Lên mạng ngày 15/5/2011
BÀ VÀ CHÁU
Nguyễn Thị Kim-Thu
Người xưa thường nói: “Cháu ngoại thương dại thương dột, cháu nội không vội gì thương”. Theo người xưa, dầu thương yêu ông bà ngoại bao nhiêu và cả thời thơ ấu sống cùng bên ngoại, nhưng khi lớn cháu đều “Lá rụng về cội”, tức là cũng hướng về bên nội.
Thông thường, phía ông bà ngoại, vì thương con gái nên thương và chăm sóc nhiều cho cháu ngoại, nhất là sau khi vừa sanh. Cháu ngoại thường được ông bà ngoại chăm sóc nhiều hơn so với bên nội. Thật là dễ hiểu, khi sinh con đầu lòng, con gái nào cũng muốn về nhà để được cha mẹ mình chăm sóc. Ở nhà chồng, dầu không phải làm dâu đi nữa, con dâu bao giờ cũng e ngại nhờ cha mẹ chồng hay chị em chồng giúp đở lặt vặt. Chỉ có cha mẹ ruột và chị em ruột mới có thể nhờ vả trong lúc này. Vì vậy, nhờ sự gần gủi hàng ngày, hơn nữa, cháu ngoại mới thật là cháu của mình, nên ông bà ngoại thường “Thương con một táo, thương cháu một giạ” (Cước chú: 1 giạ bằng 2 táo). Cũng chỉ vì hy sinh nhiều cho cháu ngoại so với bên nội “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, nên đôi khi ông bà ngoại chạnh lòng khi thấy tình cảm của cháu hướng nhiều về nội. Sự thật thì không ông bà ngoại nào trách cháu về tình máu mủ với bên nội, vì cháu là kết quả di truyền của cả 2 bên Nội và Ngoại.
Rất khó phân tích tình cảm của cháu đối với nội và ngoại. Hình như 2 tình cảm đó khác nhau, không thể so sánh bên nào sâu đậm hơn. Trong văn, thơ và nhạc, các tác giả thường ca ngợi bên ngoại, với những kỹ niệm êm đềm nơi quê ngoại.
Bây giờ tôi có hai cháu ngoại. Cháu lớn nay được 3 tuổi, cháu nhỏ 3 tháng. Với cháu lớn, mặc dầu lúc đó tôi còn đi làm việc, tôi vẫn dành nhiều giờ trong ngày để chăm sóc con gái và cháu ngoại trong suốt 8 tháng ròng, cho tới khi con gái tôi đi làm lại và cháu vào nursery. Chồng tôi coi như túc trực hàng ngày, ít nhất cũng 4-5 giờ mỗi ngày, giúp đở lặt vặt và bồng bế cháu ngoại để con gái có thì giờ lo nhiều chuyện khác trong nhà.
Ở Âu Mỹ, ngoại trừ giới tỉ phú mới có khả năng tài chính mướn người giúp việc nhà. Giới triệu phú chỉ mướn người làm bán thì, vài giờ trong ngày, để lo chuyện vệ sinh nhà cửa. Trả tiền theo giờ, với giá ấn định tối thiểu của chánh phủ là 6.50 Anh Kim/giờ cho công việc làm chân tay. Nếu để nuôi con nhỏ, cần tuyển người có chuyên môn, giá phải cao hơn nhiều. Vì vậy, khi có con nhỏ, ở Âu Mỹ người mẹ hoặc cha phải hy sinh nghỉ việc, ở nhà nuôi con cho tới lúc gởi vào nursery.
Con gái tôi là bác sỉ. Trong quy chế của NHS (National Health Service) của nước Anh, cấp (nử) bác sỉ được phép nghỉ hộ sản (maternity leave) 12 tháng khi sanh con. Về lương phạn, được hưởng trọn lương trong 2 tháng đầu, một nửa lương trong 4 tháng tiếp theo, 3 tháng sau thì hưởng trợ cấp hộ sản của chính phủ như mọi người mẹ khác, 3 tháng sau cùng thì không có lương hay trợ cấp. Khi vợ sanh, chồng cũng được nghỉ 2 tuần có trọn lương để chăm sóc vợ con. Vì vậy, con gái tôi lấy 9 tháng nghỉ hộ sản, và sau đó đi làm lại và cháu nhỏ gởi vào nursery.
