TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hồi ức một chuyến đi
 
Lên mạng ngày 10/4/2010

HỒI ỨC MỘT CHUYẾN ĐI
 
   Căn nhà lá như lọt thỏm dưới đám tre gai, lồ ô. Chiếc tam bản với mái cà rèm cũ nát nằm im lìm ở bến sông, cột hờ vào thân cây mít ngả nghiêng như sắp đổ nhào xuống dòng nước…
   Ông bà Bảy không có con cái, vợ chồng già lủi thủi bên nhau như hai chiếc bóng, có khi cả ngày chỉ nói với nhau dăm ba câu, thét rồi quen, họ hiểu tánh hiểu nết từ trên nét mặt, trên tiếng thở ngắn thở dài. Chiếc tam bản là nhà của họ hơn mười năm trôi nổi xứ người. Lúc tản cư năm 45-46 dạt về miệt Châu Đốc, Bảy Núi, đi từ kênh này qua kênh nọ, từ Vàm Cỏ Đông qua Vàm Cỏ Tây, theo Kinh Xáng về Hồng Ngự, ông làm đủ mọi nghề, thợ mộc, gặt mướn, gánh thuê… Một đêm băng đồng mùa nước nổi, chiếc ghe rệu rả già nua bị sóng bạc phá nước chìm lỉm, vợ chồng quấn nóp co ro run cầm cập ngồi mép gò chờ sáng. Mất ghe, họ xin tá túc bên chái đình vào đêm còn ban ngày thì họ đi làm mướn. Ông từ giữ đình thương hai vợ chồng tánh tình hiền lành siêng năng, thỉnh thoảng bảo họ phụ dẹp, săn sóc đình làng, lúc hết công rồi việc. Bảy Liễu bắt đầu học biết chút thuốc Nam từ ông Từ già giữ đình này.
   Mùa lũ lại về, nước đã lé đé sân đình. Trời chạng vạng, ông từ già gọi: “Bảy ơi !!”. Bảy Liễu: “Dạ”, rồi để vợ thu xếpgói ghém đồ đạc, bước vội vào đình, ông từ già ngồi trên chõng tre ở phía đông hiên, nơi cao ráo nhất. “Qua chẳng có gì cho chú em, chỉ có cái này, chú mang theo, có duyên thì dùng cứu người”. Ông đưa cho Bảy Liễu gói giấy vàng úa, bên trong có tờ giấy vàng với 1 chữ tượng hình như chữ Phạn, đấy là chữ bùa Lỗ Ban:
   - Đúng 12 giờ khuya, chú dùng lúa nếp rang nổ (như bắp bung), ra nơi thanh vắng, vẽ luyện chữ này, đọc câu chú kèm theo, 7 lần thì ném nếp 1 lần.
   Nói xong ông Bảy Liễu kề tai đọc lại câu chú rất líu lưỡi khó thuộc, nhưng cũng may là chỉ có 12 từ nên chẳng mấy chốc Bảy Liễu đã thuộc lòng. Ông từ già rất muốn vợ chồng Bảy Liễu ở lại
với ông, sau này thay thế ông giữ đình; họ rất qúi mến ông, xem ông như cha chú, cũng nghĩ đến câu “đất lành chim đậu”, nhiều đêm trằn trọc thở dài, vợ chồng neo đơn hiếm muộn, chỉ biết nương tựa vào nhau. Ngặt nỗi, mồ mả cha mẹ, ông bà còn nơi quê không ai chăm sóc…
   Trời ngớt mưa vài ngày, tranh thủ chút nắng, vợ chồng Bảy Liễu, trét chai phơi ghe.
   - Nước bắt đầu đứng rồi, vài hôm nữa mình đi cho khỏi ngược dòng nước! Ông Bảy trầm ngâm nhìn sân đình, nói với vợ.
   - Chút tui lội vô chợ mua ít đường chảy với đậu xanh, nấu nồi chè tạ lễ cúng Thánh Hoàng, sau để mời chú Hai !
   Bà Bảy xăn quần lội ra sân nói vói lại.
    Họ rời nơi tạm trú thân yêu từ tờ mờ sáng, đi sớm thì ít sóng, ít gió. Miệt đồng mênh mông trắng xóa này, khi gió ni lên thì sóng có thể nhận chìm ghe như không. Ông từ già tặng Bảy Liễu 1 chậu cây lá trông như lá cây gừng, cây nghệ. “Giống này nhảy chồi cũng nhanh, qua tách cho chú em 1bụi, nó cũng dễ trồng, bài thuốc qua chỉ cũng có vị thuốc của củ cây này”. Ông từ già trầm ngâm nói với Bảy Liễu.    
      Sau trận càn quét với hàng chục tiểu đoàn Lê Dương, miệt Tà Dơ, Đồng Rùm thật xơ xác điêu tàn. Vợ chồng Bảy Liễu dạt về vùng Suối Đá, gần Dương Minh Châu. Họ làm rẩy, giăng câu, hái măng le, lồ ô. Mấy sào ruộng sau nhà chỉ đủ ăn vài tháng. Thím Bảy chừng mươi ngày lại chèo ghe về Phước Ninh, Cây Me mua bán trao đổi đồ chạp phô thiết yếu.
   Xóm nhà họ chỉ lơ thơ chừng hơn chục nóc gia. Nhà này cách nhà kia một hai tiếng “ới”. Dần dà Bảy Liễu cũng nỗi tiếng trong vùng nhờ tài chửa sưng trặc, rắn cắn… Có khi có người rước đi trị bệnh ở xa một vài ngày, tận Tha La, Tà Béc. Bụi cây ngày nào của ông từ già nay đã thành một khoảnh vài tầm sau nhà xanh mướt. Củ của nó ông giả nhỏ, thêm vài vị cây cỏ khác dùng để trị nhiều thứ bệnh, trị làm phước không lấy tiền.
