TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhớ một đồng nghiệp
 
Lên mạng ngày 1/3/2010

Thầy Tiến Sĩ Trần Đăng Hồng
 
   Sau khi nhận sự vụ lệnh đến giảng dạy tại trường Trung Học NLS Cần Thơ, vào một buổi sáng tháng 9 năm 1964, tôi theo xe của Nha Học Vụ Nông Lâm Súc ở Sài Gòn đi Cần Thơ. Vừa đến trường, tôi được tiếp đải rất nồng hậu. Các ông Hiệu trưởng Trần Hiệp Nam, Giám học Nguyễn Tấn Phúc và Giám canh Lê Quan Hồng thân mật trò chuyện, giới thiệu nhà trường, với nhân viên hành chánh. Đây là niên học (1964-65) đầu tiên, trường mới mở 3 lớp Đệ Tam (Canh Nông, Mục Súc và Công Thôn). Trước đây, lớp cao nhất là Huấn sự. Bây giờ tôi mới biết tôi là giáo sư cơ hửu chuyên môn NLS đệ nhị cấp đầu tiên, vì GS Phan Lương Báu, nguyên là hiệu trưởng, về hưu, được mời giảng dạy ở lớp đệ tam trong khi chờ đợi tuyển dụng tôi. Tôi được phân công dạy những môn chánh như Nông Học, Vạn Vật, Khí Tượng ở lớp Đệ Tam, và một số môn của lớp Huấn Sự, thay thế GS Phan Lương Báu.
   Nếp sống “Miền Tây” bắt đầu bằng một buổi tiệc “nhậu” ở Vỉnh Ký để chiêu đãi nhân viên mới, với khá đông đủ ban giảng huấn. Trong dịp này tôi được giới thiệu với Giáo sư Lê Hiền Lương, Nguyễn Văn Phiếm và Ngô Lộc. Ông hiệu trưởng cho tôi biết là hôm nay còn thiếu một vị giáo sư cơ hửu – Ông Nguyễn Văn Thước – đang đi cắm trại với học sinh ở Bằng Tăng, Ô Môn, một địa danh xa lạ với tôi lúc đó. Vì vậy nghe nói giáo sư Thước rất năng động trong các hoạt động thanh niên, học sinh, tôi mong được gặp Ông Thước.
   Vài ngày sau tôi gặp ông ta. Với nét mặt thuần hậu, giọng nói nhẹ nhàng, ngọt ngào của người vùng Hà Nội, tôi đã có cảm tình ngay với ông Thước. Bây giờ tôi mới biết ông Thước tốt nghiệp Đại Học Sư phạm Sài Gòn, về trường trước tôi vài tháng, và là giáo sư cơ hửu độc nhất của nhà trường cho các lớp đệ nhị cấp phụ trách các môn Văn, Sử, Địa, v.v. Các môn khác đều do các giáo sư từ Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm mời đến dạy.
   Nhà ông mướn ở nguyên là một ngôi biệt thự khá lớn xây cất từ thời Pháp, gần tư dinh Ông Tướng, nhưng sau này vì dân chúng xây cất bừa bãi chung quanh, nên ngôi biệt thự này trở thành nằm trong một ngõ hẻm chật chội. Ông sống với người em bà con còn đi học và một số bạn làm giáo sư ở Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm. Tất cả đều là người Bắc.
   Vì sống cô độc ở Cần Thơ, tôi và anh Thước trở nên thân thiết. Chúng tôi đều tích cực hoạt động trong Đoàn Chí Nguyện Nông Lâm Súc của trường. Tuy là người lãnh đạo Đoàn, nhưng tôi không rành tổ chức những đêm lửa trại thật vui nhộn. Tôi chỉ đảm nhận phần tổ chức tổng quát của Đoàn và phần chuyên môn canh nông, còn phần sinh hoạt như cắm trại, họp đêm lửa trại, văn nghệ, v.v. thì nhờ anh hoàn toàn phụ trách. Nhờ anh mà Đoàn hoạt động rất hửu hiệu và hăng say.
   Cho tới nay, tôi vẫn còn thuộc những bài ca cộng đồng, du ca, dân ca miền Bắc do anh truyền dạy cho các em trong các đêm lửa trại tại trường hay đi cắm trại ở nơi xa. Giọng anh trầm, ấm và ngọt ngào. Giữa đêm đen, với ánh lửa bập bùng, đoàn học sinh ngồi quanh đống lửa, tay trong tay, anh đứng giữa với cặp mắt sáng ngời, mặt dịu hiền nhưng cứng rắn, khắc khổ, giọng anh ngọt ngào vang lên trong đêm khuya, từng câu một, rồi các em và tôi đồng hát theo, cho tới khi thuộc cả bài. Rồi anh đặt những trò chơi cộng đồng vui nhộn, thầy và trò hưởng ứng nồng nhiệt, vỗ tay khi có ai bị phạt, vỗ tay càng lớn khi có thầy bị phạt, trong đó có tôi.
