TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Chim én và mùa thu
 
Xuân Nhâm Thìn

CHIM ÉN VÀ MÙA XUÂN
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
 
Hầu hết trong văn chương Việt Nam, chim én tượng trưng cho Mùa Xuân, tiêu biểu nhất là câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
 
Ngày xuân con én đưa thoi
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
 
          Tục ngữ Pháp có câu : “Một chim én không tạo nên mùa Xuân, Une hirondele ne fait pas le printemps”. Như vậy Đông Tây gì cũng cho rằng sự xuất hiện chim én trùng hợp với mùa Xuân. Tuy nhiên trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) nguyên tác của Ðặng Trần Côn (1715?-1745), thì chim én cũng tiêu biểu cho Mùa Thu:
 
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục, oanh già
Ý nhi lại hót trước nhà líu lo.
(Chinh phụ ngâm khúc, câu 125 đến 128)
 
Theo ý của 4 câu thơ trên, chim Oanh, tức chim vàng-anh, tiêu biểu cho Mùa Xuân, chim đỗ quyên (chim cuốc) cho Mùa Hè, và ý nhi tức chim én phải là Mùa Thu, theo sự tuần tự Xuân Hạ Thu Đông. Như vậy, có sự mâu thuẫn chăng?
          Người Việt nào cũng biết và từng thấy chim én. Ở nhà quê, chim én bay lượn từng bầy trên cánh đồng lúa. Nó đậu thành hàng trên dây điện. Ở Sài Gòn, chim én bay lượn thành đàn và hót líu lo vào buổi sáng hay chiều quanh Nhà Thờ Đức Bà, các dinh thự như Tòa Đô Chính, Nhà Hát Tây, nơi chim én thường ở và làm ỗ.
 
 
          Tại Việt Nam, có 3 loài chim én: : Én bụng trắng, én hông trắng, và én hông xám.
Ở Miền Nam, thường gặp nhất là én bụng trắng ở thành phố, làng mạc. Chúng có đuôi khuyết sâu, khi bay sải cánh rộng, xuất hiện từ tháng 8 đến 2 dương lịch, tức mùa Thu, Đông và Xuân. Chúng ở  khắp Á châu, từ Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan. Mùa đông chúng bay về phía Nam như Việt Nam, Malaysia, Phi Luật Tân, Nam Dương. Én bụng trắng là loài chim thiên di, trốn mùa Đông giá lạnh ở phương bắc, bay về phương nam ấm áp để kiếm mồi, bắt cặp, làm ổ, ấp nuôi con trong vòng 3 tháng, rồi bay trở về phương bắc. Trong các tháng từ tháng 8 (mùa Thu) đến tháng 2 dương lịch (mùa Xuân), người ta gặp rất nhiều én bụng trắng ở Miền Nam, và chúng bay thành đàn.
 
