Lên mạng ngày 27/2/2010
TÂM SỰ CÔNG TÁC THIỆN NGUYỆN HÒA BÌNH TẠI PHI CHÂU
Trần Thị Cẩm Tuyến
Lời Ban Biên Tập: Chị Trần Thị Cẩm Tuyến là cựu học sinh khóa đầu tiên của NLS Bảo Lộc. Ai đã từng làm việc ở Nha Nông Nghiệp Sài Gòn hay Ty Nông Nghiệp ở các tỉnh không ai là không biết Chị. Giới thiệu cùng bạn đọc để biết hoạt động của một đồng nghiệp ở nước ngoài, dấn thân vì nghề nghiệp ở một nơi hoang dã của Phi Châu.
Nông nghiệp là mộng ước và cũng là nghiệp dĩ của đời tôi. Tôi đã rất may mắn đạtđượcmộng ước đó khi trúngtuyển vào trường Quốc gia Nông Lâm Mục Blao.
Trường NLM đã cho tôi cơ hội rèn kuyện chuyên môn. Định mệnh đã ưu ái dẫn dắt tôi tiến sâu vào nghiệp dĩ!Mười lăm năm gắn bó với nghề nông,mộng ước lại có dịp phá triển.
Là nhân viên kỹ thuật của ngành khuyến nông Trung Ương tôi mơ có ngày chính quyền và nhân dân miền Nam sẽ mở rộng vòng tay thân ái tiếp tế nông nghiệp: hạt giống, phân bón, thuốc sát trùng. giúp nông dân nghèo khổ Miền Bắc. Ước mơ thật giản dị đó đã trở nên hão huyền khi vận nước xoay chiều!! Một ước mơ khác thật xa vời bắt đầu từ sự cộng tác thân hữu với thiện nguyện viên IVS (International Voluntary Services) trong công tác Khuyến Nông. Tôi mơ ước được như các bạn IVS có cơ hội đến các nước nghèo đói, chậm tiến để trực tiếp giúp đỡ nông dân cải thiện kỹ thuật nông nghiệp và vừa có dịp phiêu lưu mạo hiểm nơi xứ lạ quê người.
Qua Mỹ năm 1984 theo diện ODP (Orderly Departure Program) mất 6 năm để vào quốc tịch, mới đủ điều kiện tiên quyết để xin gia nhập đoàn thiện nguyện hòa bình (Peace Corps Volunteers). Nhờ có chuyên môn và 15 năm kinh nghiệm về canh nông nên được tuyển chọn nhanh chóng. Vậy là mộng ước xa vời đã thành hiện thực.
Với 24 bạn cùng chung chí hướng từ các tiểu bang tập trung về Pennsylvania dự khóa định hướng 3 ngày, chuẩn bị tinh thần cho chuyuyến công tác viễn du về miền Phi Châu nghèo khổ nắng cháy. Hầu hết thiện nguyện viên là thanh niên trẻ vừa tốt nghiệp. Chỉ có 3 người già: Tôi lúc đó đã 57 xuân xanh, trẻ hơn một cụ bà Kiểm lâm 2 tuổi và một cụ giáo viên 3 tuổi.
Ngồi trên phi cơ rời đất Mỹ, một cảm giác rộn ràng khích động xâm chiến tâm hồn: Mình đang rời bỏ một nếp sống sung túc an nhàn từ một nước giàu nhất thế giới để dấn thân vào một nước nghèo nàn lạc hậu. Bao nhiêu khó khăn thử thách đang chờ đón mà sao trong lòng cảm thấy hân hoan phơi phới!? Rồi miên mang hồi tưởng lại tâm trạng sầu thảm xót xa ngày rời VN đi Mỹ. Hồi đó tôi đã vận động trăm phương ngàn kế để thoát ra nước ngoài. Nhưng khi rời quê hương nghèo khổ rách nát để đến đất hứa thì lòng tôi lại rối bời xót xa trăm mối!
