TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Mùa nước lụt quê tôi
 

MÙA NƯỚC LỤT QUÊ TÔI
 
   Châu Đốc là tên tỉnh lỵ của quê tôi, ở về vị trí miền Tây Nam của miền nam Việt Nam, sát biên giới Campuchia, nằm trên lưu vực sông Hậu Giang là một trong hai chi nhánh của dòng Cửu Long, phát nguồn từ tỉnh Vân Nam của Trung Hoa và chảy qua các nước Miến Điện, Lào, Campuchia, khi đến Việt Nam thì sông Cửu Long chia làm hai nhánh: Tiền Giang và Hậu Giang, hai chi nhánh của dòng Cửu Long này chạy xuyên qua miền nam Việt Nam và đổ ra biển Thái Bình Dương bằng 9 cửa sông thuộc các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh, Sóc Trăng.
   Sông Cửu Long khi chảy đến địa phận Campuchia thì tạo thành một Biển Hồ hình tròn rộng lớn mênh mông, rất phong phú chứa nhiều cá tôm nhứt cá lóc, cá rô... chẳng những thế Biển Hồ có sức chứa lượng nước rất lớn từ các quốc gia trên nguồn đổ xuống nhứt là những tháng mùa thu như tháng 6, tháng 7, tháng 8 âm lịch đó là nguyên nhân vì sao hằng năm Châu Đốc quê tôi có mùa nước lụt hay còn gọi là nước nổi.
   Từ tháng 7 âm lịch mưa bắt đầu nhiều hơn từ những tháng 5, tháng 6 trước, mực nước sông Hậu Giang của dòng Cửu long lên cao nhứt là tháng , tháng 9. Nước tràn vào những cánh đồng của quê tôi là các quận An Phú, Tịnh Biên, dọc theo kinh Vĩnh Tế, Núi Sam nước dâng lên mênh mông bạt ngàn luôn cả các cánh đồng của các làng Mỹ Đức, Kinh Củ, Phú Vỉnh, Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hòa Hảo... Nhớ lại khi xưa năm Tân Sửu 1961  nước ngập lụt dâng tràn ngập cả thành phố Châu Đốc, tùy độ cao của các con đường mà có độ ngập khác nhau từ 2 tất đến cả thước, xuồng Tam Bản hay còn gọi là xuồng Ba Lá được chèo bằng tay là phương tiện di chuyển trong thành phố. Các học trò Tiểu Học được nghỉ, đến trường học lại vào cuối tháng 9. Học sinh trung học trường Thủ Khoa Nghĩa thì những lớp có cuộc thi cuối năm như các lớp Đệ Tứ, Đệ Nhị, Đệ Nhất (lớp 9, 11, 12) vẫn đi học bình thường nhưng các chị không cần phải mặc áo dài trắng chỉ mặc áo bà ba trắng quần đen và đi xuồng Tam Bản có người chèo mướn đưa đến tận cửa lớp.
   Còn về Lúa nông sản chánh của người nông dân quê tôi thì dùng Lúa Xạ để trồng trọt trong mùa nước ngập này nghĩa là người dân chuẩn
Đường Bạch Đằng Châu Đốc lụt năm 1961    bị cày bừa đất từ tháng 4 âm lịch khi trời bắt đầu có những cơn mưa, kế đến ngâm lúa với nước cho mọc mầm rồi xạ lên đất vừa cày xong.
   Trời mưa liên tiếp trên đất phù sa nên mầm lúa rất dễ dàng mọc rễ và lớn dần lên theo con nước của từng tháng, không cần phải chăm sóc nhiều như Lúa Cấy ở các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Cần Thơ.
   Lúa tự ra hoa kết hạt chín vàng vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch. Khi dòng nước lụt từ giã ra đi, nhường chổ lại cho lúa trổ đòng đòng ngậm sữa rồi chín vàng nặng trĩu hạt. Người nông dân quê tôi thường dùng ngày âm lịch vì mỗi ngày rằm tức 15 âm lịch của những tháng 7, 8 nước dâng lên nhiều hơn những ngày khác. Đến ngày 15 tháng 9 âm lịch thì mực nước không dâng lên nữa đứng dừng lại và ngày rằm tháng 10 âm lịch thì nước sông rút dần đến khô ráo để người nông dân thu hoach lúa đồng thời trên những cánh đồng còn có vô số các ao đầm chứa đầy các loại cá, tôm, tép, lươn, người dân tát bớt nước trong ao đầm ra để bắt các loại cá như cá lóc, cá rô, cá trê làm khô và nhất là cá lóc thì làm mắm được nổi tiếng lá Mắm Thái Châu Đốc. Các loại cá nhỏ hơn đem ủ vào lu với muối để nấu thành ‘nước mắm đồng’. Mặc dù Châu Đốc quê tôi chịu ảnh hưởng nước lụt hằng năm nhưng đời sống dân chúng dù thôn quê hay thành thị đều sung túc khá giả.
   Du rời xa Châu Đốc quê tôi từ thuở nhỏ nhưng trong tâm hồn tôi lúc nào cũng nhớ về nơi chốn có nhiều kỷ niệm trong đời.
 
Nguyễn Thị Thanh Thủy, Alberta Canada 25/6/2011
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860282 visitors (2230758 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free