TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tốc ký miền Tây
 
Lên mạng ngày 27/3/2011

Tốc ký miền Tây
 
Chúng tôi quyết định về Cà Mau khá bất ngờ và  muộn, khởi hành lúc 15h, dự định sẽ tới thẳng Năm Căn ngủ đêm, nhưng không kịp. Tới Bạc Liêu đã gần 20h, ghé ăn tô bún nước lèo Phường 6, ngon quá nên ăn thêm mỏi người nửa tô nữa. vị nước lèo pha trộn bì thính vẫn đậm đà khó quên, nếu ghé quán đầu giờ thì có thể gọi đầu cá lóc với bộ lòng béo ngậy.
Tới Cà Mau đã 22h, hơn 20 năm quay lại thành phố giờ đã quá thay đổi, đường phố, khách sạn khang trang. Ghé thử một bar theo lời giới thiệu, mới thấy ở tỉnh cuối chữ S này, mọi cái đã được cập nhật không thua các thành phố lớn, giá cả cũng xấp sỉ Sài Gòn . Dĩ nhiên không gian bên trong thì ít nhiều đơn giản hơn, hỏi một PR, quê tại chổ, nói chỉ mới đi tới Cần Thơ, vậy mà ăn mặc, bộ điệu cũng khá là…sành điệu. Các việt kiều, đại gia, thiếu gia vẫn vung tiền thoải mái (chủ yếu liên quan thủy hải sản )…vẫn có những bàn nhìn qua cũng biết là các nhân viên trẻ họp mặt liên hoan.
Lê Thanh Quang (LTQ), cây bút NLS Cần Thơ đón chúng tôi giới thiệu món điễm tâm khá đặc biệt của Cà Mau : hủ tíu bò cay. Món ăn với hương vị lạ pha trộn giữa bò kho, ca ry, sa tế…gần giống hủ tíu sa tế ở Mỹ Tho…và dĩ nhiên phải cay mới ngon. Nhờ LTQ chúng tôi có lộ trình trực chỉ Đất Mủi, nơi cuối cùng của bản đồ VN, nơi mà biết bao người miền Tây như chúng tôi tóc đã hoa râm mà chưa một lần đặt chân đến
 
Các huyện quanh Cà Mau ( Năm Căn, Phú Tân, U Minh, Thái Bình, Trần văn Thời, Cái Nước…) trước đây phải ngồi đò dọc hàng nữa ngày trời giờ đã có đường bộ thông suốt. Chúng tôi chỉ mất hơn 1 giờ đã tới Năm Căn. Thêm gần 1 giờ đường thuỷ với những địa danh quen thuộc lần lượt trôi qua ( chợ Ông Trang, lâm trường Đất Mủi, khu dự trữ sinh thái rừng ngập mặn…) chiếc cano xé nước quanh co với những ngọn rạch chằng chịt của rừng ngập mặn, những thân dừa lảo làm cọc đáy thỉnh thoảng lừng lững giữa sông . Mùi cá khô quyện theo gió qua những xóm chài với những chiếc ghe lưới đủ cở nằm cặp bến …
Tấm hình của LTQ chụp tại đất mủi đây rồi, biểu tượng chiếc tàu cá vươn ra khơi với cột cờ chót vót. Chính tấm hình này trong album của Thầy Trần Đăng Hồng đã kích thích chúng tôi đi đến quyết định về đây. Trên nền rừng đước bạt ngàn, màu xanh lá nỗi bật trên màu xanh của biển…
Sự chọn lọc tự nhiên thật dịêu kỳ, rừng ngập mặn như những chiến binh giáo khiên tua tủa, đứng trân mình nơi đầu sóng ngọn gió. Đước, mắm, sú , vẹt, cóc, bần, dừa nước như những tiền quân hậu quân xếp hàng xếp lớp ôm phù sa lấn biển…
Chúng tôi leo lên đài quan sát, du khách cũng thưa thớt, chủ yếu ở các tỉnh khác đi theo nhóm, thằng bé đen nhẻm, tóc hoe phèn níu tôi xin tiền lẻ, cách xin cũng thật chất phác, chắc 3 đứa bàn nhau tranh thủ kiếm thêm, 2 đứa còn lại lớn hơn một vài tuổi đứng lảng ra xa. Tôi móc 10 ngàn đưa thằng bé rồi hỏi cắc cớ :
-          Giờ 10 ngàn làm sao chia 3 đứa
-          Dạ còn dư con mua kẹo chia nhau ăn. Thằng bé nói ấp úng
-          Thiệt tình quá-Tôi cóc nhẹ thằng bé, liên tưởng tới thuở ấu thời, chúng tôicũng bị cầm đầu và giựt dây bởi những đứa lớn hơn một hai tuỗi, tôi nói lớn cốt cho 2 đứa kia nghe - Cũng có lý, nhưng con có công nói, con lấy 4 ngàn, nghe chưa, 2 đứa kia ăn theo chỉ 3 ngàn thôi. Cả bọn nó cười hì hì, vui vẻ…Dám chừng từ rày về sau tụi nó thành lệ, đứa nào mở miệng thì lấy hết phần lẻ, dần dà vô tình tôi là nguyên nhân khiến tụi nó hết “thiệt tình”…
 
