TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  VIỆN-TRỢ VÀ CHÍNH-TRỊ
 
Lên mạng ngày 03/3/2010


VIỆN-TRỢ VÀ CHÍNH-TRỊ
NGUYỄN THẾ THIỆU
 
Lời tòa soạn: Ông Nguyễn Thế Thiệu tốt nghiệp Canh Nông tại Đại học Sài Gòn và Hoa Kỳ. Ông nguyên là Giám Đốc Nha Khuyến Nông trước 1975, và có nhiều năm làm Cố Vấn Nông Nghiệp của cơ quan USAID (Hoa Kỳ) tại nhiều nước ở Phi Châu sau 1975.

Viện-trợ thường đi đôi với chính-trị. Ít khi có một cường-quốc viện-trợ cho một nước nào đó với tính cách hòan toàn vô tâm, vô điều-kiện.
 
Nước càng nghèo đói thì thế chính-trị áp-đặt từ cường-quốc càng mạnh. Việt-Nam Cộng-Hòa với một quân-đội hùng-mạnh như thế mà rồi một ngày nào đó tự dưng bỏ cuộc, tháo chạy vì thế chính-trị từ Mỹ đã thay-đổi!
 
Viện-trợ có thể dưới hình-thức những dự-án phát-triển, trang-bị dụng-cụ, hoặc hình-thức cho vay. Không có khi nào chỉ nhận tiền mặt rồi muốn làm gì thì làm, điều-kiện thường gài trong cái gọi là “đóng góp” hay “góp phần” từ nước nhận viện-trợ.
 
 Hồi học quân-sự 9 tuần tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Quang-Trung, tôi có học về 2 khẩu súng hòan tòan khác nhau về độ chính-xác, tiện-lợi và hiệu-nghiệm.Thoạt đầu, đó là khẩu súng trường garant M1 dài ngoẳng, nặng, và khó kìm mỗi lần bắn. Băng đạn nạp xong chỉ có thể bắn ra từng viên đạn một mà không thể bằng liên-thanh (từng tràng liên-tiếp). Khẩu súng thứ hai là M16 thì lại qúa ư là nhẹ-nhàng, ngắn chỉ bằng 2/3 khẩu súng thứ nhất, nâng súng lên quá dễ-dàng chẳng cần nhìều sức-lực. Súng này có thể bắn từng viên đạn một hoặc theo liên-thanh (từng tràng đạn cho đến khi hết băng đạn). Quả thật là hai khí-giới khác nhau một trời một vực. Là một công-chức với thân hình ốm yếu, thư-sinh, lúc đó tôi chẳng có khả-năng hoặc ý-niệm gì về quân-sự, nhưng trong óc đã đặt ra câu hỏi là tại sao có hai loại súng khác nhau như thế tại chiến-trường và quân-trường. Tìm hiểu, tôi mới rõ garant M1 là loại súng thô-sơ, sản-xuất và thông-dụng trong thế chiến thứ 2. Khi chiến-tranh chấm dứt, súng trên dư-thừa tại các kho vựa bên Mỹ được chuyển sang viên-trợ cho miền Nam VN đương đầu với Bắc Việt. Ở một giai-đoạn nào đó, súng AK 47 chế-tạo từ Tiệp-Khắc và được Nga-Sô trang-bị cho lính Bắc Việt. Sức tàn phá của súng trên qúa mạnh, chính-xác, gây tổn-thất nhiều cho quân-đội miền Nam. Để đối đầu lại, Mỹ đã đem M16 sang Việt-Nam thay thế cho khẩu súng đã lỗi thời là Garant M1. Viện-trợ kiểu đó đã có hậu-ý giải-tỏa ối-đọng tại nước mình và đem sang giúp cho nước đồng-minh! Cũng hàm-ý là chiến-tranh chưa thực cần chấm dứt mau lẹ mà như một “dử mồi” thăm dò, và thí-nghiệm về khả-năng chiến-trường thế thôi!
 
