TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Mẹ tôi.
 

MẸ TÔI

 

   Đối với tôi, mẹ tôi là một người đàn bà vĩ đại nhất trên đời. Mẹ tôi là chị lớn nhất trong gia đình có 3 chị, em gái và 3 anh, em trai. Ông ngoại tôi làm việc cho Ty Địa Chính Hải Dương nên mẹ tôi may mắn được đi học cho đến hết Bậc Tiểu Học chương trình Thuộc Địa dưới thời Pháp thuộc. Khi mẹ tôi vừa học hết Bậc Tiểu Học và sửa soạn thi vào Trung Học thì bắt buộc phải nghỉ ở nhà trong một thời gian dài để chăm sóc cho một người cậu của tôi chẳng may bị tai nạn bất ngờ.

   Đến năm 18 tuổi, mẹ tôi kết hôn với cha tôi, lúc đó cha tôi đang làm việc ở chi cảnh sát Hàng Đậu, Hà Nội.

   Năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ trên toàn quốc, cha mẹ tôi và gia đình phải di tản khỏi Hà Nội lên tạm cư ở miền Trung Du Bắc Phần và cuối cùng vượt thoát về định cư ở tỉnh Hải Dương năm 1949. Gia đình tôi bắt đầu một cuộc sống mới từ đây.

   Cha tôi may mắn trúng tuyển vào ngạch Thư Ký Tòa Tỉnh Trưởng Hải Dương còn mẹ tôi ra chợ bán các loại rau, trái, thực phẩm để phụ cho gia đình.

   Chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt và mỗi ngày không biết bao nhiêu xe nhà binh Pháp ra chợ để thu mua thực phẩm. Nhờ biết tiếng Pháp và ba tôi lại làm công chức Tòa Tỉnh Trưởng nên mẹ tôi được sự tín nhiệm của quân đội Pháp vì thế họ luôn luôn đến mua hàng hóa của mẹ tôi.

   Mẹ tôi đã phải mua hẳn một căn nhà lớn ngay phố chính cạnh vườn hoa Bảo Đại để mới có đủ chổ cho công việc mua bán. Nếu ai cư ngụ ở tỉnh Hải Dương từ năm 1949 đến tháng 6 năm 1954 đều nhớ rõ cửa hàng có tên là “Maison Rose” chuyên cung cấp thực phẩm cho quân đội Pháp.

   Mỗi ngày hàng chục xe nhà binh Pháp đến lấy hàng và đặt mua hàng cho ngày hôm sau; xe xếp hàng dài cả hai, ba con đường để chờ mua hàng hóa của mẹ tôi. Nhờ buôn bán có tín nhiệm nên gia đình tôi trở nên khá giả nhất lúc bấy giờ và mẹ tôi đã tạo ra không biết bao nhiêu công ăn việc làm cho gia đình lối xóm và cả những người thân của cha tôi.

   Mùa hè năm 1954, gia đình tôi di cư vào Sàigòn sau khi Hiệp Định Geneve được ký kết chia đôi hai miền Nam Bắc. Chỉ sau 3 tháng ngắn ngủi, mẹ tôi đã mở tiệm Phở Bắc đầu tiên ở đường Lê Văn Duyệt, gần quán cà phê Cây Đa, rất gần với rạp hát Thanh Vân trước cửa trường Tiểu Học Chí Hòa. Mẹ tôi có duyên buôn bán cho nên tiệm phở rất đông khách đến nỗi có nhiều vị khách xin được lên trên lầu ngồi ăn và chúng tôi phải xuống dưới nhà để nhường chổ cho khách.

   Đầu năm 1955, mẹ tôi bán tiệm phở và cả gia đình chúng tôi dời đến Đà Lạt để đoàn tụ với cha tôi lúc đó đang phục vụ trong đơn vị Ngự Lâm Quân của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại. Tiệm phở sau này đổi tên là tiệm nhuộm Tô Châu cho đến hết tháng 4 năm 1975.

   Có sẵn máu kinh doanh trong người, mẹ tôi xin đấu thầu thực phẩm với trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt 1955-1956, khi đó Chỉ Huy Trưởng là Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu, sau này trở thành Tổng Thống thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa. Lần này, vận may không còn đến với mẹ tôi nên công việc buôn bán bị thua lỗ nặng nề và lấy mất gần hết cả gia tài mà mẹ tôi đã khổ công gây dựng từ trước.

   Sau khi Đức Quốc Trưởng Bảo Đại bị thua trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý tháng 11 năm 1955, đơn vị Ngự Lâm Quân bị giải tán, cha tôi được đưa về làm ở Bộ Nội Vụ Sàigòn. Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1956 đến năm 1962, mẹ tôi cũng cố gắng kinh doanh một đôi lần nhưng không có lần nào thành công.

   Mùa hè năm 1958, tôi bị sốt thương hàn rất nặng, mẹ tôi đã ngày, đêm chăm sóc tôi cho đến khi bình phục thì đến khi mẹ tôi ngã bệnh trong một thời gian dài. Tuy bị bệnh, mẹ vẫn không quên chăm sóc cho cha tôi và một đàn con 10 đứa trong đó tôi là lớn nhất.

