TRUNG HỌC NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
  Đại học Hamburger
 
Lên mạng ngày 14/4/2010

Đại Học Hamburger
 
                                    Nguyễn thượng Chánh, DVM
 
 
Nói đến McDo thì ai mà lại không biết. Nó là biểu tượng của ngành thức ăn nhanh hay fast food, là gương sáng thành công theo kiểu tư bản Hoa Kỳ và cũng là hình ảnh của một lối sống thời đại.
 
McDo có mặt hầu như tại khắp mọi nơi trên thế giới.
 
Nhà hàng McDo đầu tiên ở đâu?  
 
            Nhà hàng đầu tiên được Ray Kroc mở ra tại Des Plaines, tiểu bang Illinois vào năm 1955. Hình như cái hamburger thuở đó rất đơn giản và giá bán chỉ có 15 cents một cái mà thôi.
 
            Ngày nay, trên thế giới có trên 33.000 nhà hàng McDo đang hoạt động tại 119 quốc gia và mỗi ngày phục vụ cho trên 47 triệu lược khách hàng. Trên 1,5 triệu người hiện làm việc cho McDo.
 
           Tại Hoa Kỳ, có đến 13.700 nhà hàng McDo mà phần lớn thuộc loại nhượng quyền thương mại hay franchise …Thương vụ McDo thu được năm 2004 là 19,1 tỷ US $. Hiện nay, có 2 nhà hàng McDo lớn nhất thế giới là McDo Moscova (Nga) và McDo ở Orlando Florida (Hoa Kỳ).
 
           Riêng Canada, có tất cả 1400 nhà hàng McDo. Đông khách nhất là McDo nằm ở Cambridge, Ontario, bên cạnh xa lộ tấp nập nhất xứ, đó là xa lộ 401. McDo còn theo phục vụ quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Trung Đông, Irak.
 
           Dọc theo các xa lộ chính tại Hoa Kỳ đôi khi có thể thấy những nhà hàng McDo nho nhỏ không có ghế ngồi, đó là những McDrive, Drive-In mà khách có thể ở trong xe order và nhận thức ăn ở cửa sổ. Một số nhà hàng McDo mở cửa 24/24 và khách hàng có thể ngồi trong xe mà mua rất tiện lợi và rất nhanh.
 
           McDo đang dự tính đem áp dụng cách phục vụ nầy tại các nhà hàng McDo bên Trung Quốc.
 
 
 
 
 
 
Hamburger University, chuyện có thật
 
          Trung tâm huấn luyện đầu tiên được thiết lập năm 1961 tại tầng hầm, nằm phía dưới tiệm McDO ở Elk Grove Village, Illinois. Với đà phát triển quá nhanh, trung tâm huấn luyện trên phải chịu cảnh dọn tới dọn lui vài ba lần, trước khi người ta xây một trung tâm huấn luyện thật tân kỳ và hiện đại trên một miếng đất 80 acres (320.000 tv). Riêng campus, trường sở chiếm hết 130.000 sq. ft (12.000 tv) gồm có 17 lớp học với đầy đủ trợ huấn cụ tân kỳ high tech, ngoài ra còn có một giảng đường rộng lớn có sức chứa được 300 người... Đó là Hamburger University, Fred L. Turner Training Center tọa lạc tại Oak Brook, Illinois Hoa Kỳ.
 
           Hamburger University là nơi huấn luyện các nhà quản lý (manager) và cấp điều hành của tất cả nhà hàng McDo trên thế giới. Trong tháng đầu tiên vừa mới khai trương nhà hàng McDo, người quản lý phải theo học một khóa tu nghiệp căn bản 32 giờ, và môn học bắt buộc là “The Basics of McDonald’s Operation”. Tại nơi đây, họ được học cách quản lý khoa học một cửa hàng McDo, đồng thời được truyền đạt các mánh khoé làm sao bán cho thật nhanh, bán cho thật nhiều, và nhất là không những phải vừa làm vui lòng khách đến, mà cũng còn phải làm vừa lòng khách đi nữa...
 
           Đại học có 30 giáo sư thường trực, giảng dạy cho sinh viên đến từ 119 quốc gia. Trong lúc giáo sư giảng trên bục thì các thông dịch viên có thể thông dịch cùng một lúc 28 thứ ngôn ngữ khác nhau. Mỗi năm có vào khoảng trên 5000 người được huấn luyện tại đây, và cho đến nay đã có trên 73.000 chứng chỉ tốt nghiệp đã được cấp phát.
 
