TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Bông Vạn Thọ
 
Lên mạng ngày 5/2/2010


         
BÔNG VẠN THỌ
 
Tôi sinh ra ở miền sông nước, nước ngọt quanh năm, với cá linh và bông điên điển, xa xưa hơn nữa là lúa trời mùa nước nỗi. Mẹ bồng bế chúng tôi khi còn quấn tả về quê ngoại, một xứ hoàn toàn khác biệt, nắng bụi mưa bùn, mùa khô nước ngọt hiếm hoi…hồi đó chưa có những “cây nước” như bây giờ ( giếng khoan của Unicef cũng hàng trăm mét mới có nước ngon )
Nước mưa là thứ trời cho nhà nào cũng phải chuẩn bị dự trữ cho mùa khô. Những ngôi nhà tôn, nhà ngói hiếm hoi trong xóm là nơi tụ tập trong những cơn mưa sòng, khi chủ nhà cho hàng xóm hứng nước mưa sạch về xài, về dự trữ. Nước mưa mái lá luôn có màu, tuỳ theo mái lá mới hay cũ, màu nước sẽ từ hổ phách đậm sang nhạt, nước hứng từ mái lá mới màu đậm, vị chát, tắm xong phải xả lại bằng vài gáo nước mưa trong …
Mùa khô cả xóm chỉ trông chờ vào mấy cái ao làng, ao nhà. Cuối mùa nước ao đục ngầu, sâu cạn đáy, gánh đôi thùng nước lên tới bờ phải dừng nghĩ để thở. Nước phải lóng phèn kỹ mới dùng được. Nước mưa trữ trong lu, mái nhứt mái nhì lớn nhỏ chỉ được dùng trong ăn uống một cách dè sẻn. Nhà tôi có hàng lu khá nhiều nên cũng tạm qua mùa. Có năm Ba tôi thả bí đao vào lu đánh dấu, chằng ni lon kỹ,  khi xác bí rả ra và lắng xuống thì mới mở ra múc xài dần . Nước pha trà không nước nào bằng nước mưa, vị thanh ngọt…
Cuối năm, đầu mùa khô, trời trở bấc, xóm làng còn sung mản sau vụ gặt lúa mùa, ghe thương hồ lớn nhỏ đậu chật kênh. Nhà nhà chuẩn bị đón Tết, những chai xá xị, lon trái vải …bây giờ ê hề, hồi đó là những món lộc vừng xa xỉ lâu lâu lắm bọn tôi mới được nếm.
Trong xóm chỉ có vài nhà trồng rau, cũng chỉ vài sào, chủ yếu sà lách, húng thơm, húng lủi…phần lớn rau quả còn lại đều do ghe lái đưa đến.
Bông hoa trang trí, cúng kiến quanh quẩn chỉ là vạn thọ, lâu lâu lắm có người đi chợ trên tỉnh mua về bó huệ trắng, lay-ơn đỏ là thấy sang trọng quá trời.
Ba tôi thân với chú nhà đầu xóm, có vài sào rau, gần cuối năm trồng mấy liếp vạn thọ. Khi cây có bông búp hơi ửng vàng, ba xin vài cây về cho tôi vô “chậu”. Chậu là những lon sữa bò đục thủng đáy, quấn giấy đỏ, xỏ dây kẻm, treo lủng lẳng trước hiên nhà. Cạnh góc sân là gốc mai chiếu thuỷ cằn cổi tội nghiệp trong “khạp da bò”, mùa khô nó chỉ được tưới ngày một cử bằng nước súc bình trà mổi sáng.
Những sáng tháng chạp, có ngày có chút sương mù nhè nhẹ, hương hăng nồng của vạn thọ, dìu dịu của mai chiếu thuỷ, thỉnh thoảng pha thêm chút hơi khói đốt đồng … là những dư vị nồng sâu khó tả, một chút xôn xao năm mới gần kề, một thoáng bâng khuâng nhớ nhung của tuổi mới lớn…
Những năm đầu sau khi Ba mất, tôi cũng chuẩn bị lon treo vạn thọ. Giờ đã có nhiều lon lớn chứa được nhiều đất hơn, tôi cắm được cây to hơn . Trong xóm đã có vài cây nước, cây mai chiếu thuỷ đã đở khát hơn xưa.
Chỉ có bộ bình trà ba uống giờ nguội lạnh, chắc cây mai nhớ xác trà mổi sáng lắm, lúc đám tang Ba, chị em tôi cũng quấn cho nó một mảnh vải trắng, nó vẫn trổ những bông hoa trắng nghiêng mình ngó xuống, như giọt nước mắt chảy xuôi…
Bông vạn thọ giờ to đẹp hơn xưa nhiều, ở thành thị cũng chỉ vào hàng chiếu dưới, chỉ để cắm bình cúng rằm, mùng một hoặc cúng chùa…của người ít tiền. Bông càng to hương càng ít đi, tôi vẫn thương những cây bông vạn thọ quê tôi, trên liếp đất sét phủ rơm mục khô cằn, bông hoa khiêm nhường nhưng mùi hương nồng ngát . Nó là thứ tầm thường nơi khác nhưng là của quý của quê tôi.
 
Vạn thọ nhớ ba, thuỷ mai nhớ mẹ
Nồng ngát, dịu dàng bóng cả nhớ thương
 
  
NTL CT 71-74 (16-01-2010)

Trở lại Xuân Canh Dần
                                  
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 792527 visitors (2093558 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free