TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  London, Ta Bà Du Thử
 
Lên mạng ngày 12/6/2010

London, Ta Bà Du Th*
                                                                                                 Trần Đức Hợp
 
 
 
 
 
 
Lời Giới Thiệu:
London, thủ đô Vương quốc Anh với hơn 7.5 triệu người sinh sống và làm việc trong diện tích 620 dặm vuông nằm về phía Đông- Nam của Anh quốc. Với dòng sông Thames lặng lẽ chảy ngang theo hướng Tây Nam và qua hướng Đông chia London thành hai khu Nam- Bắc với trung tâm thành phố là vòng “British Airways London Eyes”, bên cạnh nhà ga xe lửa Waterloo đông đúc và náo nhiệt, đầy du khách đến từ các nơi, và gần đó là toà nhà Nghị Viện tượng trưng cho nền dân chủ truyền thống cổ kính của Anh quốc là Parliament House vói chiếc  đồng hồ và tháp Big Ben vuông vức nổi tiếng nằm bên cạnh đó.
 
            Xa lộ giao thông vòng đai M25, với bán kính 25 Km, vây bọc xung quanh, chia London thành 33 khu vực với những đặc điểm và sắc thái nổi tiếng riêng biệt cho từng khu, trong đó du khách không thể không đến thăm viếng, những nơi đặc trưng và biểu hiệu của London như lâu đài Buckingham của Nữ hoàng Anh. Những  khu ăn chơi nhộn nhịp như khu Soho, China Town với món mì vịt quay kiểu Hongkong rất ngon, khu Piccadilly Circus thật đông người, quảng trường Trafalgar Square rộng lớn… với những lễ hội hàng năm và đây cũng là nơi phát xuất những cuộc biểu tình lớn nhất ở Anh quốc, thánh đường Westminster Abbey cổ kính và trang nghiêm , viện bảo tàng British Museum & National Gallery vô cửa không tốn tiền, toà  tháp Tower of London với bộ sưu tầm nữ trang quý báu của Nữ hoàng Anh, thánh đường St. Paul oai nghiêm và bề thế, chiếc cầu treo London nổi tiếng có thể mở lên ở nhịp giữa và là biểu tượng của London, và ngay gần đó là chiếc thiết giáp hạm HMS Belfast to lớn và sừng sỏ của thời đệ I Thế Chiến bỏ neo cạnh bờ sông Themes, và  ngôi làng lịch sử với kinh tuyến zero “Greenwich” có ghi kinh độ của Saigòn, bên cạnh đó  là trường Hải quân cổ xưa của Hoàng Gia Anh , ngày xưa một thời oai hùng với câu châm ngôn bất hủ “Mặt trời không bao giờ lặn ở Đế quốc Anh ". Điều này nói lên sự hiện diện và cai trị của người Anh trên khắp thế giới của một thời vang bóng ngày xưa…
 
 
Hinh 01: Tòa nhànghị viện Parliament và chiếc đồng hồ Big Ben.
 
            Ngày nay London là nơi tập trung du khách thăm viếng đông thứ hai trên thế giới, chỉ sau Paris, và tại nơi đây với nhiều giống dân khác nhau trên thế giới sinh sống nên có hơn 300 ngôn ngữ được xử dụng hàng ngày tại nơi đây, và dĩ nhiên tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong việc giao dịch và hành chánh ở London. Ngoài ra London cũng là trung tâm dẫn đầu thế giới về buôn bán, thương mại, tài chánh, và văn hoá của thế giới. London Stock Exchange Market nhộn nhịp chỉ thua thị trường tài chánh ở New YorkTokyo mà thôi. Nơi đây đã ảnh hưởng và liên hệ rất nhiều nơi trên quả địa cầu như trong khối EU, khối Liên Hiệp Anh, các nước Á châu như Hong Kong, Thái lan, Ấn độ, Malaysia, và những nước như Canada, Úc đại lợi, Tân Tây Lan, các đảo ở vùng biển Caribbeans… Phi trường quốc tế Heathrow ởLondon được xem như đông đúc và bận rộn có tiếng trên thế giới, không thua gì phi trường Frankfurt ở Đức quốc hay phi trường Chicago O’Hare ở Mỹ.
 