           Có người nói là Hamburger University huấn luyện được nhiều sinh viên trong một năm, hơn cả quân đội Hoa Kỳ... Vì nhu cầu huấn luyện quá to tát nên McDo phải cho thiết lập thêm 22 chi nhánh huấn luyện nằm rải rác trên đất nước Hoa Kỳ.
 
           Ngoài ra, McDonald’s còn có trách nhiệm điều hành 6 trung tâm huấn luyện quốc tế khác bao gồm cả Hamburger University ở Luân đôn (Anh), Munich (Đức), Hongkong, São Paulo (Brazil), Tokyo (Nhật) và Sydney (Úc).
 
Core innovation Center
 
           Đây là một trung tâm nghiên cứu có vẻ bí mật của McDonald’s, nằm ở Romeoville, cách Chicago lối 45 phút xe. Không thấy có hình cầu vòng hoàng kim biểu tượng cho McDo, cũng như không có những bảng hiệu chỉ dẫn gì hết.
 
           Tại đây, người ta cho thiết lập lại các bếp mẫu của các nhà hàng McDo trên thế giới, sau đó họ nghiên cứu các phương thức nào hữu hiệu và có lợi nhất để phục vụ khách hàng trong một thời gian thật ngắn nhất.
         
          Thí dụ như các trường hợp bán theo lối Drive –Thru, khách ngồi trong xe order, đặc biệt như bên Anh quốc, tài xế ngồi phiá bên tay phải thì làm sao đây? Phải thiết kế sơ đồ nhà bếp lại hết sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Mỗi một sự thay đổi đều rất tốn kém. Tất cả động tác của người bán đều được nghiên cứu từng li từng tí và được tính giờ từng giây từng phút. Lẽ dĩ nhiên, McDo còn nghiên cứu thêm nhiều khía cạnh khác nữa, nhưng họ ít chịu công khai tiết lộ …
 
McDo có giống nhau ở khắp mọi nơi không?
 
           Người ta thường nghĩ rằng, hễ là McDo thì ở đâu cũng giống nhau hết!
 
Điều này không hẳn hoàn toàn đúng.
 
Nhà hàng ở Ấn độ không có sử dụng thịt bò, chỉ có món Coke là giống các McDo bên Hoa Kỳ mà thôi.
 
Bên Úc, bánh mì của Big Mac có vẻ mềm hơn, có lẽ do cách pha trộn bột như thế nào đó…
 
Một số quốc gia Á châu thì đòi hỏi một lượng củ hành y như nhau ở món hamburger regular cũng như ở món quarter pound.
 
Các loại sauce sử dụng cũng thay đổi ít nhiều tùy theo từng quốc gia. Thí dụ dầu trộn salade ở Bắc Mỹ có vẻ sệt và béo hơn, còn dầu ở Âu châu thì có khuynh hướng nhẹ hơn.
 
Món lạ tên cũng lạ
 
            McDonald’s thành công vẻ vang nhờ vào óc thực tế, sáng tạo (innovation) cũng như sự linh hoạt, biết thích ứng vào khung cảnh xã hội và của từng quốc gia riêng biệt.
 
           Món chủ lực chính của McDo là bánh mì hamburger ăn với khoai Tây chiên (French fries) kèm theo Coke. Để đáp ứng với nhu cầu của thị trường ăn uống, McDo ngày nay đã thêm vào menu nhiều món mới lạ, làm từ cá, thịt gà, gan, thịt cừu, McRib, và họ còn chơi luôn cả món pizza nữa…
 
          Đầu tháng 8 năm 2006, McDo cho tung ra món Snack wrap, gồm có thịt gà, salade, sauce, và tất cả được cuốn lại trong một loại bánh mềm tortilla. Theo quảng cáo, thì đây là một món ăn nhanh, rất tiện và rất bổ. Giá bán chỉ có 1,29$ mà thôi.
 
        Sắc thái Nam Mỹ và Mể Tây Cơ cũng có thể thấy biểu hiện trong một số menu của McDo nữa, chẳng hạn như món fajista, v.v…
 
Người viết cũng ước mong một ngày nào đó biết đâu, McDo chẳng tung ra món Mc ChaGio, Mc GoiCuôn, McBiCuôn cho dân Việt Nam mình thêm hãnh diện!
 
        Món Vegi Mac (Hamburger chay) làm từ tàu hũ và đậu nành cũng đã được tung ra nhưng kết quả không mấy thành công cho lắm.
 
Gần đây, McDo còn nghĩ thêm cách làm giàu khác. Đó là việc họ nâng cấp café lên và mở thêm tiệm McCafé nằm chung một nơi với nhà hàng McDo. Loại nhà hàng nầy được thấy xuất hiện tại một vài thành phố lớn trên thế giới. McCafé chuyên trị cà phê bánh ngọt kiểu như các tiệm Starbucks Coffee.
 