   Anh cũng là người đứng ra tổ chức các đêm văn nghệ của trường NLS tại các rạp hát lớn ở Cần Thơ để gây quỹ cứu trợ nạn lụt ở miền Tây (1966) hay miền Trung. Nghe các học sinh kể lại, anh là một vị giáo sư dạy rất hay môn Văn, nhất là Truyện Kiều, học sinh ai ai cũng say mê môn này do anh phụ trách. Khoảng 1967 hay 1968, anh lập gia đình và dời lên dạy ở Đà Lạt. Chị Thước có một sạp bán vải trong chợ Hòa Bình, Đà Lạt. Thỉnh thoảng, vài ba năm, anh về Cần Thơ thăm trường cũ, thăm bạn bè. Lần nào anh cũng tìm đến thăm tôi.
   Năm 1971, tôi hướng dẫn sinh viên năm thứ 3 (khóa 1) đi du sát Đà Lạt, Phan Rang và Phan Thiết. Khi đến Đà Lạt, vì không biết địa chỉ nhà của anh, tôi đi vội vào chợ Hòa Bình, tìm khu bán vải, đi quan sát từng sạp một, và cuối cùng tôi gặp chị Thước. Quá mừng rở gặp lại tôi, chị Thước vội vàng nhờ người quen trông chừng sạp vải, chị vội về nhà thông báo cho anh Thước biết. Sau đó vài giờ, anh Thước cởi xe Honda đến gặp tôi trong lúc tôi đang hướng dẫn sinh viên. Không có nhiều thời giờ, anh chỉ vắn tắt là tối nay anh sẽ trở lại khách sạn để chở tôi về nhà anh. Anh chở tôi, và em anh chở anh Phạm Văn Kim đến nhà anh. Anh chị dành cho chúng tôi một bửa ăn thịnh soạn với rượu dâu do chính anh biến chế từ vườn dâu trong nhà. Chúng tôi ôn lại kỹ niệm ngày ở Cần Thơ, anh hỏi thăm đồng nghiệp, hỏi thăm một số học sinh đã từng gắn bó thân thiết với chúng tôi trong hoạt động Đoàn Chí Nguyện.
   Ngày hôm sau, trên đường du sát, chúng tôi ghé thăm viếng và nghỉ trưa ở Thác Prenn. Vừa đến nơi, tôi đã thấy anh đã đứng đợi ở đó. Anh muốn thăm các em sinh viên như Phạm Hồng Cúc, Nguyễn Hoàng Trải, Trần Thu Thạnh, Hà Thế Tạo, v.v. vốn là cựu học sinh NLS Cần Thơ mà anh đã dạy các anh chị này nhiều năm. Thầy trò gặp lại nhau trong mừng rở. Đó là cuộc gặp gở cuối cùng của chúng tôi.
   Sau 1975, tôi hoàn toàn không biết tin tức gì về anh. Nhưng tôi đoán chắc rằng anh định cư ở đâu đó, nếu anh còn sống sót.
   Năm 2000, tôi nhận được một lá thư của Thu Hồng, em vợ tôi. Trong đó, em kể là thầy Thước, khi về Cần Thơ có vào nhà cha mẹ vợ tôi để hỏi thăm và xin địa chỉ của tôi. Hôm đó, không có ai ở nhà, người hàng xóm cho biết là cả gia đình bên vợ tôi đều về Sài Gòn, chỉ biết mang máng là Thu Hồng dạy ở Đại Học Mở Sài Gòn. Thế là khi về Sài Gòn, anh đến Đại Học Mở để tìm Thu Hồng và may mắn gặp được. Thu Hồng, mừng rở, cảm động và khóc khi gặp lại thầy, nhất là biết thầy phải vất vả đi tìm.
   Ngày hôm sau, tôi nhận được thư anh Thước gởi từ Hoa Kỳ. Thế là chúng tôi mừng rở liên lạc lại với nhau sau gần 30 năm. Anh cũng cho biết là có nhiều lần anh đi công tác ở London, nhưng bởi vì không biết tôi ở Anh, nên không đến thăm tôi được. Khi đến định cư ở Mỹ, anh đi học lại, lấy bằng về Computer, làm việc cho Microsoft, nên đi công tác khắp thế giới.
   Chúng tôi liên lạc thường xuyên với nhau qua thư bưu điện, vì thời đó Email chưa thịnh hành. Cho đến một thời điểm, khoảng 2001, tôi không còn nhận thư của anh nữa. Cho đến Tết Dương Lịch 2002, sau khi gởi thiệp chúc Tết cho anh chị, tôi nhận được thư hồi báo của chị Thước, cho biết là anh đã qua đời trước đó vài tháng, và vì không biết địa chỉ của tôi, nên chị không báo cho tôi biết, nay biết địa chỉ qua thiệp Tết nên thông báo muộn. Tôi khá sửng sốt! Thì ra, khi biết mình không còn sống bao lâu với chứng bệnh nan y cancer, anh quyết định về Việt Nam, đi thăm các vùng đất nước, từ Bắc vô Nam, đến tận Hà Tiên, để thăm bạn bè, thân hửu, cựu học sinh, v.v. với vẻ mặt tươi vui, với nụ cười đôn hậu và bình thản đón chờ…
   Một nén hương dành cho anh!
 
Trần Đăng Hồng, Anh Quốc tháng 9/2009

Trở lại Lưu Bút Ngày Xanh
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 842971 visitors (2184839 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free