Tới phi trường Austin, Texas. Bà bạn Mỹ đến đón, vừa gọi tên, dang tay đón mừng thì tôi bỗng bật khóc nức nở, khóc nghẹn ngào tức tưởi.! Bà bạn ngẩn ngơ lúng túng chỉ biết ôm nhẹ, vỗ về và lặng lẽ khóc theo!
Phi trường Baujul _ The Gambia, hoang vắng nghèo nàn, nhưng nổi bật giữa khung trời xa lạ, hình ảnh hai cây phượng vĩ đõ rực, đập vào mắt, nhập vào tim làm tôi rộn ràng tưởng như mình đang về Huế vào mùa hè phượng nở! Từ phi trường về thành phố, nhà cửa lụp xụp, vườn tược khô cằn, nhưng đám thực vật quen thuộc: Ðu đủ, cam, xoài, chuối, hoa giấy (Bougainvillea) với bầy gia súc dê, gà. gợi nhớ cảnh quê nhà! Ôi! Sao giống quá con đường về Buôn Mê Thuột, Kontum, Pleiku! chỉ khác là đồng bào ở đây da dẻ đậm đà hơn đồng bào thượng quê nhà!
Hai tháng đầu chúng tôi tập trung trong một "trại cải tạo" để tu nghiệp tiền nhiệm, tập tành lao động, học ăn, học nói (ăn bốc và nói thổ ngữ), làm quen với đồng bào thôn xóm, nếm mùi tân khổ với ruồi, muỗi, côn trùng. Mỗi chúng tôi được nhận làm con nuôi với một gia đình trong xóm, được đặt một tên mới. Lễ đặt tên được tổ chức long trọng. Chúng tôi lần lượt đến quỳ trước ông Trưởng tộc để ông làm lễ cắt một tí tóc, tuyên bố tên mới rồi giao cho gia đình đến nhận. Sau đó là ăn uống và kết thúc là màn nhảy múa theo tiếng trống bập bùng cùng điệu múa tay và mông đi vòng quanh theo gia đình mới. Tên tôi là Nha Ma Xô.
(Cha mẹ nuôi và bầy con cháu của Nhamaxô sau lưng là
nhà và vườn có cây so đũa do Nhamaxô trồng)
Sau hai tháng thử lửa, chúng tôi được chính thức tuyên thệ là thiện nguyện viên, mỗi người về công tác riêng biệt ở một làng, sống chung trong một khu gia cư với dân làng. Làng tôi cách xa thủ đô Gambia chừng 40 cây số và một chuyến phà. Về đây tôi lại có một ông cha nuôi mới với hai bà mẹ và bầy em út họ hàng sống chung quanh. Tôi thuê một căn nhà nhỏ trả mỗi tháng 50 Dalasis = 5USD. Ăn chung với gia đình (ăn bốc) mỗi tháng trả thêm 50 Dalasis nữa. Cả làng có khoảng 1.000 dân cư nhưng chỉ có 4 cái giếng bơm do Tây Ðức viện trợ. Tôi phải nhờ bà mẹ nuôi đội nước về đổ đầy một thùng phuy để nấu nướng tắm giặt và tưới cây trong vườn, mỗi tháng cũng trả 50 Dalasis. Tiếng là ăn cơm chung với gia đình nhưng hầu hết chúng tôi (thiện nguyện viên) đều có lò ga nhỏ để nấu dặm (mà là chính) vì ăn bốc chỉ là một lối xã giao để gần gũi và chia sẻ với gia đình thôi! Mỗi năm dân làng chỉ có gạo đủ ăn trong 3 tháng, còn lại thì phải ăn bắp giã và kê.
