TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Cây nêu
 
Lên mạng ngày 5/2/2010


 
CÂY NÊU
   Vào cuối thập niên 1950 ở quê tôi, vùng đất phù sa đồng bằng sông Cửu Long, vẫn còn tục lệ: “Cu kêu ba tiếng cu kêu, Mong cho đến tết dựng nêu ăn chè”. Cây nêu là thân cây tre thật cao được dựng lên trước sân nhà vào dịp tết, Dân gian đã lý giải thế nào về tục lệ trồng cây nêu? Đấy là sự tin tưởng ngăn không cho điều xấu vào nhà. Đây là truyền thuyết biểu tượng của sự đấu tranh để bảo vệ cuộc sống bình yên. Thời ấy người ta quan niệm rằng ngày tết thần linh về trời, nên tin tưởng cây nêu có sức mạnh chống sự xâm nhập của ác quỷ lúc trong lúc mọi người đang vui chơi trong mấy ngày tết.
Cây nêu cao vút là thân cây tre già được tỉa sạch nhánh lá, trên ngọn cây nêu treo một khuôn gỗ vuông vức nhẹ màu trắng, buộc nhiều thứ như vàng mã kèm với lá hình bát quái để trừ tà, kèm thêm mảnh xương rồng, trầu cau… Và đặc biệt là giải cờ lụa màu đỏ thắm dài bay phất phới trong gió gọi là “phướng”, phần trên của phướng được quấn lá bùa vải trắng viết đầy chữ Nho hai mặt, phần dưới của phướng cũng được in đầy chữ Nho hai mặt, đuôi phướng là chùm chỉ lụa dài màu đỏ tươi. Cây nêu được dựng lên từ ngày 23 tháng chạp gọi là ngày dựng nêu, sáng sớm gia chủ mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, soạn một mâm gồm có ngủ quả, bông trang, chè, xôi, nước lã, nước trà, nhang, đèn... cung kính khấn vái rồi lạy dưới chân cây nêu. Đến ngày 7 tháng giêng âm lịch là ngày hạ nêu, tất cả công việc làm ăn phải chờ sau ngày hạ nêu. Nguyên khởi cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ tà. Các đồ lễ treo trên ngọn cây nêu được biểu tượng là cây vũ trụ nối liền đất với trời, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của con người. Dựng nêu có dụng ý để trừ đều xấu. Và còn có sự tin tưởng thờ phụng thần linh, hương hồn của ông bà tổ tiên, đồng thời cũng tin tưởng rằng tảo trừ hết những điều xấu của năm cũ.
   Quan niệm khác lại cho rằng thời điểm cuối năm là thời điểm nhà nông nhàn rỗi nên chuẩn bị bước vào “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động đều dừng lại. Tin tưởng thiêng liêng tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ bước sang năm mới. Mọi người yên tâm ăn chơi vui vẻ hả hê hầu quên đi những nhọc nhằn trong năm cũ. Cây nêu được dựng lên nhằm để cáo tế thần linh và cầu mong ơn trên phò hộ cho mùa màng sẽ tươi tốt vào năm mới. Hiện nay, phong tục “trồng cây nêu” vào dịp tết có từ tổ tiên ta không còn nữa, mà được thay thế là việc cùng nhau thi đua “trồng cây hoa anh đào”, “trồng cây hoa mai”, “trồng cây hoa vạn thọ”,… Tuy nhiên sự tin tưởng cúng lạy để tưởng nhớ ông bà tổ tiên cùng thành tâm cầu nguyện đấng thiêng liêng mang đến điều lành khi chuẩn bị bước sang năm mới vẫn còn như xưa. Mỗi năm vào ngày đưa ông táo về trời gợi tôi nhớ lại câu hát trong dân gian mà mình đã từng nghe hồi thời thơ ấu: “Cu kêu ba tiếng cu kêu, Mong cho đến tết dựng nêu ăn chè.”.  

Trần V Diên 10CT-70, Sàigòn 18-01-2010
 
     
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860173 visitors (2230616 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free