Lên mạng ngày 16/12/2011
MÙA CHRISTMAS SHOPPING
Thương xá Oracle tại Reading
Trời đã vào Đông. Những cơn mưa giá lạnh lất phất rơi, cành cây trơ trụi lá đong đưa mỗi khi có cơn gió buốt thỗi về. Bầu trời thật ảm đạm, mây đen xám xịt. Mặc dầu trong không khí buồn và lạnh lẽo đó, từ cả tháng nay phố xá đã tưng bừng trang hoàng mùa Christmas shopping. Nhạc Giáng sinh dịu dàng, êm ả văng vẳng từ các siêu thị trang hoàng lộng lẫy với đèn màu chớp tắt. Các cửa kính phô trương bao hàng mẩu đầy ma lực hấp dẫn.
Đường phố chánh (Broad Street) của thành phố Reading khá dài, với nhiều khu phố trên đường chạy ngang, chứa nhiều thương xá (malls) nỗi danh quốc tế như Oracle, John Lewis, Mark Spencer, Debenhams, House of Fraser, v.v. chưa kể các thương xá nhỏ và siêu thị. Ở khu thương xá Oracle, phải mất cả buổi mới có thể đi bộ hết các cửa hàng. John Lewis với 5 tầng lầu bán hàng hóa. Mọi hàng hóa sang trọng đều có bán ở đây với giá phải chẳng. Các cửa hàng này cam kết rằng nếu hàng đó mua ở cửa hàng khác với giá rẽ hơn thì họ sẽ trả lại phần tiền cách biệt.
Thành phố Reading là thành phố đại học, ra đường thấy nhiều sinh viên đủ mọi sắc tộc đến từ khắp thế giới. Cũng là thủ phủ của miền Tây nước Anh, nơi tập trung của hệ thống hỏa xa và xa lộ chằng chịt, nên cũng là nơi tập trung các bản doanh (headquarter) công kỹ nghệ, thương mại, ngân hàng, bảo hiểm, v.v. Vì vậy, ra đường đa số ăn mặc chỉnh tề, đàn ông trong bộ áo vest thắt cà-vạt của giới “nhân-viên-cỗ-trắng” (white-collar), còn các cô các bà thì “điệu” khỏi phải tả.
Thông thường, mọi tiệm mở cửa hàng từ 9 giờ sáng đến 5 hay 6 giờ chiều. Riêng trong một tháng trước Giáng Sinh, cửa hàng mở tới 9 giờ tối vào các đêm Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy.
Đường phố chỉ dành cho khách bộ hành. Mọi thứ xe cộ đều bị cấm lưu thông trong khu phố, ngoại trừ xe bus được phép chạy trên đường viền chu vi khu phố để đưa đón khách. Mọi xe hơi đều đậu ở ngoài thành phố với giá rẽ trong các khu đậu xe có sức chứa trên 500 xe, rồi dùng hệ thống xe bus miễn phí (nếu đã có mua vé đậu xe) để vào thành phố. Cứ mỗi 10 phút là có một chuyến xe-bus-2-tầng có sức chứa khỏang 80 hành khách. Đây là biện pháp tránh nạn kẹt xe, và thành phố không bị ô nhiểm. Riêng thương xá Oracle có nhà đậu xe 5 tầng lầu với sức chứa 1000 xe, nằm bên đường viền thành phố, có đường cầu, như từ phi cơ vào phòng phi trường, đưa khách thẳng vào thương xá.