Ăn cơm gia đình rất giản dị, gia đình ngồi vây quanh một thau cơm lớn đặt ở giữa. Trên mặt cơm được rưới một loại sauce sền sệt nấu bằng dầu dừa rừng (Palm oil), đậu phụng xay nhuyễn (peanut butter) và sauce cà chua. Thỉnh thoảng có được vài miếng thịt gà, thịt bò, hay thịt dê nấu chung là quý lắm! Hầu hết dân vùng này thuộc đạo Muslim nên cữ ăn heo, kể cả heo rừng. Ăn bốc cũng có luật lệ, chỉ được dùng một tay và phải là tay mặt. Nếu bạn lỡ dùng tay trái thì lập tức mọi người sẽ ngưng ăn để cho bạn một mình ăn hết thau cơm đó! Chớ vội mừng! Bạn gặp rắc rối rồi đầy! Tục lệ ở đây tin rằng hai bàn tay của ta được phân chi nhiệm vụ rõ ràng: Tay mặt để làm những việc sạch sẽ cho phần trên của cơ thể, tay trái để làm những việc dơ uế cho phần dưới! Ðưa tay trái vào thau cơm chung là đại bất lịch sự, là làm ô uế thức ăn thiêng liêng của thượng đế ban cho! Ðó là lý thuyết chúng tôi được giảng dạy căn dặn kỹ lúc tôi tu nghiệp tiền nhiệm. Mọi người lo thi hành đúng nên chưa bao giờ dám đưa tay trái vào bốc cơm để chứng nghiệm!
(Nhamaxo ăn bốc với nông dân ngoài đồng)
Về mặc thì phụ nữ được lưu ý: mặc hở vai hở cổ bao nhiêu cũng được nhưng chớ có phô trương cặp giò. Phụ nữ ở đây "topless" là chuyện thường, nhưng nếu để hở giò hở đùi là bị phê bình khiêu gợi! Căn nhà của tôi được tái thiết trám xi măng, đóng cửa lưới, có hầm tiêu và nhà tắm lộ thiên theo tiêu chuẩn trung ương quy định để bảo vệ an toàn cho sức khỏe. Ðược coi là căn nhà khang trang nhất trong làng.
Tôi chỉ ghi lại sơ lược một số mẩu chuyện vui, lạ, đã xảy ra trong thời gian sinh sống, công tác tại miền đất bán hoang dã này.
Những đêm đầu tiên ngủ một mình trong gian nhà nhỏ giữa một vùng trời hoang sơ xa lạ, tôi chập chờn lắng nghe tiếng đêm xào xạc trong gió, văng vẳng từ ven rừng tiếng vượn hú, hòa với tiếng lừa kêu rền rĩ ai oán kéo dài từ đầu làng đến cuối xóm, rồi tiếng chó sủa, tiếng chuột rúc, tiếng tắc kè kêu trên mái tôn, tiếng chày giã gạo khuya, tiếng khai kinh Muslim vào tảng sáng cao vút rền vang khắp xóm, đánh thức mọi nhà cùng hòa điệu cầu kinh. Những âm thanh trên đã quấy rầy giấc ngủ nặng nề mộng mị, chưa kể đến tiếng khóc ré liên hồi của một đứa trẻ sơ sanh ở sát nhà. Suốt hai đêm tiếng khóc dai dẳng làm tôi lo nghĩ. Chắc là đứa bé bị bệnh gì đó, mình phải qua thăm, đưa nó đi trạm y tế chữa trị mới được! Nhưng sau đó tôi mới phát giác ra tiếng khóc đó là của một con dê con nằm ngủ với dê mẹ ở ngoài vườn! Ái chà, sao mà giống hệt tiếng trẻ nít khóc thế! Có một điều an ủi cho những đêm dài thao thức đó là đến canh năm thì có tiếng gà gáy sáng! Ôi, thật là tuyệt diệu! Tiếng gà gáy sáng răng mà êm đềm gần gũi dễ thương rứa! Ấy vậy mà trong một dịp nói chuyện với các bạn đồng sự. Tôi hỏi, trong các tiếng động ban đêm, loại súc vật nào quấy rầy bạn nhất? Hầu hết các cô cậu bạn Mỹ của tôi đều không do dự đáp là tiếng gà gáy sáng! Một cậu đã kể rằng: tôi ghét con gà trống của bố nuôi tôi quá. Sáng nào nó cũng gáy om sòm làm tôi mất ngủ! Một hôm tôi đã dùng thổ ngữ bập bẹ chỉ con gà và nói với bà mẹ nuôi tôi là tôi muốn giết con gà này quá! Bà gật đầu tỏ ý thông cảm! Trưa hôm đó tôi được ăn cơm với thịt gà!
