TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tình học sinh
 
Lên mạng ngày 18/12/2010

Tình Học Sinh
    Những ngày tươi đẹp quá! Chúng ta được cắp sách đến trường, nghĩ ra rất may mắn (Trong khi đó có những trẻ em khác vì cảnh nhà thiếu trước hụt sau, cho nên phải bỏ học dở dang nửa chừng để đi làm mướn làm thuê giúp đở cha mẹ). Nhớ lại ngày đầu tiên theo chân Mẹ đến trường làng mà thoáng đã qua hết các lớp tiểu học, nên sau đó lại phải ra trường tỉnh để bước tiếp vào bậc trung học.Vừa xong hai năm đầu, vì yêu canh nông nên Thịnh đã thi vào trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, năm 1964, lúc tuổi còn thơ ngây mộc mạc. Ở tuổi nầy, con gái người ta thường hay mộng mơ, đuổi bướm hái hoa, riêng Thịnh thì lại rất hiền hòa, chỉ biết học và học mà thôi. Tuy nhiên cũng không thể tránh được mối tình học trò dịu dàng mơ hồ như gió thoảng.
   Năm học ấy, trường tuyển chọn 100 học sinh vừa nam lẫn nữ. Chẳng biết sao họ không sắp thành 1 lớp Anh Văn và 1 lớp Pháp Văn riêng ra cho tiện. Đến giờ học sinh ngữ Anh, thì một số học sinh của lớp A chạy sang lớp B (của Thịnh). Cô Kim Hiển, giáo sư của trường Đoàn Thị Điểm, được mời đến dạy môn sinh ngữ nầy. Có lẽ cô thấy hai đứa học sinh M. và Thịnh có điểm gì tương đồng nên cô thường gọi cho lên đàm thoại trước lớp. Trời ui! Mắc cở muốn chết! Tuy nhiên lúc nào hai đứa cũng được điểm gần 20/20 không hà! Từ đó M. có cảm tình với Thịnh. Hai đứa thơ ngây, không dám đi chơi riêng. Giờ rảnh thường rủ thêm vài đứa nữa đi dạo vườn Thủy Lâm hay đi ngao du sơn thủy ở Vườn Ổi, có khi đi ăn chè đá đậu xanh hạt lựu. Đôi lần M. xin phép chú thiếm của Thịnh đến nhà trao đổi bài vở và bàn bạc chuyện học hành với Thịnh. Có lần M. bảo rằng:
   - Sau khi xong Đệ Tứ sẽ nhảy lên Đệ Nhị.
   Thịnh ngạc nhiên hỏi:
   - Sao M. nhảy được?
   - Thì phải cố học để rồi còn thi vào Đại Học Nông Nghiệp.
   - Thịnh thì không học nhảy, cứ tà tà thì cũng tới nơi mà!
    Với tình bạn trong trắng, M. và Thịnh cũng ít khi bàn đến chuyện tương lai. Lụi hụi niên học đi qua, M. xin Thịnh địa chỉ và hứa lúc nghỉ hè về quê ở Cao Lãnh sẽ viết thư gởi, nhưng Thịnh lại thích đi ‘ta bà ha’ chứ đâu có về nhà. Do đó khi về nhà nhận được vài lá thư cùng một lúc của M. thì ngày tựu trường cũng đã đến nơi rồi! Thiệt tình…!
   - Hê! Thịnh khỏe không? Có nhận thư mình không? M. chẳng nhận được thư nào của Thịnh cả, thật buồn ghê!
   - À! M. ơi! T. nhận được 3-4 cái lận, mà gần đến nhập học rồi, nên T. đâu trả lời M. kịp, xin lỗi. Suốt hè mình đi tu ở mãi tận Sài Gòn.
   Không ngờ hết năm đệ Tứ, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình, Thịnh nhất định chọn ngành Huấn Sự khiến cho thầy cô ngạc nhiên lắm, nhứt là cô Trần Cao Huân:
   - Sức chị học ngon trớn quá, nên tiếp tục… uổng vậy?
   - Dạ thưa…
   Vào hè là lúc khóa Huấn sự khai giảng. Lớp học là một phòng nằm trên lầu của Ngôi Nhà Ma (nơi mà quý thầy đang cư ngụ ở phía sau). Tầng dưới là nhà kho vật liệu thực hành nông trại và nhà ở của chú Mười Thơm (tài xế). Giờ chơi, Thịnh đang đứng trước hành lang hóng mát, bổng từ xa M. đi đến, vừa nhìn lên vừa nói:
   - Chụp nè…
   Thịnh vừa chụp xong món quà, M. luôn miệng:
   - Ở lại học vui nha Thịnh. Hôm nay mình về Cao Lãnh nghỉ hè.
   - Dạ! Về nghỉ hè vui nha M.!
   M. đi rồi, mình liền mở quà ra xem, đó là quyển “Dưới Giàn Hoa Thiên Lý” của Duyên Anh kèm một lá thư :
   Thịnh mến,
   Mình không ngờ Thịnh quyết định nhanh quá. Thôi thì định mệnh an bày. Hôm nay mình về Cao Lãnh. Khi rãnh Thịnh viết thư kể chuyện học hành cho mình biết với!
   Chúc Thịnh luôn mạnh khỏe, vui vẻ và học thật giỏi nhen!
   Thân mến,
   N.T.M.
