TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Dư âm Hội Ngô Cali 2
 
Lên mạng ngày 7/9/2009

Cựu học sinh Nông Lâm Súc Cần Thơ tìm lại nhau nhờ một trang web
 Bài và hình: NHƯ HIỆU
 
(Bài này đăng trên tờ nhật báo Việt Herald ở Westminster California, ngày 1-9-2009)
Các cựu học sinh trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ họp mặt tại Garden Grove.
 

 
   GARDEN GROVE, California(VH): Nhờ trang web http://thnlscantho.page.tl/ mà gần 50 cựu học sinh trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ đang cư ngụ tại Hoa Kỳ gặp lại nhau lần đầu tiên vào ngày Thứ Bảy, 29 tháng 8, vừa qua, sau mấy chúc năm xa cách.
   Trời trưa nắng đổ lửa. Sức nóng hầm hập hắt xuống tấm bạt che cạnh garage nhà của anh Phạm Hữu Hạnh, Garden Grove, làm mọi người đổ mồ hôi hột.
   Thế nhưng, họ vẫn quay quần bên nhau, hết nhóm này tới nhóm khác từ 11 giờ trưa cho tới 5 giờ chiều.
   Bác sĩ Trần Văn Diên, từ Texas sang, mang theo cả thẻ học sinh Nông Lâm Súc từ năm 1972… Mọi người cùng săm soi các kỷ vật năm xưa với biết bao kỷ niệm. Anh Diên gửi tặng mọi người cuốn đặc san kỷ niệm ngày họp mặt tại trường xưa hồi đầu năm nay, mang tựa đề “Trường Cũ Tình Xưa” và một cuốn tập thơ của riêng anh mang tên “Âm Vang Trường Cũ Tình Xưa - Thơ Tình Viết Vội.”
   Bác sĩ Diên nói về cuốn “Lưu Bút Ngày Xanh”, quy tụ những ngòi bút dưới mái trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ, mà anh đang cùng bạn đồng học cũ cùng trường, anh Lý Thái Lâm, đang nhận bài và lên khuôn với dự tính sẽ phát hành vào ngày 12 tháng 6, 2010.
   Anh cho biết, cuốn “Lưu Bút Ngày Xanh” đang dầy khoảng 200 trang, chắc chắn đến ngày in (ngày 1-4-2010) sẽ them trang, trong đó có 10 trang danh sách địa chỉ thầy cô và học sinh. Anh tiết lộ: “Nhờ trang web của thầy Trần Đăng Hồng ở Anh Quốc mà chúng tôi có tin tức của nhau, liên lạc được nhau và tổ chức nên một cuộc họp mặt đầu tiên này.
   Anh Phạm Hữu Hạnh, cựu học sinh ngành trồng trọt, cũng cho biết đây là lần đầu tiên các cựu học sinh Nông Lâm Súc Cần Thơ đang sinh sống ở Hoa Kỳ gặp lại nhau.
   Tại vùng này, hiện có khoảng 30 cựu học sinh vừa biết nhau, trước đây không ai biết ai, mặc dù có người ở sát nhà nhau.
   Anh nói: “ Suốt gần 40 năm ròng không gặp lại nhau, nay tuổi đời chúng tôi lên tới hàng “sáu”, đầy ắp nỗi niềm tâm sự, giờ đây có dịp chia sẻ cùng nhau.
   Cũng theo anh Hạnh, cuộc họp mặt diễn ra tại nhà của anh chiều Thứ Bảy là cuộc họp nhỏ, mở đầu cho các dự tính về sau sẽ quy tụ đông hơn.
   Cuộc họp mặt còn có sự hiện diện của các anh chị “dâu rể” trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ.
   “Rể” Nghĩa, cư dân vùng South Bay, đưa bà xã từ nhà đến tham dự cuộc họp mặt, cho biết: “Tôi không học trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ mà là sinh viên đại học Nông nghiệp Cần Thơ. Lần này đi… ké cũng thấy vui.”
