TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Lỗi này không phải riêng ai?
 
Lên mạng ngày 25/1/2012

Hồi ký :
LỖI NÀY KHÔNG CỦA RIÊNG AI ?
 
 
"Mùng một tết Mẹ, tết Cha
Mùng hai tết vợ, mùng ba tết Thầy "
 
Lời mở đầu:
Cùng đọc giả kính mến, bài viết này có phần nhạy cãm, tuy nhiên có nhạy cãm theo trạng thái nào, người viết kính xin đọc giả tha thứ.  Thời gian rất dài, người viết có tham khảo các bạn còn sống, và các bạn ở xa, đồng ý cho tôi trình bày tâm-tư đã tìềm ẩn hàng chục năm qua mà không bạn nào dám thố lộ (có 2 bài viết về Thầy nhưng chưa hết ý ) Đó là lý do bài viết "Lỗi này không của riêng ai ?" ra mắt cùng quí độc giả. Nếu quí đọc giả không hài lòng,  thì cho tôi nhận lỗi và xin được tha thứ. Cảm ơn.
-. -. -. -. --. -. -. -. -. -. -. -. -. -. -. -. -. -. -. --


Thầy Phan Lương Báu ( 02/12/1905 - 12/11/1981)
 
Em là nữ-sinh cụ Đồ (*),  tôi là nam-sinh ông Tống (**), bạn là học -sinh trường ông Thoại (***), hoặc chị là nữ-sinh trường Trưng-Vương. . . đã qua kỳ thi tuyển,  bảng vàng ghi tên. Chúng ta hăng hái tiến thẳng về Tây-Đô rực rỡ sắc màu.  Nơi ấy có một ngôi trường nghe tên là lạ, đó là trường Trung-học Nông-Lâm-Súc Cần-Thơ mới được thành lập năm 1963 của Bộ Giáo-Dục.
Tiền thân trường Trung-học NLS/CT là trường Canh-Nông thực-hành của Bộ Canh-Nông, thành lập năm 1957.
Ngày nay, ai ai cũng hiểu tôn chỉ và mục đích của nhà Trường, nên trong bài này, tôi chỉ trình bày bối cảnh năm 1963, là năm đầu tiên chuyển tên trường.
 