Với hai cháu ngoại, tôi có nhiệm vụ chính là cung cấp thức ăn hàng ngày. Nhờ chuyên môn nghề nghiệp về dinh dưởng, tôi chọn những thức ăn có nhiều bổ dưởng để con gái tôi có nhiều sửa cho cháu bú. Sửa cho con bú phải giàu chất dinh dưởng cần thiết để cháu nhỏ phát triển xương cốt và lên cân. Tôi đã phải cân nhắc và thay đổi thức ăn hàng ngày, ít nhất trong đó có một món soup (canh) nấu với 5-6 loài rau và củ, và nước cốt là xương hầm. Nhờ vậy, cháu rất bụ bẩm, khỏe mạnh với làn da hồng hào, mịn màng, vì nhờ đủ chất sinh tố và khoáng chất động thực vật. Bây giờ tôi đã về hưu, có nhiều thì giờ hơn trước, nhưng càng bận rộn hơn vì lo cho tới hai cháu.
Cháu lớn hiểu biết nhiều và đã nói thành câu dài. Vì biết tôi thương yêu, cháu thường nũng nịu, đôi khi làm eo làm xách, khóc lóc để vòi vĩnh cho được những gì cháu muốn. Tôi thường chìu cháu. Ngược lại cháu không dám làm như vậy với ông ngoại. Ông ngoại thường nghiêm khắc hơn và chỉ thỏa mản những gì hửu lý. Ông ngoại giải thích tại sao được, tại sao không được. Cháu hiểu. Hàng ngày, trên đường đến nursery, xa nhà khoảng 12 cây số, chồng tôi lái xe, tôi và cháu ngồi hàng ghế sau. Chúng tôi nói chuyện với nhau, hay cháu dạy tôi hát những bài hát ở trường. Tôi giả bộ hát sai, hay nói English sai giọng, cháu chỉnh liền. Nhờ vậy mà cháu không chán trên đoạn đường dài, nhất là lúc giao thông bị tắt nghẽn.
Hàng tuần, mỗi thứ bảy, Ba cháu chở ba mẹ con về nhà ngoại. Cháu lớn thích về nhà ngoại. Cháu cứ đòi về “Grandpa’s house”, vì ở nhà ngoại cháu tự do chơi, ăn uống, phá phách mà ông bà ngoại không la rầy. Ông ngoại lo giữ cháu nhỏ và cùng chơi với cháu lớn. Ông ngoại dành một phòng lớn trong đó có đủ đồ chơi cháu thích, hơn 100 mẩu xe hơi bằng kim loại. Ngoài việc lo nấu ăn cho ba mẹ con, tôi cũng phải trông nom các cháu, vì cháu lớn ở tuổi phá phách. Khi chán các đồ chơi, cháu bắt đầu phá phách. Chạy lên lầu, xuống lầu, tất cả hộc bàn, hộc tủ, v.v. mở toang để xem có gì bên trong, rồi xốc hết vật dụng chứa trong đó. Gặp máy telephone thì bấm số lia lịa. Gặp computer thì nhấn vào bàn phiếm, v.v. Chạy theo cháu thường phải hụt hơi. Sau khi cháu về nhà, chúng tôi phải làm sạch sẻ lại nhà cửa, sắp xếp lại ngăn nắp, v.v. Mặc dầu vậy, tuần nào cháu không về là chúng tôi nhớ quay quắc. Chúng là niềm vui hạnh phúc duy nhất của vợ chồng già chúng tôi.
Tôi có một người bạn. Một lần cháu thỏ thẻ: “Sao Ngoại không đến chơi với cháu hàng ngày”. Thế là chị ta xin nghỉ việc, về hưu sớm hơn, để hàng ngày chị đến chơi cùng cháu ngoại. Tôi cảm thông chị. Ở tuổi xế chiều, không có gì quí hơn con và cháu.
Reading, 5/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu