trả lời “Chị chèo ghe được trên biển không? Chị phải chèo ghe theo sông Hậu, ra tận biển, rồi chèo dọc theo bờ biển, nếu thuận gió, thuận dòng nước, cũng chưa chắc trong hai tháng tới được Nha Trang”. Chị le lưởi nói “Trời ơi, bộ sông rạch miền Nam thiếu con trai sao mà nó lấy chồng xa như vậy!”.
Gặp lại nhau, chúng tôi mừng lắm. Chị hỏi thăm tôi về chồng con và cuộc sống ở nước ngoài. Suốt cả một ngày, hai chị em lẻo đẻo bên nhau. Chị kể cho tôi biết về gia đình chị. Sau 1975, chị cũng gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhưng chỉ sau một năm, chỉ biết mánh làm ăn. Chị bỏ đưa đò mà làm nghề “buôn lậu”. Trong thời buổi “ngăn sông cấm chợ”, hàng hóa tiêu dùng thiếu thốn và không được phép giao thương, người dư thừa gạo cá ở miệt vườn thì không được phép mang đi bán, cần thuốc men, dầu lửa, vải vóc, v.v. thì không biết đâu mua, ngoài việc mua ở các cửa hàng nhà nước rất hiếm hoi. Chính vì nhờ thị trường như vậy mà chẳng bao lâu chị giàu lên. Vốn rành vùng sông rạch, chị chèo ghe len lỏi trong các rạch để chở gạo, cá, mắm, thịt, trốn các trạm công an kiểm soát một cách dễ dàng. Chị giao hàng cho các mối nhỏ ở Cái Răng, các người này cũng dùng ghe nhỏ chở đến bán tận nhà dọc ven sông rạch. Để cho chuyến vào miệt vườn, chị liên lạc với các mối cung cấp hàng hóa. Các mối này liên lạc và ứng tiền trước cho các công nhân viên làm việc ở các cơ sở nhà nước. Tới kỳ các cửa hàng nhà nước bán hàng theo tem phiếu, các công nhân này mua hết mọi thứ ghi trong tem phiếu, kể cả những thứ họ không dùng, vì nhờ tiền ứng trước. Các công nhân này giao hàng lại các mối, và chị là người đưa hàng cần thiết như dầu lửa, xăng, bột ngọt, đường, sửa, vải vóc, thuốc tây, v.v. vào vùng sông rạch.
Chỉ vài ba năm, chị trở nên khá giả, lấy tiền mua vàng. Khi nhà nước có chính sách mở cửa thì chị bán vàng, cất một ngôi nhà khang trang dọc mé sông, phần trước để ở, mé sau bán phân bón thuốc trừ sâu. Các con chị đều được ăn học, rồi vào đại học, vì chị vốn thuộc giai cấp bần cùng, chồng chị gốc nông dân không có lý lịch của “ngụy quân, ngụy quyền”. Phần mua bán phân bón thuốc sát trùng thì do chồng chị và con gái với rễ phụ trách. Còn chị thì sắm một ghe đò thật đẹp, có động cơ mạnh, có mui che, có hàng ghế nệm êm, có phao an toàn, để chở du khách hay đám cưới đám hỏi.
Tôi thắc mắc hỏi chị là bây giờ chị thuộc loại giàu có, con cái thành đạt, có cửa hàng buôn bán, chỉ cần nằm nhà cũng có cuộc sống sung sướng, an nhàn, cớ chi chị tiếp tục làm nghề đưa đò. Chị nhìn tôi, tâm sự:
-Nhiều người cũng hỏi chị câu đó, không riêng gì em. Em biết là chị sống cùng sông rạch trong 60 năm qua, nó đeo đuổi chị như cái “nghiệp”. Ngày nào không bềnh bồng trên sông nước, chị thấy như bị hụt hẩng, như thiếu mất cái gì. Bây giờ, chị tiếp tục làm nghề này không phải vì sinh kế, mà là như một cái gì khác chị không nói được, như một cái nợ phải trả, hay một thú vui. Chị đã quen gặp gở mọi người trên các chuyến đò, từ những em học sinh nhỏ của mọi thời, các ông già bà cả trong vườn, cho tới du khách thành thị hay Việt kiều mọi xứ. Qua họ, chị thấy yêu quê hương của mình hơn, quê hương của vùng sông rạch hiền hòa. Chị biết rất nhiều người, nhiều người cũng biết chị. Chị ao ước lúc tuổi già bình thản ra đi, mọi người sẽ còn nhớ đến chị khi đi trên sông rạch này, cũng như chị em mình vẫn nhớ đến Ông Hai Móm Đưa Đò ngày xưa.
Tôi thầm phục chị và thương chị. Tôi cũng có thời từng ao ước về già được chôn cất bên sông rạch này, bên các mộ của ba má và ông bà tôi. Nhưng thời thế đã đỗi thay.
Dòng sông Cái Răng lững lờ chảy, bồng bềnh những đám lục bình có bông tím lặng lẻ trôi. Nước đen ngòm từ các rạch cống đang thải ra bờ sông những dư thừa ô uế của thị thành. Rồi một ngày nào đó, dòng sông này sẽ chết, như số phận con người. Vùng sông rạch quê mùa hiền hòa này có còn những đứa con như Chị Sáu Đưa Đò không, hay vì hoàn cảnh mà cùng nhau ra thị thành làm “bia ôm”, “làm dâu” hay công nhân ở nước ngoài.
Nhìn lên trời cao, những đám mây u ám đang cuồn cuộn bay đến, dấu hiệu của trận mưa dông đầy sấm sét. Tôi thở dài, ngao ngán nhìn dòng sông.
 
Reading, 7/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855428 visitors (2218423 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free