- Biến cố năm 1963-
Ngày tựu trường đã đến, khoảng tháng 5. Nam thanh, nữ tú khắp mọi miền đất nước đã trúng tuyển, liều chỏng đến trường nhập học. Ngày đầu tiên khai - giảng 2 lớp Đệ Ngủ và Đệ-Tứ khoảng 60 học-viên, cộng thêm khoảng 40 học- viên đàng anh là lớp Huấn-sự k 6 còn lại khóa trước, nghiêm chỉnh sắp hàng dưới cột cờ trước Văn-phòng Trường. Sau lễ chào cờ là diễn văn của Thầy Hiệu-Trưởng huấn-thị, chào đón tân học-viên của 2 lớp.  Thầy Hiệu-Trưởng tên là PHAN-LƯƠNG-BÁU.
Nhớ lại, trong diễn-văn khai trường Thầy cũng giới thiệu thành phần Ban Giám- Học, Ban Giảng-Huấn. . . và khuyên nhũ chúng tôi hãy cố học, và tương lai chúng tôi sau này, thật chí tình chí nghĩa.
Ngày đầu nhập học, chúng tôi rất bỡ ngỡ, vì ngôi trường quá lớn, nó mênh mông,  nó thoáng mát, nó xanh tươi , nó cổ kính và nên thơ , rất xa lạ các trường tôi đã học qua . Nên chúng tôi rất hãnh diện là học viên của trường Nông-Lâm-Súc Cần Thơ mà mấy cô, mấy cậu Trường Phan-thanh-Giản gọi chúng tôi là Trường Trâu-Bò, vì thế, 2 trường có thành-kiến rất lâu, và nhiều lần bị kỷ luật.
Sau vài tháng học tập, chúng tôi hiểu biết gia cảnh, tính tình, nguyên tắc giảng dạy của Thầy.  Thầy thương trò như con,  trong đại gia đình NLS.  Xin trích ngang ngắn gọn lý lịch của Thầy như sau :
Thầy sinh ngày 02 tháng 12 năm 1905, và mất ngày 12 tháng 11 năm 1981,  xuất thân gia-đình trung-nông.  Về học lực,  lúc Thầy còn nhỏ, học các trường do người Pháp sáng lập.  Khi lớn du học ở nước Pháp, tốt nghiệp đại học với văn bằng cao nhứt là Kỹ-Sư Canh-Nông (hay Nông học). Sau đó Thầy về nước phục vụ nhiều cơ quan, nhưng gần nhứt là Hiệu-Trưởng Trường Canh-Nông Thực Hành Cần Thơ vào năm 1957-1958.  Học viên khi ra trường cấp bằng Huấn-Sự, thời gian học 1 năm. Thầy đã cống hiến nhiệt tình cho ngành giáo dục Nông Nghiệp nước nhà.  
Vào thời kỳ ấy, các Ty Canh-Nông thiếu nhân viên, nên đưa nhân viên đi học để nâng trình độ chuyên môn, nên các học viên các khóa từ khóa 1 đến khóa 6 đủ thành phần, đủ độ tuổi. Xin độc giả chú ý phần này ( là công-chức).
Đến năm 1963, Trường đã thay tên là Trường Trung học Nông-Lâm-Súc CT,  bình củ, rượu mới, và tuyển sinh 2 lớp đệ ngủ và đệ tứ, có khoảng 60 học viên và 40 học viên khóa 6 Huấn sự (Canh-Nông và Mục-Súc). Huấn-Sự học bổng toàn phần.  Đệ Ngủ, đệ tứ: 50% Toàn phần, 50% bán phần.
Năm 1963 là năm đất nước có nhiều biến động, xin vắn tắt là phong trào Phật giáo xuống đường, học sinh, sinh viên biểu tình. . . chống đối Chính-phủ thời đó. Cuối cùng Tổng-Thống Ngô-đình-Diệm bị giết do quân đội đảo chánh.  Từ thành công đó , phong trào học sinh , sinh viên cũng lên đời.  Hệ lụy, các đảng phái cũng ăn theo,  và nẩy sinh nhiều mâu-thuẫn khôn lường.  Bắt đầu từ Huế, đến Sài-gòn và các tỉnh lớn, các học sinh, sinh viên biểu tình bất bạo động, truất phế các Thầy Hiệu-Trưởng trong đó có tỉnh Cần-Thơ. Và Trường Trung học Nông Lâm Súc không ngoại lệ.
Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Tổng thống Ngô-đình-Diệm, và "cố-vấn NGÔ-ĐÌNH- NHU" bị lật đổ.  
Vào khoảng ngày 10-11-1963, phong trào truất phế Hiệu-Trưởng bắt đầu.  Sáng sớm, 7 giờ Ban đại diện lớp Huấn-sự đến 2 lớp chúng tôi, ngăn không cho vào lớp, và mời anh Tổng thơ ký và các Trưởng ban lên phòng nội-trú họp kín.  Trò không học, Thầy lên Văn phòng uống trà. Khoảng 8 giờ các Ban đại diện tuyên bố bãi khóa, kéo nhau ra đứng ở cột cờ trước cửa Văn Phòng.


 

