Lên mạng ngày 15/7/2010
TRÁI BANH CỎ
Tôi được sinh ra và lớn lên ở miền đồng bằng sông Cửu Long, hai mùa nắng mưa rõ rệt, còn gọi là mùa khô và mùa nước. Mùa khô kéo dài từ tháng mười đến tháng ba âm lịch, bắt đầu mùa khô nước rút cạn đồng, tôi cùng các bạn trong xóm họp lại với nhau đá banh vui lắm! Trái banh được làm bằng rơm hay ‘cỏ’ khô. Sân banh là khoảnh đất sau nhà được dàn dựng hai khung thành đối diện không có lưới với cột trụ là nhánh của cây gáu, cây cà na… từ vườn cây lân cận.
Mỗi chiều khi mặt trời ngã về hướng tây trời mát là lúc trẻ nhỏ chúng tôi vui mừng tụ tập lại rồi chia thành hai đội banh. Cầu thủ trẻ miền quê không có giầy, không áo, chỉ vỏn vẹn với chiếc quần đùi, hai thủ môn hai bên cũng đồng phục như tất cả các cầu thủ. Trên sân banh, hai đội quầng thảo với ‘trái banh cỏ’ mà không cần trọng tài, cùng nhau la hét vang dội suốt cả buổi chiều đến khi vầng thái dương khuất dạng.
Đội thua thì hậm hực tức tối buồn hiu mong chờ đến ngày mai sẽ phục hận, còn đội thắng thì hí hởn hát hò ỏm tỏi dậy cả xóm làng. Suốt trận đấu đều có những pha gây cấn khiến cầu thủ gục cần nằm dài trên sân tưởng như bỏ cuộc, nhưng chỉ vài giây sau thì trổi dậy biểu dương sức mạnh cho đội gà nhà. Vũ khí làm té ngữa đối phương là sự vô tình của cái cù chỏ, đầu gối… với lực lớn lúc di chuyển lẹ. Có lúc vì say mê theo ‘trái banh cỏ’ mà cả một bàn chân trong tư thế vận tốc nhanh tạo lực rất mạnh dống thẳng vào ngực của cầu thủ đối phương. Cơn đau đớn dữ dội làm cầu thủ này ôm ngực lăn dài trên sân banh kêu trời như bọng, nhưng chỉ vài giây sau thì trở lại sân đấu bình thường, đưa đến kết quả chiều hôm ấy đội nhà làm nên chiến thắng thật vẻ vang.
|