TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhạc kịch Cải lương
 
Lên mạng ngày 1/4/2010



   Nhạc kịch Âu Châu xuất xứ vào thế kỷ thứ 15 từ một quốc gia nay thuộc nước Đức, đã bị xóa tên, nhưng dân tộc này đang hòa nhập với dân Đức, có một số đã di dân đến Hoa Kỳ hiện cư ngụ nhiều nhất tại Palm Spring thuộc miền Đông Nam tiểu bang California, gần San Diego. Đến thế kỷ thứ 16 nhạc kịch mới bắt đầu phổ thông khắp Âu Châu cho đến nay vẫn còn trình diễn khắp nơi trên thế giới.   
   Vào năm 1917 nhạc kịch Âu Châu có sáng tác một vở nhạc kịch cốt truyện Nhật Bản là Cánh Bướm Vườn Xuân. 70 năm sau, hai nhạc sĩ Claude-Michel Schonberg người Đức và Alain Boublil người Anh Quốc cho lên sân khấu một vở nhạc kịch cốt truyện Việt Nam là Cô Gái Sàigòn (Miss Saigon) ra mắt tại Luân Đôn ngày 17-08-1987. Sau đó vở nhạc kịch này được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau để lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Tại Tokyo vở nhạc kịch Cô Gái Sàigòn được trình diễn 2 lần, lần đầu tiên liên tục trong một năm liền, lần sau kéo dài khoảng 6 tháng. Năm 2006 ở Soul xứ kẹo kéo kim chi mà dân chúng cũng ùn ùn rút tiền túi mua vé vào xem cho được vở nhạc kịch cốt truyện Việt Nam trình diễn bằng tiếng Đại Hàn ròng rã suốt nửa năm.   
    Năm 2000 vở nhạc kịch Cô Gái Sàigòn được ghi nhận có số người xem nhiều nhất trong lịch sử sân khấu nhạc kịch Âu Châu, hơn những vở nổi tiếng trước đó như Con Mèo Hoang, Bóng Ma Trong Nhà Hát...
    Có gì hấp dẫn cho người xem trên sân khấu nhạc kịch? Nhạc hay? Sân khấu hấp dẫn? Nghệ sĩ tài danh? Cốt truyện sâu sắc thu hút người xem? Vâng! Vở nhạc kịch Cô Gái Sàigòn thể hiện đầy đủ những yếu tố đó, ngay từ xuất diễn đầu tiên ở Luân Đôn đã nói lên điều này. Ở Nhật có nhiều người bảo rằng càng xem càng hay xem hoài không chán! Tại thành phố Sàigòn hiện có hai doanh hiệu lấy tên vở nhạc kịch này là Miss Saigon Restaurant và Cafe Miss Saigon.
   Cốt truyện viết về xã hội Việt Nam nên cần nhiều diễn viên người Việt hay người gốc Á Châu hát thong thả tiếng Anh cho buổi trình diễn đầu tiên tại Luân Đôn. Hai nhạc sĩ đã đến Việt Nam và các nước trên thế giới lựa chọn diễn viên, có một lần thử giọng một nữ sinh người gốc Việt Nam đang học lớp thanh nhạc ở đại học Los Angeles California. Tiếp tục tìm người đóng vai nữ chánh hát Anh Ngữ đúng tiêu chuẩn nhạc kịch diễn vai Kim tuổi 17 là sinh viên lớp thanh nhạc tại đại học Manila Phi Luật Tân tên cô Wilson Alonga. Sau đó cũng có nhiều người khác được chọn vào vai Kim từ các quốc gia Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa…
   Cảnh trí hoàn toàn tự động. Nhạc cụ không dùng điện vì phải tuân theo truyền thống nhạc kịch cổ điển, hồi thế kỷ 15 chưa phát minh ra điện. Giọng hát và vũ công đúng tiêu chuẩn. Nhưng phải nhờ khuếch đại âm thanh, thâu âm trước tiếng động cơ máy bay trực thăng…
   Nhạc sĩ sáng tác dựng lại chuyện có thật đã xãy ra ở Việt Nam, cảnh máy bay trực thăng đáp trên nóc nhà năm nào đã khiến cả thế giới hồi hợp theo dõi dường như muốn nghẹt thở.
   Nhạc kịch Âu Châu hao hao giống hát bội Việt Nam. Giọng hát của diễn viên cao vút, bổng, trầm, buồn, vui… phong cách diễn tả theo lời hát và ý nhạc.
  

    Lịch sử Hát Bội xuất phát từ Bình Định, nơi đây người Trung Hoa hay lui tới mua bán rồi du nhập lối Hát Hồ Quảng vào, từ đó người Bình Định biến cải thành Hát Bội. Tuồng tích của Hát Bội dùng điễn tích xưa có ý giáo dục khuyên người đời sống theo đạo lý. Vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, tướng Lê Văn Duyệt trấn thành Gia Định, tướng Lê Văn Duyệt rất mê Hát Bội, vị tướng này sinh năm 1764 tại làng Hòa Khánh nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông nội của tướng Lê Văn Duyệt quê hương ở Quảng Ngải gần Bình Định. Ông rất thích hát bội nên cho lập gánh Hát Bội ngay trong đoàn quân.              
   Khán giả xem vở nhạc kịch Cô Gái Sàigòn xong muốn xem đi xem lại. Nhân tố thành công là nhạc sĩ sáng tác biết dùng truyện thật đưa lên sân khấu để đạt kết quả tột đỉnh trong nghệ thuật.
   Cái chết tức tưởi của Thụy và Kim trong vở nhạc kịch gợi nhớ lại câu chăm ngôn phương tây: Muốn thắng cuộc tranh luận thì hãy tránh cuộc tranh luận.
   Sân khấu nhạc kịch Tây Phương thành công vô tiền khoán hậu nhờ vào câu truyện đau thương có thật đã xảy ra ở Phương Đông.
   Căn bản của âm nhạc là âm thanh. Âm nhạc hiện diện ngay trong lòng dân tộc là dân ca. Dòng nhạc thần linh hay nhạc lễ thật tự nhiên theo cung cách rất trịnh trọng từ khi có tổ tiên đấy là tín ngưỡng, thờ phượng, cúng tế tạ ơn trời đất, đấng thiêng liêng...
 
  