   Chị Trần Thị Thịnh thì cho rằng cần phải có cuộc họp “mở màng” như thế này để có những cuộc vui liên liếp sau này, “nếu không thì muôn năm không có, trăm tuổi già cũng không ai biết ai.”
   Bác sĩ Trần Văn Diên vẫn chưa hết xúc động khi nhớ về các cuộc họp được tổ chức gần đây, trong đó có cuộc họp mặt lần đầu tiên của cựu học sinh của lớp anh vào ngày 13 tháng 2, năm 2007 tại Cần Thơ.
   Anh tâm sự: “Lớp tôi hiện còn 42, mái tóc đã điểm sương. Kiểm lại có 7 người qua đời, và 7 người nữa không biết đang ở nơi đâu. Tôi đã làm đặc san cho lớp mình, nay làm cho trường, thật là thú vị.”
   Một chương trình văn nghệ bỏ túi được tổ chức tại sân nhà. Chị Thịnh hát “Lý Canh Nông”, Chị Quít hát vè “Cần Thơ”, còn bác sĩ Diên thì hát bội…, có ca vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu”, ngâm thơ về tình quê “Bóng Quê Xưa” …
   Cho tới gần 5 giờ chiều, một nhóm nhỏ vẫn còn quay quần bên bàn ăn. Người này cười nhạo người kia “mình không nhận ra được chính mình đứng chụp ảnh trong cuốn sách nhỏ.”
   Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, cư dân Garden Grove, cựu học sinh ngành canh nông, mới qua Mỹ được ba tháng, cho biết: “Ở nhà buồn quá, đọc tin mời họp mặt cựu học sinh, tôi liền gọi anh Hạnh. Gặp nhau mừng quá trời.”
   Một nhóm nhỏ gồm các anh Lưu Tấn Phước (San Jose), Dương Văn Khôi (El Monte), Nguyễn Thế Đạt (Cerritos) ngồi nhắc lại kỷ niệm thời đi học.
   Anh Phước nói: “Anh em chúng tôi đông lắm nhưng không ai biết ai, nhờ trang web của thầy Trần Đăng Hồng mà dần dần liên lạc hết kể cả người ở Việt Nam. Nhớ hồi xưa cả lớp chia nhau mảnh đất trong sân, lên liếp trồng rau muống, để được chấm điểm xem ai đạt kết quả tốt nhất, theo chương trình thực hành nông trại.”
   “Học sinh con trai vẫn đông hơn con gái, nhưng tụi tui bao giờ cũng quý trọng và giúp các chị hết lòng. Hơn nữa, đa số chúng tôi là người các tỉnh khác đến Cần Thơ học nên rất mến nhau. Có hôm một chị bệnh không đi học, liếp khoai của chị được người kế bên tưới nước giùm. Phải nói rằng học sinh chúng tôi thương nhau lắm.” Học sinh tứ xứ từ Sóc Trăng, Châu Đốc, Sàigòn… đến Cần Thơ học.
   Anh Dương Văn Khôi kể thêm: “Mỗi cuối tuần chúng tôi đi làm công tác xây dựng nông thôn, có công tác phí đàng hoàng, tại các khu vực thường cách thành phố khoảng 10 cây số. Từ năm 1968, bọn con trai lần lượt đi lính, đứt liên lạc luôn cho tới bây giờ đã 40 năm.”
   Ở Hoa Kỳ hiện nay, mặc dù nhiều cựu học sinh Nông Lâm Súc Cân Thơ không hành nghề theo sở trường của mình, họ cũng có công việc hằng ngày ở sân sau như: tháp nhánh, cắt cành…, làm này nọ về Nông Lâm Súc ở vườn nhà rất vui.
   Sau cuộc họp, mọi người chia tay, giữ lại những dự tính lớn cho những người từng khoác áo học sinh ngôi trường xưa. (N.H.)  
 
Trở lại Trang Bạn Viết                                  
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860775 visitors (2231591 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free