Gia đình của Nhamaxô tại Gambia
Thêm một chuyện gà nữa, nhưng mà là gà mái. Ðể tự túc, tôi làm chuồng nuôi gà để lấy trứng bồi dưỡng. Hỏi mua vài con gà giò mái, hàng xóm bày vẽ: Phải nuôi thêm một con gà trống thì gà mái mới đẻ được. Tôi đáp không cần. Mọi người cười tôi là ngây thơ. Ráng cắt nghĩa "giản dị + thực tế + vắn tắt" No cock, no egg! No husband, no baby! Tôi cũng cười lại bảo: Chờ xem! Dĩ nhiên là tôi có trứng gà nhưng không thể ấp nở ra con được! Dân làng ngây thơ chất phác đã thắc mắc cho là dân da trắng có phép phù thủy. Có một đêm giật mình nghe tiếng gà kêu oác oác, tôi vội vã xách đèn pin chạy ra thì từ chuồng gà phóng ra một con gì đó to cỡ con mèo, đuôi xù có sọc trắng, đoán là chồn. Trở vô nhà định ngủ tiếp thì cảm thấy mình mẩy áo quần xông lên một mùi hôi nồng nặc! Từng nghe kể chuyện chồn hôi nay đã được chứng kiến tại chỗ. Thật là một kinh nghiệm hiếm có! Nhiều đêm khác nghe tiếng động sột soạt, nhìn ra cửa sổ, dưới ánh trăng, một vài chú khỉ đuôi dài đong đưa trên ngọn cây, đó là chuyện thường.
Trẻ con trong làng có một số bạo gan thích đến làm quen, đi theo lẽo đẽo hay đứng xa vẫy gọi Nha Ma Xô! Một số khác nhát gan, hễ thấy bóng Nha Ma Xô thì khót khét chạy trốn, in như là gặp phải ông Ba Bị! Chắc chúng nghĩ người gì mà trắng bệch giống ma quá. Cha mẹ chúng cũng lợi dụng đem Nha Ma Xô ra dọa! Mày mà không nín khóc tao sẽ đem đến cho Nha Ma Xô ăn thịt! Vậy là đứa trẻ lo nín ngay! Chắc nó nghĩ Nha Ma Xô là mọi trắng ăn thịt người! Một hôm, một phụ nữ đến khẩn khoản mời tôi đến nhà thăm người mẹ già, hỏi lý do thì chỉ cười cười, hỏi riết thì cô khai là mẹ cô lên cơn nói xàm, quậy phá lung tung, nhờ Nha Ma Xô đến dọa chích thuốc thì bà mới chịu yên. Tôi phải rầy rà, đuổi về dặn không được đem Nha Ma Xô ra doạ như vậy! Nha Ma Xô hiền như Ma Xơ chớ đâu phải là Ma Lai hay Ma Xó!
Kể ra dân da trắng rất có uy tín với thổ dân ở đây. Họ gọi chung dân da trắng là "Tuba" (có lẽ là mọi trắng!). Họ nghĩ là dân Tuba giàu có hay cứu giúp người đau ốm, nghèo khổ. Có lẽ ảnh hưởng của các đoàn công tác xã hội và y tế lưu động. Chúng tôi mỗi người khi về làng đều được trang bị một tủ thuốc cấp cứu thông thường rất dồi dào để tự phòng thân. Mỗi tháng có xe của trung ương đem thơ, tin tức và châm thêm thuốc men cần thiết. Số thuốc này có thể trị các bệnh thông thường cho cả xóm như đau bụng, nhức đầu, ho, cảm sốt nhẹ, đỏ mắt nhưng chúng tôi phải rất cẩn thận hạn chế. Nếu không nhà tôi sẽ biến thành trạm y tế. Hầu như ngày nào cũng có người đến khai bệnh xin thuốc!