Hướng đi mới mẻ nầy đã giúp thưong vụ McDo tăng vọt thấy rõ trong năm 2007, trong khi đó thì Starbucks Coffee phải khốn đốn, trên đà tuột dốc bởi rất nhiều lý do như về thị trường và về cạnh tranh nên phải cố gắng tìm biện pháp chỉnh đốn cách quản lý cũng như lề lối làm ăn của họ lại.
 
        Sau đây là nét đặc thù của McDo tại một vài xứ:
 
*-Tại Uruguay: McHuevo, là một loại hamburger có thêm trứng gà ở bên trên.
            *-Tại Philippines: McSpaghetti, sauce có trộn chung với các miếng hot dog nho
                nhỏ.
*-ThaiLan: Samurai Pork Burger, làm bằng thịt heo có sauce Teriyaki.
*-Ấn độ: Maharaja Mac, làm bằng thịt cừu.
*-Nga: Big Mak.
*-Norvegia: Mac Laks,làm bằng cá salmon.
 
Giá cả ra sao?(theotài liệu của Asian Labour Update, McDonald’s country comparison)
 
-          Australia: Big Mac  A3.00 - US$1.58 (lương của Staff US$5.60 per hour)
 
-          China: Big MacYuan 9.90 - US$1.19 (sale staff US$0.30 per hour)
 
-          Hong Kong: Big Mac HK10.20 – US$1.30 (cleaner HK15.00 - US$1.92)
                                                                                                  
-          India: McChicken burger Irs48 – US$0.98 (minimum wage Irs 5.60-US$0.11/hour)  
                                                                 
-          Malaysia: Big Mac M4.30 - US$1.13 (cleaner MRs3.00- US$0.78/hour)
                                                                                         
-          New Zeland: Big Mac NZ3.95 - US$1.72 (worker NZ8.30 - US$3.61/hour)
                                                                                           
-          Pakistan: Big Mac PR185 - US$3.08 (cleaner PR13 - US$0.22/hour)
 
     -    Philippines: Big Mac P65 - US$1.27 (staff P28 - US$0.54/hour)
     -    South Corea: Big Mac Won3.100 - US$3.19 (staff Won 2.100/hour) 
 
-          Sri Lanka: Big Mac SRs265 (worker SRs45/hour).
 
-          ThaiLand: Big Mac B55 - US$1.26 (minimum wage B20 - US0$46)
 
-          USA: Big Mac US$ 3.57
Five most expensive (as of 4 February 2009)[4]
  1. Norway - USD 5.79
  2. Switzerland - USD 5.60
  3. Denmark - USD 5.07
  4. Sweden - USD 4.58
  5. France - USD 4.25
 
 
Quảng cáo cũng rất dữ dội
 
            Nhằm mục đích quảng cáo, McDo nghĩ ra những câu rất độc đáo dễ gây ấn tượng như :
   -1957: Quality, Service, Cleanliness and Value (Q.S.C. & V.)
   -1961: Look for the Golden Arche
   -1962: Go for the goodness at McDonald’s
   -1965: McDonald’s, where quality starts fresh every day
   -1966: McDonald’s – the closest thing to home
   -1967: McDonald’s is your kind of place
   -1971: You deserve a break today - so get up and get away to McDonald’s
   -1972: Two all beef patties special sauce lettuce cheese pickles onions on a seed bun
   -1975: We do it all for you
   -1976: You, You’re the one
   -1979: Nobody can do it like McDonald’s can
   -1981: You deserve a break today
   -1984: It’s a good time for the great taste of McDonald’s
   -1990: Food, Folks and Fun
   -1992: What you want is what you get
   -1995: Have you had your break today
   -1997: My McDonald’s and did somebody say McDonald’s?
   -2000: We love to see you smile
   -2003: I’m lovin’it, C’est ça que j’m (Canada)và 
              C’est tout ce que j’aime (Pháp).
 
 
 
Những món tiêu biểu
 
  *1970: The Quarter pounder
 *1971: The egg McMuffin
 *1985: The McDLT
 *1996: The Arch Deluxe, McLean Deluxe
 *2000: Chicken Mc Grill, Crispy Chicken Sandwiches
 *2001: Premium salads and McGriddles (breakfast pancake sandwich)
 * 2006: Snack Wrap
 *2007:New Angus Third Pounders (Angus Deluxe, Angus Bacon & Cheese,Angus
            Mushroom & Swiss)
 
Càng to càng hấp dẫn hơn
 
         Nhằm mục đích khuyến mãi, năm 1994 McDonald’s có sáng kiến tung ra những món hàng rất to, khối lượng quá khổ (supersize) hơn bình thường nhưng giá cả thì chỉ có tăng thêm lên chút đỉnh mà thôi.
 
