TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Phát triển lưu vực sông Mekong
 
Lên mạng ngày 19/8/2010

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LƯU VỰC SÔNG MÊ KÔNG
HAY LUẬT VỀ CÁI CHẾT NHÂN ĐẠO CHO SÔNG MEKONG.
 
KỶ QUANG VINH –PHI PHỤNG



Với Kế hoạch phát triển sông Mekong đến 2020 người ta chuẩn bị cái chết nhân đạo cho một dòng sông hùng vĩ, xinh đẹp và đang có sức sống mãnh liệt tại Đông Nam Á.
 

Cái chết nhân đạo cho dòng Mekong:
Tại “Diễn đàn các bên tham gia về Kế hoạch phát triển lưu vực sông Mekong lần thứ 3” diễn ra tại Vientiane, Lào, từ ngày 29 đến 30/07/2010 do Uỷ ban Sông Mekong tổ chức, cho thấy người ta đã soạn sẵn một kế hoạch chu đáo  nhằm từng bước giết chết dòng Mekong phục vụ cho những ý muốn chủ quan của con người. Kế hoạch phát triển lưu vực sông Mekong thật ra là Kế hoạch phát triển thuỷ điện để giải quyết vấn đề năng lượng cho các quốc gia có sông Mekong chảy qua mà thôi.
Diễn đàn mời gọi sự tham dự của hơn 260 đại biếu, từ các quốc gia trong vùng đến các nhà tài trợ quốc tế, nhưng chỉ có 6 người đến từ Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được mời.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường thành phố Cần Thơ, một đại biểu tham gia diễn đàn cho biết: “Tôi có cảm giác diễn đàn này là sự chuẩn bị về luật cái chết nhân đạo cho dòng Mêkong vì kế hoạch đã được định sẵn, chỉ còn chờ sự đồng ý của các bên là tiến hành”.
Việc xây dựng 8 đập thuỷ điện trên lãnh thổ Trung Quốc và 11 đập trên dòng chính của Thái Lan, Lào, Campuchia. Trong đó có đập Sambor (Campuchia), rất gần đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, chiều ngang 18km, cao 86m (nếu có xảy ra rủi ro, cả ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm trong nước). Điều này có nghĩa là dòng Mekong hùng vĩ sẽ biến thành 19 hồ trữ nước và các đoạn sông thiếu sự sống. Việc làm này gây hại cho khoảng 240.000 – 480.000 tấn cá tự nhiên của Việt Nam/năm (nếu tính giá trị kinh tế sẽ là gần 2 tỉ USD bị mất đi), đồng thời làm chế độ dòng chảy bị biến đổi trầm trọng. Các đập sẽ phải trữ nước trong mùa khô và xả nước trong mùa lũ, thêm vào đó là vấn nạn biến đổi khí hậu tại lưu vực, làm cho sự biến đổi dòng chảy của sông theo hướng ngày càng tồi tệ. Sông Mekong trong kế hoạch phát triển này sẽ trở thành dòng sông chết theo định nghĩa của Hiệp hội sông ngòi quốc tế.

 
 
Người dân và môi trường, sinh thái của lưu vực vừa bị tác hại từ các yếu tố khách quan, tự nhiên vừa bị tác hại từ ý muốn chủ quan của những người vận hành các con đập.
Nếu kế hoạch xây dựng 19 đập thuỷ điện trên dòng chính của sông Mekong được thực hiện, ĐBSCL sẽ rơi vào thảm hoạ. Bởi vì theo các nhà khoa học Việt Nam tham gia diễn đàn, ĐBSCL chỉ có thế mạnh kinh tế là lúa và cá là đáng kể. Hai nguồn lợi này sẽ bị gây hại trầm trọng vì chế độ thuỷ văn chắc chắn sẽ bị thay đổi, năng lượng của dòng sông bị giảm đột ngột, không còn sự chuyển mùa, phù sa ít đi, dòng di cư của các loài cá sẽ bị chia cắt, sự xâm nhập mặn sẽ ngày càng trầm trọng hơn, sự ổn định của đồng bằng sẽ không còn nữa; bên cạnh làm hại đến nguồn thuỷ sản tự nhiên của sông Mekong, và nguồn thuỷ sản ven bờ biển Việt Nam (khu vực từ Quãng Ngãi đến Hà Tiên, Phú Quốc) cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng vì không còn mối liên hệ giữa thượng nguồn và biển, không còn chất hữu cơ từ sông để nuôi sống lượng thuỷ sản ven bờ, ngành đánh bắt ven bờ có nguy cơ bị suy sụp…. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đất ngập nước ở ĐBSCL cho rằng thiệt hại cho thuỷ sản và lúa ở ĐBSCL sẽ gây ra thiệt hại dây chuyền, vì các loài cá trắng sẽ không thể di cư để sinh sản, mà đây là nguồn thực phẩm cho người nghèo, cho các loài chim cò, cá đen… sự mất đi của chúng sẽ kéo theo sự đói kém của các giống loài khác, trong đó có hàng triệu người nghèo… Mặt khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt như hiện nay, những tác hại đó sẽ càng ngày càng thêm trầm trọng.
Rồi một ngày không xa, dòng Mekong hùng vĩ sẽ trở thành một dòng sông chết, nhân danh một kế hoạch phát triển dòng sông.
 
