Lên mạng ngày 1/2/2012
TRỜI ƠI, SAO TÔI KHỔ QUÁ!
Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan
Than vãn là chuyện rất bình thường hay xảy ra ở tất cả mọi người khi không được hài lòng về một vấn đề nào đó.
Nhưng lại có người…lạm dụng và trở thành có tật hay than về bất cứ chuyện gì, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, chuyện không thể thay đổi được, chuyện chẳng ăn nhằm gì đến họ, kể cả chuyện gì đâu đâu nếu không muốn nói là lãng xẹt, họ cũng đều đem ra để mà…than vãn với người khác.
Than hoài, than mãi, than vớ vẩn làm cho người nghe cảm thấy…bực mình bực mẩy, làm cho không khí trở nên u ám mất vui, và có khi còn làm cho người nghe bị buồn lây hay lo sợ vẩn vơ nữa.
Bệnh có tật hay than vãn, hay là bệnh than-kinh-niên là một vấn nạn trong xã hội ngày nay.
***
Hễ gặp mặt nhau là than
Bất cứ chuyện gì họ đều cũng có thể than được hết.
Trời mưa thì than là mưa sao buồn quá, ướt át không đi đâu chơi được.
Mùa hè có mặt trời thì than là nóng quá, chịu không nổi. Mùa đông thì than tuyết rơi suốt ngày chán quá, lạnh quá, đi đâu cũng trơn trượt khó khăn.
Gặp chuyện khó khăn trong công ăn việc làm bên nầy thì than khổ quá, và ước chi phải còn ở bên nhà thì sướng biết mấy (?).
Thiếu ăn thì than đói, còn ăn nhiều quá thì than no than khổ cho cái bụng.
Con cái khó dạy thì than con là nợ. Bị vợ cằn nhằn hay bị đì suốt ngày thì than vợ là oan gia, còn ngược lại đụng nhằm chồng cà chớn hay làm biếng nhớt thây thì than chồng là nghiệp chướng!
Con cái thì than cha mẹ ông bà hủ lậu, khó quá. Cha mẹ thì than sao tụi nhỏ ngày nay khó dạy quá.
Người mua than người bán ham lời bán mắc quá. Người bán than người mua là thứ đồ keo kiệt.
Trò than thầy, than cô sao nghiêm khắc quá. Còn thầy cô thì than học trò ngày nay sao cứng đầu quá, không biết lễ phép gì hết.
Họ than để mà than, để xả xú bắp và để được cảm thấy…nhẹ nhàng dễ chịu hơn.
Ông và Bà: người nào hay than
Đàn bà thường có khuynh hướng hay than vãn hơn đàn ông…Họ than bất cứ chuyện gì trong ngày để cho nhẹ người, than để mà than, chớ không có mục đích thật sự để tìm cách giải quyết vấn đề. Họ chỉ cần có người chịu lắng tai nghe mà thôi.
Đàn ông, ngược lại, than là để tìm một giải pháp cho vấn đề.
Nên nhớ là đàn bà và đàn ông hoàn toàn khác nhau: Ông đến từ sao Hỏa, còn Bà đến tử sao Kim!
Than thiệt hay than giả?
Thông thường là họ than thiệt. Họ là những người bị stress, không chấp nhận hoàn cảnh và thiếu tự tin nơi chính mình. Họ cần than vãn và cần có người để lắng tai nghe, để cảm thông hay để san sẻ nỗi niềm với họ.
Họ than chuyện hiện tại đã đành nhưng đôi khi than luôn những chuyện đã qua từ lâu, và cũng có khi họ than vãn những chuyện chưa xảy đến trong tương lai. Thí dụ như họ than hổng biết chừng nào họ chết, và lúc chết có đau đớn lắm không và sau khi chết rồi sẽ đi về đâu, vân vân.
Bên cạnh than thiệt cũng còn có những trường hợp than gỉả, than dỏm nữa. Có tiền, muốn giấu vì sợ thiên hạ biết hay sợ bị ganh tị ghen ghét hoặc sợ bị vay mượn thì họ than là gặp vận xui xẻo, tai nạn tốn hao quá, gia đình bên nhà đau yếu bệnh hoạn cần phải giúp đỡ, v.v…. Người nghe bị cho vô trồng mà hổng hay biết, mà còn chắc lưỡi thở dài, an ủi họ vài lời như ngày mai trời lại sáng, ráng cố gắng lên bạn ơi...
Thật ra, sự than vãn làm không khí bớt vui và có khi làm cho người nghe phải hồi hộp lo theo nếu tinh thần của người nầy không đủ vững.
Có khi họ than chuyện không có thật cũng là mục đích để xoi mói, tò mò muốn biết chuyện riêng tư của người khác. Họ rất sành tâm lý vì họ biết khi họ tuôn ra trước tâm sự của họ thì thể nào người nghe cũng đáp lễ lại và chia sẻ lại tâm sự riêng tư của chính mình.
Nhưng đôi khi vỏ quít dầy thì lại gặp móng tay nhọn. Đó là trường hợp cả hai đàng đều…dỏm hết.
Ngược với loại người mắc bệnh than thì có loại người mắc bệnh nổ như lựu đạn, đây là loại người hay khoác lác hoặc khoe khoang quá lố những gì thật sự ra họ không thể có được, để mà…bắt le thiên hạ. Một đàng thì quá tiêu cực, còn một đàng thì lại quá tích cực.
Tâm lý học nói gì về bệnh than-kinh-niên
Lisa H.Warren. Why do some people complain about everything
*/ Than vãn giúp cho họ có cái vẻ thông minh hơn, vì họ nghĩ rằng không một người thông minh nào mà vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh không tốt đẹp hay một món hàng quá tồi tệ hết;
*/ Có người sống quá lâu trong tâm trạng stress, lo âu, bất mãn hay đau đớn triền miên tới một độ không còn có thể chịu đựng được nữa nên họ cần phải phơi bày nó ra một cách huỵch tẹc, bằng cách…than vãn. Như vậy, họ hy vọng sẽ có người giúp đỡ;
*/ Họ hy vọng khi than vãn sẽ giúp họ gặp được những người đồng cảnh ngộ, nhờ đó họ cảm thấy được an ủi phần nào;
*/ Đôi khi có người thích than vãn vì họ cảm thấy việc đó làm cho họ vui vui. Thí dụ họ than vãn một cách khôi hài rằng trời mưa lớn làm cho việc đi ra bãi đậu xe quá khó khăn, đầu cổ ướt nhem như chuột, vân vân;
*/ Họ cảm thấy có cái quyền được nhận xét tiêu cực hay tích cực như là một cách nói chuyện cân bằng và đúng âm điệu. Tuy nhiên, cũng có thể có những người nghe cảm thấy khó chịu khi họ bị bắt buộc nghe những gì quá tiêu cực;
*/ Khi người ta than vãn trên giấy trắng mực đen (chẳng hạn như viết thơ gởi chánh phủ, hoặc người có trách nhiệm, hay gởi cho báo chí) về một việc nào đó, họ có hy vọng là vấn đề nêu trong thơ sẽ sớm được giải quyết. Ngược lại, họ nghĩ rằng nếu không có ai chịu lên tiếng trong đơn thơ thì chắc chắn là chuyện ở đâu cũng còn ở đó;
*/ Một số người có thói quen than vãn bất cứ chuyện gì, vì họ sống trong một gia đình mà sự than vãn thường hay xảy ra hằng bữa hằng ngày.
Làm sao đối phó lại những người có tật hay than vãn
How to deal with peole who always complain
Có bốn bước để thích ứng vào tình huống phải bị bắt buộc phải nghe than:
1/ Chấp nhận rằng mình không phải là thủ phạm hay đầu mối gây ra sự kiện làm người kia buồn lòng. Đó không phải là vấn đề do mình tạo ra. Chính người kia, người đang than vãn mới là vấn đề thật sự;
Accept that when you are being complained about for something you're sure you didn't do, then it's not your problem. Realize that you are not the problem, it's the one complaining who has a problem. That's right, they have a problem.
2/ Không để người kia lung lạc mình. Phải biết phớt tỉnh, coi như không có gì quan trọng đối với mình. Tỏ vẻ bất cần thí dụ như không thèm quan tâm đến những gì người kia nói;
Don't let this person's complaining get to you. Make your face neutral, put on the 'I don't care' look.
