TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Chuyện con rùa
 
Lên mạng ngày 10/8/2010

CHUYỆN CON RÙA
Nguyễn Thị Kim Thu
 
Cách đây hơn 100 năm, Bà Cố bên nội của Ba tôi (tức Bà Sơ của tôi) tu theo Phật giáo tại gia và có cuộc đời rất hiền đức. Năm 81 tuổi Bà suýt chết, thân thể đã bất động, tay chân đều lạnh, nhưng phần ngực còn ấm nên con cháu không dám tẩn liệm. Một ngày sau tự nhiên thân thể ấm lại dần, Bà bắt đầu thở thoi thóp mạnh hơn, rồi chân tay cử động, Bà sống lại. Khi bình phục Bà kể lại rằng Bà được dẫn đi đến một thế giới khác lạ, không giống trần thế. Sau đó được dẫn về nhà, Bà thấy con cháu đứng quanh một thân xác, có đứa khóc thút thít. Bà được dẫn đến và xô Bà vào xác. Ngoài ra còn có nhiều chuyện được kể lại qua 4-5 đời con cháu, không biết có thêm thắt ít nhiều về thế giới bên kia cho có vẻ huyền bí, hấp dẫn nên tôi không kễ chi tiết ở đây.
          Kể từ khi được sống lại, Bà bảo con cháu bán bớt một phần ruộng dùng tiền xây cho Bà một ngôi chùa để tu hành. Đó là chùa Bảo An Tự ở Cần Thơ. Ngày xưa, nơi này còn là đồng ruộng hoang vu.
          Sau khi chùa được khánh thành, Bà đến đó tu hành. Cứ vào mỗi buổi chiều, tới giờ tụng kinh thì có một con rùa từ ngoài ruộng bò vào đến trước bàn thờ Phật và ở đó cho đến sáng hôm sau. Khi hết giờ tụng kinh buổi sáng, con rùa bò ra ngoài ruộng kiếm cỏ ăn, và tới giờ tụng kinh buổi chiều thì bò lại vào chùa. Cứ như thế hàng ngày trong vòng 20 năm, cho đến ngày Bà mất.
          Bà mất vào khoảng 101 tuổi. Sau khi Bà mất, con rùa cũng không trở về chùa nữa. Ngày nay, hình ảnh Bà còn được thờ trong chùa, và hàng năm đến ngày kị con cháu tụ họp ở đây để cúng Bà. Vì chuyện trùng hợp giữa Bà và con rùa, con cháu cử không ăn thịt rùa, mặc dầu rùa là món ăn khoái khẩu của dân miền Hậu Giang. Vào ngày kị Bà, con cháu còn có tục ra chợ mua rùa để phóng thích.
          Rùa là con vật linh thiêng, một trong tứ linh: Long, Ly (hay Lân), Quy, Phụng. Bốn tứ linh này kết hợp với 4 thú khác thành cặp đôi là Long Ngư ( rồng với cá), Lân Bức (con dơi với kỳ lân), Quy Hạc (hạc đứng trên rùa), Hổ Phụng (cọp với phụng), tạo thành bát vật (8 con vật). Rùa tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt.
Trong lịch sử Việt Nam có ghi vài huyền thoại dính liền với linh vật rùa. Đó là chuyện Mị Châu Trọng Thỉ (hay Mỵ Châu, Trọng Thủy) và Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.
Vào năm 208 trước Tây Lịch, Triệu Đà đem quân đánh nước Âu Lạc của ta dưới thời vua An Dương Vương. Tục truyền rằng khi xây thành Cổ Loa để chống ngoại xăm bị yêu quái quấy nhiễu xây thành mãi không được. Nhà vua bèn lập đàn cầu khẩn. Thần rùa Kim Quy hiện ra chỉ cách trừ tà để xây thành, và cho nhà vua một cái móng chân để làm cái lẩy nõ, rồi dặn rằng lúc nào có giặc ngoại xâm đến tấn công thì đem nõ thần này ra bắn một