TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Năm Thìn nói chuyện rồng
 
Xuân Nhâm Thìn

Năm Thìn nói chuyện Rồng

Animated Dragons

     Thời gian trôi đi không bao giờ ngưng, “năm hết, tết đến” thì có một con vật cầm tinh mới được thay thế, năm 2012 là năm … Nhâm Thìn.
     Thời tiết theo đúng chu kỳ dương lịch như sau:
   - Mùa Xuân bắt đầu ngày lập Xuân là ngày 5 tháng 2 đến ngày 6 tháng 5, giữa mùa Xuân có ngày 21 tháng 3 thì đêm và ngày bằng nhau, đó là ngày Xuân Phân.
   - Mùa Hạ bắt đầu từ ngày lập Hạ là ngày 6 tháng 5 đến ngày 8 tháng 8, giữa mùa Hạ, có ngày 22 tháng 6 là ngày dài nhứt trong năm, đó là ngày Hạ Chí.
   - Mùa Thu bắt đầu từ ngày lập Thu là ngày 8 tháng 8 đến ngày 8 tháng 11, giữa mùa Thu, có ngày 23 tháng 9 thì đêm và ngày bằng nhau, giống như ngày 21 tháng 3 mùa Xuân vậy, đó là ngày Thu Phân.
   - Mùa Ðông bắt đầu lập Ðông là ngày 8 tháng 11 cho đến ngày 5 tháng 2, giữa mùa Ðông, ngày 22 tháng 12 là ngày ngắn nhứt trong năm, đó là ngày Ðông Chí.
   Người Trung Hoa thì tính ra một năm theo 4 mùa chia đều nhau, mỗi mùa có 3 tháng theo âm lịch chu kỳ đều đặng hằng năm tròn trịa không khác gì với dương lịch như thế này:
   * Mùa Xuân bắt đầu ngày mùng 1 Tết tháng Giêng cho đến cuối tháng Ba.
   * Mùa Hạ từ đầu tháng Tư cho đến cuối tháng Sáu.
   * Mùa Thu từ đầu tháng Bảy đến cuối tháng Chín.
   * Mùa Ðông từ đầu tháng Mười đến cuối tháng Chạp.
   Trong dân gian Việt Nam chúng ta, thói thường tính theo âm lịch, cho nên những câu ca dao, tục ngữ có liên quan đến những tháng theo từng mùa trồng trọt của nhà nông rất trung thực, đúng thời:
Tháng chạp là tháng trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu.
Tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra.
Tháng tư gieo mạ, mưa sa đầy đồng.
   Tháng chạp cũng là tháng ăn chơi, vì nhà nông sau vụ lúa, thì lo trồng hoa màu phụ như: khoai, đậu, cà, bắp… để sau khi ăn Tết và đến cuối tháng hai đầu tháng ba mới lo cày bỏ hoa màu phụ mà trồng lúa chánh thức.
   Hoặc là:
Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Ðoan Ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhẫn bán trăm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc bán bông,
Tháng mười một, tháng chạp nên công hoàn thành.
     Tết Ðoan Ngọ là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Rằm tháng tám lễ Trung Thu với các lồng đèn Rồng, cá… đủ loại.
     Trở lại Năm Thìn nói chuyện Rồng, mọi người đều công nhận con Rồng là một linh vật đứng đầu trong tứ linh là Long, Lân, Qui, Phụng. Long là Rồng được xem linh vật tổ của tộc Việt Nam và Á Châu. Lân là linh vật có hình dáng giống con sư tử mà vua chúa có nhân đức lắm mới thấy nó.
     Do vậy, người ta bong hình Lân để múa trong dịp đầu năm, với ý muốn mọi nhà đều được Lân đến thì cả năm làm ăn phát đạt. Qui là linh vật giống Rùa quý hiếm như Rùa vàng, Kim Qui hay Thần Rùa, Thần Qui. Phụng là chúa loại cầm thú, có lông ngũ sắc tuyệt đẹp vô cùng, cho nên có câu “Tiên sa phụng lộn” là thế đó, đây là con vật thứ 4 của tứ linh.
     Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của dân gian Việt Nam, cũng có nói đến con Rồng:
Rồng nằm bể cạn phơi râu,
Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình.
Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi.
Nay tui hỏi thiệt: Mình thương tui không mình?
 
Rồng chầu ngoài Huế; Ngựa tế Ðồng Nai.
Sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây;
Tới đây thì ở lại đây,
Bao giờ bén rễ xanh cây thì về!...
                                     
Rồng đen lấy nước thì nắng,
Rồng trắng lấy nước thì mưa...
                                
Rồng bay Phụng múa; Rồng mây gặp hội.
Rồng đến nhà Tôm; Rồng thiên uốn khúc.
Rồng ở với Giun; Vẽ Rồng, vẽ Rắn...
 
