TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Tet Thầy
 
Xuân Nhâm Thìn

TẾT THẦY
 
  
 
 
  
     Đối với học trò trên con đường sự nghiệp bước đầu luôn luôn cần đến sự dìu dắt của người thầy. Nên từ xưa bên cạnh tục ngữ:
“Không thầy đố mầy làm nên”
     Thì có ngay lời ca dao vang vọng nhịp nhàng:
Mấy ai là kẻ không thầy
Thế gian thường nói đố mày làm nên”
     Và như mọi người đều công nhận từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, luôn được chăm sóc, dạy dỗ bởi bàn tay, khối óc, tấm lòng cao cả, bao la của nhiều người theo bước đi của thời gian. Khi còn nhỏ, ta chịu ơn nuôi dưỡng “như núi Thái Sơn” của cha, chịu cái nghĩa sinh thành “như nước trong nguồn” không ngừng dạt dào tuôn chảy của mẹ. Khi lớn lên, cắp sách tới trường thì chính thầy giáo là người nâng niu, uốn nắn cho ta:
“Mẹ cha công sức sinh thành
Ra trường thầy dạy học hành cho hay”
     Thầy giáo dạy học trò trên nhiều phương diện, lãnh vực theo từng bước của thời gian và hình thành nhân cách của sự phát triễn của trẻ thơ từ khi còn tấm bé. Nhưng trước hết là dạy để chúng biết được cái chữ:
“Công cha, áo mẹ, chữ thầy
Gắng công mà học có ngày thành danh”
     Rồi không chỉ có “chữ”, tiếp theo đó là thầy truyền đạt cho trò nguồn kiến thức gắn liền, phù hợp với mọi lứa tuổi. Người học trò lớn khôn, trưởng thành hơn qua mỗi bài giảng dạy lý thuyết, thực hành của thầy. Đến một ngày kia khi thành đạt thì trong tâm vẫn nghĩ rằng “một chữ hay nửa chữ” đều thuộc về công lao của thầy:
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”
(Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)
     Chỉ bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ cho chúng ta hiểu rằng mọi người trong xã hội rất kính trọng nhà giáo. Nên từ lâu, văn nhân thi sĩ trong dân gian đã truyền lại qua những câu ca dao, tục ngữ dễ nhớ dễ thuộc. Cũng bởi xuất phát từ chỗ nhận thức rõ vị trí của người thầy mà dân gian đã không quên nhắc nhở học trò lòng yêu kính và biết ơn thầy. Có một câu ca dao viết rằng:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”
     Lòng yêu kính ấy, được biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có phong tục Tết Thầy. Nghĩa là mỗi năm, khi Tết đến xuân về có tục lệ “Tết Thầy” là Tết của Thầy dạy cho con của mình nên cha mẹ nhớ công ơn bèn mang lễ vật đến kính biếu thầy, đã trở thành đạo lý ngàn đời. Mỗi người trong chúng ta, ngoài sống có hiếu với cha mẹ, còn phải sống có nghĩa đối với thầy. Quan niệm thầy trò theo nề nếp xưa nay một cách tự nhiên đã trở thành một thứ tình nghĩa cao cả, thiêng liêng trải suốt bao đời nay, kết nối thành một sợi dây, tạo nên truyền thống đẹp đẽ của dân tộc:
“Truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo”
     Người xưa còn quan niệm rằng:
Nhất nhật vi sư” (Một ngày cũng là thầy)
     Vậy nên, trong ca dao, thường cất lên lời hứa hẹn của học trò về sự “đền ơn đáp nghĩa” khi đến ngày thành đạt đối với thầy:   
“Bao giờ anh chiếm bảng vàng
Ơn thầy ta trả, nghĩa nàng nào vong”
     Tóm lại, tìm hiểu vai trò của người thầy trong ca dao và tục ngữ, chúng ta thấy rằng người bình dân xưa nay luôn luôn đề cao vai trò của người thầy, đặc biệt là vai trò quan trọng trong truyền thụ kiến thức. Đồng thời nhắc nhở học trò cũng phải luôn ghi nhớ, biết ơn và yêu kính người đã dạy dỗ cho mình nên danh thành đạt.
  
Trần V Diên CT 70-73 ngày 8/12/2011
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860132 visitors (2230568 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free