Nhiệm vụ của tôi theo giấy tờ chính thức là quản lý một vườn rau công cộng, lập điểm trình diễn, khảo cứu ứng dụng, huấn luyện hướng dẫn kỹ thuật, điều động nhân công. Nghe rất xôm tụ, nhưng khi đến nơi thì thấy một khu rào cỏ mọc um tùm cao lút đầu, ngổn ngang gò mối với dừa rừng mọc rải rác đây đó. "Nhân công" có gần 100 phụ nữ nhưng làm việc trên lô đất riêng được phân chia, với giờ giấc của họ, với phương tiện, phân giống tự túc. Nên "quản lý"với tay không chẳng điều động được ai! Lại thêm vườn sát rừng, chim, khỉ tha hồ quấy phá nên phần đông chỉ trồng ớt và cà chua địa phương". Mới đầu tôi thấy thất vọng! Thực tế không như mình tưởng! Nông dân Phi Châu chẳng giống nông dân Châu Á tí nào! Cả người Mỹ USAID ở đây cũng làm việc khác hẳn những người bạn Mỹ ở Việt Nam. Và thiện nguyện viên chẳng có một phương tiện tối thiểu nào để áp dụng kỹ thuật. Chủ trương là dùng phương tiện theo mức sống của dân. Vậy mà đoàn thiện nguyện tại nhiều nước cũng bị gán ghép là mật vụ (CIA) của Mỹ! Mặc dù ngay từ phút đầu dự khóa định hướng (orientation), chúng tôi được căn dặn kỹ là tuyệt đối không được tham gia, góp ý hoặc phê bình bất cứ một phe phái chính trị nào tại địa phương. Chúng tôi thuộc tòa đại sứ Mỹ, có thẻ thông hành công vụ, nhưng được dặn là khi có biến cố chính trị thì chỉ nên dùng thông hành dân sự, để tránh hiểu lầm, rắc rối! Chương trình Peace Corps có điểm hay là đoàn viên có thể linh động uyển chuyển, tùy điều kiện, khả năng và thiện chí làm bạn, gây tình giao hảo tốt đẹp giữa Mỹ và nước bạn. Trường hợp của tôi, khi thấy rõ là sẽ chẳng làm được trò trống gì với cái vườn công cộng phức tạp kia, tôi đã linh động lập thí điểm trình diễn, khảo cứu ứng dụng ngay tại vườn nhà. Vườn tuy chỉ rộng 100 thước vuông nhưng trồng cũng được khá nhiều thứ. Dựa theo hàng rào là các cây mọc nhanh để làm hàng rào sống như so đũa (sesbania), keo ta (leacaena) và một số dây leo như mướp, đậu, dưa leo và vài cây hướng dương (sunflower). Góc vườn có hố phân rác. Rau cải đủ loại địa phương trồng chứng nghiệm với các giống nhập cảng do tôi xuất tiền túi ra mua. Kỹ thuật áp dụng làm luống, gieo, cấy thẳng hàng. Dùng phân xanh ủ với phân súc vật. Thuốc sát trùng thì dùng sà bông pha với nước. Rau cải gồm cà chua, cải bắp, carrot, hành tây, cà tím, ớt cay đủ loại. Một góc vườn là chuồng gà, quanh vòng rào nhà tắm và hố tiêu thì trồng hoa tứ quý (hoa dừa) và zinnia đủ màu! Nóc nhà tắm và hố tiêu là giàn dưa tây thơm (passion fruit). Chỉ trong ba bốn tháng sau là vườn nhà tôi sởn sơ hoa lá. Tôi làm hết mọi việc trừ việc làm hàng rào, giàn dưa và đội nước từ giếng về nhà thì phải thuê. Trong đời chưa bao giờ lao động nặng nhọc thế và chưa bao giờ thấy công việc hấp dẫn vui thích như vậy! Thật đúng với khẩu hiệu của Peace corps volunteer "The toughest Job I ever loved!" Tha hồ vẽ rồng vẽ rắn, khảo cứu sáng tạo tùy thích! Chẳng cần trình duyệt, khỏi lo báo cáo! "Lương" thiện nguyện so ra rất ít nhưng trong làng thực phẩm rẻ, sống giản dị nên tiêu xài thoải mái vẫn còn dư, vẫn thấy mình giàu sang hơn mọi người chung quanh!
