TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  NLSCT và tôi
 
Lên mạng ngày 15/12/2010

NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ VÀ TÔI
 
   Ngày nhận sự vụ lệnh để nhận nhiệm sở Trường Trung Học Nông lâm Súc Cần Thơ tôi rất lấy làm háo hức vì trong đời tôi đã được nghe đến tên của thủ đô miền Tây nhưng chưa bao giờ được đặt chân đến. Từ khi di cư vào Sàigòn khi hiệp định Geneve được ký kết, chia đôi hai miền Nam Bắc vào mùa hè năm 1954 cho đến khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sàigòn mùa hè năm 1967, tôi ít khi có dịp đi ra ngoài thành phố, xa nhất về phía Bắc là thị xã Đà Lạt, nơi Ba tôi phục vụ trong đơn vị Ngự Lâm Quân của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại (1954-1955) và xa nhất về phía Nam là thị xã Tân An khi tôi phải đến để làm dự án tốt nghiệp, liên hệ đến việc trồng lúa của nông dân, tôi không ngờ đây là dấu hiệu của đời tôi đã dính liền đến ngành Nông Lâm Súc.
   Khi đến trình diện trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, tôi đã được sự tiếp đãi hết sức niềm nở của Thầy Kỷ Sư Nguyễn Hoàng Sơn, Hiệu Trưởng; Thầy Lê Quan Hồng, Tổng Giám Canh; Thầy Trương Thiện Niệm, Thầy Lê Hiền Lương, và các nhân viên trong Ban Giám Đốc của nhà trường và đặc biệt tôi còn được Thầy Lê Quan Hồng và vợ là Cô Trần Cao Huân mời về nhà ăn cơm chiều.
   Cùng trình diện với tôi một lượt là Thầy Tăng Ngọc Hiếu, ban Triết, Thầy Hiếu có tài đánh đàn và hát rất hay; Thầy Lê Duy Nhiên, ban Pháp Văn, có tài về Sinh Hoạt Học Đường và tôi ban Sử Địa. Cả 3 chúng tôi được Thầy Hiệu Trưởng cho ở chung căn nhà trước cổng trường.
   Tôi cũng được dịp gặp Thầy Trần Đăng Hồng, lúc đó đang sửa soạn đi tu nghiệp ở ngoại quốc về ngành lúa gạo. Và Thầy Nguyễn Văn Thước, khóa đàn anh của tôi, người mà tôi hết lòng kính mến vì khả năng, đức độ, lòng đam mê trong công việc và tinh thần hoạt động thiện chí.
   Năm đầu tiên, tôi được phân công dạy môn Việt Văn và Sử Địa các lớp 8 và 9 vì môn Sử Địa các lớp 10,11 và 12 đã do Thầy Nguyễn Văn Thước phụ trách.
   Mặc dầu Sử Địa là môn chính nhưng Việt Văn cũng là môn sở trường của tôi và được tôi yêu thích. Tôi đã say sưa đưa học trò vào thế giới của Văn Chương, giới thiệu những cái hay, đẹp của từng tác giả. Tôi đã làm các em vô cùng thích thú khi mỗi tuần tôi đều thưởng cho em nào có bài luận văn hay nhất một cuốn truyện của các tác giả đó. Tôi không bao giờ quên được em Nguyễn Thành Công, lớp 8 là người say mê môn Việt Văn và ngưỡng mộ tôi nhất.
   Từ khi 3 chúng tôi về cùng một trường, Nông Lâm Súc Cần Thơ khởi sắc hẳn lên với các hoạt động của Thầy Hiếu, Thầy Nhiên và tôi bên cạnh các sinh hoạt đã có sẵn của Thầy Trần Đăng Hồng, Thầy Nguyễn Văn Thước. Chúng tôi bị cuốn hút vào các buổi lửa trại, du ngoạn, thể thao, văn nghệ của nhà trường và sinh hoạt của các em học sinh.
   Tuần lễ đầu tiên, một ngày cuối tuần tôi đã được thưởng thức thế nào là rượu nếp than của miền Tây. Khi các em học sinh lớp 12 đi bắt ốc dưới cồn đem đến trình diện các thầy mới đến. Chúng tôi ăn ốc luộc trong chậu thau lần lượt chuyền tay nhau. Vì thiếu kinh nghiệm, tôi càng uống càng thấy ngọt và sau đó bị say chẳng còn nhớ gì hết; cũng may có Thầy Hiếu và Thầy Nhiên chăm sóc nên ngày hôm sau tôi vẫn đến lớp bình thường.