Tại sao, chúng tôi nghe lời các anh Huấn-sự ? Vì vào thời đó nội qui nhà trường còn phân biệt "rỏ ràng" khóa đàn anh và đàn em (như tuần lể huấn nhục trong quân đội) nên chúng tôi nể nang khóa 6 (có nhiều hình thức phạt).  Tôi còn nhớ có 1 anh cao, ốm tên " C" làm đại- diện cho học viên phát biểu mời Thầy Hiệu Trưởng ra gặp Ban đại diện để tuyên bố lý do bãi khóa. . . và kể những sai trái của Thầy. Mời quí độc giả suy gẫm nhũng yêu cầu như:
-Thầy học trường Tây, làm việc cho Tây, là thực dân.  
-Là đảng viên "Cần lao nhân vị" của Ngô-đình Nhu.
-Nghiêm khắc trong học tập. . . . . . .
Còn nhiều nửa, thời gian quá lâu không nhớ rỏ.
Thầy hình như đã biết thời thế, nước chảy đâu đâu cũng tới, nhà sập, bìm bìm leo. Thầy phát biểu ngắn gọn:
-Các em không chấp nhận Tôi làm Hiệu Trưởng, thì tôi từ chức.
Mắt thầy nhỏ lệ, học viên im lặng. Nhưng Thầy Giám-học phản đối, hình như có cuộc xô-xát nhỏ xẩy ra. Thầy đi thẳng vào Văn phòng. Ngoài kia có nhiều nhóm,  nhỏ to và hăng say. . . . . . . và không ai dám có ý kiến gì.
Thế là hết, ông bà ta có câu "một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy" chúng tôi đã quên rồi. "Tôn Sư trọng đạo" chúng tôi đánh mất trong chốc lát, quá tủi nhục cho những người còn mang nặng "cơm Cha, áo Mẹ, công Thầy".
Tuy Thầy không còn là Hiệu-Trưởng, nhưng Thầy vẫn còn là Giáo-Sư vẫn đến lớp dạy bình thường. Trong những giờ của Thầy, mặt mày chúng tôi xanh như tàu lá.  Nhưng Thầy vẫn thản nhiên như không có gì xẩy ra, Thầy vẫn yêu mến các trò như con. Tôi nhớ rất rỏ, khi trả lời cuối câu, Thầy điều nói "bon" hay "tres-bien ",  và trong bài giảng Thầy thường chua thêm tiếng Pháp rất linh động. . . . . . . . .
Thời gian qua mau, một số chúng tôi cũng mang danh phận được làm"Thầy" và cũng từ đó chúng tôi có suy nghĩ ngược thời gian củ.
Nay chúng con đã hiểu, những yêu sách đến với Thầy thật phi lý, không căn cứ,  rất hẹp hòi, ích kỹ , không công bằng. . . . . . do một nhóm người nhẹ dạ, nghe theo lời đường mật, Và chúng con đã hiểu người đứng sắp hàng sau lưng chúng con là "ai" đã buôn THẦY, bán BẠN !.  !. !
Không phải giờ này, chúng con mới biết, và nói lên, mà hình bóng chúng con đã hiện rỏ trước gương soi.
Chúng con xin Thầy hãy tha thứ , những lỗi lầm mà chúng con đã gây ra cho Thầy,  Chúng con đã "có lỗi " với Thầy những gì chúng con đã làm, và nay chúng con đã lớn khôn,  biết cái đúng , cái sai và từ đâu đưa đến . Kính mong Thầy hãy an giấc nghìn thu.
Chẳng bao lâu, phượng kia hết thắm, cơn gió lướt qua, cuốn theo những cánh hoa tơi tả bay đến chân Thầy.


 

 
Tôi cũng mong rằng,  các bạn học viên năm "1963" hãy soi rọi chuyện qua, và hãy cùng nhau "Nhận lỗi" " và Xin lỗi" để cho THẦY mỉm cười nơi chín suối. . .
Và quí độc giả gia-đình NLS hãy "tha thứ,  khoang dung" cho chúng tôi,
Xin cám ơn Quí Thầy, Cô và các Bạn đã đọc bài văn này. Cũng như trang Web NLS cho chúng tôi có dịp "Nhận Lỗi" với Thầy nơi cỏi vĩnh hằng.
 
Võ thanh Nghi / đệ Tứ 1963
vothanhnghiag@yahoo.com
 
(*) cụ Đồ>Trường Nguyễn-đình Chiểu Mỹ Tho
(**) Ông Tống. >Trường Tống phước Hiệp Vĩnh Long
(*** )Ông Thoại>Trường Thoai ngọc Hầu Long Xuyên.
- Cố-vấn Ngô-đình-Nhu là Chủ-tịch đảng "Cần lao nhân vị"

Mời đọc:
Tiểu sử Thầy Phan Lương Báu
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860669 visitors (2231381 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free