 
Nghệ sĩ Hát Bội (Tuồng) thời xưa
 
   Lúc còn thơ tôi thường theo ba má đi cúng đình xem hát bội. Hát
bội khởi thủy từ miền trung có hơn ba thế kỷ. Hát chèo hiện diện từ lâu ở đất Thăng Long. Xứ ngàn năm văn vật có sân khấu múa nước từ đời Lý. Hồi đến xứ cờ hoa, tôi có đi xem nhạc kịch cổ điển xuất phát từ Âu Châu cách nay hơn 500 năm.
 Ở đâu thời nào đều có sân khấu nghệ thuật. Từ vùng trai thanh gái lịch bên dòng Cửu Long giang phù sa bạt ngàn. Dòng sông này chia nhánh thành chín con rồng uốn khúc đổ ra biển đông Thái Bình Dương là nơi xuất xứ sân khấu cải lương. Vậy, sân khấu cải lương do đâu mà có và xuất hiện từ hồi nào?
   Theo thời gian âm nhạc dân gian trải rộng phổ thông hơn tiêu biểu qua giọng hát với cây đàn dây gọi là nhạc tài tử. Nhạc tài tử đối tượng đơn lẻ hát cho nhau nghe, tự sáng tác tự trình diễn những bài hát dân gian dễ nhớ dễ thuộc, truyền khẩu trong quần chúng bắt nguồn từ dân ca.
    Nước ta trên 90 phần trăm là nông dân, công việc đồng áng mệt nhọc cả ngày, đêm đến cùng nhau đờn ca tài tử tiêu khiển trước sân nhà, trên sông những đêm trăng sáng, vào những dịp đám tiệc cưới hỏi, đăng quan, đám giổ...
   Theo hồi ký của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển (phu quân của nghệ sĩ Bà Năm Sađec) viết trong quyển Tôi Mê Cải Lương thì xuất xứ cải lương là “ca ra bộ” có từ năm 1915. Vào thời ấy người chủ rạp hát chớp bóng Casino nằm sau chợ Mỹ Tho nẩy ra sáng kiến trước khi xuất chớp bóng mở màn thì cho trình diễn 1 bài hát tạo không khí rộn rịp vui tươi vì chớp bóng thời ấy chưa có lời đối thoại của diễn viên. Nhạc sĩ ngồi đàn đứng nép bên cánh gà, ca sĩ hát điệu bình báng hay tứ đại oán… đứng giữa màn bạc ra bộ tự do theo ý bài hát cho nên gọi là “ca ra bộ”. Ít lâu sau vào năm 1916, tại nhà thầy Phó Mười Hai Tống Hữu Định ở Vũng Liêm Vĩnh Long trong dịp đám cưới có buổi họp đàn ca tài tử tưng bừng náo nhiệt, vào đêm ấy ca sĩ tài tử nam và nữ vừa ca vừa ra bộ đối đáp theo điệu hát Tứ Đại xuất xứ từ miền bắc “Bùi Kiệm Thi Rớt Trở Về”. Vài tháng sau trong dịp tết ta năm 1917 tại Sađec gánh hát xiệc của Thầy Ba Thận cho xen kẻ màn “ca ra bộ” đối đáp vui nhộn mới lạ “Kiều Nguyệt Nga” có 4 diễn viên là Bùi Ông, Người Ở, Bùi Kiệm và Kiều Nguyệt Nga. Qua thời lượng ngắn nhưng đã làm say mê người xem bởi tiếng đàn, lời ca và phong cách “ra bộ” diễn tự do theo ý lời ca.
   Từ đó “ca ra bộ” đã làm thay đổi lối hát bội cổ kính đầy khuôn thước. Cho nên vào năm 1920 gánh hát Thầy Năm Tú ra mắt khán thính giả Cần Thơ 1 vở tuồng không phải hát bội mà là cải lương đầu tiên có đối thoại, diễn, ca theo điệu hát xưa như Bình Báng, Tùng Lâm, Tứ Đại… là vở Kim Vân Kiều do ông Trương Duy Toản biên soạn từ truyện thơ Nôm của thi hào Nguyễn Du phóng tác từ truyện Tàu của nhà văn Thanh Tâm Tài Nhân.
  
 
    Gánh hát Trần Đắc, Cần Thơ (1931), tuồng xã hội Khúc Oan Vô Lượng, Từ Anh (trái), Năm Châu, Tư Út (giữa), Phùng Há, Ba Liên (phải). Nghệ sĩ Phùng Há đã ra đi tại Sàigòn ngày 5 tháng 7 năm 2009 hưởng thọ 99 tuổi.
 
   Kể từ năm 1930 trở đi cải lương xã hội soạn theo tâm lý xã hội, ca diễn xúc tích cùng nhiều nghệ sĩ tài danh hơn. Nhạc cụ dùng cho cải lương là đàn dây. Không giống như  nhạc lễ cổ truyền trong đình,chùa, cúng tế trời đất, hát chèo hay hát bội dùng nhạc cụ rườm rà như trống, kèn, phèn la, khánh, chuông, sáo, ngữ, chập chả… Cải lương là “ca nhạc kịch” diễn, hát phải thật ăn rập với nhịp đàn, không ngân nga tùy ý như hát bội, ngâm thơ… Vào năm 1917, bài hát vọng cổ ra đời là ca khúc Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Sáu Lầu, nghệ sĩ tài tử từ miền bắc vào lập nghiệp ở Bạc Liêu.
   Vọng cổ đã cải biến, ca vọng cổ khi xuống giọng thì người nghe đáp lễ bằng một tràng pháo tay trang điểm thêm cho sân khấu cải lương. Đài phát thanh Sàigòn năm xưa đã trực tiếp truyền thanh tuồng hát cải lương từ sân khấu vào mỗi buổi tối thứ bảy lôi cuốn hàng triệu thính giả yên lặng lắng nghe từ cái máy radio.        
 
Trần Văn Diên, 10CT-70, ngày 16/07/2009

 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 792587 visitors (2093725 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free