Thăm Bạn ở London :
Từ Pháp quốc, tại nhà ga Paris du Nord của Kinh đô ánh sáng, tôi đã dùng xe lửa tốc hành “Euro Star” chạy xuyên qua đường hầm dài 50.5 Km dưới đáy biển Manche để đến nhà ga trung tâm Waterloo của London thời gian đúng 3 tiếng với quãng đường dài 300 Km, và thời gian chạy trong đường hầm dưới đáy biển khoảng 20 phút. Xe lửa chạy ngang qua những cánh đồng quê và gần thành phố Calais thuộc Pháp, và thị trấn Dover thuộc Anh trước khi xuống và lên khỏi đường hầm. Múi giờ của London chạy trước múi giờ của Paris 1 tiếng, nên có bạn tưởng xe lửa chỉ chạy 2 tiếng, nhưng thực ra là 3 tiếng, khác xa với xe lửa tốc hành TGV ở Pháp và xe lửa đầu đạn Shinkansen ở Nhật bản có thể chạy nhanh 350 Km/ giờ. Anh Lương Tấn Tước đã đón và hướng dẫn tôi đi thăm viếng một vòng London bằng xe bus hai tầng, bằng xe điện ngầm, bằng Light Rail, và bằng “xe lô ca chân” (đi bộ).
 
 
Hinh 02: Đường phố ở London với xe chạy bên tay trái.
 
           Hệ thống di chuyển công cộng ở London thật là phức tạp nhưng rất hữu hiệu cho cư dân ở London, đi đâu cũng dễ dàng và tiện lợi, chỉ cần một vé, hay thẻ xe có thể dùng cho tất cả phương tiện công cộng, cư dân cao niên  (trên 60 tuổi) được miễn phí 100% trên các phương tiện giao thông công cộng chính, và tôi đã mua vé di chuyển một tuần cho việc đi lại trong London, chỉ mất 20 bảng Anh ( khoảng $ 40 USD). Anh L.T.Tưóc trước đây đi du học tại Đại học Hokkaido, Nhật bản từ năm 1963-1971, là Tiến sĩ về “Môi Sinh Học và Rừng Nhiệt Đới”, từng làm Khoa trưởng Khoa Nông Nghiệp, Đại Học Hòa Hảo, Long Xuyên dưới thời Viện trưởng là Tiến sĩ Lê Phước Sang. Ngay cả Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Việt Nam bây giờ, từng là học trò năm thứ ‘I’ của anh khi ghi danh và theo học ở Long Xuyên vào năm 72-73…, nhưng anh và gia đình cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đoàn tụ ở Anh quốc (N.T. Dũng lúc đó là Trưởng Công An ở Rạch Giá, Kiên Giang). Anh đã kể lại kỷ niệm 3 năm làm việc tại quần đảo Galapagos, ở Ecuador, và là Trưởng bộ môn nghiên cưú Thực vật cho quần đảo nổi tiếng này, với qũy nghiên cứu của World Wide Fund For Nature(WWF), Smithsonian Institution, International Union for Conservation of Nature& Natural Resources (IUCN), và Charles Darwin Foundation…và những ngày đi bộ, leo núi, băng rừng, thám hiểm trên những đảo hoang, không một bóng người sinh sống hay qua lại, giống y như ngày xưa khi Sir Charles Darwin ( 1809-1882) đã đặt chân lên quần đảo Galapagos và sau đó “Thuyết Tiến Hóa” đã được Darwin viết ra trong sự tranh cãi gay gắt của nhiều người, trong Viện Qúy tộc và giáo hội Anh giáo trong nhiều năm và ngay cả cho đến ngày hôm nay… Kinh nghiệm sống của anh đã làm tôi cũng đáng ngại và vất vả khi phải song hành đi bộ như chạy việt dã “marathon” với anh ở London, vì anh qúa dẻo dai, tuy với thân hình gầy gò ốm yếu, nhưng cơ thể anh rất bền bỉ, và dai sức như cao su. Anh chỉ ăn chay trường với rau, nấm, đậu hũ hằng ngày, nhưng để chạy theo kịp anh khi đi thăm đây đó, tôi đã hết “xí quách hay bở hơi tai” khi đi bộ nhiều tiếng, hằng ngày với anh ở London (vì tôi cũng ăn chay trường khi ở cùng nhà với anh, còn nếu được ăn thịt cá đầy đủ hằng ngày thì tôi đi bộ chắc cũng chẳng thua gì anh …). Anh có một vốn sống và một kho tàng kiến thức đầy ắp trong đầu cũng y như trong thư viện Việt Nam tại nhà, chứa đầy sách vở và tài liệu cao ngập tới trần nhà của anh tại London.
 