Tôi có căn nhà xinh xắn và khu vườn kiểu mẫu tốt nhất trong làng! Có thể hãnh diện nói là khu vườn kiểu mẫu tốt nhất của các thiện nguyện viên trong xứ Gambia này. Cho nên trung ương đã tổ chức một buổi du hành quan sát cho các thiện nguyện viên khuyến nông của các làng khác về thăm vườn tôi. Du hành đoàn thăm vườn xong còn được thưởng thức thổ sản địa phương do Nha Ma Xô chế biến gồm dưa leo, cải và ớt xanh dầm giấm (pickle), bánh khoai mì + đậu phụng nướng và nước chanh muối. Các bạn trẻ "lé" mắt còn Nha Ma Xô thì phồng mũi.
Dân làng tò mò đến thăm vườn, xin hột giống, xin cây con về bắt chước trồng. Vậy là công tác khuyến nông đã có hiệu quả. Tôi cũng thường xuyên thăm viếng xóm làng, quan sát thực vật và sinh hoạt với bà con! Nha Ma Xô là người da trắng duy nhất nên được làng trên xóm dưới biết mặt biết tên, chào đón thân mật! Cây trái trong làng có cam, chanh, chuối, đu đủ, me, ổi nhưng nhiều nhất là xoài. Rất nhiều xoài cổ thụ rất to, một người ôm không xuể, tàn lá xum xuê cao hơn cả lầu hai ba tầng. Trái rất sai, đến mùa xoài trẻ con người lớn tha hồ hái xoài ăn tự do, không cần phân biệt cây xoài đó của ai. Mà chỉ ăn xoài chín cây. Hễ hái xuống thử mà thấy chưa chín tới thì vứt, hái trái khác, gặp gió to, xoài già rụng khắp nơi chẳng ai thèm ngó tới. Tôi tiếc quá, thỉnh thoảng lượm về, cắt lát, làm "cấp kẻn" (xóc muối dầm đường) cho mọi người ăn thử. Ai cũng khen ngon, nhưng dạy cho làm thì ai cũng lắc đầu bảo không có đường! Vì làng không có phương tiện chuyên chở nên đến mùa xoài, lái buôn từ tỉnh về, mua bao cây. Trèo lên rung cành và dùng sào đập cho xoài rụng hết xuống đất cát. Nhìn họ đập cành xoài mà xót ruột! Sau trận đòn, cây xoài tả tơi ngó rất thảm thương. Nhưng chỉ sau vài đám mưa lớn, cây xoài tươi tỉnh và bắt đầu đâm chồi non, đơm bông kết trái trở lại! Bên nhà tôi có nghe chuyện nông dân khảo cây cột cành những cây chậm ra trái, nhưng chưa bao giờ được chứng kiến. Ðây là một bài học kinh nghiệm thấy tận mắt thật là quý hóa! Tại làng nếu mua một đồng Dalasi (độ 10 xu Mỹ) thì được 8 trái xoài, nhưng nếu về tỉnh thì chỉ được một hai trái là nhiều. Và xoài ở làng chín cây tươi nên ngon ngọt hơn nhiều, ngon như xoài ở Việt Nam.
