TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhớ trường xưa
 
Lên mạng 23/10/2011

Nhớ trường xưa
   Nguyễn Hoàng Tân
 
   Tôi ở cách trường chừng ba cây số về hướng tây, …nơi mà thuở trước…. Ðại Thần Nguyễn Trung Trực, khi lánh nạn sống gió ngoài sông lớn, Ngài dừng quân ở chốn nầy và đặt tên Bình Thuỷ. Vì nơi đây mặt nước rất bằng phẳng…
   Nơi tôi ở cũng bên cạnh chùa Nam Nhả, có lẻ ở gần chùa nên có rất nhiều lần ăn chực đồ chay, nên tâm hồn ít nhiều ảnh hưởng Phật giáo rất nặng.
   Nhờ đó, khi lớn lên vào học trường NLS, tôi rất thông cảm cho mình, cho người. Vì trót đã dọn mình và “cương quyết ” làm con nhà nghèo đi học, để xứng đáng với truyền thống “túng thiếu” mà bản thân mình đã tận hưởng như là một “di sản đơn sơ ” của ông bà để lại. Có lúc tôi cảm thấy nghèo như là một vũ khí hộ thân, hể ai tấn công, thì tôi đem cái nghèo ra chống đở. Ðôi khi cũng tự hào vì…có ai nghèo hơn???
   Chỉ cách trường 3 cây số mà thôi, nhưng tôi cũng không làm sao làm chủ chiếc xe đạp, dù củ kỹ đến đâu. Nhiều khi phải quá giang với bất cứ ai, không nhất thiết là bạn học cùng trường, sao cho đến được lớp học. Quần áo thì đa dạng, miễn sao có áo nâu thì thôi, Ông Giáp, giám thị cũng thông cảm cho mấy đứa con nhà nghèo như tôi. Thôi thì cứ cho đó là cái “model” của thời trang đi. Ðể cái “mững” quần jean nhiều chỗ vá, vô tình tạo một ấn tượng như là một học viên vô kỹ luật. Ðã vậy còn mang guốc Dông, cũng rất khó coi, nhưng thông cảm đi bạn ơi… nghèo thì chớ…tánh ngang dọc cũng không chừa!! Thế mà đường mòn dẫn vào lớp học cũng chẵng tối tân gì cho mấy, mang guốc rẻ tiền đi cho khỏi vất vả bởi nhiều chỗ bùn lầy.
   Dạo đó Nguyễn Công Kiên học rất giỏi, hắn học cùng thời với tôi lúc ở Phan Thanh Giản, nhưng hắn thi nhảy vào đệ ngũ NLS. Hồi đó tôi vẫn còn là con nai vàng ngơ ngác chưa biết gì về cuộc đời, sống làm sao cho đáng than phận học trò… Nên vẫn còn ngồi lại lớp đệ lục Phan Thanh Giản. Còn Nguyễn Công Kiên thì ngang nhiên hơn tôi một lớp. Hắn, Hùng Sùi, Sáu Sa Teng, Trác Long Xuyên là “trung tâm quyền lực xóm nhà lá tổng hành dinh tại Sóc Lương” Chỗ nào cần giải quyết sự bất đồng thì chỉ cần một cái liếc mắt, thì đối thủ phải xức muối bọt đến cả tuần, chỉ vì gương mặt đã đổi màu quần thâm… sau những cú đấm khá nhanh tay để gọi là tạo sự chú ý… khi phe nghịch đang lọt vào địa phận NLS. Ðôi khi vùng “kiểm soát” qua đến tận lộ 20, hay ngay cả những trận can thiệp nho nhỏ… chỉ vài ly cà phê đá, vài điếu thuốc Capstan để gọi là làm quen lúc ban đầu …Tư Kiên hắn rất nhiệt tình và bản lảnh, chưa bao giờ hắn từ chối để bảo lảnh những phi vụ nguy hiểm nào cả…. Cũng đáng mặt đàn anh. Vâng, mấy tay nầy cũng là kiện tướng xuất sắc trong những môn thể thao của trường thời bấy giờ. Dĩ nhiên mấy chị cũng hẵn là những ấn tượng rất nổi trong những “cheer leader” thầm lặng.
