TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tụi nó làm báo
 
Lên mạng ngày 13/3/2010


Không biết đêm trước thằng Sơn Cận đã ăn phải cái món gì mà bổng dưng hôm nay nó sung sức hẳn lên. Mới sáng sớm, thầy chưa kịp đến lớp, tên trưởng ban báo chí nầy lại cả gan tuyên bố trước mặt mọi người một câu hết sức xanh dờn, xanh hơn lớp da mặt của thằng Tùng Gầy, nhưng cũng bị cận như nó nữa:
   “Tôi có đề nghị! Năm nay tụi mình sẽ xuất bản một tập san lưu niệm cho mọi người trong lớp, và cũng sẽ phân phối đến các lớp khác chung quanh, trước khi tụi mình ra trường. Các bạn có ủng hộ ý kiến nầy thì xin đưa tay lên biểu quyết.”
   Trong lớp, mọi người đang huyên náo, ồn ào với mọi thể loại chuyện tào lao, bổng dưng im lặng phăng phắc. Trời đất ơi! Đúng là thằng Sơn Cận nầy nó đang sung sức thiệt rồi đó! Hằng năm tụi nó phải trầy da trốc vảy dữ lắm, mới chỉ làm được loại bích báo dán tường mang ra tranh giải cùng các lớp khác. Nhưng đã có lần nào tụi nó nhận được giấy khen thưởng từ ai đâu, mà bây giờ lại còn nghĩ đến chuyện thực hiện một tập san riêng của lớp…để bán nữa. Thằng Sơn nầy đang làm cho mọi người phải ngạc nhiên trợn to đôi mắt. Ấn bản một đặc san như vậy phải là một công trình vĩ đại lắm; thường thì các lớp cần phải hợp tác lại với nhau, cộng thêm sự hậu thuẫn về tài chánh của ban giám hiệu nhà trường ở phía sau lưng nữa thì họa mai mới còn có chút hy vọng. Đây quả là một quyết định rùng mình thiệt!
   Mà quyết định nầy của tụi nó lại còn sắp động tới cổng thiên cung! Vì bởi ngày thằng Sơn Cận đẻ ra được cái ý tưởng ‘ngông cuồng’ nói trên trong lớp, thì cũng chẳng còn bao lâu là cả bọn phải cúi đầu, cắm cổ, ôn tập lại các môn học cho tuần lễ thi cử cuối cùng của năm học cuối. Tụi nó, đứa nào cũng đang cử ăn tất cả các loại chuối già, chuối cao, chuối xiêm, chuối hột…mà mỗi ngày cố nhai, cố nuốt cho đủ các loại đậu phọng, đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ…với lòng thành tâm cầu nguyện cùng ‘Ơn Trên’, xinphò hộ cho mỗi đứa được ‘tai qua nạn khỏi!’; để rồi còn được nhà trường cấp cho mỗi đứa một cái văn bằng tốt nghiệp sau đó nữa.
Thời gian chỉ còn hơn một tháng đang làm cho cả bọn rầu lo thúi ruột, nhưng hôm nay trông thấy thằng Sơn Cận sốt sắng quá thì cũng tội nghiệp cho nó mà góp ý vào:
   “… Nhưng mà tụi mình chưa có kinh nghiệm làm loại sách báo in ra như thế kia…”
   Với đôi môi dầy gần bằng cặp kiếng đang đeo trên mắt, Sơn Cận mở miệng quả quyết:
   “Công việc ấn loát cho thành sách tôi sẽ lo được.”
   “Còn ngân quỹ của lớp thì sao?”