Sản phẩm chính của địa phương còn có đậu phụng. Ðậu phụng hột chắc và đậu phụng nướng ngoài đồng thật tuyệt vời. Những lần tháp tùng nông dân đến công tác ngoài ruộng xa, qua các rẫy đậu phụng, không cần biết chủ là ai, họ được quyền tự tiện nhổ lên vài bụi, gom một mớ cỏ khô, thảy nguyên bụi đậu phụng vào đốt cho cháy sém vỏ ngoài, hạt đậu tươi bên trong chín vàng. Lần đầu tiên được ăn, thấy thơm bùi, ngon lạ lùng.
Xin kể thêm một món ăn ngon lạ lùng khác nữa khá vui. Số là một hôm cậu em nuôi của tôi săn được con kỳ đà, dài hơn một thước. Cả nhà xúm lại lột da, xẻ thịt và bảo là cơm chiều có món thịt đặc biệt này. Nhìn họ "phanh thây" con "thằn lằn" khổng lồ trên sân đất mà tôi lo quá! Vừa lo món thit lạ, vừa lo đất cát dính trên thịt, làm sao mà nuốt cho trôi đây! Bèn nghĩ kế hoãn binh, thôi đưa cho ta một miếng thịt tươi, về ta nấu nướng ăn thử. Vậy là được xẻ cho một miếng thịt đuôi cỡ nửa kílô. Về rửa thật sạch cắt ra ướp hành, tỏi, muối, tiêu, xì dầu, chiên lên cho thơm, rồi nấu ragout với hành tây, khoai tây và cà rốt. Ăn thử, ngon tuyệt vời, thịt kỳ đà thơm ngon hơn thịt gà nữa!! Hôm đó là sinh nhật của tôi! Kể lại cho các bạn đồng sự nghe, các cô cậu Mỹ trẻ trợn mắt, lè lười kêu trời! My God! You dám ăn thịt lizard hả! Ghê quá! Tôi nói, gia đình bạn nấu thứ gì thì bạn ăn thứ đó. Nhiều khi họ nấu thịt chồn, thịt rắn mà bạn không biết thì ăn cũng được thôi! Một vài bài học khác, sống với thiên nhiên khá lý thú đối với tôi, là từ khi về làng tôi không cần đến đồng hồ nữa. Giờ giấc ở đây co dãn thoải mái. Dân làng có chiếc đồng hồ chung là bầu trời. Hẹn họp hay làm gì vào tảng sáng thì chỉ tay về phía mặt trời mọc (rạng đông), hay chín mười giờ thì chỉ nhích lên xéo góc (nông dân VN gọi là mặt trời mọc cỡ hai sào), nếu mười hai giờ thì chỉ thẳng đỉnh đầu (mặt trời đứng bóng) rồi cứ thế kim đồng hồ tay chỉ về phía mặt trời lặn là sẩm tối, khỏe ru.
Ngắm trăng cũng cho tôi một kinh nghiệm về thời gian rất thú vị. Chín mươi phần trăm dân Gambia theo đạo Muslim. Họ có một lễ lớn trong năm gọi là mùa chay. Mùa chay bắt đầy từ ngày mảnh trăng khuyết chót của tháng mưa vừa chấm dứt (khoảng giữa tháng 11 vá 12 dương lịch). Một vài ngày trước đó, chiều nào dân làng cũng tụ tập ngóng chờ mặt trời lặn để nhìn trăng lên ở tận chân trởi xa. Vừng trăng họ mong chờ là trăng khuyết, đến mức chỉ còn thấy nửa vòng chỉ bạc cong. Chiều hôm sau trăng khuyết hoàn toàn mất dạng thì ông tộc trưởng tuyên bố mùa chay bắt đầu từ ngày mai. Mọi người sẽ ngưng hoạt động, nhịn ăn và chuyên cầu kinh suốt ba ngày ba đêm.!
