TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Bước ngoặc mới
 
Lên mạng ngày 23/3/2010





 
   - Phải chuyển trường chuẩn bị thi vào Nông Lâm Súc.
   Đó là lời nói của mẹ tôi, thật lòng tôi không muốn nhưng không còn con đường nào khác để chọn, qua một vài đêm suy nghĩ, sau cùng tôi quyết định vâng lời mẹ và cũng để mẹ mình vui lòng, tôi ráo riết ngày đêm ôn tập chuẩn bị thi tuyển vào trường mới, nào là định lý Pythagore, Thales, Hóa Học...
   Thấy tôi ngày đêm miệt mài với sách vở, nhỏ bạn Dương Thị Phấn học chung lớp ngồi cùng bàn cứ theo tôi mà hỏi:
   - Vì lý do gì mà chuyển trường, suy nghĩ kỹ chưa?
   Tôi ngậm ngùi trả lời.
   - Hai chị em mình cùng học trường bán công, hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, mẹ lo đủ ăn đủ mặc đã vất vã rồi còn tiền đâu mà đóng học phí, nên phải chuyển trường thôi Phấn à! Mình có hai con đường để chọn, phải học trường công hoặc bỏ học.
   Phấn xúc động nói:
   - Như vậy mầy bỏ đi, mình xa nhau thật sao?
   - Khác trường nhưng vẫn gặp nhau mà – Tôi trả lời. Năm đó tôi học ở Cái Răng, trường xây dựng dở dang nên học tạm ở Trại giáo huấn thiếu nhi gần ngã ba Đầu Sấu làm cơ sở giảng dạy, tuy chật hẹp nhưng đầy tình cảm bạn bè mến thương.
   Ngày nộp hồ sơ dự thi với tâm trạng trái ngược nhau, vái trời thi đậu cho mẹ vui lòng và mong muốn rớt để học lại trường cũ với bạn bè trong đó có Phấn người bạn thân thiết nhất hiểu tôi nhất chia sẻ niềm vui nỗi buồn, lúc ba tôi mất Phấn là nguồn động viên an ủi tôi cố gắng vượt qua nỗi đau khổ nầy và nhất là không được bỏ học, chăm sóc lo cho tôi như chị em trong nhà, trong cặp lúc nào cũng dành cho tôi lúc gói xôi, khi khoai mì, nhất là trái cóc, ổi, mận, xoài...  
   Đến giờ thi mà trong lòng ngổn ngang, nhớ lời mẹ dặn, nhớ bạn, đầu óc quay cuồng, cuối cùng tôi cũng làm xong bài thi và là người nộp bài sau cùng cho giám thị.
   Về đến nhà mẹ hỏi:
    - Sao mặt mày bí xị, như mất trâu vậy, có làm bài được không con gái?
   Tôi chậm rãi trả lời, trong lòng có chút lo âu:
   - Dạ thưa được mẹ à!
   - Thôi chuẩn bị cơm nước đi còn nghĩ ngơi chiều còn thi nữa, cố gắng nghe con đừng để vong linh ba buồn - Mẹ tôi nói.
   Tôi cố gắng đi đến trường sớm để lo thi buổi chiều.
   Buổi chiều thi Kiến thức Nông nghiệp, thật tình toán, lý, hóa còn làm được, chứ kiến thức nông nghiệp thì chỉ biết loáng thoáng làm ruộng thì dùng máy cày đất, không có máy thì dùng Trâu để cày, gieo sạ hoặc cấy lúa rồi bón phân, nhổ cỏ dại… chờ lúa chín thì gặt xong đổ vô bồ vậy thôi. Ở phía sau nhà tôi có chuồng heo, lúc nào trong chuồng cũng có vài con heo Ba Xuyên, nuôi heo chẳng khó khăn gì, cứ xúc cám xắc chuối cây trộn lại, hốt phân quét chuồng, chờ heo lớn đủ ký thì kêu người đến cân thế là xong... Nhà bên cạnh có nuôi vịt, thấy người ta hằng ngày quăng lúa cho ăn, xong đàn vịt xuống ao vẩy cánh bơi lội… Như vậy là có kiến thức về nông nghiệp tốt quá rồi, và một chút tự hào về mình.
   Đến giờ thi buổi chiều , sau khi chép và đọc kỷ đề thi, trán tôi rịn mồ hôi hột, hai tay lạnh cóng. Trong đề có câu hỏi “Cây lúa miếng” Thôi chết rồi cái tên chưa từng nghe bao giờ, làm sao đây chẳng lẻ nộp giấy trắng, và nghĩ trong đầu lúa Miếng, lúa Thái, lúa Thần Nông lúa nào cũng là lúa, miễn sao sau khi thu hoạch chà ra gạo tốt là được, định viết qui trình khung rồi viết thành bài: Cày – cấy –  bón phân - dẫn thủy – gặt – tuốt lúa- phơi khô xong đổ lúa
vào bồ, nhưng trong lòng còn hơi do dự và tự hỏi không lẻ đề thi đơn giản vậy sao?
 Thấy tôi cứ cắn bút suy nghĩ, trên giấy chưa có một chữ? Thời gian cứ chầm chậm trôi qua tôi cũng chưa có chữ nào. Lúc đó thấy mặt tôi chắc “hoàn cảnh” lắm, thầy giám thị thông cảm đến và nói.
   - Thời gian không còn nhiều em cố gắng làm bài đi!
   Tôi thật thà trả lời thầy:
   - Thưa thầy em không biết cây lúa Miếng là cây gì, nó như lúa Thần nông không thầy?
   Thầy cười hơi hóm hỉnh có vẻ như hiểu được trình độ kiến thức của tôi.
   Sau đó thầy gợi ý sơ lược về qui trình trồng lúa miếng còn tên gọi khác là cây Bobo hoặc Shortgo. À thì ra lúa miếng là cây bobo thân cây giống như cây bắp, có hạt to như hạt chuỗi, dùng để làm thức ăn gia súc, tôi hiểu rồi.
   Vậy là tôi nắm được vấn đề và viết một mạch đến khi chuông reo và cũng là người nộp bài sau cùng như buổi sáng.
   Hai tuần lễ sau tôi đến trường dò tên mình trong danh sách thí sinh trúng tuyển niêm yết tại khu văn phòng hiệu trưởng và kết quả tôi đậu thứ hạng 11. Tôi nhảy cẩng lên quay lại thấy có vài mươi cặp mắt nhìn mình, nhưng không sao, tôi vội lên xe đạp một mạch về nhà. Mừng tôi trúng tuyển vào trường Trung học Nông- Lâm-Súc Cần-Thơ bằng một chầu đá đậu Đoàn Thị Điểm do Phấn người bạn gái thân nhất thếch đãi.
   Không có niềm vui và sung sướng nào của ông bố bà mẹ khi thấy con mình đỗ đạt, để khích lệ và thưởng, mẹ tôi dẫn tôi đi chợ mua sắp vải màu nâu về may áo dài chuẩn bị cho tôi vào năm học mới, ngôi trường mới, bạn bè mới tất cả đối với tôi đều mới lạ.
   Ngày học đầu tiên, của trường mới, không có cảnh “...Mẹ nắm lấy tay tôi đi trên đường dài nhỏ hẹp còn đọng hơi sương… Những kỷ niệm ấy tôi khó quên và ngày xưa tôi không biết viết và bây giờ tôi không nhớ hết...”. Tôi bây giờ là một thiếu nữ và tự đạp xe đi học chứ không như chú bé của Thanh Tịnh ngày xưa.
   Ngày khai trường, tôi nhập học lớp 8 Trường Trung-Học Nông- Lâm-Súc Cần-Thơ sỉ số trong lớp là 45 học sinh gồm nam và nữ học chung nhau, điểm danh, nghe nội qui... sau buổi sinh hoạt  nhập học, thầy giám thị cho về sớm.
   Trong cuộc đời ai cũng trãi qua một lối rẽ khác, khi lối rẽ mới nầy hình thành cũng là đánh dấu một bước ngoặc mới làm thay đổi toàn bộ sinh hoạt học tập đời sống hằng ngày, tôi từ giả mái trường phổ thông vào môi trường mới học lý thuyết và thực hành chuyên môn ở một trường chuyên nghiệp mà từ nay ngày hai buổi trao dồi kiến thức nông nghiệp để làm hành trang vào đời.
   Rời khỏi lớp, tôi tản bộ vòng vòng trong trường và có dịp ngắm toàn bộ khuôn viên trường, một ngôi trường khá rộng, có ruộng lúa, hàng dừa cọ, ấn tượng nhất là có khu vườn đầy hoa tim tím rất đẹp, tôi không biết tên loài hoa lạ nầy nó trông giống như hoa anh đào Nhật Bản.
   Nắng ấm tỏa sang trên bầu trời trong xanh cao vút, tôi thong thả dắt xe, một loại bông nho nhỏ màu vàng nhạt trên thân cây già, là đà gió cuốn bay theo như tiển tôi ra khỏi cổng trường…
   Cũng như mọi ngày trên chiếc xe đạp cũ, hôm nay trong chiếc áo dài “nâu sòng” sẩm màu phù sa, trên con đường qua cầu Đôi Mới, chiếc cầu một chiều nầy, thấy khác lạ mọi vật chung quanh tôi dường như chào đón vui vẻ mĩm cười, con đường bổng dưng trở nên đẹp thêm gần gủi thân thuộc hơn, trong lòng tôi xôn xao một cảm giác khó tả cái cảm giác của một bước ngoặc mới đang len lỏi hình thành trong tôi, một bước ngoặc làm thay đổi cả cuộc đời.
 
  
 
 
Vườn Thủy Lâm-1972.Từ trái- phải:1.Nguyễn Kim Lang(Cao Lãnh), 2.Nguyễn T Lệ Thu (Bến Tre), 3.Nguyễn T Diệp (CT), 4.Lê T Lương Hoàng (CT), 5.Cô Giáo, 6.Hà T Ngọc Liên(Gò Công), 7.Bùi T Thúy Liểu (CT), 8.Nguyễn T Mỹ Ngọc (CT)
 
Duyên Duyên lớp 8-70& Lê Thanh Quang 10MS1-74,ngày 15/3/10

Trở lại LBNX
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860213 visitors (2230666 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free