Hồi xa xưa, thuốc sát-trùng DDT được dùng rất nhiều tại Việt-Nam, dùng trong chiến-dịch diệt trừ sốt rét đã đành nhưng còn dùng trên cây cỏ bảo-vệ mùa-màng nữa. Khi sang đến Mỹ, tôi hiểu rằng DDT là loại thuốc cấm bán trên thị-trường hoặc chỉ là cho phép dùng trong một hạn hẹp thí-nghiệm nào đó thôi. Thuốc được coi là rất độc có thể gây ung-thư cho người xử-dụng không đúng cách. Khi sang làm tại Phi-Châu, tôi thấy DDT bán nhan-nhản tại thị-trường và rất thông-dụng tại các làng mạc. Trình-độ nông dân thì quá thấp, thậm chí họ dùng tay trần để rắc bột DDT trên các thửa ruộng. Thuốc thừa không dùng ở nước này thì chuyển sang cho nông dân nước khác dùng có gì quan-trọng đâu, vừa lợi cho các công-ty nước mình vừa được tiếng là viện-trợ cho nước khác!
 
Một lần đọc báo địa-phương tôi thấy quảng-cáo đầy rẫy về vật-liệu cách-nhiệt chế từ asbestos. Thì ra đang có phong-trào rầm-rộ khuyến-khích dân xứ này dùng loại vật-dụng cách-nhiệt này trong việc xây-cất nhà cửa. Lòng tôi xốn-xang vì biết rõ là asbestos gây ung-thư và triệt-để cấm dùng tại Mỹ. Ngay cả những trường học, địa-ốc dùng asbestos từ mấy chục năm về trước, lúc mà khoa-học chưa khám-phá ra sự độc hại của chất này, đã được lịnh phải tháo gỡ bỏ đi. Cho đến nay vẫn còn biết bao vụ kiện liên-hệ asbestos vẫn chưa kết-thúc.
 
Trong một đại-hội với sự hiện-diện của hàng mấy trăm viên-chức địa-phương và Tổng-Thống Jimmy Carter (vị Tổng-Thống này có rất nhiều thiện-tâm giúp Phi-Châu và đã rất nhiều lần ghé thăm các dự-án phát-triển nông-nghiệp), tôi có phát-biểu nói về cảm-nghĩ và sự dầy-vò nội-tâm của mình khi chứng-kiến những sự việc về DDT và asbestos. Lời nói thoảng qua tai mọi người, được ghi nhận một cách tổng-quát, mau lẹ. Dường như chẳng ai bận tâm, khúc mắc hay ý-thức gì về tầm quan-trọng của vấn-đề! Có lẽ làn sóng phát ra từ mình đã không cùng một tần-số, nhịp điệu với người khác, tôi tự nghĩ thế! Từ kinh-nghiệm đó, tôi đâm ra dè-dặt, thận-trọng trong những gì mình thấy, nghe, và phát-biểu trong các buổi họp đông người.
 
Mỹ là một cường-quốc với tột-đỉnh của văn-minh. Những tiến-bộ về khoa-học, y-học, kỹ-thuật bao giờ cũng đi trước các nước khác trên thế-giới. Phương-tiện truyền-thông lại qúa ư lẹ-làng, chính-xác khiến kiến-thức của một người dân bình thường được xem là cao rộng hơn so với người dân của các nước khác. Thật đáng thương cho những nước chậm tiến cũng như người dân chất-phác hiền lành luôn có những hiểu biết lỗi-thời!
 