   Tôi còn nhớ rõ, khi tôi thi Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp năm 1961, mẹ tôi dậy sớm làm bánh mì trứng chiên và pha sữa cho tôi ăn sáng đi thi mấy ngày liền và mẹ không ngớt lo lắng cho tôi đến khi tôi thi đậu. Tôi đã làm vui lòng mẹ rất nhiều nên năm sau, tôi thi nhẩy và đậu Tú Tài I (1962), Tú Tài II (1963) và mẹ tôi tự nhiên hết bệnh khi tôi bắt đầu vào ngưỡng cửa Đại Học. Cuộc sống gia đình trở lại bình thường vì hàng tháng gia đình tôi không còn phải trả nợ tiền thuốc cho mẹ tôi nữa. Tôi thầm cám ơn Trời, Phật đã giúp gia đình chúng tôi vượt qua khó khăn trong một thời gian dài. Mẹ tôi còn tiếp tục lo cho tôi ngay cả khi tôi đã tốt nghiệp Trường Đại Học Sư Phạm năm 1967. Khi tôi cầm sự vụ lệnh đến trình diện trường Nông lâm Súc Cần Thơ vào đầu tháng 9 năm 1967. Mẹ tôi nhờ cha tôi phải đi cùng xuống Cần Thơ làm tôi mắc cở hết sức.

   Cuối năm 1963, cha tôi được bổ nhiệm làm Phó Quận Trưởng Hành Chánh Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa, mẹ tôi một mình ở Sàigòn trông nom đàn con 10 đứa, thỉnh thoảng mới xuống thăm ba tôi ở Củ Chi.

   Đầu năm 1965, Sư Đoàn 25 Bộ Binh Hoa Kỳ đến khu vực Đồng Dù lập căn cứ ở Quận Củ Chi. Mẹ tôi lại thử thời vận một lần nữa nên xin phép cha tôi mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm và thầu giặt quần áo nhà binh Mỹ. Lần này, vận may lại đến với mẹ tôi nên chỉ trong một thời gian ngắn, mẹ tôi đã lấy lại được những gì đã mất khi mới di cư vào Nam và anh, em chúng tôi đã được sống những ngày huy hoàng nhất.

   Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Củ Chi và cha tôi trở về làm việc ở Bộ Nội Vụ, mẹ tôi tiếp tục đi thầu trong căn cứ Mỹ ở Long An và Bảo Lộc. Tôi không thể tưởng tượng được sức chịu khó, chịu cực của mẹ tôi, mỗi ngày thức dậy từ 4, 5 giờ sang để đi buôn bán tới 6, 7 giờ chiều mới về đến nhà. Tuy vất vả như vậy nhưng mẹ tôi lúc nào cũng có những nụ cười rạng rỡ với chồng con.

   Khi hết thầu với quân đội Mỹ, năm 1971, mẹ tôi lại xuống Cần Thơ thầu ở Câu Lạc Bộ Sư Đoàn 4 Không Quân cho đến hết năm 1972 mẹ mới chịu về Sàigòn và mở cửa hàng buôn bán nhu yếu phẩm ở đường Trương Tấn Bửu để nuôi các em tôi ăn học.

   Cuối tháng 4 năm 1975, mẹ tôi đưa các em tôi ra Vũng Tàu để tránh pháo kích ở Sàigòn, đáng lẽ ra nhân dịp này mẹ tôi đã có dịp di tản sang Hoa Kỳ cùng với các em tôi nhưng vì không nở bỏ lại 2 người em trai tôi đang phục vụ trong quân lực Việt Nam Công Hòa, mẹ tôi đã phải gánh chịu những chuỗi ngày cực khổ nhất trong đời, vừa lo chạy gạo, vừa lo thăm nuôi em tôi trong trại cải tạo cho đến khi em tôi được trở về.  

   Em tôi vừa được trở về sau thời gian cải tạo, mẹ tôi gom góp hết tài sản và vay mượn thêm tiền và vàng để góp cho những Hoa Kiều tổ chức ra đi chính thức. Chẳng may, tầu mới ra khơi chưa được bao lâu thì bị bão, tầu bị lật và chìm đem theo gần 400 nhân mạng trong đó có mẹ và em trai tôi.

   Chúng tôi rất lấy làm đau đớn vì mẹ tôi đã hy sinh suốt cả đời, đây là lúc mẹ tôi có cơ hội để đoàn tụ cùng các con, để được sống những ngày nhàn hạ cuối đời và nhất là để chúng tôi có dịp báo hiếu thì người lại không được hưởng.

   Tôi cũng rất đau buồn vì các con tôi không có dịp để nhìn thấy bà nội để được hưởng tình thương yêu săn sóc của Bà. Đó cũng là sự thiệt thòi lớn nhất của các con tôi.

   Tôi còn nhớ mãi, khi vợ tôi mang thai cháu út và sanh cháu năm 1978, mẹ tôi luôn viết thư qua dặn dò đủ thứ và cứ thương vợ tôi phải vất vả nuôi cháu. Ôi, tình thương của mẹ thật bao la không bút mực nào tả xiết.

   32 năm trôi qua và mỗi lần giỗ Mẹ, anh em chúng tôi không bao giờ quên nhắc đến mẹ và những sự hy sinh cao cả của mẹ đối với chồng, con và các cháu. Riêng tôi, tôi cảm thấy thật là bất hạnh vì không có dịp săn sóc và báo hiếu mẹ những năm cuối của đời người.

   Tôi cảm thấy may mắn và an ủi vì từ khi trưởng thành cho đến ngày xa xứ, tôi đã chia xẻ với mẹ rất nhiều vui, buồn, khó khăn và phụ giúp mẹ rất nhiều trong thời gian qua.

 

   Mẹ, lúc nào con cũng biết ơn và nhớ tới mẹ…

 

Thầy Nguyễn Trường Hy  Mùa Vu Lan 2011

 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 792343 visitors (2093340 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free