Năm nay, vì tình trạng kinh tế toàn cầu suy thoái, Âu Châu khủng hoảng tiền tệ, việc buôn bán có mòi giảm sút hơn mọi năm. Vài loại hàng hóa giảm giá tới 50%. Tuy vậy, đường phố vào ngày Thứ Bảy đông nghẹt người. Dầu kinh tế thế nào, mọi người cũng phải đi mua quà biếu cho cha mẹ, con cháu và bạn bè và những loại hàng cần thiết cho Christmas. Các loại hàng khác thì chờ dịp “đại hạ giá” (big sale) sau Tết Tây. Mọi người đang thăm dò giá hạ, qua “window shopping” là chính. Đây là một cuộc “chiến tranh cân não” giữa khách hàng và nhà buôn. Chồng tôi nói là nhà buôn có chiến thuật riêng để khách hàng mắc mưu. Chẳng hạn, một hàng có giá bán thật sự £10 (tiền pounds, Anh Kim), thì trên giá bán ngày hôm nay đề “was £11.99; now £7.99”, tức hạ giá 33%, thật sự chỉ hạ giá 20%. Ngày mai, cũng hàng đó thấy “was £11.99; now £9.99”, thấy giảm 16%, nhưng thật sự không có giảm giá. Dĩ nhiên, không ai mua nhưng tâm lý nơm nớp sợ rằng hàng đó sẽ hết vì đã có người mua nên chủ mới tăng giá trở lại. Vài ngày sau, cũng hàng đó đề “was 11.99, £9.99, now £7.99”. Bây giờ khách hàng vội vã mua ngay, vì sợ không còn nhiều hàng tồn kho và sẽ tăng giá lại nay mai. Thế là bị mắc mưu.
Chồng tôi còn nói là những cửa hàng lớn như John Lewis có một nhóm chuyên viên về marketing lúc nào cũng làm việc trong một phòng trang bị tối tân để theo dỏi từng giờ việc buôn bán. Tất cả các quầy hàng tính tiền đều nối với phòng nghiên cứu này. Khi bán được một món hàng, dử kiện về tên món hàng, giá bán, số người mua hàng này, số còn tồn kho, v.v. chạy vào máy thống kê phân tích tức khắc. Ông giám đốc và nhóm chuyên viên dựa vào số liệu phân tích thống kê quyết định ngay việc tăng lại giá, hay giảm giá, hay nhập thêm hàng, loại hàng nào, v.v. tùy theo nhu cầu và sở thích của khách hàng. Nếu hàng nào không còn trong kho ngày hôm nay, bảo đảm tới sáng mai thì có đầy đủ, vì một hệ thống phân phối chuyên chở hàng rất hiệu quả và nhanh chóng, chuyên chở toàn ban đêm dầu nơi cung cấp hàng cách xa ngàn cây số.
Hôm Thứ Bảy vừa qua, vợ chồng tôi dẫn đứa cháu ngoại trai gần 4 tuổi đi mua hàng Christmas, chủ yếu là quà cho các cháu ngoại và ít rượu bánh. Là phái nữ, tôi rất thích đi shopping. Dẫu tuổi đã lớn, không còn nhu cầu mua sắm, nhưng tôi vẫn thích la cà ở các thương xá để ngắm hàng – window shopping. Quần áo, giày thời trang, nước hoa, son phấn, đàn bà nào chẳng thích. Mà thời trang thì thay đỗi rất nhanh, chỉ mới tháng trước nay đã có thời trang mới hơn. Chúng tôi đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác. Người người đông chật như nêm. Giờ đầu thì chồng và cháu hăng hái đi theo, nhưng sau đó chán dần, nhất là đứa cháu. Biết vậy, tôi để hai ông cháu đi riêng, một mình tôi tự do la cà. Cháu tôi chỉ thích đến nơi bán đồ chơi, còn chồng thì hàng điện tử, máy vi tính, và nhạc, những nơi tôi không thích. Cuối cùng thì hai ông cháu vào quán cà phê, ngồi ấm cúng bên ghế kê sát cửa kính, ngắm nhìn khách bộ hành qua lại, chờ đợi tôi cùng về. Hai ông cháu hàng tuần có thói quen đến quán cà phê này, ông nhăm nhi tách cà phê Ý bốc hơi, còn cháu uống nước ngọt. Phần tôi, cũng đã “no con mắt”.
Hẹn thứ bảy tuần tới, thứ bảy cuối cùng trước Christmas. Chắc chắn, hàng sẽ giảm giá hơn, lúc đó mới mua. Chồng tôi chỉ cười khi nghe tôi tuyên bố như vậy. Chồng tôi nói “Dân Anh mà ai cũng tính toán như em, thì nước Anh đã sạt nghiệp từ lâu rồi”.
Reading, 12/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu