TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tùy bút Trường tôi
 
Lên mạng ngày 10/3/2010

Hình này do Trần Thanh Long 10CT-67 sưu tập
 
   Vào năm 1965 tôi trúng tuyển vào lớp đệ ngũ trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Nguyên do bởi bạn bè rủ ren cộng thêm ý muốn tìm cho mình một hướng đi mới. Danh từ Kỹ Thuật Nông Lâm Súc bây giờ rất xa lạ đối với dân Sài Gòn vì lúc này mọi người quen với tên Trường Kỹ Thuật Cao Thắng.
   Sau mùa hè oi ả nóng bức ở Sài Gòn nay đã đến ngày tựu trường, lòng tôi nôn nao, lo âu, cộng thêm nỗi buồn man mác vì đây là lần đầu trong đời phải xa nhà, xa bạn. Hành lý đã sẵn sàng, sáng ngày mai bắt đầu cuộc hành trình với người anh cả đưa tôi đến Cần Thơ để nhập học. Chúng tôi đến bến xe Cần Thơ trên chuyến xe chiều, chuyển hành lý lên chiếc xe lôi đến nhà người bạn. Anh em tôi được tiếp đón rất nồng hậu, anh tôi và người bạn cũ thăm hỏi nhau đủ điều, đồng thời cũng thăm dò sơ lược về ngôi trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Chúng tôi được mời một bữa cơm chiều hết sức thịnh soạn chứa đầy hương vị của quê hương nào canh cá he, cá rô kho nước dừa và bầu xào tôm, vừa đói vừa ngon, nhớ đến đây tôi cảm nhận dạ dày đang tiết dịch vị, bửa cơm này hãy còn in đậm mãi trong tâm tưởng của tôi.
   Nghỉ ngơi khoảng đôi giờ anh em tôi được gia đình người bạn đưa đi dạo phố đêm ở bến Ninh Kiều. Ôi thôi! Dòng sông xinh xinh gió mát rượi bên cạnh thành phố thật hữu tình, công viên quá thơ mộng, dập diều trai thanh gái lịch dưới ánh đèn đêm đô thị hiện rõ phong cảnh tao nhã, đây chính là gia bảo của Tây Đô.
Cần Thơ đẹp Bến Ninh Kiều,
Trai thanh gái lịch dập dìu đẹp xinh.
Gặp em duyên dáng hữu tình,
Một lần anh gặp khắc hình vào tim.
Nhanh chân bén gót đi tìm,
Lòng hằng thương nhớ với niềm ước mơ.
Hỏi nàng chớ có thờ ơ,
Tim anh đã gởi bến bờ Tây Đô.

   Hôm sau anh em tôi tìm đến ngôi trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Ngôi trường tọa lạc ở giao điểm Hương Lộ 20 và đường liên tỉnh Cần Thơ - Long Xuyên bên cạnh phi trường Cần Thơ, trường có lối kiến trúc không đồ sộ lắm nhưng rất khang trang đẹp đẽ,  tòa nhà hai tầng mặt hướng về liên tỉnh lộ, đó là văn phòng hiệu trưởng, giáo sư và giám thị. Nhiều dãy lớp học nằm bên phải. Phía sau là khu đất rộng, đây là nơi thực hành nông trại gồm trại chăn nuôi gia súc, khu nông cơ, kho dự trữ, vườn thủy lâm, ao cá, hàng cây cao dọc ngang với đầy bóng mát. Những con mương chạy dài quanh co đến tận với Sóc Lương (là khu nội trú sau trường dành cho học viên xa). Lúc này trường đang đào tạo cấp tốc nhân viên huấn sự và kiểm sự các ngành phục vụ nông nghiệp về thủy sản, chăn nuôi, công tác xây dựng nông thôn… Trường cũng là bàn đạp cho các học viên sau khi tốt nghiệp lớp 12 có thể tiếp tục lên cao đẳng chuyên nghiệp… hay bước vào mọi ngành tùy thích ở tất cả các trường đại học trên toàn quốc.
  Sáng thứ hai nhập học lòng tôi bỡ ngỡ cắp sách đến trường, nam sinh đồng phục quần xanh áo trắng, nữ sinh quần đen áo dài trắng. Học viên cũ tụ năm tụ bảy hớn hở vui tươi bàn tán về chuyện nghỉ hè vừa rồi. Học viên mới trong đó có tôi ngơ ngáo dò tên mình, tìm phòng học, tên tôi được chi vào lớp đệ ngũ A (kỳ thi tuyển chỉ chọn 100 thí sinh cho hai lớp đệ ngũ A & B).  
   Tiếng kiển beng… beng… beng… gọi học viên vào lớp học. Thầy đầu tiên của lớp tôi là thầy Lê Quan Hồng phụ trách giảng dạy môn thủy lâm. Sau khi điểm danh xong, thầy bảo mỗi học viên đứng lên tự giới thiệu tên họ và nguyên quán, chúng tôi mới biết Nông Lâm Súc Cần Thơ qui tụ học viên từ các nơi ở lục tỉnh, thủ đô Sài Gòn và một số ít học viên nguyên quán ở Cần Thơ.
   Một tháng trôi qua học viên học hỏi quen dần với sinh hoạt trường lớp. Mỗi tuần có hai ngày thực hành nông trại với y phục tự do nhưng đa số đều mặc bộ bà ba nâu để tiện cho công việc đồng áng trông đầy sinh lực. Nhất là các nữ học viên với bộ trang phục hiền hòa chất phát tạo nên sự tương phản giữa làn da trắng nõn nà và màu áo nâu tô điểm thêm nét đẹp xinh xắn mặn mà:
Em xinh mặc áo vải nâu,
Hồn anh phất phới bay đâu mất rồi.
Bồn chồn xao xuyến bồi hồi, 
Mây bồng bềnh vội ngừng trôi giữa trời.

   Thông thường sau giờ học các học viên nam nữ hay ở lại sau vườn để chăm sóc cây trái, rau, đậu… tưới nước, bón phân, diệt sâu rầy… chăm sóc gia súc, tu bổ nông cơ… đến sáu bảy giờ chiều mới về. Vài học viên lợi dụng cơ hội này hò hẹn lứa đôi ở vườn Thủy Lâm vắng vẻ thật hữu tình.
   Ngay từ niên khóa đầu tiên 1965-1966 ở trường Nông Lâm Súc Cần Thơ thân yêu đã tạo cho tôi nhiều kiến thức rất thực tiễn hữu ích cho đời sống. Nơi đây có tình thâm bạn bè và nghĩa thầy cô ghi sâu vào lòng tôi đầy kỷ niệm vui buồn của thời niên thiếu tuổi học trò khó phai mờ trong tâm não cho dù đến nay tuổi mình đã chấm lục tuần.     
Trường Nông Lâm Súc Cần Thơ,
Canh Nông chăm học ước mơ giúp đời.
Giống gây Mục Súc kịp thời,
Gia tăng thực phẩm cuộc đời ấm no.
Công Thôn chẳng có đắn đo,
Thi công tráng nhựa quanh co đường đèo.    
 Tay nhanh xây cất leo trèo,
Khang trang chuồng trại nuôi heo thỏ bò.
Một lòng canh tác chăm lo,
 Tạo niềm hạnh phúc đến cho mọi nhà.

   Xưa học, nay hành… Đây là sản phẩm tôi đã áp dụng tại gia ở El Monte, California Hoa Kỳ, mùa hè 2009:                                            
        
 
  
Trái thanh long chín cây
 

Chiếc cành bưởi Thái Lan
 
Vương Văn Khôi- Lưu Tấn Phước,NLSCT 65-67- LBNX ngày 10-10-09

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 851824 visitors (2209260 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free