Nhà hàng duy nhất ở Đất Mủi hôm nay bị quá tải với 3 bàn khách của Saigontourist. Chúng tôi phải chờ và tự đi lấy những món lặt vặt cần thiết cho bàn ăn. Vọp bây giờ phần lớn là nuôi, nên hiếm có con lớn (vọp thiện nhiên lớn gấp 3,4 con nghêu, vỏ đóng rêu xanh đen ). Nói chung thực đơn không có món đặc sắc của Đất Mủi.
Khi ra Đất mủi nước đang ròng, khi về nước ròng kiệt, các chân kè, miệng cống phơi mình với đám hào đá tua tủa ( phần lớn đã bị gở, vì nghe nói hào đá ở các miệng cống bọng dẫn nước rất ngon). Ca nô quay về nhanh được 5 phút, có lẻ nhờ xuôi gió hay do tài công đói bụng … Tới Cà Mau lúc 15h, chúng tôi chỉ kịp chào tạm biệt LTQ qua điện thoại .
Trên đường về, tới thánh đường Tắc Sậy, hàng đoàn xe khách hành hương đậu trong sân, nhà thờ đã xây xong thật uy nghi và trang nhã với vách trần ốp gỗ và tượng 12 vị Thánh tông đồ cũng bằng gỗ chạm khắc tinh xão. Sự hiễn linh của Cha Trương Bửu Diệp không thể chỉ là lời đồn suông khi thấy những lời cảm tạ khắp nơi trong khuôn viên thánh địa. Ngay những người ngoại đạo như tôi khi vào đây cũng thấy lòng mình chìm ngập trong đức tin vô bờ.
Sự sắp xếp bố trí từ ngoài cổng vào thật tốt, sân đậu xe rông lớn, vệ sinh sạch sẽ, những bình nước tinh khiết thiện nguyện chất rải rác gần quanh khu mộ. Thánh đường mới quá đẹp nên có nhiều người đứng ở cầu thang dẫn chụp hình lưu niệm. Tại khu hướng nguyện, nhang có lẻ nhiều hơn nến, chứng tỏ người lương giáo, Phật giáo tới viếng rất đông…
Gần 16h, chúng tôi trực chỉ Sóc Trăng, ghé quán Hưng 2 với món ruột : tôm càng nướng và bồn bồn xào tép . Món bồn bồn giờ khá phổ biến ở nhiều nơi, năng suất thu nhập khá , nên ở những chân đất trũng người ta trồng bồn bồn, phần lớn ở Sóc Trăng, Bac Liêu, Cà Mau
Về đến Cần Thơ sau khi an vị đã là 20h . Tây đô Cần Thơ vẫn là thủ đô miền tây ở mọi giai đoạn, sa mạc tuổi trẻ, vười ỗi ngày nào giờ đã thành phố thị cao cấp với dày đặc nhà hàng, quán sá các loại
Con đường nam sông Hậu đã thông, từ Cần Thơ chạy men dọc sông về tới Đại Ngãi, các phà sát từ Trà Ôn đã điều về Cầu Quan, nếu Cù Lao Dung đường sá thông thì có thể từ Sài Gòn đi ngõ Bến Tre về Trà Vinh qua Cù Lao Dung tới Sóc Trăng, Bạc Liêu ( Cầu hàm Luông đã xong, cầu Cỗ Chiên đang làm )…
Sáng ngày thứ ba chúng tôi trực chĩ Long Xuyên, tĩnh lộ 91 vẫn cũ kỹ chật hẹp nhiều đoạn, bảng hạn chế tốc độ báo liên tục. Đoạn đường 60km đi mất gần 2 giờ . Khác vớ Trà Vinh có những con đường cổ với những hàng dầu đại thụ, Long Xuyên có qui hoạch đường phố đẹp từ lâu ( nghe nói nhờ công của ông Nguyễn Ngọc Thơ, thời đệ nhất cộng hoà ), bây giờ dân cư phát triển nên đường 91 đoạn từ phà Vàm Cống đã trở thành đại lộ Trần Hưng Đạo bề thế dài hàng chục cây số.
Ngay trưa hôm ấy, chúng tôi được một người bạn vong niên thết đải những món đặc sản khó quên tại quán “Làng Tôi”, cá rô mề nướng trui, rắn mối nướng mọi. Những con cá rô to gần 4 ngón tay, với bộ lòng béo pha chút đắng của mật. Rắn mối là thứ kinh sợ đối với tôi lúc nhỏ giờ đã trở thành món độc đáo, nó thơm và ngọt mềm khó tả. Tôi còn mơ món bắp non mới hái luộc ăn với dưa mắm ( dưa gang xanh che dọc vùi trong lu mắm, vớt ra không rửa, chỉ gạt sơ rồi ăn kèm với bắp luộc, bắp phải chưa già ăn mới thấm thía vị ngọt kèm với vị mặn dịu giòn của dưa mắm ). Bây giờ hầu hết là dưa muối, muốn ăn dưa mắm phải đặt riêng ở các vựa mắm, họ chỉ làm để ăn ít khi bán.
 