   Rồi từ đó, đường ai nấy đi, tụi nầy không hề tin tức cho nhau. Hè năm sau, tốt nghiệp khóa Huấn Sự Thịnh được bổ nhiệm làm việc tại trường Đại Học Cần Thơ. Thịnh cũng là cô thợ cấy chăm sóc lúa Thần Nông 8 giúp Thầy Trần Đăng Hồng. Vụ mùa lúa thu hoạch xong, Thịnh được đi phép thường niên 10 ngày. Trên đường về từ Vũng tàu, Thịnh ghé vào Làng Cô Nhi Long Thành với ý định thăm các em cô nhi trong vài hôm rồi trở về Cần Thơ làm việc.
   - Cô ơi, cô ở đây với con...
   Mặc dù tay đã xách vali bước đi từ giã, nhưng bị các bé níu lại khóc lóc làm Thịnh không cầm được nước mắt nên đành ở lại với các em không cha không mẹ này. Sau hai tuần lễ tập sự, Thịnh phụ đoàn với Cô Sang, chăm sóc 40 em tuổi khoảng 4-5 tuổi. Sau một thời gian, làng cô nhi càng mở rộng, nhu cầu càng nhiều, nên thịnh được biệt phái giữ chức vụ ngoại giao cho Làng Cô Nhi Long Thành. Ngày nào cũng đi từ sáng đến tối mới về. Vào nha cấp thủy xin đào giếng, đi Bình Dương mượn máy cày, đến trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu xin giường sắt, nhờ bộ Thông Tin kiểm duyệt sách báo do Làng Cô Nhi in ấn… đồng thời mình cũng dành thời gian học Anh văn và phổ thông thêm. Buổi tối thì mình phụ trách dạy Anh Văn và Việt Văn cho các em lớp đệ Thất. 
   Một hôm chú Tư (giám đốc) gọi lên văn phòng:
   - Chú nói với cô Thịnh cái nầy nè! Trưa nay có anh chàng M. từ Cần Thơ lên tìm cô đó. Chàng ta là sinh viên Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ… khi rõ ra cô đang bận công việc ra ngoài. M. dùng cơm trưa xong rồi về Cần Thơ ngay.
 - Vậy hả chú? M. và con xưa là bạn học đồng lớp.
   Thịnh ngạc nhiên vô cùng. M. còn nhớ mình nên dò la tin tức tìm đến thăm… hay thật! Rồi ngày qua ngày, lo làm việc từ thiện nên chóng quên vì bận rộn hằng ngày với trẻ em cô nhi cần tình thương yêu đùm bọc. Ba năm sau Làng Cô Nhi Long Thành bị giải tán, không muốn việc phục vụ tha nhân chấm dứt nơi đây, nên Thịnh liền ghi danh học ngành châm cứu cấp tốc một năm. Tốt nghiệp xong, Thịnh bắt đầu hành nghề châm cứu giúp đồng bào quê nhà ở Mỹ Tho. Lúc nầy M. cũng vừa tốt nghiệp Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ về làm cho Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp Mỹ Tho. Do đó, mỗi chiều M. thường chạy xe Honda 67 đến đưa Thịnh đi châm cứu, sau đó hai đứa thường đi ăn kem hoặc uống nước đá chanh. Cả hai cùng nhau tha hồ tâm sự nào là chuyện trên trời dưới nước. Thịnh hay kể chuyện về Làng Cô Nhi và châm cứu. Còn M. thì say sưa với việc đang làm… không ai thố lộ mô tê rứa gì cả. Có lần M. hỏi:
   - Thịnh định suốt đời phục vụ tha nhân?
   - Lúc nào Thịnh cũng thích làm công việc từ thiện mà!
   Rồi một hôm Thịnh điện thoại về Trường Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ thưa chuyện với Thầy Kim, Thầy vội khuyên:
   - Cô nên về trường làm việc lại như xưa vì hiện tại trường rất cần sự góp sức của cô. 
   Ít lâu sau, Thịnh quyết định trở về làm việc lại cho trường Đại Học Nông Nghiệp Cần thơ, đồng thời áp dụng kiến thức châm cứu giúp đời sau giờ làm việc ở trường. Và cũng từ đó M. và Thịnh không còn liên lạc nữa. Sau nầy, Thịnh hay tin M. cưới T., cô bạn học của Thịnh năm xưa. Rồi 24 năm sau, trước khi xuất cảnh, Thịnh đến giã từ, M. và T. vui mừng thếch đãi Thịnh một bửa cơm chay. Quanh mâm cơm cùng nhau chuyện trò thân mật. Từ quán nước bên kia đường vọng lên lời ca văng vẵng: … Nhớ khi xưa còn thơ, Tuy thương thầm nhìn nhau cứ lặng câm, Chuyện tình yêu ban đầu, Mấy ai may mắn chung nhịp cầu…
   Mọi sự hợp ta tan hợp trên cõi đời này không bao giờ thoát khỏi một chữ DUYÊN.
 
California vào một ngày đẹp trời 23-07-2010
Trần Thị Thịnh NLSCT 64-67(HS)

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860288 visitors (2230766 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free