TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Ruộng lúa bờ hoa
 
Xuân Nhâm Thìn

“Ruộng lúa, bờ hoa”
hay là mô hình “công nghệ sinh thái” để bảo vệ cây trồng
 
TS. Nguyễn Văn Huỳnh
 
Mùa xuân hoa nở khắp nơi, từ trước nhà ngoài ngõ cho đến cuối vườn. Hoa nào cũng đẹp, cũng thơm để thu hút côn trùng nhằm giúp cho hoa thu phấn để cây duy trì nòi giống, bất kể đó là hoa cúc hoa hồng trồng để chơi hay hoa xoài hoa mận để cho trái sau nhà.
Trong số những loài côn trùng bị hoa quyến rũ thì bướm chỉ đến để hút mật dùng riêng cho cá nhân mình, nhưng ong thì vừa hút mật lại lấy cả phấn hoa để đem về tổ dự trữ mà nuôi cả đàn trong tổ. Cho nên so với con bướm có vẽ chỉ biết khoe sắc rong chơi thì con ong lại rất cần mẫn, âm thầm như người mẹ chắt chiu từng hạt phấn giọt mật cho đàn con mau lớn để trưởng thành.
            Có rất nhiều loài ong đi lấy mật và phấn hoa. Điển hình nhất là loài Apis melifera (ong mật) mà người ta nuôi để lấy mật tự bao đời nay. Khi ong đi lấy mật trở về thì hai chân sau của chúng có mang hai cục phấn hoa màu vàng, và khi ong chui vào tổ thì người ta đã để sắn một miếng gạt cho hai cục phấn bị rớt lại bên ngoài và cướp đi phần công lao động của chúng!
Cũng may là tôi chỉ thích uống mật ong chớ không tự nuôi ong (!). Chỉ có bây giờ thì tôi đang theo đuổi chương trình trồng hoa trên bờ ruộng để quyến rũ các loài ong tới, chẳng những để thụ phấn cho cây lúa mà còn nhờ chúng đi vào trong ruộng để bắt sâu rầy, bảo vệ mùa màng của nông dân. Vì không phải chỉ có loài ong đi lấy mật, mà còn nhiều loài ong khác cũng ăn mật và phấn hoa nhưng con của chúng thì lại ăn thịt hay ký sinh trên các loài côn trùng khác. Do đó chúng thật sự là người bạn của nông dân khi chúng ăn sâu rầy trên đồng ruộng để bảo vệ cây trồng, nên có tên thường gọi là thiên địch (natural enemies), giống như chúng do trời sai xuống để giúp con người. Nông dân của chúng ta trước giờ chỉ biết cụ thể rằng “con cóc là cậu ông trời” hay ông bà thường răn dạy “ai mà bắt chim én sẽ bị giảm thọ”, chớ ít khi thấy được các loài ong rất nhỏ ký sinh sâu rầy, do đó còn dựa dẫm nhiều vào thuốc trừ sâu nên hay gây ô nhiễm môi trường và làm mất cân bằng sinh thái. (Hình 1)
 


 
Chúng tôi mở lớp tập huấn cho nông dân rồi áp dụng công nghệ sinh thái (ecological engineering) để kiến thiết lại đồng ruộng cho phù hợp và khuyến khích nông dân trồng hoa trên bờ để thu hút thiên địch, như một các “kích hoạt” thêm vai trò của chứng nhằm có thẻ giảm được việc sử dụng thuốc trừ sâu. Do đó hoa phải chọn loại nào vừa có nhiều mật và phấn hoa, màu sắc sặc sở, có thể nở hoa quanh năm, vừa dễ trồng và ít phải chăm sóc, có thể bị dẫm đạp trong lúc đi làm đồng mà vẫn không chết. Chúng tôi gọi đó là cỏ hoa như sài đất (Wedelia chinensis), xuyến chi (Bidens pioisa), cỏ cứt heo (Agelatum coryzoides), sao nhái…, đồng thời có thể bỗ sung thêm rau màu như đậu bắp, mè, đậu xanh để tăng thu nhập, hoặc hoa cúc, vạn thọ, hướng dương trong những ngày rằm hay sắp Tết (Hình 2).
 


 
Hai mô hình đầu tiên đã được thực hiện tại huyện Cái Bè và Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang trong vụ Đông-Xuân 2008-2009. Đây là khu vực thâm canh lúa nên rất dễ cho rầy nâu bộc phát mật số và gây hại, nhưng đồng thời người dân cũng rất nhạy bén với việc tiếp thu kỹ thuật mới để thử nghiệm trên đồng ruộng của mình. Mỗi mô hình có diện tích khoảng 30 ha, của một cộng đồng khoảng 30-40 nông hộ, áp dụng biện pháp gieo sạ đồng loạt theo nguyên tắc “né rầy” và “3 giảm” như sạ thưa, giảm bón phân đạm đầu vụ và không sử dụng thuốc trừ sâu sớm. Hoa được nhân giống trước trên bờ mẫu rồi chờ khi nước rút mới đưa xuống cả bờ cơm nếp trong nội đồng khi nước rút và bắt đầu gieo sạ. Cho nên khi lúa vừa lên non thì hoa cũng bắt đầu nở trên bờ để thu hút thiên địch (Hình 3).
 


 
Người dân cùng đi thăm đồng và hội ý với nhau nên đã không áp dụng thuốc trừ sâu trong suốt vụ mà lúa vẫn trúng mùa, năng suất trên 6 tấn/ha. Tổng kết bằng “Hội nghị đầu bờ” đã làm cho nhiều nông dân từ các nơi đến tham phải ngạc nhiên khi không có phun thuốc từ sâu lần nào mà không có rầy nâu hay sâu cuốn lá nên lúa vẫn trúng mùa. Và rồi mọi người cùng ngộ ra khi vào hội trường xem chúng tôi chiếu hình các loài ong rất nhỏ ký sinh và ăn hết trứng rầy ngay trong bẹ lá dưới gốc cây lúa (Hình 4).
 


 
Đoàn khách quốc tế đến tham quan, gồm các nhà khoa học của các nước trồng lúa trong vùng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Mã Lai, Philippines do Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế chủ trì, đã bất ngờ hưởng được một tua du lịch sinh thái đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long khi họ rời xe buýt từ thành phố Hồ Chí Minh để xuống đò đi trên kinh chính, rồi vào kinh phụ và đổ bộ lên đồng lúa thẳng cánh cò bay để tham quan mô hình. Họ lại ngạc nhiên và thán phục tại sao ta có thể cùng tập thể nông dân thực hiện được mô hình cho cả một cộng đồng mà ở nước họ rất khó thuyết phục nông dân để cùng làm.
Hiện nay Trung Quốc đã bắt đầu “scale up” lên bằng trồng mè và đậu nành trên bờ ruộng trong vụ mùa, và Thái Lan vừa được Bộ Nông Nghiệp khởi động bằng tổ chức một “Launching Day” để triển khai mô hình công nghệ sinh thái này cho vùng đất thâm canh tăng vụ lúa để chống lại nạn rầy nâu đang hoành hành. Nên lưu ý là thuốc trừ sâu đang được sử dụng rộng rải ở đây và được bày bán ngay trong các tiệm tạp hóa chung với các loại nước uống (dù sao thì chúng ta cũng còn đỡ hơn nhiều khi có các đại lý riêng để bán)!
Ngay trong năm 2009 thì tỉnh Tiền Giang đã phát động phong trào nhân nhanh mô hình “Công nghệ sinh thái” lên cho nhiều huyện thị khác, rồi năm 2010 thì tỉnh An Giang mở đợt tuyên truyền thực hiện “Ruộng lúa, bờ hoa cho ba lợi ích” ở khắp các huyện. An Giang cũng đem mô hình này sang giúp tỉnh Takeo kết nghĩa trong việc phát động thâm canh lúa và được nước bạn rất hoan nghênh. Thành phố Cần Thơ đang đưa mô hình này vào áp dụng ở đồng ruộng ngoại thành để kết hợp với du lịch sinh thái: du khách thường đi xuồng trên sông hay đạp xem trên bờ sẽ không còn sợ mùi thuốc trừ sâu, mà hơn nữa còn được thưởng tức màu sắc và hương hoa đồng cỏ nội.
Kết quả điều tra lao động ở nông thôn cho thấy hiện nay lao động chính tuổi dưới 40 ngày càng ít đi nên phụ nữ phải đảm nhiệm cả công việc đồng áng. Bà xã tôi làm công tác phụ nữ xóa đói giảm nghèo nói rằng điều này cũng tốt thôi vì các chị biết tiết kiệm chi tiêu cho ngân sách gia đình hơn là các ông(!). Còn tôi nay cũng có bụng mừng vì các chị có ấn tượng rất tốt với phong trào trồng hoa trên đồng ruộng này, nên đây là cơ hội tốt để các chị tích cực tham gia làm đẹp quê hương mình.
…Cho nên mai này hy vọng rằng, thay vì “có ông vua một chiều ra ngồi bên bờ sông thấy hai con cua đối xử với nhau không tốt mà buồn lây cho thế thái nhân tình…” như trong chuyện kể của một bài ca vọng cổ, thì nông dân bây giờ sáng hay chiều ra ngồi bên bờ ruộng của mình, thay vì phải nín mũi để khỏi phải nghe mùi thuốc trừ sâu, thì sẽ thấy có hoa nở bốn mùa mà vui vì đồng ruộng được kiến thiết cho thân thiện với môi trường.
 


Địa điểm của mô hình
 
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 860105 visitors (2230538 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free