 
Én bụng trắng
 
Én hông trắng sống ở vùng ôn đới, hàn đới lạnh hơn, làm ổ ở Siberia, hồ Balkan, phía Bắc Trung Quốc. Vào mùa đông chúng thiên di về vùng ấm như Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam.
Én hông xám gốc Nhật Bản, Triều Tiên, Đông Trung Quốc, Bắc Việt Nam. Tại miền Bắc Việt Nam, én hông xám thường gặp ở khắp mọi nơi nhưng chúng chỉ làm ổ ở phía Bắc các tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái. Không thấy loại én này ở miền Nam.
Như vậy, én xuất hiện không chỉ riêng trong mùa Xuân.
Không phải chim én nào cũng thiên di. Một loại không thiên di, như giống chim én thường gặp ở Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn. Chúng trú ngụ ở đây quanh năm, làm ổ dưới mái nhà thờ, và chúng bảo vệ lảnh thổ, không cho chim én khác hay chim sẻ đến ở gần ổ của nó. Một loại bán-thiên-di, tức di chuyển theo mùa nhưng không xa lắm, chỉ vài trăm đến ngàn cây số. Cuối cùng là loại thiên-di thật sự, di chuyển thành đàn theo mùa trên một vùng địa lý xa cả vạn cây số.
Chim én là loài chim bay rất nhanh, chúng có thể bay quãng đường 7.500 km từ vùng lòng chảo Amazon ở Brazil tới Bắc Mỹ chỉ trong 13 ngày,  nghĩa là trung bình mỗi ngày bay được 577 km. Các nhà khoa học dùng thiết bị định vị thật nhẹ gắn vào thân chim, và theo dỏi hành trình của chúng. Thiết bị này lưu giữ toàn bộ thông tin, qua đó các nhà khoa học nắm được dữ liệu cập nhật hàng ngày về mặt trời lặn, mọc, cũng như xác định độ cao, tốc độ và hành trình bay của chim. Những con chim này rời Mỹ vào mùa đông và trở về vào mùa xuân. Kết quả cho biết vào mùa xuân, loài chim này bay nhanh hơn vào mùa Thu từ 2 đến 6 lần. Một con chim én trung bình mất 43 ngày để bay tới Brazil vào mùa thu, song chỉ mất có 13 ngày để bay trở lại Mỹ vào mùa xuân. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của sự khác biệt về tốc độ di chuyển là do chim én háo hức trở về ổ vào mùa Xuân để tìm kiếm bạn tình và nơi trú ngụ tốt hơn.
Trung bình, một con én thiên di bay khoảng 200.000 km mỗi năm, và trung bình 4,5 triệu km trong suốt cuộc đời, tương đương 6 chuyến đi lên mặt trăng rồi quay lại, hoặc khoảng 100 vòng quanh trái đất. Vận tốc bay 39 km/giờ trên đoạn đường dài, với đoạn đường ngắn khi rượt mồi hay trốn thoát chim ưng trong vài phút, nó gia tăng vận tốc tới 14-20 mét/giây, hay 50-72 km/giờ . Làm sao chúng có thể thay đổi vận tốc để bay thật nhanh. Các nhà khoa học nghiên cứu về cấu trúc cánh én cho biết khi bay chim có thể thay đổi hình dạng của đôi cánh, và biết dựa vào lực đỡ của không khí để gia tăng khả năng bay lượn, bay nhanh mà không mất nhiều sức lực. Chim én là một trong những loài chim có khả năng bay lượn tốt nhất. Chúng săn mồi, cặp đôi, thậm chí... ngủ trong lúc bay. Chính các loại máy bay phản lực cánh xếp tăng tốc bay nhanh là dựa vào nguyên tắc của cánh chim én.
Chim én thiên di bay từng bầy, vài trăm đến ngàn con. Chỉ có én không thiên di mới bay từng cặp, hay vài cặp. Chúng không có đậu dưới đất. Đậu trên cây hoặc mái nhà. Hầu hết thời gian là chim bay để bắt nồi, vì côn trùng bay thường nhỏ như muỗi, rầy, phải có khối lượng lớn mới đủ no cho đàn con.
 
                   Xập xè én liệng tầng không
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
(Nguyễn Du)
 
