TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Nước: Một yếu tố của tứ đại
 
Lên mạng ngày 16/4/2011

 
NƯỚC:
Một Yếu tố Của Tứ Đại
Thái Công Tụng
 
 
Abstract: This paper examines the nature, properties, place, significance, importance, and role of water in the life and culture of this planet
 
 
1.Tổng quan
Các nhà hiền triết Hi Lạp cổ đại, từ Platon đến Socrate xem Nước là nguồn gốc của muôn loài vạn vật. Theo Phật giáo thì vũ trụ do bốn cái lớn trong vũ trụ: đất, nước, gió, lửa, còn gọi làTứ Đại. Bốn chất này đi liền với hành tinh Trái Đất ta đang sống. Đầu tiên là đất như đất nằm trên các lục địa như Mỹ châu, Á châu, Phi châu, tượng trưng cho chất rắn. Nước ngoài đại dương, trên sông ngòi, tượng trưng cho chất lỏng. Gió tức không khí giúp các động vật sinh sống, tượng trưng cho chất khí còn lửa là năng lượng cho mọi hoạt động của loài người có thể biến đổi chất đặc, chất lỏng thành chất hơi.
Trong cơ thể động vật cũng có Tứ Đại:
 .yếu tố đất[1]: như tóc, răng, da, thịt, xương, các cơ quan
.yếu tố lửa[2]  trong cơ thể giúp năng lượng cho sự hô hấp, tiêu hoá, tuần hoàn
.yếu tố gió[3]  như không khí trong phổi, hơi thở.
 
yếu tố nước[4] như máu, mồ hôi, nước mắt, nước tiểu
 
Nước liên quan đến nhiều chức năng trong cơ thể: sự tiêu hoá, sự tuần hoàn, sự hô hấp, sự thải hồi.
 
Trong cơ thể thực vật thì đất hoặc chất rắn là vỏ cây, thân cây; nước như nhựa nguyên chuyên chở các chất khoáng để nuôi cây; gió là không khí qua các khí khổng trong lá nhờ đó cây hút được chất CO2 qua hiên tượng quang hợp; lửa cũng là năng lượng chuyển hoá các dưỡng chất cho cây trồng.
 
Ta thường nghe quen chữ Lạc điền, Lạc Long Quân.. Theo giáo sư Lê Hữu Mục, thì các từ Lạc phải đọc là Đác và chữ Đác với thời gian trở thành Nác. Nác chính là từ cổ của chữ nước ta nói ngày nay. Nhiều nhà văn hoá học Việt đều cho rằng nước là một đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam hay nói tổng quát hơn, của văn hoá Việt Nam, như trong các danh từ luôn luôn có chữ nước đi kèm như đất-nước, nhà-nước, sông nước, làng nước v.v..
Nước liên quan đến nhiều chức năng trong cơ thể: sự tiêu hoá, sự tuần hoàn, sự hô hấp, sự thải hồi.Các nhà khoa học dùng nước để tìm ra các hằng số quan trọng về vật lý như:
-nước đông đặc ở 0 độ
-nước sôi khi nhiệt độ là 100 độ C
-1 lít nước cân nặng 1 kgam
-tỷ trọng của nước là 1. Vật nào có tỷ trọng lớn hơn 1 thì chìm và vật nào có tỷ trọng nhỏ hơn 1 thì nổi.  
Bài tham luận này đặt trọng tâm vào Nước, một yếu tố của Tứ Đại và càng ngày được mọi người chú ý đến vì nước là một yếu tố quan trọng về môi trường.
2 .Nước trong văn học Việt
-Trong văn học dân gian, nhiều tục ngữ liên quan đến nước :
 nước chảy đá mòn, nói lên sự kiên nhẫn; nước đổ lá môn ngụ ý nói không ai nghe;
Sống về gạo, bạo về nước, cho thấy hai nhu cầu thiết yếu của con người để duy trì sự sống. Thuyết nhân quả của nhà Phật cũng được diễn tả trong câu: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước
Trong công việc đồng áng thì nước rất cần thiết nên ta thường nghe ca dao:
Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy rơm đun bếp.
Công việc trồng lúa đòi hỏi phải có nước:
Trời đông, nước đã phơi bờ
Em về nhổ mạ, anh bừa ruộng chiêm
Công cha nghĩa mẹ cũng dùng nước để so sánh:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 
Lời mẹ ru con cũng có nhiều câu có chữ nước:
Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi coi bành vàng
 