   Câu hỏi lo xa nầy lại thừa đến cả khúc. Từ lúc lớp Công Thôn của tụi nó mở mắt chào đời cho đến bây giờ làm gì có được một cái quỹ chung nào. Ngân sách có riêng trong túi của mỗi đứa, thì đã không đủ để tụi nó đóng tiền ‘hụi sống’ mỗi ngày cho cái tiệm thụt bi-da ở ngay góc đường; hay cũng chẳng còn dư để trả hết nợ ‘hụi chết’ vào mỗi đầu tháng, ở cái quán cà phê đối diện trước cổng trường. Nếu thật là mai mắn có được cái quỹ của lớp trước đó, thì có thể nó cũng đã bị thâm thủng tài khoản từ lâu rồi. Trưởng ban báo chí nầy chắc cũng nắm vững được tình hình tài chánh, cho nên giải quyết vấn đề nầy cũng rất nhanh:
   “Tạm thời thì mọi chi phí tôi sẽ cung ứng ra trước cho lớp, sau nầy theo sổ sách ghi chép lại mới tính sau.”
   Cả lớp suy đi nghĩ lại, cho dầu đây là một sáng kiến có phần liều mạng thiệt, nhưng cũng là một ý kiến hay nên đều đồng ý đưa tay tán thành. Sơn Cận phát biểu đôi lời cuối trước khi thầy đến:
  “Như vậy là mọi người đã đồng ý với nhau về chuyện nầy. Tôi sẽ lo việc đánh máy chữ các bài lên bản in, sau nầy mới cần thêm vài bạn khác đến giúp tay trong chuyện ấn loát. Còn bây giờ thì tôi cần bài vở đóng góp của các bạn gởi đến ban biên tập càng sớm càng tốt.”
   “Đóng góp bài vở !!! Tụi nó có nghe lầm câu nói nầy của thằng Sơn Cận hay không vậy? Từ ban nãy cho đến giờ, trưởng ban báo chí của lớp đả thông được mọi thắc mắc, thế mà chẳng có tên nào lại nhớ đến vấn đề quan trọng cần phải giải quyết nầy trước khi đưa tay lên biểu quyết. Nếu không có ai viết bài gởi đến thì làm sao ban biên tập có thể thực hiện thành tập san cho được! Nhưng biết tìm đâu ra những cây bút hãy còn mực vào lúc  tình hình đang thật sự khó khăn… trong một cái lớp khô khan như sa 
mạc Sahara thế nầy?
   Ra đời sau mùa hè 1971, do kết hợp giữa những tên ‘Sơn Lâm’ vùng địa phương cùng ‘Thảo Khấu’ ở những nơi khác di cư đến. Lớp Công Thôn nầy của tụi nó thì Dương cực rất thịnh mà Âm tính lại suy đoái hoàn toàn. Trong cả khuôn viên trường từ lớp nhỏ đến lớp lớn, từ dãy trong ra đến dãy ngoài… phòng học nào cũng có các giai nhân mỹ nữ trong đó, làm động lực chính để thúc đẩy sinh hoạt của cả lớp tiến lên, trên mọi lãnh vực từ văn nghệ, báo chí, đến thể dục, thể thao. Ngay cả lớp đàn anh Công Thôn trước đó (1970-1973) cũng còn có được năm ngôi sao sáng, mà bọn họ gọi là ‘Ngũ Long Công Chúa’ chiếu mệnh. Lớp Công Thôn kế của tụi nó có được một bông hồng duy nhất, không chính thức, chỉ xuất hiện trong những giờ dạy Sinh Lý học mà tụi nó rất kính yêu, thì cũng đã bị thầy Lưỡng ‘yêu kín’ mà chiếm mất đi sau đó.
   Sau đợt đôn quân vào năm 1973, trong lớp cũng đã mất đi một số thành viên viết báo vì phải ra trình diện trên các mặt trận từ miền Trung đi xuống tới miền Tây. Mất đi những tên như Phạm Ngọc Minh, Phan Đức Thành, Nguyễn Đắc Thành, Nguyễn Văn Em… và nhất là thiếu vắng nhà thơ trông thật bụi đời và hết sức lãng mạn Huỳnh Trung Chính. Còn lại bao nhiêu tên khác trong lớp hiện giờ ban biên tập cũng phải ráng moi óc chúng nó ra để viết dùm bài cho quyển báo sắp phải phát hành nầy.
   Trưởng lớp Nguyễn Hữu Nghị giỏi về khoa ăn nói. Người ta thường thấy nó xuất hiện trên sân khấu văn nghệ của nhà truờng với ‘chức vụ’ xướng ngôn viên. Cho nên đoán chắc thì nó sẽ viết vài ‘Lời Phi Lộ’ rất là văn chương, rất là tình cảm gởi đến quí vị thầy cô cùng độc giả.
   Bùi Chí Thông và Nguyễn Thanh Hải, là hai tên chuyên nghiệp kể chuyện tiếu lâm trong lớp sẽ giúp cho trang mục vui cười. Nhưng ban biên tập phải nhớ van xin cùng hai đứa nó, đừng bỏ muối vào quá mặn, sợ mấy thầy lên máu thì tội nghiệp cho các cô, mà cũng… nguy hiểm cho cả lớp.
   Huỳnh Thiên Tài chuyên nghiên cứu đời tư địch thủ của Phùng Há, thì chắc nó sẽ viết được tài liệu đóng góp về cuộc đời, cuộc tình và cuộc chiến của Hít-Le.
   Nguyễn Bão Toàn vai to thịt bắp nhưng lại rất nhác gái. Hể nghe ai nói đến chuyện gái trai thì mặt của nó đỏ ửng ra. Vậy thì nên chỉ mánh cho Bão Toàn nầy, phải biết lợi dụng trên những trang báo của lớp mà viết bài thố lộ tâm tình với bút hiệu riêng, gởi ngầm ý đến cô bạn của lớp láng giềng mà nó thường nhìn lén.
   Xuất hiện trong những trang sinh hoạt thể thao thì hy vọng sẽ có tên Phạm Đức Ngân với bài tường thuật về trận tranh giải bóng chuyền của nhà trường, bởi vì nó cũng là một cầu thủ đương thời trong đội.
   Còn nếu chờ Văn Thành Long thì chắc phải hơi lâu mới có bài tổng kết về túc cầu thế giới của nó. Tuy rằng tên nầy cũng rất khoái đá banh, nhưng trong lúc nầy thì nó lại đang mê mẫn cô em gái của thằng Tòng ở căn nhà mà nó đang mướn trọ, cho nên nó rất bận (?). Chỉ mong sao thằng nầy vào những giờ phút chót sẽ thương tình anh em trong lớp, mà thố lộ được tâm trạng mê đá bóng của mình cùng cô em gái chung phòng, để rồi trình làng một tác phẩm thật hấp dẫn sắp tới của nó.
   Nguyễn Thanh Liêm (Mập), Lê Văn Tùng (Gầy) cùng với Nguyễn Hoàng Tuấn là những tay chơi nổi tiếng. Nếu bộ ba nầy chịu bỏ những trái bi-da ra khỏi túi quần học trò, thì lớp cũng hy vọng được những bài viết về kỹ thuật quăng cá độ, mà tụi nó thì có rất nhiều kinh nghiệm do những lần bị thua cháy túi trước đó. 
   Trong lớp còn có hai tên văn nghệ cùng mình là Phạm Việt Hoan và Nguyễn Hòa Bình. Lúc nầy thằng Việt Hoan lại mê bói toán. Trong lá số tử vi của nó vừa bốc được thì quẻ đó nói rằng, vào thời điểm nầy thì tuổi của nó rất hợp với con giáp của cô bé đang học ở lớp dưói mà nó đang mê như điếu đổ. Cho nên cả ngày lẫn đêm, Phạm Việt Hoan nầy cứ phải bận rộn giải dùm số tử vi cho cô bé ấy luôn. Nếu được nó truyền đạt ra những bí mật về bói toán, thì hy vọng trong những trang báo nầy sẽ có thể thêm mục đoán số tử vi cặp đôi dành cho những độc giả còn độc thân.
   Còn thằng Hòa Bình tối ngày cứ phải vác cây đàn của mình đi lên, đi xuống dáo dát khắp sân trường. Mỗi khi trông thấy người đẹp H.T.T.H. xuất hiện từ xa, thì đôi mắt của nó bổng biến thành mơ huyền, nhưng mười ngón tay thì lại điên cuồng như đang lên cơn ‘ngứa ngáy cao cấp’ để gải… trên cả sáu sợi dây đàn. Mong sao thằng nầy có thể tháo ra được những nốt nhạc trên đó, biến nó thành những bài thơ lục bát trữ tình ướt át nhất thế kỷ, để đăng trong đặc san nầy của lớp thì tuyệt diệu biết mấy.
   Thằng Lâm Ly thì đang ‘bi đát’bởi tiếng hát của một nữ ca sĩ không chuyên nghiệp, nhưng rất nổi tiếng đương thời làm mê mẩn cả tâm hồn. Thằng khờ nầy chưa bao giờ biết làm thơ, nhưng cũng muốn gào thét cho vỡ tan lòng ngực, cho bung nút áo, hay cho sứt
chỉ đường tà trên chiếc áo nâu mà làm thơ ngưỡng mộ đến một hoa Sim màu tím…
   Ban biên tập dự tính như vậy… nghĩ trong lòng cũng đã tạm ổn, nhưng nào ngờ. Một tuần lễ sau, tụi nó xuất hiện trong lớp với nét mặt bơ phờ vì thiếu ngủ. Đã mấy đêm, lấy cớ phải làm báo cho lớp mà xin phép gia đình đi đêm. Tụi nó lợi dụng cơ hội nầy để có dịp tụ tập lại với nhau uống cà-phê, ngồi tán gẫu những chuyện trên trời dưới đất… cho đến gần nửa đêm mới bắt đầu làm việc. Sau đó thằng Sơn Cận mới chịu lọc cọc trên cái máy mà gõ từng chữ, còn thằng Lâm thì hí hoáy vẽ từng nét hình, bài tựa. Thằng Thông và thằng Tuấn làm lon ton chạy những việc nhỏ, còn phó lớp Nguyễn Phước Sanh thì cung cấp phần ẩm thực phụ trội vì cả đám đang ở ngay trong nhà của nó vào những đêm đó.
   Nét mặt của Sơn Cận hôm nay không còn lộ vẻ sung sức nhiều như tuần lễ trước. Trông cặp môi của nó, thì hình như lại dày hơn đôi kiếng đeo mắt nữa rồi, cho nên thấy nó cũng vẫn còn mạnh miệng tuyên bố với mọi người:
   “Mọi việc vẫn tiến hành tốt đẹp, tuy nhiên…vẫn chưa có đủ lượng bài viết gởi đến… Đề nghị… mọi người đóng góp thêm cho thật nhiều và… thật nhanh.”
   Thế là mọi người lại phải tăng cường thêm giờ phụ trội của mình để sáng tác. Các cây ‘bút’ trong lớp phải bơm thêm mực vào để tăng thêm số lượng bài gởi đến.
   Bùi Thanh Sơn tuy không thích bộ môn văn chương cho lắm, nhưng cũng ra sức đóng góp bằng sự mua chuộc với thầy Điễn, giúp hí họa thêm cho lớp được vài bức tranh trong đó.
   Mấy con ‘mọt sách’ ở dãy bàn phía trên cũng chia bớt những giờ vẽ đường biểu diễn phương trình riêng của mình mỗi đêm, mà giúp giải tỏa được công thức chung của lớp là nạn thiếu bài…
   Ban biên tập sau đó quá bận rộn nên không còn thời giờ kiểm soát bài vở trước khi giao đến tay Nguyễn Thanh Sơn (Cận) đánh máy trên giấy in. Nguyễn Thanh Liêm (Ốm) và Lý Thái Lâm phải tăng cường làm luôn ca đêm ngay tại nhà in trong việc ấn loát.
   Bằng tất cả cố gắng của mọi người trong lớp vào những giờ phút cận kề nầy, thế rồi sản phẩm đầu tay, cũng là tác phẩm cuối cùng của chúng nó cũng đã được chào đời, ra mắt thiên hạ vào một buổi sáng đầu tuần ngày hôm ấy. Trưởng ban báo chí hí hửng mang hai quyển báo đầu tiên đến giao tặng thầy hiệu trưởng, và thầy chủ nhiệm lớp (nhờ) kiểm duyệt trước khi được cấp giấy phép phát hành.
   Hai ngày sau , cả lớp vẫn còn tràn đầy niềm vui phấn khởi trên
mặt, cho dầu trong lòng thì rất lo lắng vì chưa có kết quả chính thức. Vào buổi chiều mát trời cùng ngày, toàn bộ ban biên tập đã nhận được ‘thư mời’ của hai thầy gọi lên trình diện. Vừa gặp bộ dáng cái bang của tụi nó xuất hiện thì thầy hiệu trưởng đã lêncơn ‘tăng xông’ máutrên mặt thiệt rồi. Thầy cầm quyển báo của tụi nó trên tay mà chỉ trỏ từng trang trong đó, và cũng không quên kèm theo những lời phê bình khiển trách: Đây là bài viết quá đa tình… Kia là bài thơ nhiều lãng mạn… Đoạn văn nầy không thích hợp… Đoạn viết kia không thể nào chấp nhận được…
   Thầy hiệu trưởng bắt tụi nó phải hủy bỏ những bài trong đó bằng cách tự tay thầy gạch chéo bôi đầy mực đen lên trên những trang đấy. Kiểm duyệt những đoạn văn không thích ứng kia, cũng với những lằn mực đỏ to, tô điểm trông rất nhà nghề của một thầy giám khảo đang chấm bài.
   Ban biên tập cùng với thằng Sơn Cận, khi nãy thì rất vui trong lòng vì cứ ngỡ sẽ tiếp thâu được lời khen tặng của thầy hôm nay, cùng sẽ tiếp nhận thêm tấm giấy khai sinh cho cuốn báo mới chào đời. Nhưng mà bây giờ thì mặt mài đứa nào cũng đang xanh như tàu lá, đứng yên một chỗ nhìn thầy ra chiêu mà lo sợ… phải tiếp nhận tờ giấy khai tử sắp trao đến tận tay cho mỗi đứa.
   Cả bọn đứng yên tại chỗ gục gật đầu liên tục, hứa sẽ sửa lại những lỗi lầm; nhưng thật ra có đứa nào còn nghe được vào tai những lời (dạy dỗ) của thầy hiệu trưởng trong lúc nầy. Bởi tụi nó cũng không biết phải làm sao bây giờ…vì số báo đã bán chạy như tôm tươi chỉ trong ngày đầu tiên chờ đợi trước đó.
   Chuyện tờ báo in của tụi nó bị kiểm duyệt gắt gao đã trở thành một ‘sì căng đang’ thứ lớn trong trường ngày hôm sau. Mọi người, ai cũng tò mò thắc mắc, cho nên tự tìm đến thị trường chợ đen để đòi mua cho được trọn vẹn nguyên tác chưa bị kiểm duyệt đó… Nhưng rất tiếc… là số lượng in đã có giới hạn!
   Và mầu nhiệm thay, lời nguyện cầu xin cho “tai qua nạn khỏi” cũng đã được “Ơn Trên” chứng giám!
 
Bài viết do một nhóm nhỏ Công Thôn 71-74 ghi lại ngày 18 / 8 / 2009



 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855267 visitors (2218091 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free