TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Mùa hè ở Anh
 
Lên mạng ngày 13/7/2011

MÙA HÈ Ở ANH
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Mùa hè ở Anh chính thức bắt đầu bằng một ngày nghỉ lể, gọi là Monday Bank Holiday, vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Năm, và chấm dứt cũng bằng một ngày nghỉ lể vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Tám. Ở Anh, ngoại trừ Tết Tây và Giáng Sinh, tất cả ngày nghỉ lể đều là ngày thứ Hai. Chẳng hạn, ngày lể Lao Động trên thế giới, ngoại trừ nước Mỹ, đều nghỉ lể vào 1 tháng Năm, nhưng ở Anh, nếu ngày đó trùng vào một ngày khác không phải thứ Hai, chẳng hạn ngày thứ Ba, thì mọi công dân được nghỉ lể vào ngày Thứ Hai tuần sau (thuộc thứ Hai đầu tiên của tháng Năm). Đó là một truyền thống hàng ngàn năm của người Anh, lúc nào cũng để ngày lể vào ngày thứ Hai, để có ít nhất là 3 ngày nghỉ liên tục. Nếu vào dịp Phục Sinh (Easter, Pâque) thì được 4 ngày nghỉ liên tục, vì có nghỉ ngày Thứ Sáu (Good Friday) trước đó. Kinh tế nước Anh sống nhờ lảnh vực tài chánh, ngân hàng có một lực lượng nhân viên rất lớn từ ngàn xưa. Vì vậy, ngày lể mang danh của giới ngân hàng (Bank holiday) trở thành ngày lể của toàn dân Anh trong mọi nghề nghiệp.
          Mùa hè là mùa thư giản của người Anh. Sau 9 tháng làm việc căng thẳng trong bầu không khí ảm đạm của mùa Thu, giá lạnh của mùa Đông, và trời bắt đầu chuyển mùa của Xuân, nay phải là lúc được tận hưởng cái không khí mát mẻ đầy nắng ấm của Mùa Hè. Mùa Hè có ngày dài nhất vào ngày 22/6, mặt trời mọc lúc 3:30 giờ sáng và lặn lúc 10:30 tối, ngày này được xem là tâm điểm mùa hè ở Anh.
          Mọi hoạt động ở Anh vào mùa hè không được náo nhiệt lắm so với các mùa khác. Xe cộ ngoài đường, cảnh phố xá, v.v. tương đối ít nhộn nhịp. Lý do là người Anh đi du lịch, đi trong nước hay ngoài nước, nhất là khi học sinh bắt đầu nghỉ hè, vào đầu tuần thứ hai của tháng Bảy.
          Trong nước, họ thường thuê nhà cho cả gia đình ở trong suốt kỳ nghỉ hè, thường 2-3 tuần tại các trung tâm du lịch như ở Corwall tận cực nam của nước Anh, nơi có khí hậu gần như bán nhiệt đới, hoặc ở những nơi yên tỉnh có phong cảnh tuyệt đẹp như Quận Hồ Lake District trên cao nguyên miền Trung, và nhiều nơi khác. Nước Anh là một đảo lớn, nên có rất nhiều bải biển đẹp, được chỉnh trang cho du khách trong nước và ngoài nước.
          Ở nước ngoài, thì hàng năm có khoảng 15 triệu người du lịch ở nước ngoài, trên khắp thế giới. Tùy tuổi tác mà họ chọn nơi du lịch. Người lớn tuổi thường chọn Âu Châu như Spain, Greece, hay đến thăm bà con ở tận Australia, Nam Phi, v.v. Giới trẻ, thích năng động và ít tiền thì chọn Á Châu như Thái Lan, Bali, Trung quốc, hay Nepal. Bất cứ nơi nào, giàu nghèo gì cũng có người Anh đến du lịch. Vì vậy, không ngạc nhiên, khi có tai nạn như đấm tàu, lật xe, rớt máy bay, thì nạn nhân ngoại quốc đông nhất vẫn là người Anh.
          Còn tại nước Anh, hàng năm cũng có khoảng 15 đến 20 triệu du khách nước ngoài đến du lịch. Đa số là người Mỹ, Canada, Úc, vốn là con cháu nhiều đời của đám di dân đến thành lập các nước này trong các thế kỷ trước. Họ trở về quê cha đất tổ, như những kẻ hành hương về nơi thánh địa. Thành phố London, hay các thành phố khác vẫn giữ được cái cổ kính của hàng vài thế kỷ trước. Người Mỹ thích đến các Pub ở Anh, vì phong cách riêng biệt không tìm được ở Mỹ. Đó là các quán rượu trong làng, rất cổ kính, yên tỉnh, có sân rộng, vườn hoa. Gia đình, bạn bè quay quần quanh một cái bàn, thưởng thức rượu ngon, tưởng tượng cảnh cha ông ngày xưa cũng quay quần ở các quán rượu cổ kính này. Ở Anh không có cảnh uống rượu “Dzô, dzô” như ở Việt Nam, không ai ép ai. Muốn người khác cùng uống với mình, họ lể phép mời, và chỉ cùng nhấm một ít, chứ không uống cạn tận đáy ly.
          Mùa hè là mùa của nhiều lể hội cũng là mùa thi tài Tennis quốc tế ở Wimbledon (London).
          Ngày 21/6, ngày hạ chí (Summer solstice) là ngày dài nhất trong năm, cũng là ngày hàng vạn người đến Stonehenge ở Wilshire hành hương. Họ đến đây vài ba ngày trước để dành chổ nhìn cảnh trời mọc vào đúng ngày 21/6 này, và chỉ có ngày này ánh sáng mặt trời đi xuyên qua khung cửa đá của Stonehenge. Đó là một kỳ tích toán học thiên văn của người Anh, khi xây dựng Stonehenge này cách đây trên 2500 năm.
 
