TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Năm đứa tôi
 
Lên mang ngày 1/3/2010

(Trích trong Nội San Công Thôn Khóa 3 phát hành đầu xuân 1971)
 
 Tôi là một trong “Năm Đứa Tôi”, hôm nay hồi tưởng lại những kỷ niệm đã xảy ra ba năm về trước trong lớp học của tôi.
   Vào sáng sớm ngày 1-8-1967, giây phút đầu tiên tôi bước chân vào gia đình Nông Lâm Súc Cần Thơ với bạn bè lớp đệ tam Công Thôn. Hôm ấy từ cuối lớp vang lên “Ngũ Quỷ đến đây rồi tụi bây ơi!”. Không biết tiếng của quý vị nào mà danh từ Ngũ Quỷ thịnh hành ngay từ hôm đó.
   Ngũ Quỷ Công Thôn rất đặc biệt vì các lớp khác không có như lớp Công Thôn của chúng tôi. Giá mà người bạn cùng lớp của tôi thi đậu thì chắc là nên danh Lục Tặc chớ không là Ngũ Quỷ. 
   Ngũ Quỷ Công Thôn! Chỉ vài tuần lễ sau quen nước quen cái rồi chúng tôi muốn danh từ nầy thật đúng nghĩa nên “Năm Đứa Tôi” sách vở khăn gói về ở chung nhà, cái gì cũng giống từ tà áo dài thướt tha một kiểu, chiếc nón lá có quai cùng màu, đế giày cao gót kiểu ni cao bằng nhau… “Năm Đứa Tôi” có cùng một nụ cười…
   Không biết may hay rủi, vô tình hay cố ý mà tôi có thêm một tên mới không phải nấu chè xôi gì cả nghe cũng khá vui là Heo B.X. vì tôi mập và đen y như giống heo Ba Xuyên thật là oan ức cho tôi phải không các bạn?
   Còn 4 thành viên kia thì được mệnh danh khá hấp dẫn là Ngọc Sún , Huỳnh Thị Kim Ngọc mất 4 cái răng cửa trám bởi 4 cái giả.  Dung Hynos đặt cho nàng Nguyễn Thu Dung, có nét da ngâm như màu bánh ích ngọt. Nguyễn Kim Nữ biệt danh là Nữ Khểnh bởi vì hàm răng của nàng có 2 cái răng khểnh. Và danh thứ năm là Minh Lùn dính liền với dáng dấp nàng hơi thiếu chiều cao cũng như tôi.
   Nhưng ít lâu sau các bạn trong lớp lại đổi danh cho tôi là Lùn B.X. đó các bạn ạ! Chúng tôi không giận lại vui vẻ siêng năng học. Càng thân nhau hơn qua các dịp cắm trại, lễ Giáng Sinh, sinh hoạt tất niên…
   Những danh gọi khác của các bạn nghe thật khủng khiếp là Chín Châu để chỉ Trần Khắc Hùng vì ba của Hùng tên là Chín Châu. Cái danh gọi Chị Chín là biệt danh thứ 2 của Nguyễn Kim Nữ, vì lúc đó các bạn cặp đôi người đẹp này với Hùng.
   Còn những danh từ khác như Tư Cơ, còn gọi là Ông già hay Tư già để chỉ Phan Văn Hẳn. Cơ là tên cha của Hẳn, anh chàng này có nét già lụ khụ nhất trong lớp, năm sinh của anh là 1942.
   Tư Cồ hay Tư Gồ để chỉ Trần Công Bình có dáng cao to nhất trong lớp. Tư Lùn hay Lùn Tân Châu để chỉ Châu Vĩnh Phước.
   JohnDeere Hoàng, JohnDeere Tài, JohnDeere Ngoánh để chỉ Trần Thanh Hoàng, Nguyễn Tấn Tài, Trần Kim Ngoánh vì ba bạn nầy trong quá trình thực hành máy cày đã lái đụng vào tường và cột đèn làm hư hai chiếc máy cày Johndeere của Nha Học Vụ Nông Lâm Súc.
   Ngoài những biệt danh kể trên, một số các bạn khác cùng có biệt danh như Già Nhựa để chỉ Trần Văn Liêm, chàng này có giọng trời cho phát âm nhừa nhựa khi nói chuyện… như ông già hết hơi.
