TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Dòng nước bạc - Kim Thu
 
Lên mạng ngày 20/11/2010

DÒNG NƯỚC BẠC
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
              Cần Thơ sông nước mênh mông
              Lòng người trong, sao dòng sông vẩn đục ?
 
Chúng tôi thực hiện chuyến về thăm Việt Nam lần này thể theo nguyện vọng của con trai, làm thế nào chỉ trong 10 ngày phép cháu thăm được bên nội ở Nha Trang, bên ngoại ở Cần Thơ, một số bà con ở Sài Gòn, đồng thời tạo cơ hội cho cháu thăm viếng phong cảnh ở những nơi này và một phần lảnh thổ từ Khánh Hòa cho tới Mũi Cà Mau. Vì vậy chúng tôi phải thảo hoạch một chương trình cô đọng rất chi tiết chạy theo từng giờ và ngày.
          Đây là chuyến thứ hai về thăm VN của con tôi, sau chuyến đầu 11 năm về trước. Vì vậy cháu rất háo hức, thu hết hình ảnh quê hương qua nhản quan và qua ống kính.
          Theo chương trình, sau khi đến Sài Gòn nghĩ ngơi một ngày, chúng tôi về Nha Trang. Thành phố quê hương đã đón chào chúng tôi với những cơn mưa tầm tả, đường phố ngập lụt. Tất cả chương trình ở Nha Trang đều không thực hiện được: Không thể đi thăm mộ Ông Bà Nội của cháu, không thể về thăm Trần-Đăng Gia Trang ở Lạc Lợi là nơi chôn nhau cắt rún của Cha, các Bác, các Cô – nơi có một lịch sử gia tộc trên 200 năm, và ngày nay trở thành một khu du lịch Memento Resort. Theo chương trình, cháu sẽ được Bác và các anh cho đi thăm viếng đồng quê, phong cảnh núi rừng quê nội, được xem những di tích lịch sử Chiêm Thành, v.v. trên chiếc xe bò. Rồi sau đó, vào lúc hoàng hôn một buổi tiệc đoàn tụ gồm tất cả anh chị em và cháu từ nhiều nơi tụ về chào mừng chúng tôi. Tất cả đều hủy bỏ vì cơn lũ. Thay vào đó, anh em chúng tôi quay quần bên nhau trò chuyện ở nhà ông anh cả, nay ăn nhà hàng này, mai ở tiệm ăn khác. Những ngày sống vui vẽ bên nhau, trò chuyện cho tới khuya, đặc biệt vui cười khi con trai chúng tôi kể chuyện kỹ niệm ngày xưa ở Nha Trang với Ông Bà Nội, chuyện kinh tế chính trị ở Đông Âu và Tây Âu, hay bình luận về VN, với giọng nói lơ lớ, chậm rải và cố gắng diễn đạt của cháu.
          Mưa vẫn tiếp tục, nhất là ban đêm. Nước lụt khi dâng cao, khi rút thấp, tùy theo mưa và thủy triều. Giao thông hỏa xa và đường bộ đã giáng đoạn. Để an toàn, chúng tôi hủy bỏ chuyến ban đêm, để đi chuyến ngày, nhưng khi gần đến ranh giới Ninh Thuận thì xe phải trở về lại Nha Trang vì 2 cây cầu ở Ninh Thuận bị sập. Thế là chúng tôi chuyển qua đi máy bay cho ngày hôm sau. Không ngờ đêm đó mưa to   thành phố lại bị ngập, xe taxi lớn từ chối đưa chúng tôi ra phi trường. May mắn, chúng tôi được phép đi theo xe bus chở nhân viên phi trường, nhưng đèo Cù Hinh bị sạt lở, nhân viên cũng đành trở về lại Nha Trang.
Mải tới ngày hôm sau, tuy mưa vẫn tiếp tục, đèo Cù Hinh được dọn dẹp tái lập giao thông, chúng tôi vào được phi trường và rồi đến được Sài Gòn. Hú vía ! Vì thời tiết đã làm chúng tôi trễ hết 3 ngày kẹt ở Nha Trang, chương trình đi tận Mũi Cà Mau đành hủy bỏ, chỉ còn thì giờ đi Cần Thơ thăm quê ngoại.
Vừa về tới Sài Gòn, em Ngọc Trầm đã chuẩn bị xe nhà cùng tài xế để cùng đi Cần Thơ. Chúng tôi khá thích thú được đi trên đường cao tốc và cầu Cần Thơ mới khai trương. Phong cảnh quen thuộc nhưng vẫn xinh đẹp thân thương dưới mắt chúng tôi.