   Những ngày sau đó, tôi lần lượt thưởng thức “cá lóc nướng trui”; thịt của cá thật là ngọt làm sao! Rồi ăn thịt rùa, thịt rắn; mắm kho với cơm và rau sống, còn nhiều thức ăn nữa mà rất tiếc bây giờ tôi nhớ không hết…
   Mấy tháng đầu dậy học, nhờ trường biết tôi ở xa nên xếp thời khóa biểu cho tôi dậy mấy ngày đầu tuần còn cuối tuần về Sàigòn với gia đình. Mỗi sáng Chúa Nhật tôi lại ra bến xe miền Tây thật sớm để mong đến Cần Thơ không bị kẹt giữa đường. Thuở ấy, vào cuối năm 1967, mức độ chiến tranh càng ngày càng gia tăng, không lần nào đi về trường mà tôi không bị trở ngại: Khi thì đắp mô ở Trung Lương, khi thì mìn nổ ở gần Cai Lậy làm hư đường xe đò không chạy được và khi thì giao tranh ở Cái Bè, có nhiều khi tôi đi từ sáng sớm mãi đến chiều tối mới đến Cần Thơ vì còn phải qua hai bến phà Mỹ Thuận và Cần Thơ.
   Tôi đã may mắn được sống trong sự tràn ngập yêu thương
của các Thầy, Cô và học trò Nông Lâm Súc Cần Thơ. Nhà trường đã dành cho tôi mọi sự dễ dàng và ưu đãi trong vấn đề làm việc, các em học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, lễ độ, biết vâng lời và không ít lần tôi được phụ huynh đến tận trường để mời nhà ăn giỗ; mỗi lần có giờ rãnh, ngày nào, đôi, ba lần các em lại mời tôi uống cà phê của Ông Bà Tư trước cổng trường.
   Tôi đang được hưởng những ngày tươi đẹp đầu tiên của cuộc đời dậy học thì một hôm vào mùa Giáng Sinh 1967, tôi nhận được giấy trình diện nhập ngũ khóa 27 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, kết quả của lệnh Tổng Động Viên do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký kết vì lúc đó cường độ chiến tranh đã lên cao nhất nhưng sau đó tôi được hoãn lại đến khóa 2/1968 vì khóa 27 Thủ Đức đã có quá nhiều sinh viên nên quân trường không đủ chổ chứa.
   Trước ngày tôi nhập ngũ, nhà trường đã tổ chức một đêm không ngũ để các thầy, trò có dịp tâm sự và tiễn tôi lên đường, sáng hôm sau tôi lặng lẽ rời trường trong một nỗi buồn thấm thía vì không biết ngày nào mới trở về trường cũ.
   Thế rồi, cuộc chiến Tết Mậu Thân bùng nổ, thành phố Cần Thơ cũng không tránh khỏi số phận chung của cả nước. Hàng ngàn đồng bào phải di tản vào trung tâm thành phố để tránh những nơi có giao tranh và trường Nông Lâm Súc Cần Thơ đã được dùng để làm nơi tạm trú cho đồng bào tị nạn.
   Trong khi chờ đợi trình diện nhập ngũ, tôi cảm thấy có bổn phận đến trường để phục vụ với Thầy Hiệu Trưởng và Ban Giám Đốc nhà trường trong việc giúp đỡ đồng bào tị nạn.
   Buổi chiều hôm tôi đến Cần Thơ, Thầy Hiệu Trưởng thu xếp cho tôi ở trong căn nhà dành cho Hiệu Trưởng cùng với một vài giáo sư khác thì ngay đêm hôm đó tôi đã được dàn chào bằng một loạt pháo kích. Một miểng đạn lớn đi xuyên qua cánh tay trái và lưng nhưng không làm gẩy xương cánh tay; một miểng khác đi xuyên qua chân phải nhưng không cắt gân chân và không làm gẫy xương ống chân, ngoài ra còn các miểng đạn khác cũng chạm phải bàn tay trái và lưng.
   Khi tôi choàng dậy vì tiếng nổ của đạn pháo kích, tôi vẫn
không biết và cảm thấy gì hết cho đến khi bước ra ngoài cửa thì một người nói với tôi: “Thầy bị thương rồi kìa!”. Tôi nhìn xuống cánh tay trái thấy máu chảy nhiều và sau đó ngã xuống bất tỉnh. Thầy Sơn vội càng kêu bác tài xế của trường chở tôi đi gấp đến bệnh viện Phan Thanh Giản để cấp cứu dù đang trong tình trạng giới nghiêm. Tôi muốn nói lên đây lòng tri ân sâu xa đối với Thầy Hiệu Trưởng, bác Thôn tài xế đã kịp thời cứu tôi, chỉ cần chậm chút xíu thôi tôi đã vĩnh viễn yên nghĩ ở Cần Thơ. Tôi cũng nhân dịp này gởi lời cám ơn chân thành đến các Thầy, Cô, nhân viên nhà trường và tất cả các em học sinh đã thăm hỏi tôi trong suốt thời gian điều trị tại bệnh viện.
