Lên mạng ngày 21/12/2010
Mua Láng Giềng Gần
.
Nhớ câu nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” thì người xưa có ý ám chỉ tính cách quan trọng trong tình nghĩa thuận hòa lối xóm, ngày ngày đi về thấy nhau, sớm hôm gần gũi bên nhau.
Hiền triết Khổng Tử nói rằng: “Lý nhân vi mỹ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí”. Làng xóm có nhân hậu là làng xóm tốt, người chọn chổ ở mà không chọn người xung quanh có lòng nhân hậu, thì làm sao gọi là trí cho được.
Hồi nhỏ tôi thường nghe ba má dạy rằng có một thiền sư ở miền đồng bằng sông Cửu Long viết trong sách như sau: “Chữ nhẫn hòa nên giữ đầu tiên”, “Nhịn đến khi hết nhịn mới thôi”, “Ai chưởi mắng thì ta giả điếc, Đợi khi người hết giận ta khuyên”. Có ý khuyên nên hiểu nhau và tha thứ nhau lúc nóng giận, hay khi lỡ lời thì tha thứ ngay, tránh hiểu lầm nhau, hay vì vô tình, chuyển ý buồn thành vui thì người láng giềng hài hòa ngay. Không vì phút chốc nóng giận mà gây chuyện to tát cả xóm làng làm mất lòng nhau không nên.
Thử tưởng tượng sống cạnh một gia đình mà họ thường xuyên “hang thịt nguýt hang cá”, dòm ngó sang nhà mình, rồi bình phẩm điều này điều nọ sai lệch, rồi vội buông lời chê bai một cách mơ hồ thì làm sao đời sống hằng ngày được thoải mái, ăn ngon ngủ yên cho được.
Ngược lại, khi nấu nồi canh, thiếu quả cà chua hoặc một cọng ngò thơm mà lối xóm sẵn sàng “có đây”, tiếp tế ngay làm ngọt ngon thêm cho bửa ăn chiều nay.
Tóm lại: Khi tối lửa lúc tắt đèn đều có nhau. Hàng xóm tốt tuy rằng đôi khi không được tán thưởng dồn dập ngay nhưng luôn luôn được để tâm lưu ý. Tâm lý người ta hay truyền miệng rỉ tai “ngồi lê đôi mách” về người làm việc xấu. Nhưng chuyện tốt thì kính nể lặng lẽ khắc ghi trong dạ một cách sâu xa rồi sau đó hết lời khen thưởng “Hữu xạ tự nhiên hương” và “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.
Nguyễn Văn Lích, 70-72(CT), TP Cần Thơ ngày 26-06-2010