Chia sẻ là không phải là chia cắt!
Theo Hiệp hội Sông ngòi quốc tế: “Chỉ cần 1 con đập trên dòng chính là đủ giết chết cả một dòng sông”. Ở đây, Uỷ ban sông Mekong đã trình bày kế hoạch phát triển đến 11 con đập trên dòng chính, chưa kể 8 con đập trên phần đất Trung Quốc, không khác nào giấy báo tử cho dòng sông.
Một số nhà khoa học Việt Nam đã đặt ra các câu hỏi, trong đó mở đầu là câu hỏi mang tính cơ bản: Tại sao phải là thuỷ điện? Vì để đáp ứng nhu cầu năng lượng người ta luôn có nhiều chọn lựa như phong điện (theo WB thì tiềm năng phong điện của Việt Nam gấp 200 lần thuỷ điện Sơn La), điện hạt nhân (với tiến bộ kỷ thuật sẽ có công suất cực kỳ cao mà lại an toàn hơn thuỷ điện gấp trăm lần). Ở một khía cạnh khác là câu hỏi nếu chúng ta không có sông MeKong thì phải giải quyết vấn đề năng lượng như thế nào, rõ ràng và chắc chắn là sẽ không có sự chọn lựa thuỷ điện.
Nhìn một cách khách quan, trong khi chúng ta luôn có nhiều sự thay thế, lựa chọn cho việc giải quyết vấn đề năng lượng, thì ngược lại, với sự mất mát của đa dạng sinh học hay cụ thể trong trường hợp này là các loài cá bản địa thì chắc chắn sẽ không còn cơ hội phục hồi hay thay thế loài này bằng loài khác được. Một loài thuỷ sinh mất đi, không đơn giản chỉ là loài cá, mà nó chính những lát cắt quan trọng trong lịch sử tiến hoá của loài người mà người ta cần bảo vệ, vì khi đã mất đi thì mãi mãi không tìm lại được.
Mặt khác, trong kế hoạch phát triển, Uỷ ban Sông Mekong chưa đánh giá được các tổn thất mà người nghèo trong lưu vực phải gánh chịu. Các chỉ số đánh giá mang tính cụ thể, cần thiết để so sánh, như diễn biến của: GDP bình quân đầu người ; bình quân lượng cá tự nhiên đánh bắt được; bình quân sản lượng lúa/đầu người; bình quân lượng điện/đầu người.. tính từ giai đoạn trước và sau khi xây đập thuỷ điện kéo dài đến 2020 và tính cho cả lưu vực, 750.000km2, sẽ thay đổi thêm bớt ra sao cũng chưa được đề cập đến. Đây là những thông số cần để cân phân quyết định chọn lựa giữa “lợi ích” về năng lượng trước mắt và “chi phí” thiệt hại lâu dài. Trong tương lai có thể ĐBSCL sẽ không còn đủ lương thực, thực phẩm cung cấp cho khu vực chứ chưa nói đến cho các nước và xuất khẩu. Đây có thể nói là thiệt hại dây chuyền và có thể dự báo trước.
          Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh mong mọi người hiểu rằng, theo xu thế xây dựng một nền kinh tế xanh đương đại: để xây dựng một đồng bằng bền vững, không gì khác hơn là phải trả những gì của tự nhiên về cho tự nhiên. Người ta có thể hợp tác để tìm cách phát huy năng lực tự nhiên của dòng sông, dựa vào phát triển hệ sinh thái của dòng sông để phát triển kinh tế địa phương chứ không nên áp đặt ý muốn chủ quan của mình vào tự nhiên, không nên hiểu chia sẻ là chia cắt, để rồi Trung Quốc xây 8 đập, Lào, Thaí, Campuchia mạnh ai nấy xây đập… và hậu quả có thể nhìn thấy trước là không ai được gì cả chỉ có người nghèo là khốn đốn. Chỉ có một con đường là con người cần biết sử dụng tiết kiệm tài nguyên của dòng sông, tiết kiệm năng lượng(đã có báo cáo tại các nước trong lưu vực cho thấy có trường hợp: một đập thuỷ điện được xây dựng phải di dời hàng trăm hộ gia đình nông dân nghèo chỉ đủ điện phục vụ cho một siêu thị), tác động một cách ít nhất vào hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo… thì mới mong có được sự phát triển bền vững, lâu dài.
Hiện nay thế giới có hơn 6 tỷ người, theo Liên hiệp quốc có hơn 2 tỷ người đang bị nạn đói ăn. Cũng theo Liên hiệp quốc đến 2050 dân số thế giới tăng lên hơn 9 tỷ người, trong khi diện tích đất nông nghiệp của thế giới không tăng lên mà còn bị giảm đi, thì lượng lượng thực để nuôi thêm hơn gần 3 tỷ người lấy từ đâu? Thế mà nhân danh phát triển, vì chứng nghiện năng lượng người ta đang chia cắt để đi đến huỷ diệt một khu vực sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới! Những người có liên quan, kể cả những nhà tài trợ quốc tế nên nhớ rằng con người đã từng sống không có điện mà không thể nào sống thiếu lương thực. Đừng bao giờ mang nặng ảo tưởng có tiền sẽ mua được tất cả!.. Theo tình hình trên, đứng trên góc nhìn kinh tế thì chúng ta càng thấy rõ lương thực sẽ là mặt hàng chiến lược cho tương lai của thế giới, giá lương thực sẽ ngày càng cao, hiệu quả kinh tế cho việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp sẽ cao rất nhiều so với thuỷ điện tại lưu vực sông Mekong.
Chỉ có bảo vệ được dòng sông Mekong như những gì vốn có của nó và cùng nhau chia sẻ những nguồn lợi mà dòng Mekong mang đến một cách thích hợp thì mới mong có sự sống ổn định, lâu bền. Chia sẻ để làm giàu thêm cho dòng sông và hàng triệu con người trên đó, nó không bao giờ có nghĩa là chia cắt như người ta đang định làm với dòng Mekong.
Cần Thơ, 18/08/2010.
 
Trở lại Trang Khoa Học
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 791789 visitors (2092215 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free