Én thích làm ổ trên gờ dưới mái chìa và hốc trong tường, vì vậy kiến trúc mái nhà thờ, chùa, nhà cỗ thích hợp cho én làm ỗ. Ngược lại nhà cao ốc hiện đại ở thành phố thì én xa lánh.
Én ăn côn trùng bay như cào cào, châu chấu, ruồi, muỗi, chuồn chuồn, mối cánh, rầy lúa, v.v. nhưng tránh loại có nọc độc như ong. Như vậy, loài én rất hửu ích cho nhà nông. Trong dịp từ tháng 12 đến tháng 3 dl, đàn én hàng ngàn con thiên di bay về vùng Đồng Tháp, Tứ Giác Long Xuyên để ăn rầy nâu, rầy xanh, cào cào phá hoại mùa lúa Đông Xuân. Chúng bay lượn rà rà ngọn lúa làm cào cào, rầy hoảng sợ bay lên, thế là làm mồi cho én. Cũng chính đặc tính này, con người làm bẩy chim én bằng cách bắt ruồi làm mồi cột vào dây thòng lọng đặt ngoài ruộng lúa. Đa số con nít bắt chim én để nuôi chơi. Chim én nuôi trong nhà để bắt ruồi. Thịt én không ngon, thua cả chim sẻ. Tuy nhiên, theo báo chí trong nước, ngày nay con người đã vô ý thức bắt chim én làm món ăn đặc sản. Khi sắp có mưa, vì áp xuất không khí thay đổi, mối cánh, chuồn chuồn, cào cào, châu chấu, v.v. bay loạn xạ, là cơ hội cho đàn én bay thấp rà rà đám lúa bắt côn trùng. Vì vậy, khi thấy cảnh đó, nhà nông biết là sắp có mưa.
Đối với người Việt Nam, chim én đến ở và làm ổ tại nhà mình là điềm tốt. Từng đàn chim én bay đến trú ngụ vùng mình là dấu hiệu của được mùa và trù phú. Niềm tin này là đúng vì chim én đến đâu thì côn trùng phá hại mùa màng bị tận diệt, côn trùng gây bệnh tật như ruồi muỗi cũng không còn.
Tương tự như vậy, một số sắc dân ở Mali, Phi châu tin rằng chim én là loài chim trong sạch, làm màu mở đất đai. Chim lấy máu của loài sâu bọ để hiến cúng thần Faro, rồi máu đỏ này rơi lại xuống trần gian tạo những cơn mưa đỏ làm phì nhiêu đất đai. Có lẻ, huyền thoại này dùng để giải thích những trận mưa chứa nhiều bụi sa thạch (loess) thổi từ sa mạc Sahara làm tươi tốt cánh đồng.
Ở Trung hoa, phụ nử hiếm mọn thường ăn trứng én với niềm tin là dễ sanh con.
Theo thần thoại Ai cập thì tiên nử Isis biến thành chim én, bay lượn quanh quan tài người chồng Osiris bị Set giết. Bà bay lượn, than khóc suốt đêm cho đến sáng thì chồng Osiris sống lại. Nước mắt của bà rơi xuống trần gian làm sông Nile lũ lụt hàng năm. Theo người Ai cập, chim én, thể hiện qua tiên nử Osis, biểu hiệu sự phục sinh, tình yêu, tình mẫu tử, và sự đông con.
Đối với người Hồi giáo, chim én là chim của thiên đường, tượng trưng cho tính lương thiện.
Sau khi đánh bại được quân Nguyên xâm lược lần thứ nhất ra khỏi bờ cỏi (1258), vua Trần Thái Tông dùng ngoại giao để hòa dịu quân Mông, tránh chiến tranh.
          Trần Thái Tông (1218 – 1277; làm vua 1225 - 1258 ), vị vua đầu tiên của nhà Trần có bài thơ Tống Bắc Sứ Trương Hiển Khanh.  Khi sứ nhà Nguyên là Trương Hiển Khanh đến Việt Nam năm 1266 nhằm mục đích “tuyên dụ” nước ta. Lần này, nhà Nguyên bắt đầu tăng sức ép, bắt nhà Trần phải thực hiện sáu điều khoản quy định cho các nước “chư hầu”, trong đó có việc quốc vương phải đích thân sang chầu, phải nộp sổ hộ khẩu. Nhà Nguyên cũng đặt chức Đạt lỗ hoa xích tại Kinh đô nước ta để giám sát… Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông lúc này đã nhường ngôi cho con là vua Trần Thánh Tông, nhưng ông vẫn đại diện cho con đảm đương những công việc ngoại giao đầy khó khăn.  Bài tiễn Trương Hiển Khanh của nhà vua với giọng điệu ôn hòa, ngôn từ vừa trịnh trọng vừa trang nhã, trong đó có 4 câu bày tỏ tình cảm của nhà vua với Bắc sứ qua hình ảnh chim én thiên di khi bay về lại phương bắc. Nhạn ở đây cũng là loài chim én:
 
                   Mạc không nan trụ yến Quy Bắc,
Địa noãn sầu văn nhạn biệt Nam.
Thử khứ vị tri khuynh cái nhật,
Thi thiên liêu vị đáng thanh đàm
Dịch nghĩa:
Màn trống khó ngăn chim én về Bắc,
Đất ấm buồn nghe cánh nhạn rời Nam.
Chia tay lần này chưa bao giờ mới lại gặp,
Bài thơ này gọi là thay chút lời riêng!
 
Bài thơ vừa nói lên bản chất hiếu hòa của dân Việt, nhưng nhà vua cũng nhắn khéo là quân Nguyên dẫu có xâm lược nước Nam, thì cũng giống như đàn chim én, cuối cùng cũng phải trốn về phương Bắc.
 
Reading, Tết Nhâm Thìn 2012
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860175 visitors (2230618 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free