. -Trong văn chương bác học, nói về sắc đẹp của phụ nữ cũng dùng biểu tượng nước như nghiêng nước nghiêng thành hoặc mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Nỗi nhớ nhà, nhớ nước được diễn tả trong câu:
Buồn trông ngọn nước mới sa
Mây trôi man mác biết là về đâu (Kiều)
Thề nguyền cũng dùng nước:
Còn non, còn nước, còn dài
Còn về còn nhớ đến người hôm nay (Kiều)
Làm gì cũng phải có kế hoạch, không đợi ‘nước đến chân mới nhảy’:
Lánh xa trước liệu tìm đường
Ngồi chờ nước đến nên dường còn quê (Kiều)
Nguyễn Khuyến tả cảnh ao làng vào mùa thu:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyên câu bé tỉ teo
Nước trong, không ô nhiễm trong câu thơ của Chinh Phụ ngâm:
Ngoài đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
 
Nhưng vượt lên ca dao, tục ngữ, nước là một tài nguyên quan trọng vì nước là một chất   không thể thiếu được trong sự sống của loài người, từ động vật đến thực vật; là chất đảm bảo sự cân đối của những vận động tuần hoàn không những của trái đất vĩ mô mà còn cả những chuyển hóa vi mô trong từng tế bào là đơn vị nhỏ nhất của động vật và thực vật
 
3. Nước trong đời sống.
 Nước là chất cơ bản, cái nôi của sự sống, là môi trường chất chứa khả năng hấp thụ chuyển hóa vô cùng tinh vi giúp sinh động thực vật tồn tại, phát triển và đào thải liên tục.
Nước quan trọng trong đời sống thực vật. Tục ngữ ta có câu: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống chứng tỏ tầm quan trọng của nước. Nước hoà tan các dưỡng liệu trong đất thì rễ cây mới hút được để chuyển tải lên các bộ phận hoa lá trong cây. Không có nước thì không có sự quang hợp tạo ra các hydrat cacbon. Để làm ra 1 kg chất khô, cây bắp cần 350 lít nước, khoai tây cần 575 lít, lúa cần trên 2000 lít v.v.
 
Nước cũng quan trọng trong đời sống động vật. Cũng như trong thực vật, nước giúp cho sự luân lưu, cho sự trao đổi chất: 60 đến 70% trong cơ thể con người là nước nên khát nước dễ chết hơn khát ăn.
 
Nước cũng cần cho các hoạt động kỹ nghệ: sản xuất thép, sản xuất chip điện tử, sản xuất tơ nhân tạo cũng cần nhiều nước và dĩ nhiên sản xuất bia, nước Coca, nước ngọt là từ nước.
 
Trong bữa cơm người Việt, phải có tô canh, có nước chấm dùng để chấm làm gia vị trong bữa ăn. Sau bữa cơm, phải uống nước trà nóng.
 
Nước cũng ảnh hưởng đến khí hậu và là nguyên nhân tạo ra thời tiết như mưa, tuyết, bão. Năng lượng mặt trời sưởi ấm không đồng đều các đại dương đã tạo nên các dòng hải lưu như dòng Gulf Stream vận chuyển nước ấm từ vùng nóng đến Bắc Đại Tây Dương làm khí hậu các xứ Bắc Âu ấm áp hơn
 
