TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nhứ trò nhì quỉ ba ma
 
Lên mạng ngày 19/12/2010

Nhứt Trò Nhì Quỉ Ba Ma
 Tạ ơn quý Thầy Cô và nhớ về thầy Trần Ngọc Xuân
 
   Khác với các trường phổ thông, NLS học ngày 2 buổi, 8 tiếng đồng hồ đầy ắp những môn học căn bản về phổ thông và chánh yếu chuyên khoa Nông Lâm Súc đó là nông, lâm, ngư nghiệp, công thôn, thủy lâm, tơ tầm, kinh tế thương mại, kế toán… Hấp dẫn nhất là giờ tường trình về thực hành nông trại với những điều vừa thâu thập trước cả lớp. Các bạn nữ còn có thêm môn học nữ công gia chánh nữa.
   Nhằm mục đích tạo cho học viên có tay nghề thực tiễn về nông nghiệp, canh tác hoa màu phụ, cày bừa, thiến heo, ủ phân… được xem là hàng đầu.
   Vì ngốn không trôi nhồi không hết nên “nhứt trò” nghĩ ra nhiều cách “học để thi” kể cả “bùa phép”… không trừ bất cứ kiểu nào miễn sao đừng bị phát hiện là thi hành ngay.
   Câu niệmCHỒN sư phạm không miệng cắn phèn” nghĩa là gì? Đố bạn? Là 4 nguyên tố cấu tạo thành thân cây từ vỏ tới cốt lỏi C, H, O, N. Câu thần chú nầy về môn “nông” dùng làm “bùa hộ mệnh” đeo vào mình lúc thi vấn đáp.
   Còn các chi tiết khác dài nhằn như công thức nước javel…, hoặc những tư liệu khó nhớ thì có “bùa” cộng đồng. Loại bùa nầy khoán xong thì “nhứt trò” nào cũng niệm ra.
   Như thế nầy: Cái bàn của thầy cô ngồi trong lớp được làm bằng gổ nhóm 3 thật quí hiếm, đánh màu vẹc ni sáng bóng làm tăng thêm vẻ uy nghi của thầy cô, bọn “nhứt trò” bèn nghĩ ra tương kế tựu kế là dùng bút chì đen mềm 2 con số 0 hiệu Nhật Bổn họa lên mặt bên hông của bàn đủ thứ công thức, số hiệu, tên khoa học… điều này thầy cô không hề hay biết. Chỉ có bọn “nhứt trò” khi thi vấn đáp đứng bên cạnh liếc mắt nhìn nghiêng qua ánh sáng mới “niệm chú” được tất cả mà thôi. Tuy nhiên vì “bùa” có nhiều nét nhỏ nên “nhứt trò” phải “thực địa” trước mới rành đường đi nước bước.
   Một hôm thầy Trần Ngọc Xuân khẩu vấn kỳ thi lục cá nguyệt môn mục súc. Vì quá nhiều chi tiết cần phải nhớ nên
đa số “nhứt trò” phải tự biết thân, nên đã “trinh sát”“niệm chú” một cách thành thạo. Sau khi lọt lưới được 5 mạng rồi đến phiên huấn sự Quảng Văn Thịnh, trò này là vua cờ tướng có thể thức ròng rã suốt mấy đêm liền ăn toàn là “cơm tay cầm” để điều binh khiển tướng chiến đấu với các bộ lạc khác nên có thời giờ đâu mà đi thực địa “bùa chú” để xem nét tỏ mờ ra sao? Mắt của nó thì hip híp, không mù là may, có lẽ là bị cận hay loạn thị gì đó từ lâu rồi.
   Thầy Xuân bắt đầu ra câu hỏi:
   - Anh cho tôi biết tên các giống heo vừa mới nhập có giá trị kinh tế rất cao, mô tả sơ về dáng dấp và nêu lên đầy đủ những đặc tính của chúng.
   “Nhứt Thịnh” ngập ngừng tỏ vẻ bối rối, vội kê mắt vào “hủ bùa” một hồi lâu mà cũng không “niệm” ra được điều gì hết. Bất nhờ hắn quát tháo lên:
   - Chúc! Mầy viết cái gì kỳ vậy!
   Cả lớp xanh máu mặt, nhưng không nín được tiếng cười ồ lên làm thầy Xuân hơi ngạc nhiên!
   Thầy bèn rời ghế ngồi, chân chậm rãi bước lộp cộp, vội hạ cặp kính cận nhìn sát vào “hủ bùa”. Cả lớp im re nín thở nghe rõ tiếng gió nhẹ lay động lá cây xào xạc từ phía ngoài cửa sổ.
  Nhưng rồi thầy quay mặt đi không nói lời nào, vài giây sau đó thầy bảo “Nhứt Thịnh” quay mặt qua hướng khác vội hỏi thêm câu kế tiếp.
   Làm hại cho các “nhứt trò” còn lại phải tuân theo “vành móng ngựa” của thầy Xuân.
   Ôi thôi! Còn đâu “bùa” với “chú” của bọn “nhứt trò”!
   Kỷ niệm thời đi học lúc nào cũng đẹp còn lưu mãi trong ký ức ngày xanh tuổi học trò. “Nhứt Thịnh” ngày nay là một đại gia ở Thành Phố Cao Lãnh. Mong bạn ghi nhớ ngày 01 tháng 01 hằng năm trở về trường xưa sum họp với thầy cô và bạn học thời Nông Lâm Súc Cần Thơ của chúng mình.         
                 
Ngô Văn Chúc, NLSCT 63-65, Bến Tre ngày 01-07-2010

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 780461 visitors (2070059 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free