TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Xem sinh vật đoán thời tiết
 
Lên mạng ngày 28/3/2010


 
Người ta đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để dự đoán thời tiết thông qua các hiện tượng sinh vật mà họ quan sát được, những kinh nghiệm nầy rất phong phú đa dạng và được truyền từ đời nầy sang đời khác và cũng chính những người nông dân nầy tập hợp các hiện tượng trên để đưa ra các bạn đọc tham khảo.
1- Chuồn chuồn: Ta thường nghe câu ca dao rằng:
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.
Hoặc
Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão.
   Thật vậy khi trời sắp mưa, hơi nước trong không khí nhiều, độ ẩm cao, áp suất không khí nhẹ, cánh chuồn chuồn bị dính nước nên thường bay thấp. Đó là điềm báo trời sắp mưa.
2- Bướm: Có nhà thơ đã viết như vầy:
Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá,
Chẳng biết là mưa hay nắng đây!
   Cái băn khoăn đó được bà con nông dân giải đáp :
   Nếu đang lúc trời quang mây tạnh mà bướm đi trốn vào những chổ kín gió thì khoảng hai ba giờ sau sẽ có sấm chớp hoặc mưa. Sau khi mưa xong nếu bướm vẫn trú ở những góc kín thì trời vẫn còn sấm chớp hoặc mưa nữa.
3- Muỗi: Trời nóng nực, nhiệt độ không khí cao, áp suất giảm, độ ẩm tăng, muỗi ra nhiều kêu vo ve đốt đau thì trời sắp mưa.
4- Nhện: “Nhện giăng thì nắng – nhện vắng thì mưa”. Vì trời sắp sửa tạnh, độ ẩm giảm, côn trùng có thể bay cao nên nhện giăng lưới để bắt mồi, còn khi trời sắp mưa nhện phải thu lưới lại vì vừa không bắt được mồi vừa bị hỏng lưới.
5- Gián cánh: Gián thường ở các xó, khe, kẽ tường, chổ tối , khi áp suất không khí giảm, nhiệt độ tăng cao, nó không bò mà lại bay. Sau khi thấy gián cánh bay vài ngày thì sẽ có mưa và mưa tương đối lớn.
6- Mối và kiến cánh: Mối là loại sinh vật sống trong tổ ở những nơi ẩm ướt tối tăm. Khi áp suất không khí giảm, nhiệt độ tăng, độ ẩm tăng, thời tiết oi bức, thì mối cánh hoặc kiến cánh bay ra ngoài. Khi trời tối do đặc tính hướng quang và khó nhận đường về tổ cho nên thấy bóng đèn đâu là bay xà đến đó . Vì vậy khi thấy mối cánh, kiến cánh bay vào đèn chắc chắn là trời sắp mưa.
7- Ong: Những hôm trời nắng ráo, ong kéo đi lấy mật rất đông, nhưng nếu có dấu hiệu sắp mưa bão thì ong trở về hết. Nếu ngày hôm sau có mưa thì ngày hôm trước ong tranh thủ lấy mật nên về muộn hơn ngày thường, chúng ta nên quan sát kỹ điều nầy. Khi thấy ong sắp bịt kín hết các khe hở của tổ, ngay cửa ra vào cổng chỉ chừa đủ một con chui ra chui vào, thì chứng tỏ trời sắp trở rét. Mùa nóng ong đậu thưa, mùa lạnh ong đậu khít vào nhau, ong dùng cánh quạt để làm giảm nhiệt độ trong tổ cho sáp khỏi chảy.
8- Chim Chìa Vôi trắng: Về mùa thu trời đang tạnh ráo mà xuất hiện những đàn chim Chìa Vôi trắng bay về là báo hiệu trời sắp sửa có mưa.
9- Chim én: “Ngày xuân con én đưa thoi”. Chim én báo hiệu mùa xuân, nên khi nghe tiếng kêu đều đặn của chim én là lúc thời tiết ấm áp đã đến, những ngày đông lạnh lẽo đã trôi qua.
10- Kiến: Kiến là loại sinh vật sống trong tổ, khi trời sắp mưa một bộ phận kiến chạy ra khỏi tổ để đi tìm lương thực dự trữ, bò rất nhanh và vội vàng. Còn một bộ phận khác thì đùn đất làm tổ, trên miệng tổ được xây một cái thành vây quanh để bảo vệ. Nếu tổ kiến đùn lên thấp thì mưa nhỏ, cao thì mưa lớn.
   Trường hợp tổ kiến đang ở trên cao, chúng chuyển xuống thấp thì sẽ có bão.
 
Lê Thanh Quang 10MS1-74 NLS Cần Thơ,Cà Mau ngày 24-03-10

Trở lại LBNX
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 792127 visitors (2092853 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free