   Trường NLS Cần Thơ không phải là trường có đủ cơ chế giáo dục như phổ thông. Thế nên nam và nữ sinh học chung. Từ đó mấy năm ngồi chung lớp với mấy chị, tôi không nghỉ rằng mình ngồi chung với học trò nữ sinh, mà tôi chỉ nghĩ rằng các chị không mấy cách biệt với nam học viên, ngay cả lúc thực hành nông trại. Mấy chị rất đảm đang việc học của mình (tài sắc vẹn toàn) . Chị nào cũng giỏi và siêng. (cũng may…tôi chưa lọt vào cặp mắt xanh của cô học trò NLS nào cả)
   ….Mãi đến mấy năm sau, khi Tư Kiên đã là “cao thủ lừng danh” của NLS thì Tân xin nhập môn sau Tư Kiên một lớp. Mục Súc 2.
Phải nói là học viên NLS là những thành phần hổn hợp. Ðến từ nhiều tỉnh lân cận, từ nhiều thành phần của xã hội (giàu, nghèo). Thế mà khi đã vào NLS và choàng chiếc áo nâu vào người, thì học viên NLS đồng dạng thì thôi. Không những đồng dạng bên ngoài, mà còn … rất là NLS.
   Khi viết đến đây không biết thân hữu NLS nghĩ gì về từ ngữ nầy… “rất NLS”. Xin thưa, rất NLS ở chỗ… là học viên trung học, nhưng chúng tôi khá trưởng thành trong đời sống xã hội nhiều hơn là những học sinh từ các trường trung học phổ thông khác. Mặc dù trước đây vài năm bản thân tôi là học trò trường phổ thông. Tôi không, hoặc chưa từng sinh hoạt tập thể, rất bở ngở trong đời sống cộng đồng. Năng động, thực tế đấy, nhưng cũng rất lãng mạn, có những lúc đàn hát khi cấm trại, bầu không khí tập thể như mang chúng tôi đến lại với nhau gần hơn, những lần sinh hoạt đó rất tuyệt vời, có lẻ những đóm lửa hồng đêm cấm trại và những lần sinh hoạt ngoài trời với nhau, rồi đây sẽ không bao giờ còn thấy nữa trong đời.
   Khi nói đến NLS, nhãy nhận dạng ba chữ NLS để có phần nào thấy rỏ… người NLS rất là thực tế, không màu mè, không ba phải,  
rất quyết liệt…chỉ vì bản chất rất NLS vậy thôi. (như trồng trọt và chăn nuôi, rất là ….chắc ăn)
   Bằng cớ rằng khi ra đời, những học viên NLS dù một số không còn liên quan đến nghành mình học nữa. Dĩ nhiên rất xuất sắc trong những nghành nghề khác. Từ đó NLS Cần Thơ với tôi không hẵn là một mái trường mà cũng là một mái nhà…Ðại Gia Ðình NLS Cần Thơ.
   …Mổi lần đi học, tôi đi ngang căn cứ phi trường Bình Thuỷ. Thấy mấy anh Pilot trực thăng hạ cánh xuống bải đáp trong những buổi chiều vàng. Hình ảnh đẹp đó đã ghi sâu trong tim mình, dù ấn tượng ấy rất xa vời tầm tay, không thể nào xẫy ra thật. Chỉ vì nhìn lén mà mơ. Mơ ngày nào đó với đôi cánh bạc, mình là những chàng trai sẽ chọn không gian làm lẻ sống, chọn mây trời làm kiếp trôi nổi lang thang.
   …Có lần cô bạn gái nho nhỏ nhà nghèo ở trường NLS bảo rằng:
- “Em muốn có kép Pilot, mặc đồ bay thật đẹp, em cũng mặc áo dài thật đẹp, mổi cuối tuần anh đưa em đi nhà thờ xem lễ”…
- “Thôi đi em, mấy thứ mà em mơ ước, anh cứ tưởng tượng mãi… là hình bóng của thằng nào.. chứ không phải của.. thằng Tân. Thằng Tân nghèo, học dở mà lại đạo Phật….thì làm gì áo bay, áo dài, đi nhà thờ xem lễ… Có lẻ em muốn chia tay chứ gì?  Nói đại cho rồi, anh không buồn đâu. Từ lâu rồi, anh chưa bao giờ có khả năng bao em một ly nước mía, làm gì có chuyện nằm mơ làm Pilot ?? Tôi ghét Pilot trực thăng lắm, chúng là sát tinh của thằng học trò nghèo như tôi ”
   …Thế rồi một ngày đẹp trời, tôi không phải đi ngang phi trường Bình Thuỷ nữa,

 

mà đi thẳng vào cổng chánh, có quân cảnh chào chỉnh tề theo đúng quân cách. Tân đưa tay chào lại mà trong lòng ngẫng ngơ tự hỏi mình….
ủa thằng Tân đây sao??
-“Cô bạn cũ ơi, hôm nay cuối tuần anh rảnh lắm, anh sẽ mặc đồ bay đẹp, cô mặc áo dài thật đẹp, mình sẽ cùng nhau đi nhà thờ xem lễ”.
   ...Trời hởi! Cô bạn cũ năm xưa đâu rồi??? Cổng trường NLS then cài thinh thít. Vườn thuỷ lâm cỏ mộc tiêu điều không ai săn sóc, Khu sóc lương bây giờ vắng lặng như tờ, bạn bè năm xưa một thời chung lớp, mổi người một ngã. Có nỗi bất hạnh nào cho bằng, khi những ước mơ xưa kéo về như một vết dao cắt, những kẻ từng là chứng nhân của thời hoa niên, bây giờ mơ bóng hình nhau trong ký ức mà nhớ mà thương…tôi đang ở đâu đây??? quê người hay quê mình???
   Chiều nay nắng đã len lén chìm dần trong vầng mây bạc, những chiếc phi cơ hạ cánh trên bải đáp năm nào, đón nhận một người hùng của cuộc chiến, nhưng mang tâm hồn cậu học trò nghèo quê cũ. Gió ở đâu thưa thớt thổi về, từ phiá phi trường Bình Thuỷ những cọng gió đã từng một thời làm lay động những chiếc lá vườn thuỷ lâm, sao lòng tôi nghe buốt giá giữa buổi chiều hè… Tiếng nấc nghẹn trong tôi, như cố nuốt giọt đắng còn đọng lại trong ngày sau lần thực hành nông trại, chờ ly trà đá chánh đường “ghi sổ” bên quán bà Tư.
   Tôi một người mới, trang sử mới của đời mình vừa mở ra, chính là lúc trang sử cũ vừa khép lại. Lúc bấy giờ, tôi đã không ngờ mình đánh mất tuổi thư sinh trong tôi của một thời học viên NLS Cần Thơ.
Cũng nơi nầy, Thầy, Cô, Bạn Bè và nhiều thứ nữa…. sống mãi trong tâm hồn tôi. Bây giờ tôi chẳng biết định nghĩa thế nào??? Khi mà chiều cao và mây trời đồng nghĩa với mênh mông, xa vút khỏi tầm tay. Riêng tôi, thì chỉ có chừng ấy ước mơ, làm sao vói cho tới. Trường cũ của tôi bây giờ đã xa lắm rồi cô bạn nhỏ ơi.
   
Ngày đầu thu, 2009 Vancouver , B.C. Canada
nguyenhoangtan@yahoo.com
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860624 visitors (2231295 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free