Làm tại Phi-Châu, tôi có nhận xét là những dự-án phát-triển nông-nghiệp qủa thực có góp phần xây-dựng cho Phi-Châu. Nhưng, không thực như mình nghĩ và muốn. Cái gì cũng có kẽ hở của nó. Dường như các dự-án chỉ có tính cách nhỏ giọt giới-hạn ở một vài vùng thôn-quê hẻo-lánh, không lan rộng bao gồm trên toàn lãnh-thổ. Mỗi nước nghèo được nhận khoảng một vài triệu dollars hàng năm, và với dụng-cụ thô-sơ như cuốc, sẻng, dựa, cào, và tay chân, có thể cả trăm năm nữa, nông-nghiệp của những nước này mới phát-triển, sản-xuất dư-thừa được! Nguồn nước thì lại qúa ít khiến tại một số xứ, phụ-nữ phải đi bộ hàng 1-2 miles để mang nước về bằng những thau, chậu đội trên đầu, công việc quá ư là vất-vả, tốn thì giờ, hao-tổn sức-khoẻ! Mưa thì lại qúa ít, do đó tại một số vùng nông-dân đã được hướng-dẫn dùng những tảng đá sắp contours theo độ dốc và độ phẳng của đất để ngăn nước mưa giữ thêm độ ẩm cho đất. Một số dự-án, từ Mỹ có, từ Âu-Châu có, đã giúp đào giếng forage hoặc xây cất những hầm lộ-thiên chứa nước mưa đươc xem là thực-tế giúp ngừơi dân. Nhưng, lại chỉ trong hạn-hẹp một vùng nào đó thôi, các dự-án luôn mang tính cách thăm dò, thí-nghiệm và trình-diễn!
 
Ngân-hàng Thế-Giới cho vay với lãi-xuất rất thấp cho những dự-án phát-triển nông-nghiệp. Vay thì trước sau cũng phải trả, nhưng hầu hết các giới-chức của nước nhận viện-trợ không nghĩ đến điều đó mà chỉ thấy trước mắt mình là có tiền và phương-tiện để làm việc. Từ đó sinh ra phí-phạm, lạm-dụng, bừa-bãi! Nơi nào có dự-án viện-trợ là nơi đó dư-thừa xe cộ, nhiên-liệu di-chuyển. Tại Koudougou thuộc Burkina Fasso (còn gọi là Haute Volta), nơi tôi làm việc cho một dự-án thuộc Ngân-Hàng Thế-Giới vào năm 1988, xe cộ, nhà cửa được trang-bị rất là đầy đủ cho nhân-viên Vùng. Đó là dự-án khuyến-nông “Training and Visit”, trong đó cán-bộ được huấn-luyện rất kỹ-càng, và chương-trình huấn-luyện, thăm-viếng nông-dân cũng được hoạch-định rất tỉ-mỉ rõ-rệt cho từng ngày, từng tuần. Các điểm trình-diễn khuyến nông, các buổi du-hành quan-sát được lồng trong các húân-luyện này. Đặc-biệt là các đề tài huấn-luyện không có tính cách tổng-quát mà chỉ nhấn mạnh về từng kỹ-thuật một, diễn-tiến đúng theo sự tăng-trưởng của loại cây trồng, do đó giúp nông-dân thấm-nhuần kỹ-thuật từ giai-đoạn khởi đầu đến giai-đoạn cuối của vụ mùa (chuẩn-bị đất, bón phân, gieo hạt, tỉa cây, làm cỏ, vun đất, bón phân hoá-học, tưới nước, diệt côn-trùng, thu gặt…). Trên lịch-trình thăm viếng nông-dân, cán-bộ kê-khai rất rõ ràng về tên ấp, xã, ngày, tháng thăm-viếng cũng như đề tài thảo-luận.
 