 4. nước trên quả địa cầu
Trên hành tinh Trái Đất này, mặt trời và nước giúp duy trì cuộc sống. Hơn 70% diện tích của Trái Đất được bao phủ bởi nước (đại dương, biển kín). Chính vì vậy mà trái đất nhiều nước mặn (97%) hơn nước ngọt. Nhưng phần lớn nước ngọt lại nằm ngoài tầm tay của con người vì nằm trong các băng hà ở miền cực địa cầu (2.7%) hoặc dưới tầng đất ngầm và ẩm độ trong đất, còn lại rất ít là nước ngọt chứa trong sông, suối, hồ, ao là thực sự sử dụng được cho con người . Nói khác đi, nước ngọt là một tài nguyên có giới hạn. Ngoài ra, nước lại không được phân bố đồng đều trên Trái đất: vùng Amazonie nhận được 20% lượng mưa trên toàn thế giới chỉ cho 10 triệu người, vùng Bắc Phi và Trung Đông với 400 triệu người lại chỉ hưởng được 1,5%.
Cũng từng đó nước từ hàng ngàn năm trước, nhưng cái khác là ngày nay, dân đông hơn, cần nhiều nước hơn để sử dụng vào nhiều mục đích hơn: nước dùng trong sinh hoạt, trong kỷ nghệ (thủy điện, kỷ nghệ các loại), trong nông nghiệp để sản xuất lương thực v.v. Theo Hội đồng nước toàn cầu, tiêu thụ nước trong nông nghiệp là 66%, công nghiệp (20%), các hộ gia đình (10%) và khoảng 4% bốc hơi từ các  hồ dự trữ nước nhân tạo. Tế bào sống hầu như 3/4 là nước và không nước, con người sẽ mau chết hơn là không ăn. Như vậy, nước là nguồn tài nguyên vô giá của con người. Những xứ có tài nguyên nước dồi dào phải kể là những xứ như Canada, Nga, Mỹ, Bresil, Indonesia, Đông Dương còn các xứ ít có tài nguyên nước nằm các vùng sa mạc như Úc châu hoặc các xứ Sahel. Một vài vùng trên thế giới thiếu nước vừa phải là các vùng quanh bờ Địa Trung Hải như Ý, Hi Lạp, Bắc Phi, Ai Cập.
5. chu kỳ nước. Trong bài thơ Thề non nước của Tản Đà, có câu: Nước trôi ra biển lại mưa về nguồn. Câu thơ này vô hình chung đã nói về chu kỳ nước trong vũ trụ: nước từ sông, hồ, biển bốc hơi lên cao, gặp lạnh trên cao sẽ ngưng đọng lại và rơi xuống đất. Khi gặp mặt đất thì nước một phần thấm vào lòng đất qua các khe đá, lổ hổng của đất và tạo thành nước ngầm, một phần chảy tràn để chảy vào sông suối rồi trở lại ra biển.
 
 
Như vậy, nước cứ luân hồi mãi mãi, từ kiếp này sang kiếp khác, vô thủy vô chung từ lúc Trái Đất thành hình cách nay hàng ngàn triệu năm và nhờ nước mới có đời sống thực vật, rồi mới có đời sống động vật.
6. Tài nguyên nước.
Có thể phân loại tài nguyên nước thành 4 loại sau đây:
 
61.nước mưa. Có những vùng mưa nhiều, đặc biệt các vùng có khí hậu xích đới. Sau đây liệt kê vài xứ có lượng mưa nhiều nhất thế giới: Colombia (Trung Mỹ), Liberia (Phi châu), Myanmar tức Miến Điện (Á châu), Papua New Guinea, Bangladesh (Á châu) có lượng mưa trung bình hàng năm trên dưới 4000 mm. Nhưng cũng có những xứ ít mưa như Iran, Afghanistan, các xứ Arập ở Trung Đông. Lục địa Úc châu khô hạn chỉ 800 mm mưa mỗi năm.
 
Vùng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, vì nằm vùng khí hậu gió mùa nên lượng mưa trung bình hàng năm khá cao: 1800 mm. Tuy nhiên cũng có những vùng khuất gió thì mưa ít hơn như đồng bằng 3 Phan: Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết. Ngoài ra, nước mưa không rãi đều trong năm vì chỉ tập trung vào các tháng mưa còn mùa kia thì nhiều nơi không có tí mưa, thêm vào gió Lào khô ráo, khiến nhiều vùng thiếu nước.
 
62 .nước mặt. (surface water) nước mặt có trên các sông, suối, hồ ao, kinh rạch ..Nước sông suôi hồ ao được sử dụng trong nhiều đối tượng khác nhau như phục vụ sinh hoạt (nấu cơm, tắm rửa, giặt), phục vụ nông nghiệp (tưới cây, nuôi cá, chăn nuôi), phục vụ kỷ nghệ (các công nghệ chế biến, sản xuất giấy, thuộc da, phân bón..)Nước ‘cứng’ (hard water) là nước chứa nhiều ion Calci và magnesi. Khi đun nước loại này thường bị đóng váng vôi, tức là một kết tủa cacbonat calci. Nước ‘mềm’ là nước không có nhiều chất Calci và magnesi.
 