  
Stonehenge nhìn từ trên máy bay, và vào hoàng hôn
          Đây là một kỳ công toán học và kỹ thuật mà tới ngày nay vẫn chưa giải đáp thỏa mản. Đó là những khối đá xanh khổng lồ được dựng đứng theo một hình tròn, và trên đó có tựa những khối đá khổng lồ, mà chỉ có những máy móc cơ giới tân tiến nhất ngày nay mới có khả năng nâng các khối đá này. Nhưng Stonehenge được xây dựng cách đây trên 2500 năm. Kỳ công thứ nhì là các khung cửa đá theo hướng mặt trời mọc và lặn, và chỉ ở ngày 21/6, ánh sáng mặt trời khi rạng đông và hoàng hôn mới đi thẳng xuyên qua các cửa đá này, nghĩa là chỉ ở ngày này người ta mới thấy mặt trời ở trung tâm các khung cửa đá. Các ngày khác thì không thấy được. Đây là dịp du khách đến vùng Stonehenge nhiều nhất trong năm.
          Cuối tháng 6 đầu tháng 7 là dịp tranh tài quốc tế về quần vợt (Tennis) tại Wimbledon, London. Đây là dịp du khách mộ điệu tennis trên khắp thế giới đến London. Để được tham dự ngày khai mạc, hàng ngàn du khách phải xếp hàng trước 24 giờ, tức phải ngủ đứng ban đêm, để mong có chổ ngồi trong khán đài, mặc dầu đã mua vé trước. Tranh giải quốc tế quần vợt tại Wimbledon bắt đầu từ 1877. Mùa Tennis cũng là mùa dâu tây (strawberry) chín rộ. Trong không khí oi bức và nắng chói chan ngoài trời, vừa theo dỏi trận đấu vừa ăn dâu tây với kem (cream) thì thích thú lắm. Vì vậy, trong mùa tranh giải Tennis, trong những ngày tranh giải chung kết, 27 tấn trái dâu tây với 7000 lít cream và 14 ngàn chai champagne được tiêu thụ.
          Nước Anh là nước đa chủng tộc, sống hòa hợp với nhau qua nhiều thế kỷ, mà văn hóa mỗi sắc dân được bảo tồn. Tháng 7 và 8 là tháng của các lễ hội ngoài đường. Tổ chức lớn nhất Âu Châu là lễ hội kéo dài 3 ngày Notting Hill Carnival ở London của các sắc dân da màu vùng Caribean, tổ chức trong dịp nghỉ lể August Bank Holiday cuối tháng Tám.  Lể hội này bắt đầu tổ chức hàng năm từ 1966. Số người tham gia và người đứng xem lên số triệu, không những người da màu mà cả da trắng tham gia, diễn hành vũ điệu ở nhiều đường, tổng cộng  chiều dài khoảng 30 km, với khoảng 40 sân khấu nhạc cố định rải rác trên lộ trình, chưa kể hàng trăm ban nhạc kèn trống inh ỏi di động diễn hành. Người tham dự hóa trang với màu sắc sặc sở. Hàng năm, để tổ chức lể hội này, cần tới 40.000 người tình nguyện trong ban tổ chức, hàng trăm trạm giải khát (miển phí cho người tham dự diễn hành), và dỉ nhiên hàng vạn cảnh sát giữ gìn trật tự.
  
 
Diễn hành vũ điệu ngoài đường
 
    
 
Hàng triệu người ngoài đường phố trên lộ trình diển hành
Tại thành phố Reading yên tỉnh của tôi cũng có 2 lễ hội lớn tổ chức trong dịp hè. Lễ hội của sắc tộc da màu gốc Caribean được tổ chức rất lớn tại Prospect Park suốt hai ngày đêm. Nhà tôi cách xa Prospect Park khoảng 3 km, nhưng ban đêm vẫn nghe tiếng trống và tiếng hát inh ỏi. Một lể hội lớn thứ hai tổ chức tại bờ sông Thames tại Reading, quy tụ các ban nhạc trẻ trên khắp nước Anh với tổng số người tham dự khoảng 30000 thanh niên, tổ chức kéo dài 3 ngày trong dịp lể Bank Holiday cuối tháng Tám. Trong các ngày này, thành phố Reading tràn đầy thanh niên, mang ba lô nặng nề trên vai. Đây là ngày kẹt xe nhất trong năm. Có một năm, chồng tôi phải mất 6 tiếng đồng hồ để lái xe qua thành phố.
Mùa hè ở Anh rất ngắn ngủi, tuy dài 3 tháng như những mùa khác, nhưng tổng số ngày có mặt trời quang đảng chỉ khoảng 20 ngày. Phần còn lại là trời âm u và mưa rào. Vì vậy, trong những ngày tươi đẹp này, người Anh tận hưởng cái thời gian đẹp nhất trong năm. Ngoài đường, ai ai cũng bận quần ngắn, áo ngắn, áo thể thao. Còn các cô gái thì khỏi phải nói. Các ông mải ngắm nhìn các cô mà đi đụng cột đèn không hay.
Reading, mùa hè 2011
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860692 visitors (2231433 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free