TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Thư pháp Việt Nam
 
Lên mạng ngày 5/2/2010

THƯ PHÁP VIỆT NAM

 
   Ở Việt Nam thuở xưa, vào mỗi dịp Tết, người dân hay đến nhà Thầy Ðồ thỉnh chữ về treo như một bức tranh, vừa là trang trí cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ cho chữ bằng cách viết chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét
 chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là Thư Pháp. Thư Pháp là phương pháp viết chữ đẹp.
   Thư pháp là một môn nghệ thuật phát xuất từ Trung Hoa và đã được các nước Nhật, Triều Tiên, Việt Nam… âm thầm chấp nhận và lặng lẽ duy trì.
   Ở phương Ðông, nói đến môn Thư Pháp, người ta thường nghĩ đến cách viết chữ Hán với phong cách đặc biệt. Dùng cây bút lông, mực và giấy người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ vươn lên đỉnh cao với tính triết học trong đời sống.
 Ở Việt-Nam vào thời điểm nầy, có lẽ ngoại trừ một số người lớn tuổi thâm Nho mới đọc được chữ Hán, chữ Nôm, hầu hết không hiểu đặng.
   Bởi vậy tại sao ta không viết thư pháp bằng tiếng Việt? Viết chữ Việt cũng đẹp vậy, bởi vì sao giải thích được rằng: Sao là đẹp? Sao là không đẹp? “Biết đâu cái gọi là đẹp đối với ta, chắc gì gọi là đẹp đối với kẻ khác! Biết đâu cái gọi là đẹp đối với ta bây giờ chắc gì gọi là đẹp đối với ta sau nầy” (Trang Tử).
   Theo các bậc khoa bảng thời xưa, việc chọn một câu văn một bài thơ để viết lên trang giấy là việc cần hết sức cẩn trọng. Vì ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ, nội dung một bức Thư Pháp còn chứa đựng cả tư tưởng, kiến thức, tâm hồn… Khi cầm bút, ngoài thể hiện những đường nét hoa văn rồng bay phượng múa, các Thư Pháp Gia còn phải “nhiếp tâm” với những gì mình trình bày.
   Phong trào viết Thư Pháp ở Việt Nam đã được khôi phục một cách mạnh mẽ từ khoãng 10 năm nay. Nhiều Câu Lạc Bộ viết Thư Pháp được thành lập trong các thành phố lớn vào dịp Tết hằng năm. Đã có nhiều “Thư Pháp Gia” tổ chức những cuộc triển lãm Thư Pháp như những hoạ sĩ triển lãm tranh vẽ của mình.
 
   Môn Thư Pháp xưa có nhiều qui tắc, sau đây là vài nguyên tắc chánh:
   *Chương Pháp: Là nguyên cứu phương pháp phân bố chữ với chữ, hàng với hàng, và các hàng với toàn bộ bức thư pháp. Một bức thư pháp thành công hay không là do ở chương pháp.
   *Hình Dạng: Có bốn hình dạng chánh là Hình chữ nhật đứng (Trung Đường), Hình chữ nhật ngang (Hoành Phi), Hình vuông (Ðấu Phương), Hình mặt quạt (Phiến Diện)
   *Ấn Chương hay con dấu, con triện: Là một nét văn hoá rất độc đáo yếu tố quan trọng của một bức Thư Pháp. Nguyên tắc là khắc chìm, khắc nổi, hay nữa chìm nữa nổi.
   *Vị trí đặt con dấu: Ðóng ở bên phải, phía trên gọi là Nhân Chương. Ðóng ở giữa gọi là Yêu Chương. Đóng ở phía dưới, bên trái gọi là Danh Chương.
 
   Thư pháp Việt Ngữ không hoàn toàn theo qui ước đóng dấu của người Trung Hoa mà theo cách thực hành sau đây :
   - Khi tác giả vừa là tác giả nội dung (Ý) vừa là tác giả hình thức (Hình); hoặc tác giả Hình nhưng Ý là các câu văn thơ cổ (hết bản quyền) thì con dấu ở vị trí dưới, phải. Hoặc có thể thêm một dấu ở trên trái như dấu treo. Như vậy được gọi là Toàn Triện.
   - Khi tác giả Hình viết Ý của tác giả khác (văn, thơ...) nhưng chưa có sự đồng ý của tác giả đó thì con dấu của tác giả Hình đặt bên dưới phải, còn bên trái ghi tên tác giả Ý và người viết phải ghi “thủ bút” hoặc “viết”. Vị trí nầy tạm gọi là Bán Triện.
  - Khi tác giả Hình viết Ý của tác giả khác (văn, thơ...) có sự đồng ý của tác giả Ý thì được quyền đóng dấu ở dưới bên phải nhưng phải đề tên tác giả Ý phía trên cao bên trái; và người viết phải ghi chữ “thủ bút” hoặc “viết”. Vị trí nầy tạm gọi là Ðồng Triện.
   - Trường hợp ngoại lệ : vì lý do bố cục mà người viết không thể sắp xếp được vị trí nơi đóng dấu thì được đặt dấu ở vị trí khác nhưng phải ghi rõ tác giả về Ý. Vị trí nầy tạm gọi là Ngoại Triện.
 
Các kiểu chữ trong Thư pháp: Thư Pháp Việt Ngữ hiện nay xuất hiện với 5 kiểu chữ:
   1-Chữ Chân Phương gọi là Chân Tự, là cách viết rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường.
   2-Chữ Cách Diệu gọi là Biến Tự, là cách viết biến đổi từ chữ Chân Phương mà ra nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo ra cái lối viết riêng của mình.
   3-Chữ Cá Biệt là Cuồng Thảo, là lối viết Thư Pháp mà người phóng bút “nhiếp tâm” giữa tư tưởng và quản bút. Lối viết chữ nầy thể hiện cá tính của người viết, nhìn vào kiểu chữ nầy, người xem liền biết tác giả mà không cần xem bút ký.
   4-Chữ Mô Phỏng là lối viết mô phỏng dựa theo kiểu chữ của nước ngoài. Có người viết chữ Việt nhìn vào ngỡ là chữ Tàu, Ả Rập, Miên, Lào...
   5-Chữ Mộc Bản là kiểu chữ giống như chữ khắc trên mộc hoặc như kiểu thợ sắp chữ của nhà in mà khi viết thì theo một phương pháp đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu. Nhìn vào chữ có dạng Hán-Nôm nhưng đó lại là chữ Việt viết đảo ngược.
   6-Ngoài ra trong một số tranh Thư Pháp còn có hình ảnh minh họa về thiên nhiên, trong đó phần tranh có thể chiếm khoãng không gian lớn hơn phần chữ. Với đặc trưng nầy Thư Pháp trở thành Thư Họa.

  
   Trong một số người viết thư Pháp, có nhiều người là họa sĩ, họ thường biến chữ thành tranh, tranh là hình ảnh của chữ. Lối viết nầy tùy sở trường của mỗi Thư Pháp Gia.
 
Trần V Diên 10CT-70 ngày 05-02-2010

Trở lại Xuân Canh Dần
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860155 visitors (2230597 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free