Tối đó chúng tôi đi du thuyền trên bến Ninh Kiều. Bềnh bồng trên sông nước, vừa thưởng  thức các món ăn uống, vừa  nghe  nhạc sống – tân nhạc và cỗ nhạc lâm ly – mắt phóng nhìn qua đêm tối lờ mờ những ánh đèn chớp từ Cầu Cần Thơ, ánh đèn nhà le lói bên kia sông, hay ánh đèn màu quảng cáo muôn sắc của  “Cần Thơ By Night”.
Sáng sớm hôm sau, từ lúc 5:30 một chiếc ghe gắn động cơ với 12 ghế ngồi có phao cứu hộ đến đón tại khách sạn đưa chúng tôi đến chợ nổi Cái Răng. Trời vừa hừng đông, làn gió sông mát dịu, ghe thuyền lớn nhỏ buôn bán tấp nập. Họ là những nông dân mang sản phẩm của mình đến bán sĩ hay lẽ, họ là những thương gia nhỏ đến mua sản phẩm của nông dân để bán lại, hay bán những sản phẩm thị thành mà nông dân cần thiết. Chen chúc trong đám ghe thuyền có vô số ghe nhỏ bán thức ăn, vé số, vật lưu niệm, v.v. cho ghe tàu chở du khách. Các ông tây bà đầm trố mắt nhìn một cách thích thú, tay bấm máy ảnh lia lịa. Con tôi, như các du khách ngoại quốc, thích thú hỏi những câu hỏi ngây thơ vì cái gì cũng xa lạ. Một cách tỗng quát, đây là nơi tập trung trao đổi hàng hóa  giữa giới nông dân  và giới bươn chải chốn thị thành. Có ghe thuyền chỉ bán ít trái cây, vài loại rau mà trị giá tổng cộng không tới vài trăm ngàn đồng (trên dưới 10 đô la). Nhìn hình dáng và khuôn mặt họ cũng đủ thấy sự nghèo khổ tận cùng.  Họ quay quần quanh chúng tôi mời mọc. Vừa động lòng thương cảm, vừa muốn tìm ăn lại những bánh ưa thích thời thơ ấu như bánh lá dừa, bánh da lợn, v. v., chúng tôi mua không mặc cả mà còn cho thêm tiền, vì thấy tội nghiệp. Sau đó là một ghe bán vé số. Vé số được treo trên mảnh ván dựng đứng. Một điều đập vào mắt tôi là chiếc ghe quá củ, gần như rách nát bung vở nhiều nơi. Trên be ghe là một người đàn ông khoảng 50 tuổi, ốm và đen đúa. Nhìn qua tướng mạo cũng nhận ngay sự kham khổ mà anh phải chịu đựng. Khi anh mời tôi mua vé số, tôi thấy một mắt anh không bình thường, mắt đỏ và sưng. Tôi hỏi ngay “Mắt anh sao vậy?”. Tôi không là bác sỉ, nhưng tôi biết chắc mắt anh đang có vấn đề. Anh trả lời “Thưa cô, mắt tôi đau từ lâu rồi, ra bệnh viện công bác sỉ bảo phải mỗ, tốn ít nhất 10 triệu. Làm sao tôi có tới số tiền này, thôi cứ để vậy cho tới mù”. Tôi vẫn biết ở những thành phố lớn tại VN, ăn mày là một nghề mau làm giàu, sáng sáng “make up” thành kẻ tàn phế lê lết trên hè phố xin tiền, nhưng chiều về thì ôm tiền vào karaoke giải trí. Tôi biết anh này không phải thuộc giới nói trên, nhìn vẻ mặt chất phát nhưng tự trọng của anh, tôi biết chắc là anh ta nghèo thật sự. Tôi mua 20 vé số, nhưng tôi cho anh lại 10 vé, và anh lái đò 10 vé. Tôi dúi vào tay anh một số tiền, có lẻ khá lớn với anh, và nói “anh hảy giữ 10 vé số này, đừng bán lại cho ai. Biết đâu anh sẽ trúng số và có tiền để chửa trị mắt”. Anh ta cầm xấp tiền tôi biếu, run run cảm động xin biết tên tôi, và tôi từ đâu đến. Tôi nói là cũng không cần biết tên, chỉ biết là tôi được sinh ra và lớn lên cũng trên bờ sông này. Sông nước này đã nuôi tôi khôn lớn và tôi đã ở rất xa, xa lắm. Tôi chào anh và ra dấu cho ghe tôi chạy tới. Hai ghe xa nhau, lòng tôi trỉu nặng.
 
