TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Cô giáo tôi
 
Lên mạng ngày 28/3/2010




 
Trong tất cả các thầy cô   của em, em yêu quý nhất là cô…”. Đó là câu mở đầu của bài luận văn viết tả về cô giáo khi tôi còn là một cô bé học lớp năm.
   Hơn bốn mươi năm sau, tôi mới có dịp dùng lại câu văn ấy để nhớ về cô giáo yêu quí nhất của mình. Người tôi muốn nói chính là cô Hà Thị Bích Liên.
   Ngày cô ra Tuy Hòa để mở một trường Nông Lâm Súc cho thành phố này, cô ngồi gần cạnh mẹ tôi trên cùng một chuyến bay. Sau một hồi hỏi thăm chuyện qua lại, được biết đây là lần đầu tiên cô đến thành phố này, lại không có người quen biết. Thấy vậy, mẹ tôi mời cô về chung sống với chúng tôi, sẵn bố tôi đang dự một khóa học ở Mỹ đến một năm nên nhà cũng vắng vẻ.
   Và cái duyên cho tôi được khoác lên mình chiếc áo nâu, nhưng không sồng, năng động cũng bắt đầu từ đó. Cô vừa là hiệu trưởng, vừa hướng dẫn môn thực hành nông trại. Học sinh chúng tôi chưa hề biết trường Nông Lâm Súc là gì, thấy lạ nên thi thử, đậu thì học thôi. Trường bắt đầu chỉ với ba lớp học nho nhỏ.
   Đa số chúng tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa biết gì về trồng trọt, nay bắt đầu làm quen với cuốc xới, phân bón và thuốc trừ sâu. Những giờ thực hành với cô bao giờ cũng rộn rã tiếng cười.
   Có lần bọn con gái tròn mắt le lưỡi khi cô cầm con trùn và giảng giải về lợi ích của nó đối với đất. Nhớ lần đầu tiên thực hành, đứa thì cắm lưỡi cuốc xuống nhưng kéo hoài mà đất chẳng lên, đứa thì cả người cả cuốc lăn cù mèo. Cô và trò đều lấm lem bùn đất. Vậy mà dưới sự hướng dẫn của cô, những cái liếp cũng thành hình, tuy không được vuông vức cho lắm, cái thì đầu to đầu nhỏ, cái thì ở giữa phình trong khi hai đầu nhỏ xíu.
 
   Rồi những cây bắp lớn nhỏ không đồng đều cũng thi nhau mọc, thấy vậy cô cười nói “Trong lớp các em có cao bằng nhau đâu mà đòi bắp trong cùng một liếp phải lớn đều?”. Và cô còn giải thích thêm “ Làm nông phải biết câu này: ‘Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’ ”.
   Mà các bạn biết rồi đấy, học trò thì có siêng năng gì cho cam trong việc tưới tiêu và chăm sóc. Nên mấy trái bắp thu hoạch được trong lần đầu cũng chỉ lơ thơ vài hạt như tuổi mười lăm của chúng tôi. Nhưng chiều hôm ấy khi tôi và các bạn về đến nhà thì đã có một nồi chè bắp thơm phức đợi sẵn ở bếp, vì cô đã nhờ mẹ tôi mua bắp ở chợ về nấu.
   Cô rất trẻ trung và vui tính, ca hát líu lo nên mẹ con tôi cũng thấy đỡ buồn khi bố vắng nhà. Ngoài việc hướng dẫn chị em tôi học hành, cô thường cùng mẹ tôi trổ tài nấu nướng, thế là Chủ Nhật nào chị em tôi cũng được thưởng thức những món ăn ngon. Món mì gói đơn giản, nhưng cho thêm chút đường và chút nước mắm thì tuyệt vô cùng! Không tin các bạn cứ thử. Đó là bí quyết của cô.
   Học được hai năm lớp tám và lớp chín, đến lớp mười thì tôi lại theo cô về góp mặt trong đại gia đình Nông-Lâm-Súc Cần-Thơ. Dù xa nhà, nhưng tôi không cảm thấy cô đơn và tủi thân vì đã nhận được sự chở che, bao bọc của cô, thật hạnh phúc, ấm áp như đang ở cùng chính gia đình của mình.
   Tôi mất liên lạc với cô từ ngày đất nước đổi thay, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ về cô. Với tôi, cô vừa là một người thầy, vừa là một người chị và một người mẹ. Nay đã liên lạc được, dù chỉ qua thư từ và điện thoại, nhưng tôi đã tự hứa với lòng sẽ sắp xếp để về thăm lại gia đình cô trong một ngày gần nhất mà tôi có thể. Và việc đầu tiên sẽ làm khi gặp được cô là…tôi sẽ ôm thật chặt cô vào lòng mà thủ thỉ nói rằng:…
   - “Cô ơi! Em nhớ cô nhiều lắm!
 
Hồ Thị Thu Hương, CN 1972-1975, ngày 27.09.2009

Trở lại LBNX
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 792346 visitors (2093344 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free