Nước cứng cũng không dùng để pha chế thuốc vì có thể gây kết tủa làm thay đổi thành phần của thuốc. Khi dùng nước cứng nấu thì rau, thịt khó chín; làm mất vị của nước chè. Giặt bằng nước cứng tốn xà phòng do Ca2+ làm kết tủa gốc axit trong xà phòng và làm xà phòng không lên bọt. Nhiều công nghệ hoá học đòi hỏi nước có độ cứng nhỏ do đó nếu n ước chứa nhiều Calci và magnesi thì phải làm mềm nước cứng bằng cách cho kết tủa các chất Ca và Mg với sođa (Co3Na2) hoặc tách chúng bằng nhựa trao đổi ion (ion exchange resin). Trong nhựa trao đổi ion, những hạt mang điện tích trái dấu sẽ hút nhau như các cation sẽ hút các ion âm tức anion và ngược lại.
63 nước ngầm. (groundwater) .Nước từ các nguồn nước mưa, sông, rạch, ao, hồ.. một phần thấm vào đất, nhưng không thể ngấm qua tầng đá dưới sâu nên nước tập trung nhiều ở tầng nước dưới đất . Đào giếng chính là để khai thác nước dưới đất dùng trong sinh hoạt. Ngoài ra, nông dân cũng đào giếng, khoan giếng sâu để lấy nước ngọt tưới rau màu, pha loãng với nước mặn để nuôi tôm v.v. Chính vì vậy mà hiện nay mực nước ngầm hạ xuống quá sâu kéo theo một số hậu quả: mặt đất sụt lún xuống, nước mặn xâm nhập vào túi nước ngầm. Ngoài ra, phẩm chất nước ngầm cũng bị ô nhiễm do các chất ô nhiễm trên mặt đất trôi chảy xuống: nitrat, phenol, thuốc trừ sâu, phân hoá học.
64 nước mặn. Nước mặn ngoài biển có hàm lượng muối trung bình là 35gram cho mỗi kg nước biển (3,5%) và gồm 6 chất: sodium (Na+), chlorua (Cl-), sunfat (SO4 2-), magnesium (Mg 2+), calcium (Ca2+) và potat (K+). Tỷ trọng nước biển là 1,025 g/millilit, nghĩa là nặng hơn nước thường.
Tuy hàm lượng muối trung bình là 3.5% ( 35 gram/lit ) nhưng ở các cửa sông, nơi có sự hoà lẫn giữa nước ngọt và nước mặn, còn gọi là vùng giáp nước thì nồng độ muối giảm nhiều: ta gọi đó là nước lợ. (brackish water). Nước lợ chứa từ 1 đến 10 gram muối trong mỗi lít và các loại muối trong nước lợ có những chất như CaSO4, MgCO3, NaCl tùy các vùng đất nước chảy qua
Biển Đỏ, còn gọi là Hồng Hải thì vì vùng ít mưa, bốc hơi cao, ít sông ngòi chảy vào thì nồng độ muối cao hơn: 40g/l. Biển Chết ở giữa Jordanie và Do Thái còn có độ mặn rất cao, đến 330g/lit vì là biển kín. Gọi là biển nhưng thực ra đó chỉ là một cái hồ lớn nằm ở vùng sa mạc phía Đông Nam Israel. Gọi là Biển Chết vì nước ở hồ này rất mặn, đến mức không một sinh vật nào có thể sống nổi. Hồ này rộng 1.040 km2, mặt hồ thấp hơn 400 mét so với mặt nước biển nên là điểm thấp nhất của bề mặt trái đất.
7.Vai trò của nước. Nước có 4 vai trò sau đây :
-cung cấp: nước cung cấp thực phẩm cho nhân loại. Nước ngọt, nước lợ, nước mặn, đều có thuỷ sản, hải sản rất phong phú và đa dạng như tôm, cua, cá, ếch, ba ba, rùa .Nước giúp hoà tan các dưỡng liệu trong đất để thực vật lớn nhỏ có thể nhờ đó mà sinh trưởng. Đúng như đoạn sau đây trong kinh Pháp Hoa, phẩm ‘Dược Thảo dụ thứ năm’:
..mây dầy bủa giăng trùm khắp cõi tam thiên đại thiên đồng thời mưa xối xuống, khắp nơi nhuần thấm, cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc: hoặc thứ gốc nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ, hoặc thứ gốc bậc vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa; hoặc có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn. Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng, trung, hạ mà hấp thụ khác nhau..
Đức Phật cũng dùng ẩn dụ để nói lên là Phật pháp cũng như trận mưa, thuần một vị nhưng tùy người có căn cơ nhiều hay ít, - như thực vật có cây lớn, cây nhỏ-, mà hấp thụ được đạo pháp. 
 -điều hoà khí hậu: các dòng hải lưu ngoài biển ảnh hưởng đến điều hoà khí hậu: ví dụ dòng Gulf Stream đem hơi ấm cho các vùng miền Bắc Âu Châu
-văn hoá (tâm linh, giải trí ..)
Cần lưu ý là nước, ngoài khía cạnh giá trị vật chất, phải được xem có giá trị tinh thần vì hồ ao, sông suối có tác động thẩm mỹ, thông thoáng, giúp con người bớt các căng thẳng của cuộc sống xô bồ ngày nay. Thực vậy:
.tình yêu nẩy nở bên cạnh dòng suối:
Dưới cầu nưóc chảy trong veo /Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha (Kiều)
.cuộc biệt ly cũng bên cạnh dòng sông:
Đưa người ta không đưa sang sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng (Thâm Tâm)
.nỗi nhớ khi nhìn con nước thủy triều lên xuống:
Lòng quê dờn dợn vời con nưóc/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Huy Cận)
.nhớ chồng đi ngoài biên ải :
Nước có chảy mà phiền khôn rửa /Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây (Chinh Phụ Ngâm )
. thư giãn tĩnh mịch nơi chốn non xanh, nước biếc:
Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm
Côn Sơn có đá tần vần
Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi
(Nguyễn Trãi trong Côn Sơn ca -Bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật)
Trong mọi tôn giáo, từ Ấn độ giáo, Phật giáo đến Công giáo, Hồi giáo, đều dùng nước làm biểu tượng . Vì nước là căn nguyên đầu tiên của vũ trụ, nên trong mọi tôn giáo luôn luôn có nước. Ấn độ giáo thì nước sông Hằng ở đó trong nhiều lễ hội hàng chục ngàn người nhảy xuống tắm để gột rửa mọi phiền não; ở Công giáo thì nước dùng trong bí tích rửa tội; ở Hồi giáo thì phải rửa tay, rửa ngón chân trước khi lạy về hưóng thánh địa La Mecque; ở Phật giáo thì trong các lễ vật để dâng lên cúng vái ông bà trên bàn thờ không thể thiếu chén nước. Tại Thái Lan, lễ đầu năm, gọi là Songkran, là vào khoảng giữa tháng 4 và vào dịp lễ này, ngườI dân thường dùng nước để tạt, xối nước cho nhau ngụ ý dùng nước để rửa mọi lỗi lầm trong năm củ. Lễ này cũng gặp ở Cao Miên (Chaul Chnam Thmey), Miến Điện (gọi là Thingyan), Ai Lao (Pee Mai Lao),
.Nước cũng sử dụng trong lễ tắm Phật các ngày Phật đản. Một bộ kinh như kinh Thủy Sám có nói về nước chữa bệnh.
Nước tượng trưng cho sự vô thường: dòng nước thay đôi liên tục vì giọt nước này tiếp nối giọt nước kia, tạo thành dòng chảy. Tâm của ta cũng vô thường như dòng sông nghĩa là chuyển động tiếp nối, khi vui khi buồn, khi nghĩ đến quá khứ, lúc nghĩ đến tương lai. Sự lưu chuyển của tâm ta như nước chảy không ngừng. Khổng Tử thấy dòng nước lững lờ trôi cùng năm tháng: thị giả như tư phù, bất xả trú dạ ( Luận -ngữ, IX, 16 ): cứ chảy hoài như vậy, đêm ngày không bao giờ ngừng.
 
