TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Hành trang
 
Lên mạng ngày 18/12/2010

Hành Trang
 
      Tôi sinh ra trong một gia đình Hoa Kiều. Ba Má tôi có một cửa tiệm tạp hóa ngay trung tâm một thị xã miền Tây. Tôi lớn lên với những sinh hoạt nhộn nhịp ồn ào; hàng ngày mọi người nhóm chợ rất sớm, người mua kẻ bán, khuân vác, chuyển hàng, xe cộ dập dìu, tôi nghĩ rằng lối sống nầy sẽ theo tôi suốt đời. Tôi rất yêu thích cái nghề thương buôn của Ba Má tôi; ông bà thường bảo trong đám con chính tôi là nhân tuyển thích hợp nhất để nối nghiệp gia đình.
   Nhưng trong cuộc sống thường có những đổi thay bất ngờ mà mình không bao giờ lường được trước. Năm tôi học lớp 9 phổ thông, khi ấy tôi vẫn là cô bé nhút nhát, quanh năm chỉ biết sinh hoạt trong gia đình. Tôi không hiểu cuộc sống ở nông thôn, mà chỉ biết qua sách báo hay nghe kể từ bà quản gia trong nhà: nơi đó có những cánh đồng xanh bát ngát với những ruộng lúa thẳng tấp tận chân trời, có những con trâu đang ngâm mình dưới mương đìa trời trưa nóng, xa xa bay lên từng cụm khói bốc cao từ những mái nhà nông dân đang chuẩn bị cho buổi cơm chiều, ngoài sân bầy gà nhốn nháo trở về chuồng, những chú heo con đang phụ họa cùng heo mẹ hò hét đòi ăn... còn nhiều... nhiều lắm tất cả đều mới mẻ và xa lạ đối với tôi. Đặc biệt vào thời đó lúc chiến tranh đang xãy ra, nơi mà miền quê bị tàn phá bởi bom đạn hằng ngày, nên chị em chúng tôi không bao giờ có dịp được ba má cho phép trở về thăm viếng quê ngoại mặc dù cách thị xã độ 2 giờ xe đò.
   Tôi đã có ý muốn đi tìm hiểu về thôn quê, nhưng vì ngoài giờ đến trường thì phải ở nhà phụ giúp gia đình nên không có thời giờ về miền thôn quê tìm hiểu kể cả dịp hè.
   Một ngày cuối tuần đầu mùa mưa, anh rể tôi đi dạy học ở xa, vào dịp hè về thăm. Không khí trong nhà lại nhộn nhịp vui hơn trong những buổi cơm gia đình, khi anh kể về ngôi trường anh đang dạy là trường trung học NLS Cần Thơ. Trong trí tôi liền hiện ra một bức tranh thật sinh động hấp dẫn vô cùng, nên tôi đã táo bạo xin phép ba má để chuẩn bị bài vở nộp đơn thi tuyển vào trường NLS Cần Thơ.
   Đến ngày nhập học tôi hồi hợp lo âu không biết quyết định lần nầy có sai lầm không, nhìn thấy tôi đứng ngồi không yên, anh rể tôi động viên: 
   - Dì đừng nên lo âu quá không nên, cứ yên tâm học hành cố gắng thì sẽ quen dần. Anh chắc như bắp sau nầy dì sẽ là một nhà chăn nuôi thành đạt rất nổi tiếng ở miền Tây mà!
   Bình thường tôi đối đáp ngay, nhưng lúc đó tôi không còn tinh thần đâu mà trả lời vì trong lòng lo lắng cho buổi học đầu tiên ở ngôi trường mới này. Nhìn danh sách tên mình được xếp vào lớp 10MS2 giờ học lý thuyết vào buổi chiều. Lớp học chia làm hai dãy bàn bên nam, bên nữ. Vào lớp tôi đang bơ vơ lạc lõng trong đám bạn bè mới thì một sự hạnh ngộ tình cờ là tôi gặp lại người bạn học cũ chung lớp 7. Vậy là tôi không còn sợ lẻ loi. Chuông reo tan học ngày đầu tiên tôi thấy lòng khoan khoái với bao niềm vui.
   Sáng hôm sau là giờ thực hành nông trại, tôi hồ hởi thức dậy thật sớm sau khi ngồi vào bàn ăn sáng tôi không ngừng kể lể niềm vui về buổi học ngày hôm qua, chị tôi biết tôi đang vui nên cứ để tôi tự do thao thao bất tuyệt, ông anh rể vội mỉm cười với ý trêu chọc:
   - Vậy là tốt quá! Anh sẽ không sợ ba má trách móc anh rủ rê dì đi vào con đường chông gai, chưa đâu đến giờ thực hành nông trại sẽ vui hơn nhiều!
   Nụ cười của anh làm tôi  thắc mắc, nhưng niềm vui đã lấn át tất cả, và  tôi vui vẻ chuẩn bị đến trường. Lần đầu trong đời khoác chiếc áo bà ba nâu soi gương thấy tôi khác lạ với mái tóc thắt bím ngày nào.
   Đến nơi các bạn có mặt đầy đủ, nam thì đồng phục như giờ học trong lớp, bên nữ sinh thì thay chiếc áo dài nâu thướt tha bằng chiếc áo bà ba ngắn mà tôi vẫn còn chưa quen. Sau khi điểm danh xong, thầy Hùng bắt đầu phân công. Dưới ánh nắng gai gắt, tôi phải dùng hết sức người để hạ những đám cỏ cao khỏi đầu với cọng cỏ to hơn ngón tay, mồ hôi tuôn ra như tắm, mặt tôi đỏ gây, tay mỏi nhừ, tôi cố dùng dao chặc hết đám cỏ, cố hết sức chặc cho đứt rễ cỏ nhưng nó vẫn trơ lì ra đó. Còn những ngón tay mềm yếu của tôi sưng tấy và mộng đỏ, giờ đây tôi mới hiểu cái nụ cười mỉm của anh rể tôi và bao nhiêu hăng hái từ buổi sáng đã theo những giọt mồ hôi biến mất tự bao giờ, dòng tư tưởng gián đoạn khi tiếng thầy Hùng vang lên:
   - Những cọng cỏ khô nầy có thù với em hay sao, mà em chặc một cách không thương tiếc vậy?!? Năm đầu tiên ở NLS phải không? Thôi để thầy nhờ các bạn nam tới giúp.
   Thầy vừa bước chân đi vừa cười (cũng lại cười mỉm). Mặt tôi đã đỏ vì nắng giờ đây càng đỏ hơn vì mắc cở. Một chút tự ái tôi quyết định tiếp tục tra tấn những cọng cỏ lì lợm, thì có một giọng nam cất lên:
   - Trời ơi! Bạn chặc kiểu nầy tới mai cũng không xong. Bạn phải dùng cuốc để đào nó lên, vì đây là một loại cỏ voi vừa dai vừa lớn, để mình làm cho.
   Vậy là “anh” vừa đào vừa xới. Sau một hồi vất vã với cái cuốc “anh” đã thuần phục đám cỏ một cách tài tình, thêm hai người bạn khác cũng chạy đến tiếp tay. Cuối cùng chúng tôi  hạ hết dám cỏ to lớn kia, (nói chúng tôi nhưng thật ra tôi chỉ có bổn phận gôm cỏ lại để cột từng bó), tôi lại biết thêm một dụng cụ nhà nông là cái cuốc và trong buổi sáng nay tôi hân hạnh được quen với “anh”, một người bạn tốt mà sau này chúng tôi trở thành đôi bạn chí thân.
   Về đến nhà tôi thấy anh rể ra đón tận cửa vẫn nụ cười mỉm và ánh mắt trêu chọc, nhưng có lẽ nhìn thấy hình dóc và gương mặt của tôi sao mà thê thảm qúa cho nên anh đã bỏ ra sân, còn lại tôi với đôi cánh tay rã rời, nhưng lòng tôi cảm nhận một niềm vui lâng lâng, cuộc đời học sinh của tôi đang lật sang một trang mới. Mở đầu với buổi sáng thực hành thật ấn tượng khó quên, tôi tin rằng những trang kế tiếp sẽ lần lượt trãi đầy với bao kỷ niệm tuyệt vời cùng bè bạn, thầy, cô. Những ngớ ngẩn hồn nhiên lúc ban đầu ở ngôi trường NLS Cần Thơ thân yêu này.
   Nửa niên học trôi qua, dần dà tôi quen tay xử dụng cuốc xẻn, thuộc lòng từng tên loại thảo mộc. Môn chánh của tôi là chăn nuôi gia súc. Thú thật mặc dù tôi chọn môn học nầy nhưng tôi lại không thích tiếp xúc với chúng, nhất là những loại như thỏ, mèo, heo… Thật là trớ trêu, tôi còn nhớ có một lần cả nhóm được đưa đến một nông trại thật lớn để thực tập chích ngừa heo, lúc cầm trong tay ống chích, mặc dù đã qua thời gian học và thực tập trong lớp rất kỷ lưỡng, nhưng lúc đó tay tôi rung lên bần bật trong khi chờ đợi đến lượt của mình.