   Vân Platine là danh gọi của Đinh Thanh Vân có làn da mặt lổ hang chằn chịt như vít lửa…bị rổ. …Và còn nhiều biệt danh nữa… Vì học hành cực nhọc nên chúng tôi đùa vui trợ lực việc đèn sách cho đến ngày “bái tổ vinh qui”.
   Riêng về “Năm Đứa Tôi” cho tới chết chắc không bao giờ quên được. Người ta quan niệm mỗi ngày hai bửa ăn chính, ăn chẳng cần no. Còn Ngũ Quỷ thì ngoại lệ, hể đói thì nấu cơm xơi, thức giờ nào ăn giờ đó, quan niệm thực tế muốn ăn thì lăn vào bếp. Đầu tháng ăn phở, cuối tháng ăn chay kèm thêm trái cây, sinh tố, kẹo, bánh… Nhờ trời phật phò hộ, “Năm Đứa Tôi” trọ học xa gia đình mà “cả năm” đều tròn như đòn bánh tét nức, tròn nhất là lúc học bài thi, đây mới là điều khác thiên hạ của “Ngũ Quỷ” chúng tôi!
   Hè đến, chia tay nhau. Về sum họp với gia đình sau chín tháng xa nhà, vừa bước vào nhà, mọi người phải giật mình,… Sao con tôi “ốm quá”…, Con hạp đất Cần Thơ mà Ba Má…
   Ba tháng hè trôi qua nhanh, chúng tôi gặp lại nhau không biết hồi ấy vì nhớ nhau hay buồn khi xa nhau mà cả năm đứa “ốm ra” thấy rỏ, “Năm Đứa Tôi” nhìn nhau rồi cười híp mắt!!!
   Đầu năm đệ nhị 1968-1969, “Ngũ Quỷ” chúng tôi phải dọn nhà đi lên Sề Ghềnh. Từ đó chúng tôi phải tách ra, buồn mà lại vui gần chết, vì “Năm Đứa Tôi” bây giờ có thêm nhiều bạn mới nên buồn vui đến với chúng tôi một cách thật tự nhiên đó các bạn.
   “Năm Đứa Tôi” vẫn vui vẻ như dạo nào, giống y thời mà “năm đứa” lúc sống ở Cần Thơ. Cuối năm đó vấn đề miễn thi đặt ra chi mà để lớp Công Thôn thật là… khó thở quá! Vì trời cao không thương trọn nên lúc này “Ngũ Quỷ” chúng tôi không còn đủ, đành bùi ngùi nhớ nhau vậy!
   Cuối năm tính sổ lại Công Thôn khóa III mất đi vài người, một trong “Năm Đứa Tôi” ra đi vì không may mắn, vài nam nhi đành phải xếp bút nghiên. Năm đệ nhất sau đó thì lớp Công Thôn chúng tôi thưa vắng… hiu hắt buồn ơi… là buồn!...
   Không biết ngày xưa tôi và các bạn nữ nghĩ sao mà thi vào ban Công Thôn vậy cà? Còn Nha Học Vụ Nông Lâm Súc nghiên cứu thế nào mà đã nhận đơn của nữ sinh thi vào lớp 10 CT chứ? Sau đó lại bác đơn nữ nhi khi chúng tôi xin ứng thí vào ngành sư phạm Nông Lâm Súc khoa Công Thôn!? Ngẫm lại luật nam nữ bình quyền ở đây không còn hiệu lực!?
   Ới trời đất ơi! Có người nói rằng cô giáo không thể dạy môn Công Thôn!? Thiên hạ lầm to rồi! Nữ nhi chúng tôi tay cầm mỏ lếch, mở bugi, siết bù lon, con tán… thì trông thật duyên dáng và oai nữa… phải không các bạn?
   Bây giờ mỗi đứa mỗi ngành, thê thảm quá phải không anh Tư Cồ? Khóa III Công Thôn không vẹn nghĩa nhưng chúng tôi nhớ nhau hoài! Hãy tưởng tượng lại khung trời kỷ niệm đẹp như mùa xuân của ba năm về trước nhen “Ngũ Quỷ”!!! Còn nghĩ đến nhau thì vội vả đi tìm nhau hởi “Năm Đứa Tôi”...     
 
Trần Kim Hạnh, 10CT-1967, Sài Gòn ngày 20-12-1970


Cổng trường năm 1964- ngày khánh thành Trường NLSCT
Hình do Trần Thị Trong 10CN-1964 sưu tập
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860100 visitors (2230531 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free