TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Ngôi trường cũ năm xưa
 
Lên mạng ngày 12/3/2012

Truyện ngắn
NGÔI TRƯỜNG CỦ NĂM XƯA



 
Đã lâu lắm rồi, từ khi tôi rời khỏi ngôi trường Nông-Lâm-Súc nằm ven lộ 20,  nên thơ và cổ kính để về với đô thành hoa lệ, để đến ngôi trường mới nằm ven sông Hậu. Tôi không còn cái thú hòa mình với thiên nhiên, chan hòa tiếng cười trong buổi ban mai đầy nắng ấm hay sửng người khi nhìn hoàng hôn lịm chết ở trời Tây. . . . . . . . Thời gian qua mau. . . . . . .
Rồi đám cưới một cô học trò củ , và em nài nỉ tôi phải đưa dâu. Cô dâu là một cô giáo, lấy chồng là một cậu giáo. Quê chồng em cũng ở cù lao. . . . . Tôi đành phải thu xếp công việc để đưa em cho trọn cái tình thầy xưa trò củ.
Đoàn đưa, rước dâu về đến nhà trai lúc trời vừa đứng bóng. Đám cưới nhà quê thì vui hơn và bận rộn nhiều. Người ta phải mất ba ngày "dựng rạp" và trang trí trong nhà ngoài cửa. Cả xóm , cả làng đến phụ, nội cái ăn, cái uống cho người tới phụ đã "chóng mặt" cho gia chủ rồi. Nhưng Nam Bộ là vậy đó, nhà có đám mà không ai tới phụ thì phải coi lại chủ nhà có "ăn ở ra làm sao" không.
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi chân không trên nền đất mát lạnh. Sau khi làm xong nghĩa vụ nghi thức với gia chủ, ăn qua loa, cho mọi người chụp vài tấm ảnh lưu niệm,  tôi rút êm ra sau vườn và lặng lẽ xuống chiếc xuồng ba lá. Tôi mừng vì mình còn nhớ bơi xuồng được sau mười mấy năm về với đô thành. Mặt sông như rộng ra, mênh mang nắng vàng trên sông Hậu.
Gió Nam nhè nhẹ, những dề lục bình cũng dập dềnh theo con nước trôi xuôi. Bờ sông đầy những cây Tra Bồ Đề trổ hoa vàng rực. Màu hoa không thiếu vẽ kiêu sa như những đóa vàng cúc chốn thị thành. Tôi đặc biệt yêu thích hoa đồng nội ấy. Tôi bơi nhè nhẹ và xuồng cũng nhẹ trôi. . . . . . Lòng tôi nao  nao nhớ những kỷ niệm thời đi dạy học. Tôi nhớ những buổi trưa hè lặn ngụp cùng mấy đứa học trò để tập lội sông, hay theo những người đẩy "xệp" trên bải sông, để thích thú ngắm nhìn lối đánh bắt kỳ lạ ấy. Rồi những chiều tà êm ả khi người nông dân đã thu hoạch xong vụ lúa Đông-Xuân, và đám học trò cùng tôi lao vào công việc mới "bắt cua, bắt còng".
 
Trường học nằm ở giữa, trước , sau là những cánh đồng. Đám học trò như đội quân tinh nhuệ. Mỗi đứa một cái giỏ tre đeo lủng lẵng bên hong. Chúng chạy, chúng bò, có khi giẩm đạp lên nhau, rồi cười vang thật hồn nhiên đáng mến. Cuối buổi , giỏ em nào cũng đầy ấp cua, còng. Một phụ huynh cho tôi biết, nước mắm còng, cua có vị ngon đặc biệt,  ngon hơn cả nước mắm làm từ cá biển. Dân ở vùng nầy chưa bao giờ mua nước mắm chợ để ăn. Mỗi nhà, đều tự làm, tự chế ra nước mắm theo phương pháp truyền thống. Mấy năm bám đất , bám trường, tôi đã học được nhiều việc như chầm lá, vít rơm, bơi xuồng nhưng không giỏi bằng ai. . . . . . .
Màu nắng trên sông , trưa nay cũng hòa theo nổi nao nức của lòng tôi, tôi thấy nó đẹp hơn và cũng"mới hơn". Tôi vừa bơi, vừa ngắm những bông Bần tim tím, những trái Bần có dáng ngôi sao và lại nghe thèm nồi canh chua từ những trái bần chín mọng nấu với cá Tra. Bần sông nước Hậu giang, thật tuyệt vời không nơi nào có được.
 

Cái thời đi dạy, tôi đang là một giáo viên trẻ mang trong lòng bao nhiêu mơ ước.  Đám học trò nhỏ bây giờ cũng có em theo nghề dạy học. Trường lớp ở nông thôn bây giờ cũng khang trang lắm rồi.  Các em đi dạy cũng không vất vả như chúng tôi thời đó. . . Nhưng có một điều tôi đoan chắc, các em sẽ không có được nổi "cực khổ đậm nét thi văn" của thời tôi đi dạy. Tình cãm thầy trò, tình nghĩa phụ huynh, những ngỡ ngàng thi vị khi tiếp xúc cuộc sống ở nông thôn , đã cho tôi những nổi cảm thông và tự hào to tát về những cô bác nông dân của mình. Từ những tiếp xúc đó, tôi hiểu thấu giá trị cần lao, biết được hạt gạo trắng ngần, phải qua bao nhiêu lần cơ cực mới có được.
Nhìn mặt sông loáng đỏ phù sa, trong dòng ký ức ùa về, tôi lại chạnh nhớ thời xa xưa khi tôi còn đi học. Trường tôi học có người Thầy hết lòng với học viên. Coi học Viên như người thân, tận tụy với nghề, đem hết tâm huyết truyền lại thế hệ sau, tuy Thầy rất khó, đạo mạo, chuẩn mực là muốn cho chúng tôi thành trò giỏi, trò ngoan.  Không những thế, Thầy còn tạo cho chúng tôi tiếp cận thực tế ngành học Nông Nghiệp hay Mục Súc qua chương-trình thanh niên chí nguyện (I. V. S) rất thực tiển,  tạo cho chúng tôi biết giá trị kim tiền. . . . . .
Mặc dầu, nay Thầy ở rất xa, nhưng lúc nào Thầy cũng hướng về chúng tôi những mái đầu đã bạc màu theo năm tháng. Kết nối nhau qua trang web , Thầy trò mừng mừng, tủi tủi nhớ nhau trong kỷ niệm xa rồi. . . . . . . . . . . . . .
Đâu đây, bổng vọng lại tiếng Bìm bịp báo nước lớn, nước ròng, nghe như tiếng thời gian vọng về từ cỏi xa xôi nào đó. Bất chợt tôi nhớ ca -dao:
"Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Cầm đũa cho rồi, để bạn hồi hương"
và cũng sâu thẫm trong lòng khách tha phương:
"Gió đưa, gió đẩy về rẩy ăn còng,
            Về sông, ăn cá, về đồng ăn cua"
Và chút nữa đây, tôi về lại chốn thị thành,  ồn ào. Tôi sẽ đem theo chút gió đồng quê và những trái Bần chín mộng, như một món quà quá khứ nơi ngôi trường củ năm xưa. . . . . . /.
x-x-x-x-x- Hết -x-x-x-x-
 
Vo-thanh-nghi k1 CN (1963)

 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780408 visitors (2069767 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free