TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Thầy Ngô Lộc
 
Lên mạng ngày 6/3/2010


 
Nhạc Sỹ Hoàng Hiệp có viết trong một bài hát: Nói rằng trong đời người, ai cũng có một “dòng sông ấu thơ”. Với tôi, bản nhạc nầy rất hay, con sông đó không chỉ là một con sông cụ thể, thực tế, mà là một con sông ẩn tàng trong mỗi đời người, chính con sông ẨN TÀNG nầy đã đưa chúng ta vào đời.
   Đời người, dù ngắn hay dài, hẳn phải đi qua nhiều dòng sông, những dòng sông tâm hồn. Sông nhỏ, đi ghe xuồng nhỏ, sông lớn có thuyền bè lớn. Cho dù xuồng ghe tàu thuyền gì, cũng phải có NGƯỜI CHÈO ĐÒ nên ai cũng có nhiều Ông Chèo Đò!
   Hôm nay tôi xin được nhắc về Thầy NGÔ LỘC dạy lớp Công Thôn 1965, đây là lớp Công Thôn đầu tiên của Trường NLS Cần-Thơ. Năm ấy bốn lớp Đệ Nhị Cấp đều có phòng học ổn định, còn lớp Đệ Tam Công Thôn chúng tôi là dân du mục, phòng nào còn trống thì “nhào vô”. Sau đó cũng có phòng học như ai, đó là nhà kho sửa lại làm phòng học, gần cổng trường, trời nóng, tụi tôi gọi đây là lò bánh mì. Một điều đặc biệt là trong lớp toàn là nam.
   Trong lớp có mấy anh từ lớp đệ ngủ, đệ tứ lên như Tăng Hùng Kiệt, Huỳnh Thông Minh, Lê Tấn Tài. Nguyễn Văn Cao (thi nhảy), Nguyễn Văn Năng... Chúng tôi đến từ Long Xuyên, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Sài Gòn…
  Bở ngở trong vài tuần đầu, cả một băng con trai xa nhà nên càng thân thiết. Và từ đó bắt đầu thể hiện “thứ ba học trò” nhưng rất chừng mực. Chúng tôi cùng cả trường tham gia chương trình IVS: Thực hiện tráng đường, làm sân vủ cầu ở Ô Môn, cất nhà cho dân  chúng ở Đầu Sấu...
   Phòng Y Tế  nằm cuối cùng của dãy lớp phía trước, Thầy Ngô Lộc có bàn làm việc trong phòng Y Tế, người y tá là chú Kiên. “Duyên kỳ ngộ”, chúng tôi học ở phòng kế bên, nên thường gặp Thầy Ngô Lộc. Hằng ngày, Thầy đến trường bằng xe đạp, chậm rải, nhấc xe lên thềm, dắt đến dựng trước phòng rồi vào bàn làm việc, Thầy nghiêm nghị đạo mạo lắm.
   Thầy Ngô Lộc phụ trách THNT Canh Nông cho lớp chúng tôi  năm đệ tam và đệ nhị. Thời gian lớp chúng tôi THNT với Thầy không nhiều, nhưng qua Thầy tôi đã học được nhiều điều bổ ích. Nguyên Thầy là Huấn Sự, nhưng khoảng tháng 2 hay 3-1975, tôi gặp Thầy ở Bộ Tư Pháp, trên đường Thống Nhất bước ra. Thầy trò
tay bắt mặt mừng, Thầy cho biết đang chờ Bộ ra Nghi định bổ nhiệm làm Thẩm Phán, Thầy sẽ về làm việc cho ngành Tư Pháp.
  Trong năm đệ tam công thôn, tôi thấy Thầy luôn tự học đề chuẩn bị thi Tú Tài, sau đó, Thầy hoàn tất Cử nhân Luật Khoa và một khóa đào tạo Thẩm Phán. Với Thầy Ngô Lộc, tôi rất kính phục ý chí luôn vươn lên bằng kiến thức một cách chẩm rải và từ tốn. Trong giảng dạy, Thầy luôn kỷ lưỡng hướng dẫn, nhắc nhở những thiếu sót trong thực hành, từ mọi động tác đến kiến thức về phân bón, thuốc trừ sâu đến việc lấy mẫu đất xem xét thổ nhưỡng…
  Riêng tôi, may mắn được Thầy chọn để phụ việc về nông trại như là kẻ bảng tên khoa học cho cây trồng ở khu THNT canh nông và  những việc khác mà Thầy giao. Được lãnh tiền hổ trợ cho học viên phụ việc THNT cộng với học bổng và tiền công tác IVS nên tôi xong hai năm học Công Thôn ở Trường NLSCT rồi tiếp tục năm đệ nhứt ở Nha Học Vụ Nông-Lâm-Súc tại Sàigòn.
   Sau ngày 30-4-1975, do chuyển công tác qua Ban Khai Hoang Xây Dựng Kinh Tế Mới khi đi công tác qua Kiên Giang hay Bạc Liêu… Lần nào tôi cũng ghé thăm Thầy, hai Thầy trò tỉ tê tâm sự, Thầy buồn buồn than rằng hay dùng cháo thay cơm. Thầy có người con gái, chị Trâm, học lớp Mục súc với nhà tôi (65-68) cùng tốt nghiệp Sư Phạm, chị bị bệnh nên không tiếp tục dạy học nữa.
  Một thời gian sau không còn ở Ban KH-XDKTM nữa, tôi được chuyển trở lại ngành giáo dục không có dịp công tác xa nên tôi chỉ gửi thư qua lại với Thầy mà thôi. Rất tiếc, khi Thầy vĩnh viễn ra đi tôi không hay biết nên không đến tiễn Thầy vào phút cuối! Tôi xin ghi lại ở đây: Kính nhớ về một trong nhiều ÔNG LÁI ĐÒ đã giúp tôi đi qua những dòng sông TÂM HỒN trong cuộc đời mình!!!

Nguyễn Văn Phước 10CT-65, ngày 27-12-2009



       Công tác Đoàn Chí Nguyện năm 1965. Anh NV Phước ngồi cầm mủ hàng trước      
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860247 visitors (2230710 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free