Với cương-vị của một “Chief of Project”, nhìn thấy rõ lợi-ích của dự-án, tôi hăng say thường-xuyên đi thăm viếng, theo dõi việc làm của các giới-chức. Khi nhìn vào các chi-tiêu, tôi sửng-sốt thấy dự-án phí-tổn quá. Dần dà thì có sự lãng-phí, bừa-bãi. Cán-bộ nào cũng được cấp một xe gắn máy Honda để di-chuyển, trưởng ngành, trưởng ban nào cũng có xe hơi để công-tác kiểm-soát. Nhưng, làm sao tránh được những di-chuyển không phải là cho công-vụ! Việc bảo-trì trụ-sở, nhà cửa xây cho dự-án cũng sao-lãng! Có mấy ai để ý, chăm sóc đến những gì gọi là tài-sản công-cộng đó! Các tổ-hợp, hợp-tác-xã kiểu Cộng-Sản có bao giờ cạnh-tranh được với những công-ty, tổ-hợp do tư-nhân điều-hành? Xe cộ, xăng nhớt, và ngay cả nhà đó có phải do chính riêng mình mua hoặc xây-dựng từ tiền bạc, công-lao, mồ-hôi của chính mình? Hết dự-án rồi, hay đang nửa chừng dự-án, một cán-bộ được thuyên-chuyển đi nơi khác thì nhà và xe được cấp đâu còn thuộc về họ nữa! Thăm viếng nhà của cán-bộ (Mỗi cán-bộ được cấp một nhà mặc dù là thô-sơ nhưng với tường gạch và mái tole, cửa ngõ, buồng ngăn đàng-hoàng trông rất tươm-tất, ngăn-nắp), tôi bắt đầu nhìn thấy triệu chứng suy-xụp. Tại một số nhà, mối đã bắt đầu xuất-hiện, ăn phá trên những kèo cột dưới mái tole. Xe Honda bắt đầu chảy nhớt, đề không nổ, và mỗi lần xe cộ trục-trặc là ngày đó cán-bộ không thể đến làng!
 
Tôi bắt đầu nhìn vào sổ-sách kế-tóan của Vùng. Đầy đủ, tươm-tất cả, nhìn thoáng qua ai cũng nghĩ là mọi chi-tiêu có giấy tờ minh-bạch đàng-hoàng. Nhưng, mọi sự làm sao che dấu được dưới những mắt tinh-vi, sâu-sắc của chuyên-viên Việt-Nam! Từ từ lần mò, tôi đã khám phá ra được là tên phụ-trách kế-toán đã gian-lận trên dưới 8, 000 lít xăng (mỗi lít xăng thời 1986 trị-giá khoảng 2-3 dollars tại các nước thuộc Phi-Châu). Ở một nước chậm tiến và nghèo như Burkina Fasso, mấy chục ngàn dollars qủa là số tiền lớn. Hàng tháng, Vùng đều đặt mua xăng, nhưng cứ cách một vài tháng tên kế-toán lại không cập-nhật số xăng đã đặt mua, có thể là hắn ta đã cộng-tác, ăn chia với đại-lý cung-cấp xăng. Tôi làm tờ trình cho Vùng và sau một số buổi họp, tên kế-toán thú nhận tội-lỗi. Cũng may, Giám-Đốc Vùng không toa-rập, cấu-kết gì với tên kế-toán trong viêc thâm-thủng này nên việc khám phá của tôi được nhìn nhận và sự việc đưa lên Bộ Canh-Nông. Hai tuần trước khi tôi hết contract và trở về Mỹ, tên kế-toán bị bắt giữ tại Ty Cảnh-Sát địa-phương. Một hôm, vợ của hắn tìm đến nhà năn-nỉ xin tôi bỏ qua mọi sự. “Mọi sự quá trễ”, tôi nói với bà ta như thế. Thật sự, dù có động tâm muốn giúp-đỡ, tôi cũng không thể làm gì hơn.
Về đến Mỹ, lòng tôi thanh-thản, thoải-mái. Ít ra mình cũng làm được một việc gì ích-lợi cho một nước mà mình đã được chỉ-định đến giúp-đỡ trong chương-trình viện-trợ.
 
Tôi không thích chính-trị. Là một chuyên-viên nông-nghiệp, y như các bạn đồng khóa, đồng trường, tôi chỉ thích và ao-ước được góp phần trong những dự-án phát-triển tại những xứ chậm tiến. Ước gì mọi viện-trợ, trợ giúp hoàn toàn là từ nhiệt-tâm, không tính-tóan, không bao-hàm một mưu-đồ hay ẩn-ý gì. Được như thế, mọi sự được tốt đẹp, cao-thượng biết mấy!
 
 
NGUYỄN THẾ THIỆU
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 855011 visitors (2217594 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free