Thăm viếng Ban Việt Ngữ BBC London:
BBC ( British Broadcasting Corporation) là một trong những đài truyền thanh và truyền hình ngoại quốc có truyền thống nổi tiếng và lâu đời thành lập từ năm 1922, phổ biến với 33 ngôn ngữ đến 183 triệu người trên thế giới. Với ngân khoảng mỗi năm khoảng 4 tỷ bảng Anh do tiền thuế đóng góp của người dân Anh, đài BBC London có 28,000 nhân viên làm việc rải rác ở khắp nơi trên thế giới. Và ngay tại lầu năm của Bush House Building, có phòng làm việc dành riêng cho 12 nhân viên toàn thời gian người Việt, được tuyển từ Hà nội, London, Úc Châu và tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á (trước năm 1980). Hiện nay đa số nhân viên người Việt được tuyển có khuynh hướng sinh sống và lớn lên ở VN trong thời kỳ “khăn quàng Đỏ”, nên sự nhận xét, khuynh hướng, và hệ tư tưởng cũng thể hiện qua những đề tài, bài viết, nhận xét, và sự suy luận thiên về ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa. Tuy họ đều biết “cái nôi “ của chế đô Cộng Sản đã bị sụp đổ từ 1989 sau khi bức tường Bá linh bị phá vỡ và hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa đã tan rã và đi vào bánh xe của lịch sử của nhân loại.
 
 
 
Hinh 03: Nhà ga xe lửa Victoria, London
 
Những con chim đầu đàn của ban Việt ngữ đài BBC London từ tháng 2-1952, có những chủ biên, biên tập viên nổi tiếng khi xưa như Xuân Kỳ, Hữu Đại, Trần Minh, Đỗ Văn, Kiều Vĩnh Phúc, Hồng Liên, Lê Mạnh Hùng, Phan Lê Hương, Nam Phương, Tường Vi, Thanh Quang, Bạch Kim, Thanh Xuân Hồng, Judy Stowe…và hiện nay là Chris Green, Nguyễn Giang, Hoàng Dương, Hà Mi, Phạm Khiêm, Nguyễn Hùng, Quốc Vinh, Phạm Toàn, Hoài Thu, Hương Ly, Phạm Nga, Phương Vân,Trần Đông Đức, Clara Trần…
 
Nền Dân Chủ ở Vương quốc Anh
Người dân Anh nổi tiếng trên thế giới là những kẽ “phớt tỉnh Ăng-lê”, chỉ mỉm cười. Ngoài ra người dân Anh vốn dĩ có đầu óc tự tôn, bảo thủ, hay thích dạy khôn kẻ khác...tuy chưa chắc họ đã rành sáu câu, hiểu kỹ vấn đề,  hay tư duy bác cổ cỡ “Thông Biện” tiên sinh trong truyện kiếm hiệp của tác giả Kim Dung. Nước Anh tuy đã gia nhập khối EU ở Âu Châu, và đã có đường hầm chạy xuyên qua eo biển Manche, nối liền hải đảo Anh với lục địa Âu châu từ tháng 5-1994, nhưng họ vẫn không muốn thống nhất tiền tệ Euro chung với cả khối, mà vẫn xử dụng đồng tiền riêng biệt của mình là đồng bảng Anh (đồng Pound, hiện nay tỷ giá 1 USD= 0.62 Pound tiền Anh). Do đó, giá cả sinh hoạt ở London được coi là mắc mỏ nhất thế giới. Mọi vật dụng gần bằng giá cả ở Mỹ, nhưng đơn vị là đồng tiền có hình Nữ hoàng Anh trên mặt, không phải hình ông Washington, xin các bạn đừng có ngạc nhiên làm bộ ngây thơ hay “giả nai”…
 