   Tôi nằm điều trị ở bệnh viện Phan Thanh Giản khoảng một tháng rồi về trình diện Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ 3 ở đường Lê Văn Duyệt, Sàigòn. Mặc dầu sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn nhưng bác sĩ khám vẫn cho con dấu “Đủ sức khỏe” để nhập ngũ.
   Tôi đã trải qua 9 tuần huấn luyện căn bản ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung rồi sau đó chuyển qua Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức học thêm 4 tháng nữa thay vì 6 tháng vì cường độ chiến tranh đã lên cao nên Bộ Quốc Phòng cho đào tạo gấp rút để có đủ sỉ quan phục vụ chiến trường.
 Sau khi mãn khóa tôi được đưa về Ban Tu Thư Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu để biên soạn các tài liệu
huấn luyện cho các quân trường.
   Sau hơn hai năm phục vụ trong quân đội, tôi được biệt phái trở lại trường Nông Lâm Súc Cần Thơ vào đầu năm 1970 để thay thế Thầy Nguyễn Văn Thước được thuyên chuyển về giãng dạy tại trường Quốc Gia Sư Phạm Sàigòn, tôi được chỉ định phụ trách môn Sử Địa các lớp 10, 11 và 12.
   Ngày trở về trường cũ tôi thật là vui mừng được gặp lại các thầy, cô và học trò cũ. Tôi được hân hạnh gặp gở Thầy Hà Văn Mới; Thầy Nguyễn Văn Thanh ban Mục Súc, Giám Học của trường; và Thầy Nguyễn Văn Chút, phụ tá Giám Học. Chúng tôi chơi rất thân vì có nhiều quan điểm giống nhau, hợp tình nết và đối đãi với nhau rất thân tình như anh, em một nhà.
   Ngoài ra tôi còn có rất nhiều bạn tốt như Cô Thu Tâm, láng giềng của tôi, Thầy Nghị, Thầy Hạng, Thầy Mừng, Thầy Hiền, Thầy Lộc và nhất là cặp vợ chồng Thầy Mến - Cô Xinh rất là dễ thương. Tôi còn nhớ hai mùa Hè 1970 và 1971 khi xuống Cần Thơ chấm thi được Thầy Mến rủ về nhà đải cơm rau trộn với mắm cá thật ngon miệng, rất tiếc là Thầy Mến đã không còn nữa.
   Thời gian sống ở Cần Thơ của tôi lúc đó thật là êm đẹp. Tôi đã đem theo hai người em ruột vào học lớp 10 ban Công Thôn và ban Mục Súc; 3 đứa cháu, 1 học lớp 10 ban Canh Nông, 1 lớp 10 ban Mục Súc và 1 học lớp 8. Ngoài ra sống chung với tôi còn có một người em trai phục vụ ở Sư Đoàn 4 Không Quân.
   Tôi đã được sống những ngày thật là hạnh phúc ở Cần Thơ. Mỗi ngày, sau giờ học, các em học sinh hay kéo lại nhà tôi chơi với các em của tôi và phần lớn ở lại dùng cơm với chúng tôi. Tôi luôn luôn có 2 vị khách qúi là Trần Anh Tuấn và Nguyễn Văn Sáng thường trực đóng đô ở nhà tôi vì các em rất mến gia đình tôi, nhất là Trần Anh Tuấn có gia đình ở xa; tôi rất đau buồn được tin Nguyễn Văn Sáng không còn nữa, tôi rất tiếc khi mất đi một người học sinh giỏi, đạo đức và gương mẫu của gia đình Nông Lâm Súc.
   Cuối tuần, các em lại rủ vợ chồng tôi ra bờ sông lưới cá,
được bao nhiêu bà xã tôi đem chiên bột đãi các em ở nhà. Một đôi khi các em lại mời chúng tôi vào vườn của gia đình để thưởng thức không khí trong lành, tĩnh mịch và những trái cây thơm, ngon. Buổi chiều có khi gia đình các em lại đãi chúng tôi món canh chua cá thật tuyệt vời. Nhân dịp này tôi trân trọng gởi lời cám ơn em Nguyễn Văn Tồn và gia đình đã cho tôi được hưởng những ngày thật đẹp trong vườn cây của nhà em.
