TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Lời thì thầm của Hai Lúa
 
Lên mạng ngày 19/12/2010

Lời Thì Thầm Của Hai Lúa – Hai Lúa Thời @
 
   Lưu bút ngày xanh với ký ức những ngày còn xanh của Hai Lúa. Điều kiện ắc có và đủ cùng với ẩn số để giải quyết bài toán của vụ lúa Đông Xuân đã có kết quả, đạt rất khả quan. Hai Lúa nầy hưng phấn lắm; còn vụ lúa Hè Thu thì sao đây?!
                          Người ta đi cấy lấy công,
                         Hai Lúa ra ruộng thì trông nhiều người.
   Thật vậy; vì Hai Lúa mới được ra lò Nông-Lâm-Súc Cần-Thơ giờ thì vào vụ canh tác Hè Thu với nhiều tư duy trăn trở; có lẽ cần phải tiếp tục học hỏi ở kinh nghiệm thực tế của nông dân ngoài đồng ruộng.
   Đất thì phải cày để cắt đứt mao dẫn trong đất không cho xì phèn lên, chôn vùi cỏ dại, phơi khô đất v.v... vùng đất Hai Lúa đang canh tác không biết độ pH là bao nhiêu nhưng có lẽ thấp hơn 7 (pH=7 trung hòa).
   Theo kinh nghiệm đất trầm thủy thường thường phèn ở trong đất rất nhiều nên chọn cách cày cạn mà thôi.
   Diện tích đất canh tác là loại đất manh không như ở cánh đồng lớn nên dùng sức con trâu để cày đất là chủ yếu. Tùy theo mỗi địa phương; ở đây Hai Lúa phải vác trụ cày về đất mình để trâu cày (chủ trâu không vác trụ cày mà chủ đất phải mang đến đất của mình). Đất cày xong phải trãi qua một thời gian phơi khô; đất càng khô càng tốt và trước khi xạ lúa thì bơm nước vào và bừa đất cho tơi xốp - khuân vác trụ cày, dàn bừa cho trâu thì Hai Lúa nầy quá quảy!!.
   Những thửa ruộng liền canh bơm nước vào để bừa đất lúa, Hai Lúa cũng đồng loạt bơm nước vào ruộng, việc dùng máy bơm nước thì đúng gu của Hai Lúa rồi vì đã học ngành Công Thôn. Gieo lúa xuống ruộng, chăm sóc lúa từng giai đoạn và sau cùng cũng đến ngày thu hoạch. Ngày thu hoạch lúa ngoài đồng ruộng rất nhộn nhịp, lố nhố những chiếc lá cùng với bàn tay thoăn thoắt của các cô thợ gặt: “Tiếng lưỡi hái gặt vào bó lúa nghe sột soạt như tiếng trâu bò ăn cỏ”*.  
   Xa xa vang tiếng máy tuốt lúa và rơm phun ra thành dòng trên không từ cửa thoát rơm của máy tuốt.
   Năng suất lúa thu hoạch vụ Hè Thu cũng đạt tương đối cao nhưng so với vụ Đông Xuân thì không bằng có lẽ mưa nhiều, nắng ít, thời gian cây lúa quang hợp bị hạn chế? Công đoạn phơi khô hạt lúa ở vụ Hè Thu khó khăn hơn vụ Đông Xuân; không có sân phơi, máy sấy lúa hầu như rất ít, không đại trà như ngày hôm nay như Hợp Phần Xử Lý Sau Thu Hoạch với máy sấy lúa của bạn kỷ sư canh nông Nguyễn Văn Lích v.v...
   Thu hoạch vụ lúa Hè Thu Hai Lúa đúng ngay vào những ngày mưa bão mà sân phơi là lộ xe (Quốc Lộ). Những đêm thức trắng, hơi lúa thoát ra nóng hổi từ đống lúa, mòn mỏi quá phải ngủ thiếp đi và rồi gặp một sự việc còn hơn ác mộng: Lộp cộp, lộp cộp,... chuyện gì vậy, vừa mở mắt ra thì những bàn chân trâu vừa bước ngang qua thân mình tôi; tám bàn chân lần lượt bước qua lên người, con trâu nghé đi sau cùng theo mẹ cũng học hỏi kinh nghiệm biết tránh né người nhưng khi đi ngang qua người tôi thì... mình mẩy tôi đầy phân trâu, có lẽ nó cho rằng Hai Lúa nầy phơi lúa quá dở hay đừng nên ngủ giữa đường lộ xe nữa!.
   Lâu rồi mọi việc quen dần và theo thời gian thì công việc cũng thông qua. Ba mươi vụ canh tác lúa Hai Lúa hành nghề tay trái hay trái tay nghề đã cảm nhận được cay đắng, buồn vui, khổ cực của nhà nông.
   Thời đại ngày nay khoa học kỹ thuật đã phát triển vượt bật, thì Hai Lúa cũng phải là trong giới Hai Lúa thời đại @. Điện khí hóa nông thôn tương đối hoàn chỉnh, giao thông đường thủy, đường bộ đã thông suốt thì việc canh tác lúa ngoài yếu tố nước, phân, cần, giống thì còn thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
   Thiên thời: Lịch thời vụ phải tuân thủ để né tránh sâu rầy...
   Địa lợi: Vị thế và loại đất trồng lúa nào cho phù hợp.
   Nhân hòa: Cùng nhau hợp tác (3 nhà): Nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.
   Thời kỳ hội nhập WTO ngoài việc ăn no mặc ấm mà còn phải ăn ngon mặc đẹp thì hạt lúa phải đạt chất lượng tốt, năng suất phải đạt cho thật cao; giới Hai Lúa thời đại @ không còn thì thầm nữa mà là thời đại cơ giới hóa nông nghiệp hiện đại, đưa cơ giới vào mổi công đoạn canh tác lúa.
 
*Trích trong truyện ngắn Mùa Gặt Lúa của nhà văn Thạch Lam.
 
Ô Môn ngày 15/11/2010 Nguyễn Hồng Đơn 70-73(CT)
Khoa Nông Nghiệp Trường Đại Học Cần Thơ

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860205 visitors (2230656 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free