TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Gửi các em
 
Lên mạng ngày 1/3/2010


      
 
 

Cô Võ Ánh Tuyết
   
Cô rất vui khi biết tin các em đang thực hiện quyển đặc san Lưu Bút Ngày Xanh. Cô đã định viết liền một bài về tâm sự Nông-Lâm-Súc Cần-Thơ gởi đến tham gia, nhưng lại bị té hơn một tháng qua, làm phía bên tay mặt và bả vai đến nay vẫn còn đau. Hôm đó té cấn bể cái đồng hồ đeo tay và điện thoại di động. Sau đó nước ngập tràn vào nhà phải lo tát liên tục. Rồi con chó cưng của cô giả biệt trần thế ở tuổi 15 khiến cô buồn lắm.
   Ngày hôm qua, Tam Thanh có đến để nhận bài viết của cô chuyển đến ban biên tập. Cô vội ghi lại những tâm sự nầy với học trò gần xa, vì biết rằng ở một góc trời nhỏ trên đất Việt nầy, vẫn còn có một cô giáo ngày xưa trong ngôi trường cũ của các em.          
   Cô mới vừa xem lại hình ảnh và nghe âm thanh ghi lại buổi sinh hoạt họp mặt của lớp các em ở nhà hàng Hoa Sứ hôm đầu năm nay. Cô chợt bàng hoàng... Trời ơi! Chúng mình đã ‘già’ như vậy sao? Biết rằng mọi vật thay đổi từng sát na, nhưng vẫn không hiểu sao mình lại xúc động đến thế. Cô nghĩ rằng có lẽ cháu nội, cháu ngoại của các bạn bây giờ thì bằng tuổi với chúng ta hồi thời còn đi học. Thế là bao hình ảnh cũ lại rạo rực trở về. Cô cảm thấy mình rất may mắn khi có cả hai thứ tình cảm, trước là trò sau đó lại là thầy ở trong cùng một môi trường Nông-Lâm-Súc Cần-Thơ.
   Vốn xuất thân từ một gia đình trí thức nhưng cô lại muốn khám phá một thế giới mới sôi động và nhiệt tình của dân NLS qua bạn bè. Rồi cô thi đậu vào trường Nông-Lâm-Súc Cần-Thơ làm ngạc nhiên cho gia đình. Vốn là một cô nữ sinh trường trung học phổ thông có ba má tưng tiu chìu chuộng, vậy mà khi vào Nông-Lâm-Súc thì cuộc đời học sinh thơ ngây của mình lại bắt đầu hòa nhịp sinh hoạt cùng với các bạn học từ khắp nơi hội tụ về. 
   Bước vào trường, nhìn những con mương nước chảy rì rào ở vườn Thủy Lâm mát rượi, ao nuôi cá dọc ngang, những dãy xanh rì hoa mầu của học viên trồng. Kế đó thì nào chuồng bò, heo, trâu, gà, vịt… thấy mà mê. Ở nhà cao cửa rộng thì làm gì có được một con trâu để vuốt ve, hay một con bò để mơn trớn với ánh mắt hiền hậu của chúng có hàng mi dài cong vút, với đôi mắt to tròn như hai hột nhản… Quỷ thần ơi! Cô đâu có biết muốn có được những điều này thì thầy trò phải cực khổ trăm bề; cho nên… có đôi lúc đã muốn thối chí bỏ cuộc, nhưng nghĩ lại sợ “quê” với bạn bè, nên …thôi thì đã leo lên lưng “heo” rồi thì theo luôn vậy.
   Rồi ngày qua ngày, tình thầy trò ngày càng khắng khít, tình bạn bè như anh em một nhà tương trợ lẫn nhau. Trong trường có cái lệ là khoảng 15 phút bắt đầu giờ học mà thầy cô chưa đến lớp thì học viên có quyền ra về. Một hôm, giờ học Anh Văn, các bạn vào lớp đầy đủ tất cả nhưng lại ngồi im phăng phắt, khép kín cửa sổ và cửa cái. Thầy đến cửa lớp chỉ trể vài phút nhưng lại tưởng là không còn học sinh nào nên vội vả ra về. Thế là cả lớp vui mừng túa ra ngoài sân đùa giỡn. Hôm đó bị thầy giám thị truy ra phạt cả lớp đi vét mương! Tuy bị phạt mà cả lớp lại hồ hởi, vui vẻ, đem theo bánh trái chia nhau ăn; đây là cơ hội vọc sình và ném vào nhau la ó chí chóe! Nhờ vậy mà có dịp gần gủi nhau hơn trong tạo tình bạn đằm thắm, chính nơi này tình yêu nẩy nở, một vài đôi uyên ương là bạn trăm năm cũng từ chốn này.
   Thời ấy cô học phổ thông với Nông, Lâm, Ngư, Súc, Công Thôn và Sinh Hoạt Gia Đình tổng quát ở năm đầu, các năm sau đi chuyên ngành. Cô còn phải cùng các bạn đi thực tế cuối tuần, chích ngừa heo gà, chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ các em thơ có hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, nấu nướng, nuôi cá, xây chuồng trại… Có điều rất đặc biệt vì học viên đông mà đồ nghề thì ít nên có lúc cô dùng cả dao yếm thay thế cho cái bay trét hồ. Ấy thế mà hồ vẫn kết dính gạch lại với nhau thật rắn chắn.