Nước tượng trưng cho sự vô trụ; nó không vướng mắc mà cứ lững lờ chảy, biết buông xả, không chấp trách.
 
Nước tượng trưng cho sự vô ngã, vì nó khiêm tốn, nó nhận mọi ô nhiễm.
Chính vì vậy mà Đức Phật cũng dùng biểu tượng nước để khuyên người con như sau:
“ Này Rahula! Con hãy học cách hành-xử của Nước. Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm-tho, đẹp-đẽ hoặc giặt-rửa trong nước những thứ dơ-bẩn, hôi-hám, thì không phải vì thế mà nước bị vướng-mắc, tự-hào hay cảm thấy oán-hờn và tủi nhục. Vì sao? Tại vì Nước là Thủy-đại, có dung-tích rộng lớn, có khả-năng lưu-chuyển, có thể tiếp-nhận và chuyển-hoá tất cả những gì đã tiếp-nhận. Nếu tâm con cũng rộng lớn, bao-la vô-lượng như nước, thì con cũng có thể tiếp-nhận và chuyển-hoá tất cả mọi bất-công oan-ức và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con đau-khổ và buồn-tủi.
 
Trong âm nhạc Việt, nhiều nhạc sĩ cũng dùng nước làm đề tài cảm xúc, như các tựa đề bài hát: Nước non ngàn dặm ra đi, Nước chảy qua cầu, Nước mắt mùa thu, Nước mắt cho quê hương, Nước non Lam Sơn v.v.
 
 -yễm trợ : nước giúp cho các hoạt động yểm trợ du lịch cũng như y tế. Nói về vai trò của nước trong các hoạt động du lịch, ta có thể kể du lịch biển, du lịch sông ngòi. Nói về vai trò yễm trợ trong các hoạt động y tế, có thể nói về các suối nước nóng mà xứ nào cũng có. Riêng ở Việt Nam, tại Khánh Hoà có nhiều suối nóng có nhiều chất khoáng, giúp trị bệnh. Ngoài suối nước nóng còn có nước suối lấy ở các vùng nhiều chất khoáng, cho vào chai để uống như nước khoáng Vĩnh Hảo là nước khoáng duy nhất của Việt Nam có hàm lượng Bicarbonat (HCO3) cao. Ngoài ra, còn có một số nguyên tố vi lượng có ích khác, có tác dụng bồi bổ cơ thể rất tốt, giúp tiêu hóa và lợi tiểu, làm đẹp làn da và hỗ trợ trị bệnh đau dạ dày. Nước tạo ra năng lượng thuỷ điện, giúp cho các hoạt động kỹ nghệ (đồ uống, bột giấy, bauxit), chuyển vận (ghe, đò, tàu thuyền). Nước giúp cho sự tạo thành đất. Thực vậy, nước chuyên chở các trầm tích từ nhiều lưu vực để bồi đắp phù sa, nước bào mòn các loại đá làm đá bể rời ra nhanh chóng, giúp cho sự phong hoá hoá học dễ dàng hơn.
 
8. Tài nguyên nước và phát triển bền vững.
Nước đóng góp rất lớn vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là nước ngọt vì từ nông nghiệp đến kỹ nghệ đều cần loại nước này: tưới cây, chế biến trong kỹ nghệ thực phẩm, sản xuất trong hầm mỏ, kỹ nghệ giấy. Thiếu nước sẽ làm tê liệt các ngành hoạt động trên.
Tuy nhiên hiện nay sự gia tăng dân số, sự phát triển kỹ nghệ sẽ ngày càng tác động mạnh đến môi trường nước (dân số tăng lên một lần, nhu cầu nước tăng lên ba lần). Thực vậy:
-mọi dòng sông từ sông Hằng bên Ấn Độ đến sông Nil, sông Mekong đều có vấn nạn: khai thác quá mức, ô nhiễm nặng, sụp lở, khai thác cát bừa bãi và trong tương lai gần, khi một nửa dân số toàn cầu sống ở đô thị thì vấn đề cung cấp nước, hệ thống thoát nước cũng phải theo kịp vì hiện nay, nhiều thành phố lớn như Saigon, Hà Nội đã bị ngập với cơn mưa thông thường.
-ô nhiễm nước vì rác thải sinh hoạt, rác thải các xưởng kỹ nghệ, rác thải y tế, hoá chất bảo vệ thực vật v.v.làm không những ô nhiễm nguồn nước mặt mà còn cả nước ngầm. Tại Việt Nam hiện nay, mọi dòng sông đều ô nhiễm, từ sông Nhuệ, sông Tô Lịch ở Hà Nội đến sông Hương ở Huế, sông Thị Vải trong Nam đề có nguy cơ trở thành dòng sông chết vì rác và rác.Những giàn khan dầu ngoài biển cũng có thể làm ô nhiễm nước biển: năm nay (2010), dàn khoan của hãng dầu BP ở ngoài khơi tiểu bang Louisiana đã bị nổ và vết loang dầu tràn ra xa, uy hiếp nguồn sinh hoạt của biết bao người chung quanh (đánh cá, nuôi tôm..), chưa kể làm ngành du lịch biển quanh vùng khốn đốn.
Như vậy, tài nguyên nước do đó phải cung ứng nhiều hơn cho dân số tăng không những về lượng mà còn về phẩm. Muốn thế, phải tăng sự tái chế biến nước (water reycling) và tiết kiệm tài nguyên này, nghĩa là không xài phung phí nước. Nước tái chế biến là nước thải trong các ống cống nhưng đã được xử lý vứt bỏ các chất cứng và vài chất dơ để dùng lại trong tưới cây, tưới vườn, tưới sân golf, xe chữa lửa v.v. Tiết kiệm nước có thể là theo tuần tự: rửa mặt- giặt giũ- rửa chân tay, cuối cùng mới dùng cho nhà vệ sinh.
Từ đó lượng nước sử dụng đã giảm một nửa. 
Một công nghệ tái chế biến nước càng ngày càng ứng dụng (như ở thành phố Luân Đôn) là thẩm thấu ngược (reverse osmosis). Thẩm thấu là một hiện tượng tự nhiên: nước bao giờ cũng chuyển dịch từ nơi có nồng độ muối khoáng thấp đến nơi có nồng độ cao hơn và quá trình diễn ra đến khi nồng độ muối khoáng từ 2 nơi này cân bằng. Trong thẩm thấu ngược, người ta phải dùng một áp lực đủ để đẩy ngược nước từ nơi có hàm lượng muối cao ‘thấm’ qua một loại màng đặc biệt để đến nơi có ít muối khoáng hơn.
Cũng cần lưu ý là xử lý ô nhiễm phải làm trên toàn lưu vực một dòng sông vì nếu chỉ thực hiện chống ô nhiễm nước thải các nhà máy ở hạ nguồn mà trên thượng nguồn, nước ô nhiễm vẫn chảy về thì xem như vô ích.
 