phát, giặt chết hàng vạn người. Vì vậy Triệu Đà không thể chiếm được thành Cổ Loa và rút quân về Tàu. Nhưng Triệu Đà vốn quỷ quyệt, quyết thôn tính nước ta, giả bộ cầu hòa âm mưu đưa con trai là Trọng Thỉ đến cầu hôn với công chúa Mị Châu, con gái của vua An Dương Vương để do thám tình hình. Sau một thời gian đường mật, Trọng Thỉ hỏi Mị Châu rằng “Bên Âu Lạc có tài gì mà không ai đánh được”. Vốn ngây thơ tin cẩn ở chồng, Mị Châu nói chuyện cái nõ thần và lấy cho chồng xem. Trọng Thỉ lừa lúc vắng Mị Châu bèn lấy cắp cái lẩy nõ thần đi và thay bằng cái lẩy giả. Trước khi trốn về Tàu, Trọng Thỉ hỏi Mị Châu rằng “Tôi về, mà lở có giặc đến đánh đuổi, thì tôi biết đâu mà tìm?”. Mị Châu nói: “Thiếp có áo lông ngỗng, hễ khi thiếp có chạy về đâu, thiếp sẽ lấy lông ấy mà rắc ra ở dọc đường thì chàng sẽ biết”.
Sau khi biết khí giới nõ thần của Âu Lạc vô hiệu với cái nõ giả, Triệu Đà đem binh đánh. An Dương Vương cậy có nõ thần không phòng bị, cho đến khi quân giặc đến chân thành mới đem nõ ra bắn, nhưng không còn hiệu nghiệm nữa. Vua An Dương Vương bèn đem Mị Châu lên ngựa chạy về phương nam, nhưng giặc đuổi theo sát. Khi chạy đến núi Mộ Dạ (Nghệ An), giặc gần bắt kịp, mới khẫn thần Kim Quy lên cứu. Kim Quy nói rằng “Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tức giận, rút gươm chém Mị Châu, rồi nhảy xuống biển tự vận. Trọng Thỉ theo dấu lông ngỗng đem quân đuổi đến núi Mộ Dạ, thấy xác vợ nằm đó, đem về cấp táng, rồi nhảy xuống cái giếng trong thành Cổ Loa tự tử. Ngày nay trước đền thờ An Dương Vương ở làng Cổ Loa còn cái giếng này (Việt Nam Sử Lược).
Ngược lại, lịch sử còn ghi lại sự tích hồ Hoàn Kiếm cũng liên quan tới rùa. Theo sách Lam Sơn Thực Lục, cụ Nguyễn Trãi chép rằng trước ngày khởi nghĩa chống quân Minh, Lê Lợi kết bạn với Lê Thận, vốn là một hào trưởng ở sơn trại Mục Sơn.Thận thường đi quăng chài bắt cá. Ở xứ vực Ma viện, hàng đêm thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi. Một đêm nọ, Thận quăng chài suốt đêm mà chẳng được con cá nào, chỉ được một mảnh sắt dài hơn một thước, đem về để vào chỗ tối.
Một hôm Thận cúng giỗ, Lê Lợi tới dự. Thấy chỗ tối có ánh sáng, nhận ra mảnh sắt, liền hỏi: “Sắt nào đây?”.  Thận trả lời: “Đêm trước quăng chài nhặt được”. Lê Lợi xin thanh sắt và Thận liền cho ngay. Ông đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy có chữ "Thuận Thiên", cùng chữ "Lợi".
Lại một hôm, Lê Lợi ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài dũa thành hình, ông lạy trời khấn rằng: “Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền nhau!”. Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi, thành ra một chiếc gươm hoàn chỉnh. Truyền thuyết kể tiếp rằng, trong 10 năm gian khổ khởi nghĩa chống quân Minh, Lê Lợi dùng thanh gươm báu đó chiến đấu, xông pha chém địch nhiều trận, cuối cùng đuổi được quân Minh, và lên làm vua tức vua Lê Thái Tổ.