     Ngoài ra, Rồng là con linh vật cao quý nhứt, cho nên tượng trưng cho vua chúa: Long vương = Vua (Thần) biển; Long bào = Áo vua; Long nhan = mặt vua; Long thuyền = Thuyền để vua đi; Long sàng = Giường vua ngủ; Long mạch = Mạch Rồng, chổ đất thạnh vượng, có chôn ai xuống đó, thì con cháu sẽ được giàu sang; Long huyệt = Hàm Rồng; Long phi = Hoàng hiệu Rồng bay; Ngân Long phi = Tiền có hình Rồng bay; Ðền Rồng = Ðền vua; Ngai Rồng = Ngai vua ngự; Bệ Rồng = Bệ Rồng vua ngự; Rồng chầu = Rồng chực chầu vua chúa, nên có câu nói Rồng chầu, Hổ phục; Thuyền Rồng = Thuyền vua ngự; Hội Rồng mây = Hội vua tôi gặp gở...
     Ngoài ra, chúng ta còn có các danh từ nói về Rồng nữa như sau: Múa Rồng múa Rắn, cây xương Rồng, cây lưởi Rồng, đậu Rồng... Duyên cỡi Rồng là để chỉ duyên gái lành gặp chồng tốt...
     Giờ Thìn là giờ từ 7 giờ đến 9 giờ sáng; Tháng Thìn là tháng Ba của âm lịch.
     Ðặc biệt, dân tộc Việt Nam thuộc giòng giống Rồng Tiên, theo truyền thuyết từ ngàn xưa: Cha là Lạc Long Quân (gốc Rồng), kết duyên với mẹ là Âu Cơ (Tiên Nữ), rồi sanh bọc trăm trứng… Từ đó, dân tộc ta khởi nguồn là con Rồng cháu Tiên.
     Hình thể đất nước Việt Nam từ Bắc chí Nam với hình cong như chữ S, giống như dáng của Rồng nằm uốn khúc dọc theo bờ biển và hiện diện những địa danh như: Long Ðổ (rún Rồng), Long Biên, Cầu Hàm Rồng, Thăng Long (tên thủ đô Việt tộc vào thế kỷ thứ 6), Vịnh Hạ Long (kỳ quan của thế giới), Bình Long, Phước Long, Long Thành, Long Khánh, Long Hải (bải tắm đẹp ở Vũng Tàu), Long Bình, Long An (trên đường từ Sài Gòn về Miền Tây bắt đầu từ cầu Bến Lức), Long Hồ (Vĩnh Long), Long Mỹ (Vị Thanh Chương Thiện), Thới Long (Ô Môn Cần Thơ). Hai địa danh cây lành trái ngon ngọt nơi sanh ra những vị anh hùng tuấn kiệt là Vĩnh Long và Long Xuyên.
     Ðất nước chúng ta từ Bắc xuống Nam có con Rồng xuyên Việt là sông Cửu Long phát nguyên từ cao nguyên nước Tây Tạng, sông đầy nước phù sa có chiều dài hơn 4.000 cây số, chảy qua   Trung Hoa, Lào, Cao Miên và Việt Nam, có một nhánh thông vào biển hồ Tông Lê Sáp, rồi xuôi Nam rẻ ra hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang đổ ra biển bằng chín cửa sông nên có danh gọi là Cửu Long Giang (9 con Rồng). Chín cửa sông đổ ra biển là: 1-Cửa Tiểu, 2-Cửa Đại, 3- Cửa Ba Lai, 4-Cửa Hàm Luông, 5-Cửa Cổ Chiên, 6-Cửa Cung Hầu, 7-Cửa Định An, 8-Cửa Ba Thắc, và 9-Cửa Tranh Đề.
     Thủ đô nước ta xưa ở tại Thăng Long; kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long với cha Rồng; và mẹ Tiên nơi địa danh có nét đẹp hùng vĩ thơ mộng của Hà Tiên (Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).
     Rồng còn là nguồn cảm hứng dồi dào với hình ảnh sang cả ngấm sâu thật đậm đà thắm thiết trong văn chương bình dân, quyện sâu vào thi ca và ngân vang cả trong âm nhạc nữa.
    - Cuộc đời mình từ nay “như rồng lên mây”… người đời ý nói vận mai đến trong cuộc sống.
    -…Hoa tay thảo những nét, Như phượng múa Rồng bay… (bài thơ Ông Đồ Già của thi sĩ Vũ Đình Liên).  
     -…Cửu Long Giang soi mình trên lớp sóng sông uốn quanh như chín con Rồng ôm chặc đứa con… (bài hát Cửu Long Giang của nhạc sĩ Phạm Duy).
      Bước sang năm mới Nhâm Thìn 2012, kính chúc quý thầy cô an khang, thân chúc quý bạn sang năm mới mọi việc hạnh thông, như Rồng lên mây, dồi dào sức khỏe, luôn tròn như ý nguyện!
 
Trần V Diên, CT 70-73,  ngày 12/12/2011

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860354 visitors (2230852 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free