3/ Bảo họ viết hết những gì họ than vãn vô giấy tờ, và đề nghị họ đến gặp thẳng những người đã làm cho họ khổ. Chắc chắn trong đa số trường hợp là họ sẽ không dám viết. Và sau đó họ sẽ không còn than vãn nữa;
Ask the complainer to put their complaint in writing. Tell them that it is important that they only state the facts, not their feelings. Then encourage them to give their comments to the person(or persons) who can actually do something about their complaint. Nine times out of ten, they will stop complaining and they won't write anything down
4/ Hãy xem người than vãn như một đứa bé ba tuổi, cái gì cũng hay than và than không có lý do.
Think of the complainer as a three year old. Their life is more suited to a little kid than a teenager because all they do is whine and complain for no reason
Tại sao họ than
-/ Cái tôi của họ quá to lớn? Họ nghĩ rằng họ phải khá hơn mọi người nhưng thật sự ra thì không phải như vậy;
-/ Thường họ không được hạnh phúc nên phải than;
-/ Nếu họ than phiền bạn và đòi bạn phải xin lỗi nhưng bạn lại không có dính dấp gì đến sự kiện đó hết, thì đừng thèm quan tâm đến họ. Chẳng phải lỗi ở bạn và họ cũng chẳng bao giờ được hài lòng đâu;
-/ Khi họ than vãn, bạn có thể đề nghị ra các giải pháp. Đôi khi có trường hợp cũng giúp ích được cho họ, nhưng thường thì họ sẽ từ chối ý kiến của bạn như “tôi cũng biết như vậy nhưng…tại, bởi, vì, thì, là…”. Thí dụ: họ nói ở bên nầy cực quá, khổ quá, lạnh quá, thế nầy thế nọ thì bạn xúi họ về bên kia mà ở. Thường thì họ thụt liền, và hết dám than về chuyện đó nữa.
Hãy coi chừng
- Người nào thường hay than vãn một cách thái quá là người đang khổ tâm và muốn san sẻ nỗi khổ của họ qua cho người khác;
- Tránh xa những người tiêu cực thường có tật hay than thở nếu không muốn …bị nhiễm;
- Đừng bao giờ nói với họ câu: “đó là việc của anh (chị)” vì họ sẽ thêm bực bội, tức tối và có thể gây rắc rối cho bạn;
- Tỉnh bơ, không để cho họ lung lạc mình;
- Đừng bao giờ cố gắng áp đặt ý kiến của mình cho họ, vì như thế sẽ làm cho họ than vãn nhiều hơn nữa. Và hãy giữ một thái độ bình tĩnh, chỉ lắng nghe họ nói nhưng đừng để cảm xúc mình bị dính mắc vào đó.
Tôi không than vãn nữa
Luce Janin Devillars. Psychologie.com
Ngưng than vãn là mình bắt đầu biết nói chữ Không. Khi than vãn là lúc mình đồng ý nhận làm một việc nào đó nhưng biết rõ là mình không có một kinh nghiệm nào hết. Đó chẳng khác nào mình hy sinh bản thân cho người khác.
Có tật than vãn suốt ngày là một trở ngại trong việc phát triển nhân cách của chính mình. Mình thường nghĩ rằng trách nhiệm là ở nơi người khác hay ở tất cả mọi người. Nghĩ như thế làm cho mình không dám chấp nhận những khó khăn trong đời sống. Ngoài ra, sự than vãn triền miên làm cho mình không thể trưởng thành được.
Se plaindre sans cesse est un obstacle au développement personnel : on dit toujours que ce sont les autres, le monde, qui sont responsables. Ce qui nous évite de prendre notre histoire en main. En fait, être dans la plainte permanente est un moyen de ne pas grandir.
Muốn giảm bớt hay chữa bệnh than-kinh-niên thì hãy tạo cho mình một tánh tự-lập.
Có thể sử dụng các phương pháp tự rèn luyện nhân cách thí dụ như yoga, sophrologie (tập hợp các biện pháp thư giãn) hoặc thiền định đếm hơi thở, vân vân để giúp mình mở rộng tâm-thức của mình./.
Montreal, Feb 01, 2012