           Ngày nay ở London, những hình ảnh biểu tình và đình công là hai trò chơi và phương pháp dân chủ đã được thịnh hành nhất như ở các xứ tự do trên thế giới, và đặc biệt ở Vương quốc Anh. Khi biểu tình, họ mang những biểu ngữ, xuống đường, la hét om xòm, chửi vung khắp nơi; lại có cảnh sát lo giữ trật tự, lưu thông, ngăn xe cộ, nên người biểu tình tha hồ hoan hô hay đả đảo… để xả xú bắp những cơn tức giận, cuồng nộ trong lòng vì để lâu trong người không tốt, dễ sinh ra bệnh. Người Đông phương ta gọi là “khí tồn tại não” làm cơ thể dễ bị “tẩu hoả nhập ma” và làm ứ đọng những chất độc hại trong cơ thể, và làm  mất cân bằng về tâm, sinh, lý… Các giới lãnh đạo Anh rất nhạy cảm và theo dõi dư luận quần chúng rất sát, và đưa ra những biện pháp cải tổ kịp thời để biết người dân thích gì và ghét gì để sửa sai và điều chỉnh cách cai trị và để mong kiếm phiếu cho kỳ bầu cử sắp đến. Do đó người dân ở Ăng lê được hưởng một nền dân chủ cao độ và lâu đời nhất trên thế giới. Có trên 10 đảng phái độc lập tại Anh quốc và những đảng phái này đã hài hòa chia số ghế trong Nghị viện để cầm quyền trong tinh thần dân chủ hợp pháp và tự do. Trong tinh thần dân chủ cao độ đó, họ không đả kích hay chỉ trích, bới móc cá nhân hoặc đời tư của ứng cử viên, mà chỉ đả kích chính sách của đối thủ mà thôi. Mục đích là tiến đến một tương lai tốt đẹp và hoàn thiện hơn cho đời sống của người dân trong nước, có sự hiểu biết cao, sống thoải mái, rất thực tế, không vì cảm tính hay quá khích mà chỉ  làm sao cho dân giàu, có tiền bạc rủng rỉnh, kinh tế hùng mạnh, sau mới là giáo dục…
 
Một công viên đặc biệt ở London (công viên Hyde Park), nơi đây du khách và người dân ở London thường thấy những nhà diễn thuyết đứng nói chuyện tự do. Họ tha hồ nói, diễn thuyết, hay gân cổ chửi bới, chỉ trích, cổ động, hay thuyết phục quần chúng đứng nghe những đề tài liên quan đến những gì nhạy cảm nhất ở London. Ngay cả Nữ hoàng Anh, Thủ tướng Anh, hay Thị trưởng của Lodon cũng nằm trong đề tài, tầm ngắm và mục tiêu của người diễn thuyết. Những vị nào nói dài, nói dai, nói dở, nói dốt, nói dại … hay nói mà không suy nghĩ (những cái lưỡi gỗ), không hợp lý, không mạch lạc, không súc tích, không cô đọng, hay không có sức thuyết phục … sẽ bị khán giả mỉm cười, tẩy chay và lặng lẽ bỏ đi. Còn ngược lại họ sẽ được khán giả vỗ tay tán thưởng, và ngày càng nhiều người đến để nghe và cổ võ… Tinh thần tự do ngôn luận ở đây thật là cao và nổi tiếng đặc thù nhất thế giới. Thiên hạ thích thì dừng lại, đứng nghe, và không thích thì bỏ đi, không phải trả một đồng xu cắc bạc nào cả. Cảnh sát Anh không khi nào ngăn cản hay tham dự vào trò chơi dân chủ này.
 
