TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Virus thực phẩm
 
Lên mạng ngày 1/3/2010

Virus thực phẩm
 
                                    Nguyễn Thượng Chánh, DVM
 
 
Keywords: Virus alimentaires, Foodborne viruses.
 
 
Từ trước tới nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thường đặt trọng tâm vào vấn đề kiểm soát sự lây nhiễm của vi khuẩn vào thức ăn.
 
 Gần đây qua khảo cứu, Gs Sair của Hoa Kỳ đã cho biết trong tất cả các ca ngộ độc thực phẩm mà người ta đã xác định được nguyên nhân thì phần lớn hết 67% là đều do virus gây ra và phần nhỏ 30% thì có nguyên nhân từ vi khuẩn.
 
 
Virus thực phẩm là gì?
 
Đây là những virus sống trong đường tiêu hóa của người (virus entériques humains) được thải ra ngoài theo phân và nhiễm vào thực phẩm, từ đó lây nhiễm vào miệng của người khác (contamination oro fécale).
Thực phẩm làm trung gian đem virus vào cơ thể. Trong thực tế, có rất nhiều virus được tìm thấy trong ruột chúng ta nhưng chỉ có một vài loại mới thật sự dự phần trong vấn đề lây nhiễm xuyên qua thực phẩm. Chúng được gọi là virus thực phẩm.
 
Các virus lây nhiễm qua thực phẩm và qua nước được chia ra thành ba nhóm tùy theo loại bệnh gây ra.
 
Có ba nhóm virus thực phẩm
 
1-      Virus gây rối loạn tiêu hóa (gastroentérite):
 
Trong nhóm nầy thường gặp nhất là Rotavirus và Norovirus...
 
 -Rotavirus được xác định năm 1978 bằng kính hiển vi điện tử. Virus có thể tồn tại hằng tháng ở nhiệt độ 4 độ C hay ở điều kiện pH acid 3-3,5...
Nó thường là tác nhân chính gây rối loạn tiêu hóa nặng ở trẻ em dưới 2 tuổi nhưng triệu chứng nhẹ hơn ở người lớn.
 Bệnh không mấy quan trọng ở các quốc gia kỹ nghệ nhưng ngược lại Rotavirus là một vấn đề rất trọng đại tại các quốc gia đang phát triển. Ước lượng hằng năm trên thế giới có vào khoảng 600.000 trẻ em chết vì Rotavirus. Triệu chứng thường thấy là: sốt, nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy và đôi khi biểu lộ một cách tạm thời dấu hiệu bất dung nạp đường lactose của sữa (lactose intolerance). Triệu chứng kéo dài từ 3 đến 8 ngày...
 
-Norovirus do thức ăn mang vào và chiếm hơn 50% ca rối loạn tiêu hoá.
 Norovirus thuộc họ Caliciviridae và là một loại ARN virus...
 
Mấy lúc gần đây, tại Bắc Mỹ đã xảy ra nhiều dịch bệnh rối loạn tiêu hoá do Norwalk virus gây nên. Được biết Norwalk virus là một Norovirus (NoV) mà ngày xưa người ta thường hay gọi là Norwalk like virus (Virus NLV).
 
Virus Norwalk được tìm thấy dưới kính hiển vi điện tử năm 1978 từ mẫu phân của một bệnh nhân ở Norwalk, Ohio.
 
 Virus nầy có thể sống rất dai trong điều kiện môi sinh khắc nghiệt như nó có thể sống hằng năm trong điều kiện đông lạnh hay ở nhiệt độ nóng 60 độ C trong 30 phút hoặc ở môi trường chlore 6,25mg/lít.
 
Triệu chứng chung là nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau nhức các bắp cơ, sốt nhẹ, nóng lạnh. Bệnh thường khỏi sau hai ba ngày. Trẻ em thường nôn mửa nhiều hơn người lớn. Norovirus có khả năng lây nhiễm rất cao. Virus hiện diện trong phân và trong nước ói mửa.
 
 Mấy năm gần đây tại Hoa kỳ và Canada đã xảy ra nhiều dịch bệnh do Norwalk virus gây ra trên các du thuyền (cruise ships) như Carnival Cruise Lines Liberty (Nov 2006), Freedom of the Sea và Sun Princess (Dec 2006), RMS QE2 (Jan 2007)
Mới đây, ngày15 Feb 2010, một dịch bệnh rối loạn tiêu hóa đã xảy ra trên du thuyền The Celebrity Cruises ship Mercury xuất phát từ Charleston, South Carolina để đi đến vùng eastern Caribbean. Có trên 400 hành khách đã ngã bệnh  như đau bụng, nôn, mửa và tiêu chảy.
Bệnh cũng thường hay xảy ra trong nhà thương, nhà nuôi dưỡng người già, trong nhà trẻ và trường học, v.v… Người già, người có sức miễn dịch suy yếu sẵn, phụ nữ mang thai và trẻ em có thể bị nhiễm bệnh nặng hơn các đối tượng khác.
 
Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên cũng là một cách đề phòng sự lây nhiễm của Norovirus.
 
 
2-      Virus thực phẩm gây viêm gan:
 
 
-Virus hépatite A, phát hiện năm 1908, đứng hàng thứ hai trong những bệnh ngộ độc thực phẩm do thức ăn mang vào...Virus hépatite A có thể tồn tại trong nước từ 3 đến 10 tháng. Virus bị hủy diệt bằng chiếu xạ và bằng nhiệt ở 56 độ C trong 30 phút hay 85độ C trong vòng 1 phút. Triệu chứng thường thấy là sốt nóng, nôn mửa, mất cảm giác đói bụng, mệt mỏi, nước tiểu vàng, vàng da và trường hợp nặng sẽ ảnh hưởng đến các chức năng của gan.
-Virus hépatite E được phát hiện ra vào năm 1983. Thường do nước bẩn nhiễm vào thức ăn...Bệnh hépatite E rất hiếm tại các quốc gia kỹ nghệ nhưng ngược lại là bệnh rất phổ biến tại các quốc gia đang phát triển. Triệu chứng hépatite E rất giống với triệu chứng bệnh hépatite A.
 
 
3-      Virus thực phẩm gây những bệnh khác:
 
 
Đây là các loại virus phát triển tăng số, gọi là làm réplication, trong ruột nhưng lại đi tấn công các cơ quan khác trong cơ thể. Chúng là những virus đường ruột hay Entérovirus mà quan trọng hơn hết là virus gây bệnh liệt chi và bại xuội mà người ta gọi là virus polio.
 
Virus thực phẩm bắt buộc phải sống ký sinh trong tế bào
 
Virus chỉ phát triển trong cơ thể mà thôi và nên nhớ là thuốc kháng sinh không có tác dụng diệt virus.
Để có thể phát triển tăng số, virus cần phải sống ký sinh bắt buộc trong những tế bào nào thích hợp với chúng.
 Đầu tiên, virus xâm nhập vào tế bào chẳng hạn như tế bào gan. Sau đó, virus truyền yếu tố di truyền ADN hoặc ARN của nó sang qua cho tế bào gan.
Từ giờ phút nầy tất cả chức năng biến dưỡng của tế bào đều do virus điều khiển. Tế bào gan trở thành nhà máy sản xuất ra các thông tin di truyền của virus cũng như tạo ra các protéine của virus.
 Qua cách nầy, hằng triệu phần tử virus (particules virales) mới được thành lập. Đây là hiện tượng réplication của virus. Đến một lúc nào đó tế bào sẽ bị hủy diệt đi, và phóng thích các phần tử virus ra ngoài để lây nhiễm môi sinh. (Xem hình: virus replication)
 
 
Virus thực phẩm rất ổn định trong môi sinh!
 
Virus chịu đựng rất dễ dàng những điều kiện khắc nghiệt của các phương pháp đông lạnh và trữ lạnh, là những kỹ thuật thường hay được áp dụng để làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn.
 Ngược lại, đối với virus đây là những phương pháp giúp nó có thể kéo dài thêm sự sống. Virus còn có khả năng chịu đựng được một số chất sát trùng thông thường cũng như độ pH acid của môi trường. Chỉ cần từ 10 đến 100 virus là có thể gây thành bệnh được rồi.
 
 
 
Thức ăn nào nguy hiểm nhất?
 
Sò hến sống bằng cách lược thức ăn trong nước, đều được xem là thủ phạm hàng đầu trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm do virus.
 Ngoài ra, các loại trái cây nhỏ như dâu Tây, rasberry, sữa, nước, bánh trái, v.v…cũng có thể bị lây nhiểm virus từ lúc thu hoạch, biến chế và phân phối đến bàn ăn của chúng ta.
 
Đa số các trường hợp ngộ độc thực phẩm do virus đều bắt nguồn từ con người mà ra.
 
Nếu thức ăn bị nhiễm virus trong lúc được biến chế thì rất có thể nó vẫn còn tồn tại trong đó mặc dù đã phải kinh qua nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất và bảo quản.
 
 Để hạn chế nguy cơ nhiễm virus vào thức ăn, nhà sản xuất phải đặc biệt quan tâm đến vệ sinh cá nhân của người làm việc cũng như của khung cảnh chung nơi sản xuất.
 