 
Sau khi thăm viếng Chợ nổi Cái Răng, chúng tôi lái xe đến chợ Cái Tắc, và từ đây mướn ghe đến Sua Đủa để thăm mồ mả bên ngoại. Trên đường ghe trở lại Cái Tắc, một cảnh làm tôi ray rức không nguôi. Trên con rạch kế bên chợ nước đen ngòm bốc mùi hôi tanh, một thanh niên gầy gò đang lặn hụp bên một ống cổng thoát nước dơ từ chợ. Hai cái thau nối dính vào người với một sợi dây dài. Một tay cầm một cái vợt bằng lưới nylon, khi lặn dưới nước tay kia đùa bùn vào vợt, khi nổi lên hai tay sàng cho bùn đất trôi. Tôi ngạc nhiên hỏi anh ta dang làm gì vậy. Người địa phương cho biết là anh ta đi bắt “trùn chỉ”. Trùn chỉ là một loại trùn nhỏ sống trong nước bùn cống rảnh, là thức ăn của cá cảnh. Một kí lô trùn chỉ giá bán cho giới trung gian tại Cái Tắc khoảng 20 ngàn đồng (một đô la). Cả một buổi lặn hụp trong bùn dơ hôi thúi, đầy ve chai kim loại rỉ sét mới bắt được một kí lô trùn chỉ. Các người ở địa phương cho biết là ai làm nghề này một thời gian cũng bị nhiểm độc, vô phương cứu chửa. Tôi kêu anh ta lại ghe  và cho một số tiền, và khuyên anh ta nên đổi nghề. Anh ta cười nói “ đâu còn có nghề nào khác trên đời này dành cho người nghèo không có vốn và thất học”.
 
 
Kể từ khi rời Cái Tắc, Cái Răng và Cần Thơ, nơi chôn nhau cắt rún của tôi, lòng tôi chùng xuống. Những ngày đầu ở Sài Gòn, con tôi trầm trồ khen ngợi thành phố giàu sang, nhà cao tầng, xe hơi lộng lẫy. Nay con tôi cũng nhận thấy, sau những nhà cao tầng kia, sau ánh đèn màu hoa lệ, còn biết bao người như ông bán vé số, như anh bắt trùn chỉ.
Tôi hiểu dòng sông không hờn dỗi, không oán trách, vì tôi đã  ra đi, xa  những người chung sống nơi đây.
Nào ai biết có những giọt nước mắt ấm và trong rơi trên dòng sông Hậu, tan theo  làn nước bạc. Tôi thao thức giữa đêm khuya.
 
Sài Gòn, 8/11/2010
Nguyễn Thị Kim Thu
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855386 visitors (2218342 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free