        Với các món supersize nầy, họ đánh trúng vào tâm lý của người tiêu thụ, ham rẻ nên mua nhiều hơn nữa. Hậu quả tai hại là sau 10 năm của chiến dịch supersize nầy, đã làm nẩy sinh ra là bao nhiêu vấn đề rắc rối về sức khỏe cho hằng triệu người, nhất là đối với giới trẻ tại Hoa Kỳ...
 
        Tình trạng béo phì, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường type II là vấn đề đã làm Hoa Kỳ tốn hao rất nhiều tiền của để giải quyết. Mỗi năm, tình trạng béo phì đã giết hại lối 400.000 người Mỹ và nó là nguyên nhân tử vong đứng sau thuốc lá.
 
        McDo cũng đã từng bị dân chúng lôi ra toà và bị quy cho trách nhiệm gây nên tình trạng dư cân và béo phì tại Hoa Kỳ, nhưng rồi chuyện cũng đâu vào đó mà thôi!
 
        McDonald’s rất có thế lực nên Hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua dự luật Cheeseburger (với 236 phiếu thuận và 139 phiếu chống), miễn trách nhiệm cho kỹ nghệ Fast food về vấn đề dư cân và béo phì trong dân chúng!
 
        Để tô điểm lại phần nào hình ảnh quá tiêu cực của mình, McDo đã quyết định dẹp bỏ menu supersize, và thiên về sáng kiến mới như tung ra những món có vẻ “hiền lành” cho sức khỏe hơn, đồng thời khuếch trương thêm mấy món salade và yogurt với câu quảng cáo rất ư là hấp dẫn như “Eat Smart, Go Active’’.
 
 
Độc quyền của McDo, cấm bắt chước!
 
        McDo đã sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm và công trình với tên hiệu độc quyền (trademarks) như: Always fun, Arche Deluxe, Big Mac, Big N’Tasty, McGrill, DonatoPizza, Changing the Face of the World, Chicken McGrill, Chicken McNugget,
Cuarto De Libra, Did Somebody Say, Egg McMuffin, Extra Value Me, Golden Arches Logo, Good Time, Great Taste, Great Breaks, Hamburger University, Happy Meal, Have You Had Your Break Today, KiwiBurger, McBaby, McBacon, McBurger, McDia Feliz, McFlurry, McDonald’s Express, Quarter Pounder, McMenu, Ronald McDonald and Design, Ronald McDonald House, McDouble, Super Size, Terriyaki McBurger, Vegi Mac, World Chidren’s Day Logo, We Love to See You Smile, World Famous Fries, You Deserve a Break Today, v.v…
 
Chuyện bên lề
 
Nói nhỏ với các bạn sống tại Quebec. Vài năm trước lúc còn đi làm, tác giả cũng thường được cấp chỉ huy ACIA (Agence Canadienne d’Inspection des Aliments) điều động đến khám thịt tại lò sát sinh (nói theo danh từ bên nhà là Lò Mỗ) chuyên làm bò cái phế thải vaches de réforme, cull cows (bò già, bò cái không đẻ đái, không còn sức khỏe...). Đó là nhà máy Colbex ở St Cyrille de Wendover, không mấy xa Tp Drummondville, cách Montreal trên 100km về phía Đông.
 Mỗi ngày giết lối 500 con. Các quầy thịt sau đó đều được chuyển hết về nhà máy biến chế Levinoff tại Montreal để xay ra thành thịt hamburger và cung cấp cho Cty Mc Do.
Lẽ đương nhiên là phẩm chất của thịt bò phế thải không thể nào sánh bằng thịt bò mà các bạn thường mua về để chiên steak được.
 Big Mc là thế đó. Thấy vậy mà không phải vậy!
 
 
Kết luận
 
         Người ta thường hay nói, tại Hoa Kỳ hễ có 10 người đi làm thì phải có một người đã từng bán McDo ở một lúc nào đó trong cuộc đời. McDo vươn lên như diều gặp gió, tuy vậy với biến cố bệnh bò điên bên Âu châu cũng đã làm cho McDo khốn đốn một thời gian...
 
         Sự thành công vượt bực của McDo cũng khiến cho nhiều kẻ ganh tị ghen ghét. Họ tìm cách đả phá với đủ mọi lý do như McDo là tượng trưng của sự bành trướng văn hóa Mỹ, là thực phẩm gây hại cho sức khỏe mà người Pháp gọi là malbouffe!
 