   Một buổi trưa, Bà Bảy té lăn xuống đất khi đang nằm võng, bà la oai oái hổn hển gọi:
    “Ông ơi…!!”.
   Ông Bảy chạy vào thấy bà mặt mày tái mét chỉ lên cây đòn dông nóc nhà. Bảy Liễu nhìn theo rồi cười khà:
   “Bà làm tui hết hồn, tưởng chuyện gì, đó là cặp rắn ráo, nó hiền lắm không có nọc, bắt chuột rất giỏi…
   Cặp rắn ngày càng dạn dĩ, thỉnh thoảng lại trườn vào nhà nằm im trên đòn dông rình chuột. Chạng vạng thì bò đi mất, có lẻ về hang.
   Cách nhà Bảy Liễu dăm công đất là nhà vợ chồng Út Đực, cũng mới về ở gần đây hơn một năm. Vợ y có tiếng là mồm mép chua ngoa, nói năng sấn sả….
   Một hôm chị ta chèo xuồng đi tìm bầy vịt, thấy mớ lông vịt vướng vải trong đám cây ngải sau nhà ông Bảy. Chị ta tê tái đi về nhà rao ầm lên là đám cây đó là cây ngải, ăn thịt gà vịt. Tin đồn cứ lan đi từ đó, ông Bảy không còn sức giải thích nữa, ông buồn bã ít nói từ dạo ấy.
   Một ngày nọ, khi cặp rắn trườn vào nhà, ông lấy cây roi bằng nhánh tre gai, nhịp xuống nền nhà: “Từ giờ thì tụi bây biến đi cho khuất mắt tao...”. Ông vừa nhịp roi đen đét vừa rưng rưng nước mắt. Cặp rắn dường như cũng hiểu ý, từ từ bò đi mất hút sau đám ngải riềng. Ông biết thủ phạm của chuyện mất vịt là chúng chứ không phải do đám cây vô tội kia. Biết sao bây giờ, nói cũng chẳng ai tin vì thiên hạ cứ vừa kính trọng vừa nghi sợ ông.
   Hơn sáu tháng sau thì ông Bảy chết. Buổi chiều đó ông không chờ bà Bảy dọn cơm, mà chỉ uống khan mấy xị rượu với mấy miếng khô, ông nằm im trên võng lặng lẻ ra đi bên bếp un khói còn nghi ngút khi trời mới hừng đông…
   …Chiếc ca nô từ đập chính Dầu Tiếng đưa chúng tôi quay lại nơi này. Các số liệu chúng tôi đã trình bày, tổng sinh khối trên khối lượng nước tích là an toàn.
   Theo yêu cầu của Sở Y Tế Tây Ninh, cuối 1984, chúng tôi phải khảo sát thêm địa điểm này cho họ an tâm vì có tin nói rằng ở đây có đám cây ngải sợ có độc chất…
    Nền nhà chỉ còn lờ mờ dưới nước, đám cây ngải mọc chung với đám cỏ tranh, cỏ ống hoang dại. Một ngôi mả lạng, lẩn trong đám cỏ tranh chỉ nhận ra được nhờ tấm mộ bia bằng gổ mun đã hoen rửa, trơ ra những sớ mộc đen mốc, nứt nẻ. Tôi chỉ đọc được cái tên phía trên “…Huỳnh Văn Liễu …” Tất cả đã ngập dưới vài tấc nước…   Anh T. nhổ một bụi ngải, vò lá và ngửi:
   “Đặc trưng của Alpinia (chi riềng) có lẻ một sp (thứ, loài) nào đây, để mang về định danh”. K. tài xế đi theo chơi, vội nhảy xuống nhổ tấm mộ bia bỏ lên trước mủi cano: “Để mang về cho có bằng chứng cụ thể là mình đã đến tận nơi”.
   Buổi tối, ra sân khu nhà khách xem lủ trẻ xách thùng bắt dế cơm, nhìn sang góc tường cạnh hội trường, tôi thấy tấm mộ bia nằm trơ trọi…
   Không cần định danh, về mặt sinh khối, đã kết luận an toàn về độ phân hủy hữu cơ sau ngập của hồ. Chuyện xác định Alpinia sp chỉ là động tác cho có.
   Mảnh đất của ông Bảy giờ đã chìm hẳn trong lòng hồ, tấm bia gổ nằm đây là đúng hay sai. Sáng sớm mai chúng tôi phải về lại Sàigòn rồi, không biết có khi nào mới có dịp quay lại. Nhưng sao tôi vẫn tin câu chuyện mà tôi đã tưởng tượng ra đây là sự thật, như là chuyện sắc không trên đời.
   Khi mở tấm bản đồ để hồi ức lại chuyến đi, tôi đọc thấy phía trên Tha La: Nhà máy đường Nước Trong, Chế biến mì Tân Châu…
   Chúng đáng sợ hàng tỉ lần mà không ai thắc mắc, chắc tại vì thiếu tin đồn!!! Tấm mộ bia trơ trọi kia giờ chắc cũng biến mất như những cây cỏ chìm dưới làn nước lạnh vô tình của hồ Dầu Tiếng.
 
Nguyễn Thanh Liêm CT 71-74, ngày 15-06-2009

 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 792273 visitors (2093156 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free