   Những công việc thực tập này đều được thưởng tiền nên các bạn cùng nhau nhập tiệc no nê vui lắm. Hồi thời đó anh Chánh học trên cô một lớp làm tổ trưởng. Nhờ đi thực tế mà học viên thân thiện nhau hơn với các bạn ở trường, trên hướng dẫn tay nghề giúp dưới, truyền nhau kiến thức chuyên môn, nên dù ở bậc trung học nhưng tay nghề của học viên vững chắc đầy kinh nghiệm.
   Nhớ lại cách đây vài năm, có một anh bạn cùng lớp MS với cô, sau hơn 30 năm gặp lại trong một buổi họp mặt, cả hai cùng ngồi ôn lại kỷ niệm thời Nông-Lâm-Súc cả giờ đồng hồ mà vẫn chưa hết chuyện.
   Các em biết không, vào năm 1969 trong ngày đầu tiên cô đi dạy học, “Cái phút đầu tiên hồi hộp ấy. Ngàn năm dễ đã mấy ai quên”. Mặc dù cô rất dạn dĩ trong mọi sinh hoạt như Hướng Đạo Thanh Niên, Hội Hồng Thập Tự, Thanh Niên Thiện Chí… Nhưng trong buổi dạy học đầu tiên đó cô rất hồi hộp, tay thì cứ bấu vào thành bàn, lúc buông tay ra thì nó tê cứng ngắc trước những con mắt láu lĩnh, dầy dạn của những học viên nhỏ hay lớn tuổi hơn mình.
   Lúc trở thành cô giáo, cô hay thắt bím tóc có buộc nơ như thời đi học vậy. Nên có lúc một đồng nghiệp, là cô Huân, vội khuyên nên chải tóc lại cho thẳng… Thật sự là cái bản tính vô tư và hồn nhiên của mình.
   Cô còn nghe ý kiến từ thầy Thọ dạy môn phổ thông than phiền với cô rằng:
   “Tôi thích vào lớp giảng trước khi học viên thực hành nông trại. Bởi vào lớp sau khi học viên vừa thực hành nông trại về, tôi tưởng như là một đại họa”.
   Vì thầy Thọ rất khó chịu với mùi hôi của phân chuồng, cỏ khô… Nhưng dân Nông-Lâm-Súc chúng ta thì không bao giờ quên được những hương vị đậm đà thân thương ấy. Cô chắc chắn rằng các em vẫn còn mãi nhớ mùi ‘thơm’ đó của học trò Nông-Lâm-Súc cũng như cô vậy! 
   Giờ hồi tưởng lại ngày cô lên Sàigòn để xem bảng kết quả thi vào trường đại học sư phạm Nông-Lâm-Súc. Hôm ấy cô đã không xem tên của những người đầu danh sách nên cứ ngỡ mình đã là Bùi Kiệm nên vội vã bỏ về Cần Thơ. Mấy tuần sau, cô đi chợ gặp anh Chín Mừng, học trên mình một lớp bèn hỏi cô rằng:
   “Vì sao chị không lên Sài Gòn học đại học sư phạm Nông-Lâm-Súc?”
    Cô đã vội trả lời:
   “Tại vì tôi không thấy tên Võ Thị Ánh Tuyết trên danh sách”.
    Anh Chín quả quyết:
   “Tên của chị đứng đầu danh sách mà!”.
   Thế là cô hớt hải, vội vàng mua vé xe đò lên Sài Gòn ngay để nhập học kịp thời. 
   Vì mê sinh hoạt suýt một chút khiến cô đã không thể đi Hòa Lan tu nghiệp. Thật lòng xin lỗi thầy Hiệu Trưởng vì đã làm thầy buồn. Năm ấy thầy giám đốc Nha Học Vụ Nông-Lâm-Súc ra lệnh tổ chức đại Hội Nông Gia Tương Lai toàn quốc tại Phước Tuy. Tất cả học viên đã xin phép phụ huynh xong để đi theo ủng hộ thể thao gà nhà và cắm trại. Nhưng sau đó thầy Hiệu Trưởng đổi ý nên ra lệnh không cho xe trường chở học viên. Lanh trí, các bạn bèn nghĩ ra cách đến văn phòng tỉnh trưởng nhờ giúp việc di chuyển. Đến nơi cấm trại, trời mưa giông làm tốc lều ướt cả quần áo khiến cô bị bệnh cần điều trị nhiều ngày tưởng là đã lỡ dịp tu nghiệp ở Hòa Lan vào năm đó. Nhưng sau cùng cô chóng bình phục và kịp ngày lên đường đến Hòa Lan tu nghiệp nhằm trau dồi cho kiến thức chuyên nghiệp của mình.     
   Nay cô còn nhớ lại một bài hát cộng đồng mà hồi đi học thường hát chung với các bạn. Cô ghi lại tặng các em nè:
Ơi!... Nầy là nầy… anh
Ơi!... Nầy là nầy… em
Lại là lại… gần nhau
Lại là lại… gần nhau
Kể nhau nghe… chuyện gần… buồn
Kể nhau nghe chuyện xa… vui
Rồi… ngày qua, mang bao đau thương
Và… ngày nay, biết bao gian truân…
Nhưng ta vẫn bền… gan.
Ớ!... nầy là nầy anh… Ớ!... nầy là nầy em…
 
Thân ái,
 
Cô Võ Thị Ánh Tuyết, TP Cần Thơ ngày 26/10/2009
Hình-Lý Thái Lâm 10CT-71 sưu tập,Cô Võ Thị Ánh Tuyết(đứng đội nón)




 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 851965 visitors (2209588 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free