   Tôi  tựa vào hàng rào để làm quen với bầy heo, bất chợt tôi cảm giác như có vật gì đang di chuyển nơi cánh tay, một con... rồi rất nhiều… con sâu rọm...! Thật khủng khiếp, chúng đang bám vào hàng rào, và lúc đó tôi đã hét to hơn giọng Elvis Phương hát bài “Giết Người Trong Mộng”, hơi mạnh và dài hơn cả giọng Thái Thanh với bài “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà”.
   Cơn sợ hải chưa hết, thì cô giáo gọi tới phiên mình vào, tôi bước đi như mộng du, leo qua chấn song sắt, tiến đến bầy heo con để ra tay, lòng không yên, có cảm giác gì đó không ổn, vừa kịp nhìn lại phía sau tôi đối đầu với bà heo mẹ đang sòng sọc lao tới để ăn thua đủ với kẻ muốn bắt con của bà. Mặt tôi xanh như tàu lá, chân như bị chôn tại chỗ, đầu óc mơ hồ nhưng bên tai vẫn nghe lao xao tiếng nói của bạn bè:
   - Nhảy ra hàng rào nhanh, lẹ lên!
   Giờ đây nhớ lại da tôi vẫn còn mọc gai, và cũng không hiểu bằng phương pháp nào với thân hình nhỏ bé không biết võ thuật nhưng tôi đã phi thân ra khỏi trại nhanh một cách không ngờ, trước khi nạp mạng cho “bà heo mẹ” khổng lồ.
  Hầu như những ấn tượng khó quên đều xảy ra trong những giờ thực hành nông trại. Trong một lần phân công, mỗi học viên phải tự lên liếp tự trồng rau và bón phân để Thầy chấm điểm; với sự cố gắng tốt nhất, cố vượt qua bao khó nhọc, kết quả luống rau của tôi đã xanh tươi và cao lớn, niềm vui chan hòa làm lòng tôi  phấn khởi  chờ đợi ngày chấm điểm. Nhưng tài bất thắng Thiên, tai họa bất ngờ đến cho tất cả chúng tôi, trước một ngày nhóm trẻ giữ bò đã để chúng đi lạc vào vườn rau thế là trong một thoáng tất cả đều bị tàn phá thê thảm. Ngày chấm điểm cũng đến, buổi sáng thê lương một số liếp rau may mắn vẩn còn nguyên nhờ nhóm người chăn bò phát hiện, nhưng một số liếp khác (trong đó có của tôi) thì bị chà đạp không thương tiếc bởi đàn boòoo... Thầy đến nhìn  hoàn cảnh chung quanh với những gương mặt ủ rủ của chúng tôi chắc thầy cũng xót xa, không khí thật căng thẳng, thầy nghiêm giọng hỏi: “Chuyện gì đã xãy ra?”
   Tôi nghĩ tất cả mọi người chỉ chờ giây phút đó, thế là đồng thanh tranh nhau mà nói: “bò ăn... Thầy”, “bò đạp... Thầy”, “bò cắn... Thầy” ...
   Gương mặt thầy đỏ lên, thầy lớn giọng: “Thôi đủ rồi! Thầy biết rồi! Các em nói gì mà nghe rùng rợn quá...” Một phút im lặng, tất cả hiểu ra và sau đó là một trận cười hả hê đồng thời đã quên luôn chuyện đám rẩy bị tàn phá.
   Dòng thời gian có bào mòn đi những chứng tích, có thay đổi thể chất của con người, có thoái hóa đi những mộng ước xa xưa, nhưng kỷ niệm thì luôn tồn tại và vĩnh viễn sống mãi trong ký ức của chúng ta.
   Hôm nay những học trò áo nâu  góp những bàn tay, gom nhặt tất cả hồn nhiên, thơ mộng, táo bạo, yêu thương, thành công, thất bại, vui sướng, buồn đau, gói gém vào quyển LBNX như một niềm hãnh diện, hạnh phúc vô biên, những chia sẻ tuyệt vời trong cái nôi êm ấm, những cánh chim xưa đang cố vượt không gian và thời gian để trở về tìm lại những dấu yêu, như phần thưởng cuối đời cho những mái dầu xanh hôm nào giờ đã pha sương.
 
Quan Ngọc Anh 72-75(MS2) ngày 24-07-2010
Riêng tặng “anh” và bạn bè cũ của lớp 10MS2(72), thân ái!

 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860289 visitors (2230768 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free