Rửa tay thường xuyên và mang bao tay lúc phải sờ mó vào thức ăn là điều kiện bắt buộc tại các nhà máy biến chế thực phẩm ở Canada.
Trở ngại duy nhất là những người có mang sẵn virus trong mình nhưng không có triệu chứng bệnh, gọi là những porteurs, họ có thể làm nhiễm virus vào thức ăn một cách vô tình mà thôi.
 
 
Làm sao xét nghiệm virus thực phẩm?
 
Thông thường người ta chỉ làm xét nghiệm để tìm virus khi nào có xảy ra một trường hợp ngộ độc thực phẩm nào đó mà thôi. Sự xét nghiệm dự phòng rất tốn kém nên trong thực tế không thể áp dụng được.
 
Có nhiều phương pháp được sử dụng để chẩn đoán virus gây bệnh.
 
 Phương pháp tìm virus trực tiếp từ phân bằng kính hiển vi điện tử hoặc qua phương pháp cấy tế bào (culture cellulaire).
 
Ngoài ra còn có các phương pháp gián tiếp bằng cách tìm kháng thể như ELISA (Enzyme linked ImmunoSorbent assay) và phương pháp xét nghiệm kháng thể huỳnh quang (immunofluorescence).
 
Ngày nay cũng còn có nhiều kỹ thuật rất tân tiến để chẩn đoán virus, chẳng hạn như áp dụng kỹ thuật RT-PCR (Reverse transcription Polymerase chain Reaction). Đây là phương pháp cho kết quả thật mau lẹ và thật chính xác hơn xa các kỹ thuật thường được sử dụng từ trước tới nay.
 
 
 
Kết luận
 
 
Tóm lại có 3 virus thật sự quan trọng...Tất cả đều hiện diện trong phân người và lây nhiễm qua ngõ miệng:
 *Norwalk virus(Norovirus): gây tiêu chảy và ói mửa. Sò hến nấu không thật chín là nguyên nhân gây bệnh.
 *Hépatite A virus: gây rối loạn tiêu hóa trước rồi kế tiếp là hại gan. Sò ốc tôm tép nấu không chín, nước bẩn dưới sông có nhiễm phân, rau cải trái cây rửa từ nguồn nước nầy đều là trung gian lây nhiễm virus hépatite A…Sự nguy hiểm khác là virus hépatiteA sống rất dai trong môi sinh, chịu đựng nhiệt độ khá cao và sự đông lạnh.
   *Rotavirus: thường tấn công gây tiêu chảy ở trẻ em. Nó cũng là một trong nhiều tác nhân bệnh tào tháo rượt du khách hay Tourista lúc đi du lịch các xứ nóng  Nam Mỹ hoặc Á châu.
Việc phòng ngừa là việc rất cần thiết và là điều quan trọng nhất...Cần tuân hành một số nguyên tắc vệ sinh:
         +Phát hiện những ai có mang sẵn virus trong người . Nói dễ nhưng khó thực hiện vì làm sao mà biết được người nào? Virus cũng có thể đã được gieo rắc ra ngoài trước khi người nhân viên đó cho thấy có triệu chứng bệnh.
         +Giữ vệ sinh cá nhân tối đa. Rửa tay thường xuyên.
         +Tôn trọng các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.
         +Nấu kỹ cho thật chín rồi mới ăn, mới uống.
         +Kiểm soát kỹ các vùng nước đánh bắt hay nuôi trồng sò hến.
         +Lúc đi du lịch các xứ nóng, ăn uống phải hết sức cẩn thận, nhất là vấn đề nước
           nôi, nước đá và rau cải tươi, v.v…
         +Tách riêng rẽ các thức ăn đã được nấu chín ra khỏi các thức ăn tươi chưa được   nấu.
          + Nên chủng ngừa hépatiteA và hépatite B trước khi đi du lịch các xứ nóng Á châu.
 
 
 
 
 
Tài liệu tham khảo:
 
 
 -Sair, A.I. et al. Human enteric viruses as causes of foodborne disease. Comprehensive Reviews in Food Science and Food Safety. 2002:1:73-89.
 -Koopmans, M.et Duizer, E.Foodborne viruses: an emerging problem. Int.J.Food   Microbiol 2004, vol.90 (1): 23-41.
 -Mead P.S.et al. Food related illness and death in the United States. Emerg. Inf.Dis. 1999; 5: 607-25.
 -CDC. Rotavirus, Norovirus, HepatitisA virus.
 
 
Montreal, March 01, 2010
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 791600 visitors (2091718 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free