Để tóm lược, nước là một tài nguyên con người phải trân quý, không để các dòng sông từ từ chết mòn, chết dần với các ô nhiễm vì ô nhiễm nước sẽ gây tác hại đến tuổi thọ loài người. Ngoài an ninh lương thực, ta còn phải chú ý đến an ninh nguồn nước sinh hoạt, vì về lâu về dài, dân số đông, nhu cầu nước nhiều, nếu không kiểm soát được ô nhiễm nước thì sẽ gây gánh nặng y tế, trong đó ung thư là một.
 
9 . Tuyên ngôn về nước
Như trên đã viết, nước ngọt đóng nhiều vai trò cực kỳ quan trọng trong sinh hoạt, trong an ninh lương thực, trong sản xuất kinh tế. Tuy nhiên nhiều dấu hiệu cho thấy nước ngọt càng ngày càng hiếm có thể vì nhiều nguyên nhân: dân só tăng, thất thoát nước trong đường chuyển vận, ô nhiễm nước, hạn hán và sa mạc hoá, nước mặn xâm nhập, phá rừng, nước ngầm tụt sâu do khai thác nước giếng quá mức. Thực vậy, vài con số cho thấy vài vấn nạn của tài nguyên nước trên thế giới ngày nay:
* Hơn 1/6 dân số toàn cầu thiếu nước sinh hoạt.Phụ nữ nhất là ở Châu Phi phải đội các bình nước đi bộ hàng cây số lấy nước nên không thể tham gia vào công việc nông nghiệp, kéo thêm nạn nghèo đói.
* 2,5 tỉ người, gồm gần 1 tỉ trẻ em, sống mà không có những điều kiện vệ sinh cơ bản, cứ 20 giây thì có một trẻ chết vì vệ sinh kém. 
* Ở các nước đang phát triển, 70% chất thải công nghiệp đổ thẳng vào nguồn nước không qua xử lý.
* Mỗi ngày, một người cần 2-4 lít nước để uống nhưng cần 2.000-5.000 lít nước để sản xuất ra thực phẩm hằng ngày cho một người.
* Vào năm 2025, 1,8 tỉ người sẽ sống ở các quốc gia và các khu vực hoàn toàn thiếu nước, 2/3 dân số thế giới sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng vì thiếu nước.
Riccardo Petrella, một nhà xã hội học người Ý cùng với một số thức giả khác thường được nhiều người gọi là nhóm Lisbonne (Portugal) đã ra một Tuyên Ngôn về Nước (water manifesto) trong đó minh xác nước không phải là món hàng trao đổi được mà là một di sản chung của nhân loại. Tuyên ngôn cho rằng quyền tiếp cận với nước ngọt và sạch là một quyền cơ bản của con người. Không phải người giàu có tiền mà có thể hưởng thụ tài nguyên nước nhiều hơn người nghèo. Nông nghiệp, kỹ nghệ, sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào nước. Tuyên ngôn minh xác nước là một chất không thể thay thế được nên mọi người và mỗi người đều có quyền cơ bản có nước uống cả phẩm lẫn lượng cần thiết cho cuộc sống và mọi công dân trên thế giới đều có nghĩa vụ hợp tác trong quản lý tài nguyên nước, tôn trọng quyền các thế hệ tiếp nối giữ gìn di sản chung.
 