Nhờ tham gia vụ ngắm trăng khuyết, tôi mới vỡ lẽ ra cái đêm không trăng chính là đêm cuối cùng của con trăng, cuối mỗi tháng âm lịch. Vì không có lịch VN, tôi đã áp dụng tìm ra đêm 30 tháng chạp âm lịch (đêm trừ tịch trời tối đen như mực) để chuẩn bị đón giao thừa, ăn một cái tết phiêu bạt giang hồ trong cái làng Phi Châu xa xôi ngàn dặm sơn khê, chẳng tìm đâu ra bóng dáng nàng xuân!
Chuyện ngàn lẻ một đêm của Phi Châu dài dòng bất tận, xin kết thúc với một chuyện vui xảy ra trên bãi biển Fajara, Banjul là thủ đô của xứ Gambia, quê hương thứ ba của tôi!
Vào một buổi sáng cuối tuần tôi đang lội nước giỡn sóng trên bờ biển thì gặp một phụ nữ Phi Châu đang tắm với một em bé. Bà vui vẻ chào hỏi và nói biết tôi là Peace Corps Volunteer. Tôi cũng xã giao đáp lễ là: "Trông bà rất quen nhưng tôi không nhớ đã gặp bà ở đâu?" Bà trả lời: Tôi là đại sứ Mỹ ở đây! Tôi than thầm, chết rồi mình tệ quá! Không nhớ bà Ðại Sứ của mình đã gặp trong lễ tiếp tân ngày đầu tiên mới đến, và hai tháng sau được bà cho huấn thị trong lễ tuyên thệ chính thức qia nhập đoàn Thiện Nguyện hoà bình tại đây! (Thật ra đối với người ngoại quốc, không dễ gì mà phân biệt được những khuôn mặt đồng đen với tóc xoăn ngó rất giống nhau. Hơn nữa trong khung cảnh bên bờ biển bà chỉ mặc áo tắm, khác hẳn lúc bà mặc lễ phục tiếp tân thì làm sao tôi nhận ra được!) Tôi luống cuống xin lỗi!! Bà mỉm cười thông cảm và cho biết có được báo cáo về kết quả hoạt động của tôi. Bà rất hài lòng! Dặn dò nếu có dự án gì cần ngân quỹ đặc biệt thì cứ liên lạc thẳng, bà sẵn sàng yểm trợ! Tôi vô cùng hân hoan và cảm động. Rất tiếc là sau đó không lâu, sức khỏe tôi bị sa sút (có lẽ vì lao động quá mức và ăn uống thiếu dinh dưỡng) phải rút ngắn nhiệm kỳ công tác. Trong bản báo cáo mãn nhiệm kỳ tôi đã trình bày: tuy không thể tiếp tục công tác, tôi cũng tự an ủi là đã cố gắng hết mình trong năm đầu tiên. Tôi ý thức là đã học hỏi được nhiều điều hữu ích tại xứ sở này. Nhiều hơn cả là những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã đóng góp cho họ. Tôi rất biết ơn Peace Corps đã cho tôi cơ hội phục vụ cho xã hội và chứng nghiệm giá trị của cuộc dời vào lứa tuổi cao niên như tôi.
Ban giám đốc xác nhận tuy chỉ phục vụ một năm, nhưng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp, đáng khen thưởng.
Vài tháng sau khi về đến Mỹ tôi nhận được bằng Tưởng Lục do tổng thống George Bush ký, ghi nhận sự đóng góp tích cực cho chương trình Hòa Bình và Thân Hữu thế giới trong công tác Thiện Nguyện tại Gambia.
Niềm vui thích hãnh diện này xin ghi lại để tưởng nhớ và cám ơn ngôi trường Nông Lâm Mục Blao năm xưa đã cho tôi những kỷ niệm đẹp đầu đời, đã tạo cho tôi cơ hội đóng góp kiến thức Nông Nghiệp cho xã hội nông dân nghèo khổ chậm tiến, và cho riêng cuộc sống cuối đời của tôi thêm phần hào hứng ý nghĩa./-
Trở lại Trang Bạn Viết