        Tại một vài quốc gia bên trời Âu, để chống lại chính sách của Hoa Kỳ thì người ta thường kéo nhau đi đập phá mấy tiệm McDo cho bỏ ghét. McDo bị tiếng xấu là lợi dụng, bóc lột tầng lớp lao động trẻ tuổi, trả lương rẻ mạt mà bắt họ làm hụt hơi, bởi vậy người ta mới chế ngạo và chế ra danh từ không mấy vẻ vang cho lắm, đó là McJob…Những điều thiên hạ tố cáo chắc cũng đúng phần nào đó. Mà nghĩ cho cùng, hỏng lẽ trên thế giới chỉ có một mình McDo là bóc lột hay sao?
 
         McDo cũng kỵ ba cái vụ thành lập nghiệp đoàn, hễ nơi nào công nhân rục rịch muốn thành lập nghiệp đoàn, thì McDo tìm cách ngăn cản, hăm he đóng cửa nhà hàng, và họ cũng đã làm thật tại một vài nơi rồi như tại Quebec chẳng hạn... Bọn bây mà có lộn xộn đòi hỏi quyền lợi nầy nọ thì tụi tao đóng cửa dẹp tiệm coi ai chết thì biết. Có phải nhờ vậy mà McDo đã trở nên giàu mạnh chăng?
        
         Mặt trái của Fast Food nói chung và McDo nói riêng, cũng bị phơi bày một cách đáng sợ cho công chúng Mỹ biết bởi tác phẩm Fast Food Nation: The Dark Side of the All- American Meal của phóng viên Eric Schlosser... Đạo diễn Morgan Spurlock còn bửa thêm một búa nữa qua phim SuperSize Me để cảnh giác mối nguy hại cho sức khỏe bởi các mặt hàng McDo... Nhưng, McDo vẫn không bị hạ đo ván.
 
         Để có chỗ đứng vẻ vang như ngày hôm nay, McDo cũng phải chiụ lắm sự bầm dập gian truân. McDo đã từng bị tổ chức Green Peace lôi ra tòa bên Anh về đủ thứ tội danh (vụ án McLibel) như hành hạ súc vật, bóc lột sức lao động của giới trẻ, ngăn cản việc thành lập nghiệp đoàn, v.v…Sau vụ nầy hình ảnh McDo cũng bị hoen ố phần nào.
 
         Đúng với câu “càng cao danh vọng càng nhiều gian nan”!
 
         McDo là tượng trưng cho Mỹ quốc, là thí dụ của toàn cầu hóa văn hóa ẩm thực. Hiện tượng toàn cầu hóa đã đưa McDo đến khắp các miền của thế giới, và có mặt trên khắp cả sáu lục địa...
 
        Mặt trái của fast food đã bị các nhà dinh dưỡng kết tội là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch.
Sống như Mẽo thì  phải chết y như người  Mỹ . Ăn fast food thường xuyên và toàn là phần khổng lồ supersize theo kiểu Mỹ, thì phải chết như Mẽo (béo phì và bệnh tim mạch, tiểu đường type II).
 
Chẳng có gì lạ cả. Đây là sự thật hiển nhiên rồi.
 
         Tuy thù ghét Mỹ vì họ quá giỏi, quá giàu, nhưng ngày nay cũng có cả khối người mơ tưởng thiên đàng Mỹ quốc, chạy theo Mỹ, đua đòi, bắt chước theo lối sống của Mỹ, thậm chí kể cả các xứ mà trước kia đã xem đế quốc Mỹ như là biểu tượng của tư bản bóc lột và là kẻ thù không đội Trời chung dân tộc mình.
 
        Ôi chẳng qua cũng vì sức mạnh của đồng tiền mà thôi!
 
        Phải chăng toàn cầu hóa globalization fast food đồng thời cũng là…toàn cầu hóa bệnh tật?  
       
        Nhưng dù muốn dù không, dù thương dù ghét thì mọi người cũng đều phải nhìn nhận rằng McDo vẫn rất xứng đáng với ngôi vị chúa tể về lãnh vực fast food  trên toàn cả thế giới./.
 
 
Tham khảo:
 
-          McDonald’s du Canada
 
-          Hamburger University
 
-          Nguyễn thượng Chánh. Fast Food hay Fat Food. Yduocngaynay.com
 
 
Montreal, April 10, 2010

Trở lại Trang KH&TH
 
  Số lượt bạn đọc kể từ 01/9/2009 792062 visitors (2092776 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free