Ngoài ra, hàng năm ở London có phong trào ở truồng chạy tập thể, có 10,000 đến 20,000 người chạy khắp đường phố London. Đây cũng là sự biểu lộ sự tự do và trở về với thiên nhiên của người dân Anh. Họ cởi hết quần áo và truồng chạy trên đôi chân, xe đạp, xe môtor, và bằng các phương tiện khác để trở về xã hội nguyên thủy của ông Adam và bà Eva ngày xưa… Các báo chí tự do của tư nhân ở Anh quốc sinh hoạt trong đời sống an sinh xã hội rất cao, an toàn và bảo đảm, đã phục vụ quảng đại quần chúng và độc giả vì họ đều hiểu do chính độc giả nuôi sống báo chí, chỉ có báo chí gia nô mới phục vụ lãnh tụ và giới cầm quyền. Ở VN người dân gọi là “Văn nô” hay “Gia nô báo chí”. Xã hội Anh quốc ngày nay là một xã hội đa chủng tộc, đa văn hoá, và đa tôn giáo, việc ốm đau hoặc cần chữa trị dều được miễn phí cho dù là công dân Anh hay thường trú nhân ngoại quốc. Người dân Anh được hưởng bầu không khí hoàn toàn tự do, dân chủ. Họ có ý thức rất cao về quyền lợi và trách nhiệm của họ và người dân không hề sợ hãi hay hèn nhát trước giới cai trị, công an, cảnh sát, mật vụ, giao thông, hay quân đội như ở những xứ Cộng sản toàn trị và độc tài hay tôn giáo quá khích và cuồng tín như ở Iran (Ba Tư) đã xảy ra trong những ngày gần đây.
 
Người Việt ở London:
Khi nhận chức nữ Thủ tướng Anh năm 1979, bà Margaret Thatcher đã chấp nhận cho 10,000 người VN tỵ nạn ở các trại Hong Kong đến định cư tại Anh quốc. Họ ra đi đa số là từ miền Bắc VN và khi chiến tranh biên giới Việt-Hoa xảy ra năm 1979. Cảng Hải phòng và Móng cái là những điểm xuất phát những chiếc thuyền buồm chạy dọc theo đảo Hải Nam và đến Hong Kong sau cả tháng trời lênh đênh trên biển cả. Ngày nay tại Anh có khoảng 30,000 người VN có giấy tờ chính thức nhập cư và khoảng 5,000 du học sinh đến từ VN. Ngoài ra, chính phủ Anh còn ước tính có khoảng 20,000 người VN đã nhập cư bằng con đường bất hợp pháp, không có giấy tờ chính thức. Cộng đồng VN ở London đa số tập trung ở những khu như: Hackney, Peckham, Kidbrooke, Poplar, Thamesmead, Lewisham, Southwark…thuộc vùng Nam và Đông – Nam của London. Ngoài ra, cũng có một số người Việt chọn thành phố Birmingham (có trên 4,500 người), Leeds, và Manchester ( trên 2,500 người) cách xa London vài tiếng xe lửa để định cư và sinh sống. Đặc biệt gần đây chính phủ Anh đã dễ dàng cho những công dân Ba Lan có nghề nghiệp chuyên môn, qua làm việc và sinh sống tại Anh. Do đó một số du học sinh VN tại Ba Lan lấy vợ bản xứ và có quốc tịch Ba lan, cũng di chuyển qua nơi định cư mới là London. Trường hợp của Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ tại đài BBC là một trường hợp điển hình.
 