Đầu năm 1428, sau khi đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cỏi, vua cùng quần thần bơi thuyền tập trận thủy chiến trên hồ Thủy Quân. Ra giữa hồ, một Rùa Vàng nổi lên mặt nước, chắn trước thuyền của vua gọi to: “Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho Long Vương”.  Vua Lê Thái Tổ rút gươm trả, rùa vàng ngậm lấy gươm lặn xuống nước đi mất. Có thuyết khác nói khác về truyện trả gươm. Đại ý khi thuyền của vua ra giữa hồ thì rùa vàng chắn trước. Vua Lê rút gươm chỉ vào Rùa Vàng, Rùa Vàng liền đớp lấy gươm của vua rồi lặn mất. Vua Lê sai tát cạn hồ Thủy Quân để tìm lại gươm báu nhưng không thấy rùa đâu. Từ đó hồ Thủy Quân được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm .
Qua 2 huyền thoại trên, ta có thể tìm thấy 4 bài học: (i) Tàu lúc nào cũng tìm cách thôn tính nước ta; (ii) Nếu không dùng được sức mạnh để thôn tính thì Tàu dùng mưu lược ngoại giao ngon ngọt để ta mắc vào quỷ kế; (iii) Vì ngây thơ tin vào biện pháp cầu hòa giả dối của Tàu mà nước mất nhà tan: An Dương Vương mất nước, cuối cùng phải giết con trước khi tự tử; (iv) An Dương Vương mất nước vì ỷ lại vào nõ thần, nên không phòng bị, đề cao cảnh giác. Ngược lại, sau khi đuổi được Quân Minh, Vua Lê Lợi trả lại kiếm thần, và lúc nào cũng tư lực phòng bị trước  nguy cơ thôn tính của phương bắc, nên đất nước mới được tồn tại tới ngày nay.
Vì ảnh hưởng qua hàng ngàn năm đô hộ của Tàu, văn hóa của ta đều bắt chước Tàu. Vì vậy không ngạc nhiên thấy hình ảnh con hạc đứng trên rùa, rùa đội bia ghi lịch sử, hay rùa đội bia khắc vinh danh tiến sỉ ở Quốc Tử Giám.
          Mặc dầu rùa sống rất thọ, nhưng quá chậm chạp, chậm như rùa. Có lẻ vì vậy, một số người cần đổi mới tư duy, muốn thay thế con hạc bằng một con thú khác, oai hùng, can đảm, linh động, chạy nhanh, rong duổi vạn dặm mà không mỏi mệt. Trong các con thú, có lẻ con ngựa hay “mả” có đủ các đặc tính trên. Trên màng ảnh xi nê, con ngựa trong các phim cao bồi Texas làm ta thích thú. Còn gì oai phong lẫm liệt bằng cởi trên mình ngựa trong chiến trận! Trong các trường đua ngựa, ta có thể sạt nghiệp vì chọn cá độ nhằm con chạy chậm. Mặc dầu theo phái đổi mới, tức bỏ cũ dùng mới, nhưng các nhà canh tân tư duy này vẫn giữ hình ảnh con rùa hay “quy” như huyền thoại được ghi trong sử sách. Sử sách bao giờ cũng được trân trọng giữ gìn.
          Ngày nay, từ giới thượng lưu cho tới bình dân, nhiều người sưu tầm hình ảnh 2 con vật, gồm một cổ và một thời thượng này, và tùy theo óc thẩm mỹ của mỗi người, khi thì chọn hình con ngựa trước con rùa, hay hình con rùa trước con ngựa. Hình nào cũng đều có ý nghĩa.
 
 
Anh quốc, 8/2010
 
Nguyễn Thị Kim Thu

 
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860750 visitors (2231541 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free