10 .Kết luận.
Xưa kia, không ai đặt nặng vấn nạn nước vì nước trong sạch, dồi dào. Nhưng ngày nay, dân số tăng lên kéo theo một loạt nhu cầu về năng lượng, về thực phẩm, về nhà cửa, về vật tiêu dùng nên nhu cầu về nước, từ nước sinh hoạt, nước nông nghiệp, nước kỹ nghệ càng ngày càng tăng, huống hồ với sự biến đổi khí hậu vì khí nhà kính, sự phá rừng, sự ô nhiễm lại làm nguồn cung cấp nước bị giảm đi, cả lượng lẫn phẩm. Con người phải nhận thức rằng nước là một tài nguyên hữu hạn nên càng phải trân quý, nghĩa là không phá rừng vì rừng làm tăng nguồn nước, không phung phí nước mà gắng tái chế biến.Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
 
một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời dể phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
 một thời để than van, một thời để múa nhảy;
 một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
 một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng
 
Ngày nay, chính là thời để lên tiếng, kêu gọi mọi người phải có tình thương Trái Đất, tình yêu thiên nhiên. Yêu thiên nhiên là không làm tổn hại đến thiên nhiên, núi rừng, cây cỏ. Yêu thiên nhiên là không làm nguồn nước bị ô nhiễm bởi các chất độc hại khiến cho con người cũng như các động vật không bị chết dần chết mòn. Phật học cho rằng mọi việc đều tương tức tương nhập, có tương quan nhân quả, cái này có vì cái kia có; cái này không vì cái kia không. Niềm yêu thiên nhiên đưa ta đến khái niệm đạo đức sinh thái, không làm tổn thương đến các hệ sinh thái vốn nuôi nấng loài người từ thưở hàng trăm ngàn năm trước, lúc loài người từ vùng Đông Phi châu bắt đầu tản mác bốn phương. Cũng phải công nhận là Phật giáo, - và đặc biệt là Phật giáo Đại Thừa-, đã đóng góp rất nhiều cho môi trường thiên nhiên. Thực vậy, ăn chay giúp tiết kiệm rất nhiều đất vì không cần đồng cỏ, không cần có thực phẩm nuôi gia súc, tiết kiệm luôn cả nước tưới. Ngoài ra, Phật giáo chủ trương không sát sanh, có nghĩa thực tiễn là mọi loài đều có ích: hàng ngàn vi sinh vật trong đất giúp hủy hoại chất mùn, ong giúp sự thụ phấn cho các loài thực vật, chim muông bắt côn trùng, giun dế giúp đất thoáng khí, cải tạo cấu trúc đất v.v. Con người đã huỷ hoại môi trường thì chính con người phải đóng góp cải tạo môi trư ờng sống, nghĩa là bớt tiêu thụ, bảo vệ các hệ sinh thái từ rừng đến san hô biển, tạo ra m ột nếp sống hài hoà, sống an lạc cả Thân lẫn Tâm. Hiện nay, xu thế chung của thời đại là theo chiều hướng đó; nếu ta tiếp tay với các nhà sinh thái học bốn phương để dấy lên một phong trào yêu thiên nhiên, -màu xanh của rừng, của biển, của mây, của nước- thì có lẽ trái đất này mới thoát hiểm nghèo vậy.
                                            Thái Công Tụng


[1] pahavī-dhātu
[2] āpo-dhātu
[3] vāyo-dhātu
[4] tejo-dhātu
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 791983 visitors (2092651 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free