Ngày nay London có khoảng 50 nhà hàng VN nằm rải rác khắp nơi. Khởi đầu họ đã mua lại những tiệm ăn “Fish & Chips” của người gốc ÝCyprus. Ho sửa sang lại và trưng bảng hiệu tên VN có tên như Saigon Restaurant, Hànội Café, Mekong Cafe, Tây Đô, Cây Tre, Green Papaya, Hương Việt…Món phở Bắc đã được phổ biến tại nơi đây tuy món ăn chính của người dân Anh vẫn là món Fish and Chips (cá và khoai tây chiên).Báo chí và truyền hình Anh thỉnh thoảng đưa tin người Việt tại London phạm pháp và làm giàu bằng cách trồng cần sa ( Marijuana) trong nhà, câu điện trộm để tạo nhiệt và dùng ánh sáng nhân tạo để trồng cây có chất ma túy này. Ngoài ra họ dùng hệ thống tưới và phun sương để tạo ẩm độ cao cho cây, lá mọc nhanh, mau lớn, nhưng đã tạo sự mục rã hệ thống tường, vách, kèo, cột của căn nhà này (đa số là nhà thuê, mướn).Vấn đề cờ bạc, trộm cắp, ma túy, băng đảng cũng đã được Cảnh sát ở London theo dõi và kịp thời ngăn chặn nhưng cũng đã làm cho nhiều gia đình VN phải lo ngại và quan tâm đến sự học hành của con cái. Ai cũng cũng muốn con cái học giỏi và được thâu nhận vào hai trường Đại học nổi tiếng nhất của nước Anh là CambridgeOxford nằm ở hướng Đông Bắc và Tây Bắc ngoài London khoảng 40 Km. Cũng giống như ở nước Mỹ được nhận vào các trường Đại học nổi tiếng như Havard, Yale, Princeton, Standford, MIT,…và các trường khác trong hệ thống Đại học của Ivy League… Các vị Giáo sư tại đây đều rất nổi danh về phẩm hạnh cũng như về tài năng và rất nhiều vị còn đoạt những giải thưởng Quốc tế cao quý như giải Nobel về văn chương, hoà bình, hay có những nghiên cứu về khoa học- kỹ thuật và được đăng tải trên những tạp chí Quốc tế- Hàn lâm có gía trị được công nhận trên thế giới nên được mọi người kính trọng và yêu mến.
 
  
 
Hinh 04: Cổng vào khu China Town, Soho ở London
 
Lời Kết:
Quan sát và thăm viếng London trong một tuần lễ, tôi cũng chỉ thấy một phần cuả cuộc sống sinh động đầy náo nhiệt của thành phố này. Tôi cũng giống như một “người mù sờ voi” mà thôi… Muốn thật sự trở thành người “Londoner”, có lẽ tôi phải bỏ ra nhiều năm tháng để sống, làm việc, và tìm hiểu cặn kẽ để có được những nhận thức sâu sắc về cuộc sống của người dân nơi đây. London đã để lại trong tôi thật nhiều ấn tượng về cuộc sống, con người, sự suy nghĩ, những cảm súc thật là thú vị… Ông bà ta ngày xưa đã có câu ‘Đi một đàng, học một sàng khôn…’ Điều này thật đúng khi các bạn đến thăm viếng London.
 
 
Ta Bà Du Thử* = Rong chơi chốn trần gian (tiếng Phạn)
  “…đi để nhìn thấy, quan sát, học hỏi, nghiên cứu, từ đó có được nhận thức hay cảm thông và chấp nhận những khác biệt từ các nền văn hóa, văn minh, tín ngưỡng, chính kiến,… và giúp cho tâm hồn được cởi mở, rộng rãi, và để cuộc sống trở nên phong phú, có ý nghĩa, và nhân bản hơn…’
                                                                                           Trần Đức Hợp
                                                                                           San Diego, tháng 8-2009
 
Bài này có sự đóng góp và bổ xung của anh Lương Tấn Tước và anh Tràm Cà Mau. Xin cám ơn hai anh. TĐH

Trở lại Trang KH&TH
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 791859 visitors (2092326 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free