Sau “Làng Tôi”, chúng tôi được dẫn đến quán lẩu trâu, món ăn đã gần như là thương hiệu đi kèm theo địa danh Long Xuyên. Quán đông nghịt khách từ khi mở cho tới khi đóng cửa, rượu đế rượu ngâm rất lạt, cho nên uống mà cứ sờ sợ rượu có methanol…
Đêm Long Xuyên cũng sôi động gần như Cần Thơ, các loại quán sá, nhà hàng café đủ mọi sắc màu…Còn rất nhiều món đặc sản Long Xuyên mà chúng tôi chưa có thì giờ thưỡng thức ( Gà hấp lá trúc, cá trạch lấu kho nghệ, bánh khọt, bánh xèo bông điên điển, cá cóc kho lạt, cá he kho tộ, cá lìm kìm muối chiên…)
Nếu có thì giờ chúng tôi sẽ tiếp tục đi lên Châu Đốc, qua Tân Châu, Hồng Ngự, trên đường về ghé Tràm Chim ( Tam Nông) rồi sẽ theo đường 844 về Tân Thạnh ( Long An ), nếu thích có thể quay ngược lên Đức Huệ ( Hậu Nghĩa ) ra Củ Chi về lại Sài Gòn sẽ là một vòng khép kín . Con đường 844 trước đây khi chúng tôi đi còn ngỗn ngang, có đọan đá 4x6 lỗn nhỗn, nó như con đê phao nỗi cao trên đồng tháp mười, qua những xóm nhà kê sàn cao 2,3m ….Các cư dân Hồng Ngư than thở nước Mê kong về ít, không biết rồi đây cảnh Đồng Tháp Mười trắng xóa mùa nước đỗ có còn hay không , hay chỉ còn là trong sách vỡ ..
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855294 visitors (2218164 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free