   Ngoài ra, thời gian tôi còn cư ngụ trong trường, đến mùa thu hoạch của các em, ngày nào mở cửa trước, bao giờ tôi cũng thấy các em đem biếu các nông sản do các em làm dự án, tuy của không đáng là bao nhiêu nhưng chứa đầy tình nghĩa.
   Ngoài thời gian dạy học tại NLS Cần Thơ tôi còn được mời dậy thêm ở các trường trung học tư thục Công Giáo Đồng Tâm, trường La San, trường Bồ Đề và trường Văn Hóa Quân Đội.
   Tôi tưởng đời tôi sẽ gắn liền với Cần Thơ vì có lúc thân phụ tôi đã xuống ở chung với chúng tôi, cô em gái út đã vào lớp 8 NLS một thời và mẹ tôi cũng đã xuống thầu kinh doanh tại căn cứ Sư Đoàn 4 Không Quân ở Bình Thủy.
   Cuộc đời không phải lúc nào cũng êm ả như mình tưởng. Đột nhiên vào đầu năm 1972, tôi nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển về NLS Tây Ninh vì trường thiếu giáo sư dạy Sử Địa cho bậc Đệ Nhị Cấp.
   Ngày rời trường, tôi buồn vô cùng vì bao nhiêu ước mơ của mình chưa thực hiện được, đời sống lại bị xáo trộn và nhất là phải xa các thầy, cô đáng kính, các em học sinh thật dễ thương, và các em, cháu tôi phải rơi vào hoàn cảnh không ai hướng dẫn.
   Dù ở Tây Ninh, nhưng lòng tôi lúc nào cũng hướng về Cần Thơ cho nên vào mùa Giáng Sinh 1974, tôi đã tổ chức một cuộc du khảo, giao hữu với các trường NLS bạn. Tôi và các Thầy Sang, Thầy Nghĩa dẫn gần 100 học sinh NLS Tây Ninh ghé Cần Thơ. Chúng tôi đã có những kỷ niệm thật tuyệt vời qua trận túc cầu giao hữu với cầu thủ nổi tiếng Lý Minh Bền và đội bóng chuyền trứ danh dưới sự dìu dắt của Thầy Nguyễn Thượng Hạng.
   Buổi chiều hôm đó cả phái đoàn NLS Tây Ninh được các em NLS Cần Thơ đãi một bữa cháo gà ngon thật tuyệt và buổi tối chúng tôi đã có một lửa trại giao lưu văn nghệ giữa hai trường.
   Sau đó, tôi còn dẫn học sinh NLS Tây Ninh ghé thăm NLS Long Xuyên, thăm Châu Đốc, tạt qua NLS Định Tường và Long An trước khi trở về Tây Ninh.
   Giữa tháng 4, 1975 vì tình hình chiến cuộc, các giáo chức NLS Tây Ninh được nghỉ hè sớm và đến cuối tháng, do một sự tình cờ, tôi may mắn được định cư tại Hoa Kỳ.
   Giờ đây ngồi nhớ lại ngôi trường thân yêu cũ, dù thời gian
phục vụ không lâu, nhưng trường NLS Cần Thơ đã để lại cho tôi những dấu ấn không bao giờ phai.
   Tôi biết ơn Trời Phật đã cho tôi cơ hội được về sống và làm việc ở Cần Thơ, thành phố hiền hòa, sung túc; cho tôi có dịp sinh hoạt cùng các thầy, cô tận tâm, kính mến và nhất là cho tôi được gặp gỡ và giãng dạy các em học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, lúc nào cũng biết kính trọng thầy, cô và tôi cũng cám ơn trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Ngôi trường đã đào tạo bao nhiêu nhân tài của đất nước và nơi chan chứa tình thầy, trò và tình người.
   Tôi cũng cám ơn các em học trò cũ đã tìm đến thăm tôi sau nhiều năm gián đoạn, nói chuyện và gởi thơ, cám ơn các em trong Ban Biên Tập Nội San Lưu Bút Ngày Xanh đã cho tôi cơ hội để nói lên tâm tình trung thực và sau cùng là cám ơn Ban Tổ Chức Buổi Họp Mặt Nông Lâm Súc Bắc California đã tạo cơ hội cho các Thầy, Cô và học trò Nông Lâm Súc Huế, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng (Ba Xuyên) và Tân Hiệp (Hốc Môn tỉnh Gia Định) có dịp hội ngộ, hàn huyên và trao đổi tâm tình sau bao năm xa cách. Nông Lâm Súc Cần Thơ sống mãi trong tôi!
 
California, Mùa Lễ Tạ Ơn 2010
Thầy Nguyễn Trường Hy NLS Cần Thơ 1967-1972

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860251 visitors (2230718 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free